Lifestyle / Bí quyết sống

Trong vòng lặp quá tải tri thức

Biết cách nhớ để không còn cần nhớ, học hiệu quả để sẵn sàng quên đi điều mình đã học... đó không phải là việc dễ dàng.

thông tin bổ ích dành cho người đọc

Hãy tưởng tượng, bạn đang đứng trước một quầy buffet tự chọn. Hàng trăm món ăn đa dạng đã được phân loại rõ ràng. Quầy buffet bao giờ cũng đẹp mắt và kích thích vị giác, nhưng hệ thống có trật tự chặt chẽ này lại không giúp thực khách giải quyết được câu hỏi chủ chốt: họ nên ăn bao nhiêu là đủ? Trải nghiệm sau một bữa ăn buffet, vì thế, thường được mô tả bằng hai tính từ: no và ngán. Trong một số trường hợp, việc ăn đẫy bụng còn gây ra tình trạng khó tiêu, đầy hơi và trào ngược dạ dày.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra trong thế giới thông tin phong phú và hấp dẫn như những quầy buffet di động. Không chỉ vậy, quầy buffet này còn liên tục đổi món hằng ngày, lại rất dễ tiếp cận. Mỗi sáng, khi bạn mở mắt ra, nếu hành động tiếp theo là với tay tìm chiếc điện thoại thông minh, quầy buffet này sẽ được đưa tới tận giường. Thu nạp thông tin với tần suất dày và mật độ cao có thể tác động lên tâm trí theo cùng cách thực phẩm tác động lên hệ tiêu hóa. Khi “ăn” quá nhiều, chúng ta cũng có thể bị “trào ngược” vì quá tải.

thông tin bão hòa

Một bể thông tin bất tận

Trước thời Internet bùng nổ, vào năm 1970, nhà Tương lai học Alvin Toffler đã nhìn thấy được viễn cảnh con người bị nhấn chìm trong ma trận thông tin. Khái niệm quá tải thông tin (information overload) trở nên phổ biến nhờ được ông phân tích trong tác phẩm Cú Sốc Tương Lai (Future Shock). Những gì xảy ra trong các thập niên tiếp theo đã khẳng định tầm nhìn của Alvin Toffler. Ngày nay, quá tải thông tin không còn là một dự đoán mà đã và đang là vấn đề nan giải với xã hội hiện đại.

Nhìn chung, quá tải thông tin được hiểu là trạng thái con người bị choáng ngợp, thậm chí tê liệt bởi lượng dữ liệu cần tiếp nhận và xử lý từ môi trường sống. Tình trạng “cháy máy” không chỉ xảy ra khi chúng ta phải lập tức thu nạp lượng thông tin quá lớn, mà còn cả khi thông tin đến từ nhiều nguồn khác nhau và thuộc các phân loại khác nhau.

Trong quá khứ, đa số các cách cập nhật thông tin của con người đều đòi hỏi nhiều thời gian và công sức: Từ truyền miệng đơn lẻ đến chữ viết, sách vở, thư từ và sau đó là ti vi, báo giấy. Thời đại Internet, với sự phát triển thần tốc của hàng loạt công cụ truyền thông đơn giản và tiện lợi, là giai đoạn con người tiếp nhận dữ liệu nhiều nhất trong lịch sử. Và chúng ta đang ở giữa kỷ nguyên dữ liệu lớn (big data). Ngày nay, hầu như ai cũng có cơ hội và điều kiện tiếp cận lượng thông tin qua Internet ngang nhau, vì vậy, mỗi người đều vô tình hoặc cố ý trở thành kênh thông tin tổng hợp. Lúc này, nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO) bắt đầu dấy lên. Chậm hơn đám đông một chút, bạn liền trở thành người “tối cổ” và tụt hậu. Tập tính xã hội của loài người không chấp nhận tình trạng ấy.

Tất nhiên, công nghệ thông tin phát triển đã mang lại nhiều lợi ích to lớn và thiết thực cho loài người. Nhưng, mặt tối của câu chuyện chính là sự suy giảm thấy rõ về cả thể chất lẫn tinh thần. Đó chính là “cú sốc tương lai” mà Alvin Toffler đã đề cập. Khi phải tiếp nhận và xử lý quá nhiều thông tin, chúng ta không chỉ đơn giản là bị nhức đầu hay “trào ngược”. Bể thông tin mịt mùng có thể làm mờ đi khả năng phán đoán thông tin hữu ích và thông tin rác, khiến ta gặp khó khăn khi cần ra quyết định. Vô vàn dòng thông tin đổi mới liên tục là một kích thích mạnh và không hồi kết với tâm trí con người. Việc lướt mạng xã hội gây nghiện vì thuật toán nội dung thông minh có thể kích thích não bộ giải phóng dopamine – hormone tạo cảm giác khoan khoái như khi ta được tặng thưởng. Nhưng đây không phải cơ chế thưởng lành mạnh, dùng quá liều sẽ bị lờn. Thu nạp lượng lớn thông tin một cách vô thức và thiếu định hướng, về lâu dài có thể khiến ta trơ lì cảm xúc, bị thôi thúc tìm kiếm những kích thích mạnh hơn. Một vòng lặp bất tận xuất hiện.

thông tin bội thực mạng xã hội

quá tải thông tin & quá tải tri thức

Nếu quá tải thông tin đã là thách thức lớn, quá tải tri thức còn là thách thức lớn gấp đôi. Đã bao giờ bạn rơi vào tình huống cần tìm một câu trả lời trên Google, rồi lại tình cờ thấy những mẩu thông tin thú vị liên quan. Từ một tới mười, từ mười tới trăm, cứ như thế, đến khi bạn sực tỉnh thì nửa ngày đã trôi qua. Câu trả lời ban đầu vẫn chưa toàn diện, bây giờ bạn có thêm một trăm câu hỏi khác cần được giải đáp. Hành trình học hỏi mở rộng này trông có vẻ vui, nhưng nếu xét về tính hiệu quả thì lại là một thất bại.

James Gleick, một tác giả lớn từng nhận định trong sách The Information: A History, a Theory, a Flood rằng: “Thông tin chưa hẳn là tri thức, tri thức chưa hẳn là trí tuệ”. Sơ đồ thông tin chằng chịt trên mạng Internet có thể lôi cuốn ta sa đà vào việc dung nạp kiến thức phân mảnh hoặc sai lệch, gây mất tập trung. Nếu không tự tinh lọc, kiểm duyệt và chiêm nghiệm thông tin hiệu quả, rất có nguy cơ ta sẽ thành một cỗ máy “biết tuốt” mà không thật sự hiểu điều gì. Kể cả khi đã làm rất tốt bước tiếp nhận ấy, ta vẫn phải đối mặt với nguy cơ sâu hơn là không quản lý được lượng kiến thức đã tích lũy. Thông tin trước chồng lên thông tin sau, não bộ chưa kịp sắp xếp dữ liệu có sẵn lại phải đón thêm dữ liệu khác. Dần dà, cảm giác này sẽ ngày một rõ: mình đã học rất nhiều mà không dùng được bao nhiêu, không thể lấy ra kiến thức cần thiết từ bộ nhớ, không ứng dụng được vốn kinh nghiệm vào thực tiễn, não bộ là một đống hỗn độn.

Nhưng trên thực tế, não bộ không được cấu thành để xử lý thông tin với mật độ dày và tần suất cao như vậy. Trong ngôn ngữ ngành khoa học thần kinh và tâm lý học, quá tải thông tin được gọi là quá tải nhận thức (cognitive overload). Theo nhà Tâm lý học Giáo dục John Sweller, thông thường, não người chỉ tiếp nhận và xử lý được 5-9 thông tin khác nhau cùng lúc. Vì thế, các phương pháp dạy và học nên tránh gây quá tải bộ nhớ có dung lượng hạn chế này bằng thông tin không/chưa cần thiết.

Phát hiện trên không chỉ hữu ích cho riêng ngành giáo dục, bởi lẽ việc thu nhận tri thức luôn diễn ra mọi lúc, mọi nơi và với mọi người. Lấy cốt lõi là thấu hiểu và nâng niu chính bộ não của mình, ta có thể suy ra các giải pháp khác để khắc phục tình trạng quá tải thông tin – quá tải nhận thức.

Trước hết, tiếp nhận tri thức chủ động và có chọn lọc là điều kiện tiên quyết. Nếu bạn vẫn chưa có thói quen nhấn theo dõi và hủy theo dõi các kênh thông tin định kỳ, giờ là lúc phù hợp để bắt đầu. Mỗi thông tin lướt qua đôi mắt hay đôi tai bạn đều sẽ được đưa vào sensory memory (ký ức giác quan) và chìm dần vào tiềm thức, dù bạn có nhận ra hay không. Giữ môi trường thông tin quanh mình trong lành và có lợi cho sự phát triển cá nhân cũng là một cách bảo vệ tâm trí.

thông tin tri thức cần thiết

Giải pháp thứ hai là tận dụng những ưu thế vốn là món quà của thời đại kỹ thuật số. Trong vài năm gần đây, các ứng dụng quản trị tri thức cá nhân đang ngày càng phổ biến và được công nhận trên quy mô toàn cầu. Nổi bật trong số ấy có thể kể đến Notion, Evernote, ClickUp, Scribe, Document 360… và một tân binh có bệ đỡ lý thuyết rất vững chắc – Obsidian. Obsidian được tạo ra dựa trên lý thuyết nổi tiếng về tổ chức và ghi chú của nhà Triết học Zettelkasten, kết hợp với lý thuyết bộ não thứ hai (second brain) của Chuyên gia về Năng suất Tiago Forte. Nếu bộ não vật lý của bạn chỉ có khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin giới hạn, tại sao không sáng tạo một “bộ não thứ hai” trong không gian ảo để trợ lực? Một góc nhìn thú vị và có căn cứ khoa học sẽ giúp bạn được truyền cảm hứng tìm ra giải pháp quản trị tri thức cá nhân phù hợp với riêng mình.

Cuối cùng, nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO) có thể đã ngầm thúc giục bạn nạp thông tin đến mức dư thừa. Vậy thì trong một ngày bất kỳ, ngay khi bạn có cơ hội, hãy thử chọn lối sống vui khi bị bỏ lỡ (JOMO). Giả sử bạn không kịp nghe tin tức mới nhất, hay không kết nối liên tục với người khác trong chỉ một ngày, liệu điều gì có thể xảy ra? Nếu đã kiểm chứng được rằng một ngày bỏ lỡ thông tin cũng chẳng hề chi, bạn có sẵn sàng nâng JOMO lên thành 3 ngày/tuần không? Trong những ngày ấy, bạn có thể ngồi lại với một bài viết duy nhất đã lưu lâu lắm rồi mà không có thời gian đọc, hay một bộ phim duy nhất đang bị bỏ dở nửa chừng… Dành sự tập trung và thời gian cần thiết cho chỉ một vài thông tin quan trọng, bạn sẽ nhận ra điều mình học được từ quá trình ấy có thể phong phú đến mức nào. Phong phú không kém gì việc học từ dòng chảy thông tin bất tận.

Chuyện chúng ta liên tục được trau dồi, cập nhật, hay đọc hàng ngàn cuốn sách có gì đáng kể? Chuyện chúng ta cảm thấy gì, nhận ra gì, hành động gì sau khi đọc sách mới là đáng kể”, Gabriel Zaid, So Many Books.

Nhóm thực hiện

Bài: Hải Âu

Ảnh: Tư liệu 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)