Lifestyle / Trải nghiệm

Hành trình du lịch tâm linh khắp quốc gia

Chỉ cần nhìn hình ảnh hàng ngàn người cầu nguyện ở Mecca (Ả Rập Xê-Út), viếng thăm Vatican (Ý), tắm trên dòng sông Hằng (Ấn Độ), tham dự lễ hội tôn giáo tại bức tường Than Khóc ở Jerusalem (Isarel)... cũng đủ để thấy các điểm đến tôn giáo đang đóng một vai trò quan trọng trong ngành du lịch. Những chuyến đi dựa trên đức tin hoặc tín ngưỡng được xem là một trong những hình thức dịch chuyển lâu đời nhất và đang nở rộ ở thời điểm hiện tại.

du lịch tâm linh

SỰ BÙNG NỔ CỦA DU LỊCH TÂM LINH SAU ĐẠI DỊCH

Ngày nay, du lịch tâm linh được chia thành hai nhánh với mục đích khác nhau. Nhánh đầu tiên và cũng là nguồn gốc của du lịch tâm linh chính là hành hương – những chuyến đi vì mục đích tôn giáo hoặc tín ngưỡng. Người tham gia chủ yếu là tín đồ với hoạt động trọng tâm là đến thăm các thánh tích, đền đài để thực hiện những nghi lễ linh thiêng hoặc tìm về nguồn gốc của tôn giáo mà họ đang tu tập. Nhánh thứ hai là nhánh phát sinh sau này, cũng đến thăm các địa điểm tôn giáo nhưng với mục đích chính là để chiêm ngắm vẻ đẹp của công trình kiến trúc, di sản, tìm hiểu văn hóa, trau dồi kiến thức hoặc đi tìm trải nghiệm mới mẻ. Tuy nhiên, vẫn có những người kết hợp cả hai hình thức trên để vừa hoàn thành mục đích tôn giáo, vừa có thêm những trải nghiệm du lịch thuần túy.

Ngọc Linh (TP.HCM) là một người thường xuyên tham gia các chuyến du lịch tâm linh vì cả mục đích tôn giáo lẫn trải nghiệm. Gần đây, chị đã đến thăm các thánh địa ở Nepal và Ấn Độ để tìm hiểu nhiều hơn về đạo Phật cũng như lịch sử, kiến trúc vì những nơi này có các tự viện hàng trăm năm tuổi. “Sau đại dịch COVID-19, tôi muốn dành thời gian du lịch nhiều nhất có thể tại những nơi yên tĩnh, có năng lượng yên bình. Trong những chuyến đi này, tôi muốn được thăm quan các nơi có kiến trúc cổ kính, nghe những câu chuyện về lịch sử và con người, hiểu thêm về văn hóa của một vùng đất và được ngắm khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp trên đường đi”, chị chia sẻ.

tâm linh hành trình linh thiêng

Trong khi du lịch tâm linh tăng đột biến sau đại dịch có thể là do chính sách của các nước nhằm hồi sinh những điểm đến tôn giáo, các chuyên gia cũng tin rằng nhu cầu dịch chuyển sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ cùng với việc sắp xếp lại thứ tự ưu tiên về sức khỏe tinh thần đã dẫn đến việc khách du lịch tìm kiếm những trải nghiệm tâm linh nhiều hơn. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc, ước tính có khoảng 330 triệu người đi du lịch vì lý do tôn giáo mỗi năm, tạo thành một thị trường quan trọng cho những quốc gia có các điểm thăm quan mang giá trị tinh thần hoặc linh thiêng. Công ty phân tích thị trường Future Market Insights cho biết, doanh thu toàn cầu từ du lịch tâm linh được dự đoán sẽ đạt 15,1 tỷ USD vào năm 2023 và có thể lên đến 41 tỷ USD vào năm 2033. Trong đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang chiếm thị phần lớn nhất nhờ sự đa dạng của các quốc gia có nền văn hóa tôn giáo đặc thù.

CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ CỦA CÁC QUỐC GIA

Trong khi du lịch tâm linh tại các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Nhật Bản… đã không còn quá mới mẻ, những năm gần đây, xu hướng này đang dần dịch chuyển về phía Tây, khi các quốc gia Tây Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi dần mở cửa và có nhiều chính sách thúc đẩy du lịch. Các đất nước mang đậm màu sắc tôn giáo như Bhutan, Nepal, Ấn Độ, Pakistan, Israel, Ả Rập Xê-út… vẫn luôn là kho tàng bí mật mà bất kỳ lữ khách nào cũng muốn dừng chân ít nhất một lần trong đời. Chị Ngọc Linh cho biết, bên cạnh việc mọi người ngày càng cởi mở hơn với yếu tố tâm linh và muốn tìm về sự bình yên nội tại, những chuyến đi đến Ấn Độ, Tây Tạng hay Nepal cũng dễ dàng và an toàn hơn trước. “Có nhiều chuyến bay hơn và giao thông cũng phát triển hơn. Ví dụ, cách đây khoảng 10 năm, nếu muốn đi Lâm Tỳ Ni, chúng ta chỉ có thể đi xe hơn 10 tiếng từ Kathmandu (Nepal), còn bây giờ, mọi người có thể đi máy bay của hãng Buddha Airline”, chị chia sẻ.

Đặc biệt, du lịch đến Ấn Độ đang trở nên phổ biến đối với những người quan tâm đến Phật giáo, Hồi giáo, Công giáo và Ấn Độ giáo. Dự đoán Du lịch 2023 của Booking.com cho biết, gần 70% du khách đến Ấn Độ muốn trải nghiệm một kỳ nghỉ tâm linh, bao gồm các hoạt động thiền định và chánh niệm, trong khi 63% du khách tìm kiếm các khóa tu tĩnh lặng. Cùng với đó, chính phủ Ấn Độ, thông qua nhiều sáng kiến khác nhau như Chương trình PRASAD và Swadesh Darshan, đã cải thiện kết nối và cơ sở hạ tầng, mang lại những trải nghiệm nâng cao nhằm tiếp tục thúc đẩy xu hướng này, ví dụ như các chuyến đi bộ tâm linh ở Varanasi, các lớp học Yoga và thiền ở Pushkar, Rishikesh, các chuyến tham quan đạo tràng buổi sáng, tham quan Đền Vàng ở Amritsar…

tâm linh đền vàng ấn độ

BÀI LIÊN QUAN

Tương tự, lượng khách quốc tế đến Ả Rập Xê-út chủ yếu là các tín đồ tham gia những chuyến hành hương Hajj và Umrah. Đất nước này đã đón 17,3 triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2019 và đặt mục tiêu đón 30 triệu khách du lịch tôn giáo vào năm 2030. Với các dự án xây dựng như tái phát triển Sân bay Quốc tế King Abdulaziz, bổ sung 4 tuyến tàu điện ngầm mới đến các địa điểm tôn giáo ở Mecca và mở rộng nhà ga dành riêng cho khách hành hương Hajj… Ả Rập Xê-út không che giấu tham vọng thu hút nhóm du khách tâm linh.

Không nằm ngoài xu thế, các nước phương Tây cũng nhắm đến du lịch tâm linh như một phân khúc tăng trưởng chiến lược. Bang Jalisco, nơi có các điểm tham quan như Vương cung thánh đường San Juan de los Lagos, xếp thứ hai sau thành phố Mexico về các điểm đến ưa thích của khách du lịch tâm linh, thu hút 11 triệu lượt khách mỗi năm và khoảng 330 triệu USD thu nhập từ du lịch. Trong khi đó, nhiều bang ở Brazil đã thiết lập các hành trình thăm quan những địa điểm tôn giáo, ví dụ như nhà thờ Ouro Preto ở Minas Gerais, được xếp hạng là Di sản Thế giới của UNESCO. Đất nước này cũng tổ chức hơn 200 sự kiện tôn giáo mỗi năm, bao gồm cả lễ rước Círio de Nazaré ở thành phố Belém, bang Pará, với sự tham dự của 2,5 triệu người vào năm 2022.

tâm linh địa điểm thế giới

THÚC ĐẨY BẢO TỒN DI SẢN

Ngoài việc hỗ trợ tạo việc làm và phát triển kinh tế địa phương, du lịch tâm linh cũng góp phần nâng cao nhận thức về di sản chung của nhân loại, thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bảo tồn các di sản văn hóa và di tích lịch sử, tôn giáo. Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập đã thông báo sẽ cải tạo thị trấn Al Wadi ở Bán đảo Sinai, nơi tọa lạc của tu viện kiên cố Deir El-Wadi có niên đại từ thế kỷ thứ 6, đồng thời phát triển thêm khu vực xung quanh Tu viện Thánh Catarina để cải thiện các dịch vụ du lịch, cũng như xây dựng sân bay quốc tế với các chuyến bay đến Cairo và Athens. Trong khi đó, Bộ Du lịch và Cổ vật Jordan đã bắt đầu thực hiện giai đoạn đầu tiên của tuyến đường du lịch từ Núi Nebo đến Thung lũng Jordan. Tuyến đường này bao gồm các địa điểm có ý nghĩa tâm linh đối với những người theo đạo Cơ đốc, cũng như các hoạt động phiêu lưu, văn hóa và các dịch vụ y tế.

Du lịch tâm linh có thể mang lại lợi ích kinh tế cho quốc gia và địa phương, đồng thời mang lại giá trị tinh thần cho du khách. Tuy nhiên, cần có kế hoạch phát triển bền vững để tránh hiện tượng quá tải du lịch và không gây tác động xấu đến các địa điểm tôn giáo. Bên cạnh hoạt động tu bổ, bảo tồn của các quốc gia, bản thân khách du lịch cũng nên tìm hiểu kỹ nơi mình sẽ đến để có sự lựa chọn phù hợp về trang phục, hành vi khi ghé thăm, để không làm ảnh hưởng đến bầu không khí linh thiêng và thực sự nhận được những lợi ích quý giá về mặt cảm xúc, tinh thần.

Nhóm thực hiện

Bài: Đông Quân 

Ảnh: Tư liệu 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)