Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Giới thiệu sách hay] Ngôi thứ nhất số ít

Gồm 8 truyện ngắn là những hồi tưởng từ các ngôi kể thứ nhất số ít, Haruki Murakami đã mở một "cánh cửa" khác vào cõi đời mình.

CÁNH CỬA HIỆN THỰC

2023 có thể nói là một năm bận rộn của Murakami. Trong khi bộ phim hoạt họa Blind Willow, Sleeping Woman chuyển thể từ tập truyện ngắn cùng tên vừa được đạo diễn Pierre Földes ra mắt ở thị trường phương Tây thì tại Nhật Bản, tiểu thuyết mới nhất dài hơn 1.200 trang Machi to Sono Futashika na Kabe (Thành phố và những bức tường mơ hồ) cũng vừa ra mắt độc giả quê nhà. Trong thời gian chờ cuốn sách này được chuyển ngữ, độc giả Việt Nam có thể thưởng thức trước tập truyện ngắn Ngôi thứ nhất số ít được xuất bản gần đây. Kết hợp với Những người đàn ông không có đàn bà ra mắt 6 năm trước, bộ đôi tác phẩm đã khắc họa một Murakami phong phú, đa dạng trong thế giới đậm dấu ấn riêng.

Nếu Những người đàn ông không có đàn bà mang đậm màu sắc huyền ảo khi kết hợp các mảng ký ức của nhiều nhân vật khác nhau thì 8 truyện ngắn trong Ngôi thứ nhất số ít lại hiện thực hơn, phần nào mang tính tự truyện hoặc bán tự truyện của chính tác giả. Tuy Murakami không hề khẳng định điều này, không khó để tìm thấy các chỉ dấu tự thuật dàn trải trong cuốn sách. Nhân vật của các câu chuyện thường là một chàng thanh niên 18 tuổi hay một ông già 50 tuổi, vẩn vơ với ký ức và những câu chuyện xưa cũ. Trong truyện ngắn cùng tên với tập sách, ngôi kể đã được khéo léo sắp đặt để đứng từ góc nhìn của một người đàn ông rất ghét comple, thích đến quán bar để nghe nhạc jazz và đọc trinh thám – những đặc trưng của Murakami mà người đọc lâu năm nào cũng biết. Murakami cũng không ngại ngần nhắc lại những câu chuyện quen thuộc, ví dụ như một mối tình ở quê nhà Kobe, lên Tokyo học, ra trường và thực hành nghề viết (With The Beatles). Ở truyện Tập thơ Yakult Swallows, ông cũng nhắc lại niềm đam mê lớn với môn bóng chày và sự xa cách với cha mẹ trong những tháng ngày tuổi trẻ.

Nhìn chung, các truyện ngắn trong tập sách này đều độc lập, khúc chiết, ít thấy sự liên kết giữa các chi tiết như những tiểu thuyết lớn của ông. Và vì không bận tâm đến việc vun đắp một thế giới chung, các truyện ngắn này có thể trở thành đại diện điển hình cho văn chương của Murakami ở mặt bút pháp cũng như các chủ điểm chính làm nên tên tuổi của ông, như sự cô độc, mất mát danh tính, bất khả trong việc tìm thấy ý nghĩa cuộc sống…

tác phẩm ngôi thứ nhất số ít của murakami

TỰ TRUYỆN HUYỀN ẢO

Làng văn học một năm qua đã chứng kiến sự chuyển hướng sang các tác phẩm có cấu trúc vụn vặt, nặng tính tự truyện nhưng khái quát được những vấn đề chung. Ở tác phẩm này, ta cũng có thể thấy ký ức cá nhân của Murakami chỉ khơi mào cho những vấn đề rộng lớn hơn.

Như giọng nói của người kể chuyện trong vở kịch Noh, Murakami nắm lấy tình tiết có thật trong cuộc đời mình, từ đó dẫn dắt người đọc tiến vào mê cung chồng lớp, với sự dai dẳng của ký ức cá nhân và một mô thức như déjà vu. Đó là sự trở lại của Rừng Na Uy trong truyện ngắn With The Beatles nhằm đào sâu hơn các đặc tính của cô độc, hay phản ánh tính chất giả hiệu (Carnival) để rồi thấy cuộc đời luôn dễ tan chảy như những que kem (Kem)…

Ấn tượng hơn cả là Trên gối đá hay Lời thú tội của khỉ Shinagawa – những truyện ngắn ít nhiều mang tính huyễn tưởng quen thuộc trong văn Murakami. Với cốt lõi là phơi bày nhân quần cô độc, qua việc giãi bày hành động ăn cắp tên người tựa như những luồng hư không truyền qua gối đá, tác giả đã cho thấy rằng, cô độc là một cảm giác vô cùng tận.

Bằng một tác phẩm mà “cảm giác như hiện thực và phi hiện thực chốc chốc lại đổi vị trí cho nhau”, nhà văn người Nhật đã mở ra cánh cửa hoàn toàn mới mẻ. Ngôi thứ nhất số ít có thể xem là dịp hiếm hoi mà độc giả có thể bước vào thế giới đang sống của Murakami, khi những cơn mơ đã quá mỏi mệt và chỉ còn ông với hiện thực của chính mình.

ngoi thu nhat so it.jpg

Ngôi Thứ Nhất Số Ít

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Minh 

Hình ảnh: Tư liệu 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)