Với hệ thống nhân vật chính và phụ đều là nữ, Mask Girl dễ khiến người xem lầm tưởng rằng đây là một bộ phim đề cao sự mềm mại của tính nữ. Tuy nhiên, dù phim phản ánh những khía cạnh đặc trưng của phụ nữ, nhưng ẩn sau đó là câu chuyện vô cùng đen tối. Khai phá bản năng và ẩn ức của nữ giới trong những mối quan hệ dự báo nhiều hiểm họa, song hành cùng việc bóc trần xã hội, đả kích những triết lý sáo rỗng, một bộ phim tham vọng như Mask Girl đã chinh phục khán giả như thế nào?
Ai mới là kẻ đang đeo mặt nạ?
Phim bắt đầu với góc nhìn của Kim Mo Mi – một con người sống hai cuộc đời đối ngược. Ban ngày, cô là một nhân viên văn phòng mờ nhạt ngoài xã hội. Nhưng ít ai biết rằng, cô từng có ước muốn được trở thành ca sĩ và bản thân cô cũng bộc lộ năng khiếu ca hát từ nhỏ. Dù vậy, giấc mơ đó nhanh chóng bị “bóp nghẹt” khi cô không sở hữu gương mặt ưa nhìn, thậm chí, cô còn chẳng dám mơ tưởng đến giấc mơ ngôi sao bởi những lời chế giễu về ngoại hình ngày một nhiều và cay nghiệt hơn. Tất cả những uất ức đó được xoa dịu khi màn đêm đến và cô được sống một cuộc đời của một ngôi sao livestream đầy hào nhoáng. Ẩn giấu nhân dạng dưới lớp mặt nạ, Mo Mi mới thực sự được làm chính mình, thỏa sức tỏa sáng với những điệu nhảy nóng bỏng và nhận được nhiều lời khen ngợi, những điều mà cô không bao giờ được cảm nhận ở thế giới thực.
Sau cùng, cô là một kẻ đáng thương với những tội lỗi không thể tránh khỏi – xỉa xói người khác, tơ tưởng cấp trên dù anh đã có vợ, gạ anh ta ngủ với mình… để rồi dần dần lún sâu vào những sai lầm và tội ác không thể tha thứ.
Kết thúc tập đầu tiên khi Mo Mi bị cấm livestream vì hành động nhảy thoát y lúc say rượu và đứng trước nguy cơ bị lộ danh tính, phim đột ngột quay về điểm khởi đầu và đổi góc máy sang một thanh niên ẩn dật có tên là Oh Ju Nam. Hắn sống trong một căn phòng đầy đồ chơi tình dục, vùi mình trong những bộ phim người lớn và những màn trình diễn của “cô gái mặt nạ” Mo Mi. Cứ thế, mỗi tập phim lại được kể dưới góc nhìn của một nhân vật mới hoàn toàn hoặc từng xuất hiện trong một phân cảnh trước đó. Phim mang đến những phiên điều trần liên tiếp, nơi mỗi người đều được trao quyền để cất lên tiếng nói về câu chuyện của mình.
Đối với Kim Mo Mi, vẻ ngoài xấu xí đã tước đoạt nhân quyền của một cô gái. Qua góc nhìn của Oh Joo Nam, một người thảm bại như anh chỉ có thể chứng minh bản lĩnh đàn ông bằng việc bảo vệ phụ nữ và bắt phụ nữ chịu ơn sự bảo vệ đó. Trong mắt của mẹ Joo Nam, con trai bà luôn là đứa trẻ tốt đẹp nhất nên nó không thể nào là kẻ xấu và bất kỳ ai làm tổn hại nó cũng phải trả cái giá đắt nhất.
Từ các hướng tiếp cận khác nhau, phim đã cung cấp một bức tranh tổng thể giàu chi tiết để lý giải cho câu hỏi: Ai mới là kẻ đang đeo mặt nạ? Có những chiếc mặt nạ công khai, có những chiếc mặt nạ vô hình được khéo léo che giấu trong suốt bộ phim và có lẽ Kim Mo Mi là kẻ đeo mặt nạ ngây thơ nhất. Mask Girl đã rất thành công trong việc khắc họa sự mờ mịt của ranh giới đúng sai. Ai cũng mang trong mình khiếm khuyết, ai cũng sở hữu động cơ rất con người. Thế nhưng, quyền nhận định rằng họ có đáng cảm thông hay không lại thuộc về người xem.
Mask Girl chịu ảnh hưởng lớn từ phong cách làm phim của Park Chan Wook. Tương tự như Sympathy for Lady Vengeance, đây cũng là cuộc báo thù của những người phụ nữ. Bạo lực trong những bộ phim của Park và của Mask Girl gắn liền với tội lỗi nguyên thủy của loài người. Một khi đã mắc phải những sai lầm này, không ai có thể được cứu rỗi và chỉ có thể đi đến kết cục là địa ngục tăm tối.
BÀI LIÊN QUAN
Diễn xuất duy mỹ và cực đoan
Kịch bản của Mask Girl có thể “lên gân” đến cùng cực chính là nhờ vào màn diễn xuất nổi bật của dàn diễn viên.
Lee Han Byul thực sự là sự lựa chọn hoàn hảo khi vào vai Kim Mo Mi lúc chưa phẫu thuật thẩm mỹ. Nữ diễn viên đã chinh phục khán giả bằng màn trình diễn xuất thần mặc dù Mask Girl là bộ phim đầu tay của cô. Cô đã mang đến một Kim Mo Mi cùng cực của hèn mạc, của tự ti, của sự tuyệt vọng một cách vô cùng thuyết phục.
Trong khi đó, Kim Mo Mi của Nana là một cô gái vụn vỡ như đã chết ở bên trong và khi đi đến tận cùng của bi kịch, cô điên loạn thách thức mọi giới hạn để tìm lấy đường sống cho mình. Ta được chứng kiến hai mặt đối lập của Na Na, khi thì hiện diện trong vẻ ngoài xinh đẹp sầu bi, khi thì nhuốm màu xám trống rỗng và hoang dại. Nữ diễn viên đã có màn thể hiện trọn vẹn và ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả.
Go Hyun Jung khắc họa Kim Mo Mi ở tuổi trung niên, sương gió hơn, bình lặng hơn khi đã kinh qua mọi cảm xúc trên đường đời. Cô mang đến chiều sâu cho nhân vật bằng đôi mắt chất chứa nỗi buồn, những nỗi sầu bi của cả cuộc đời hỗn loạn đến mức vô thực kia.
Tất cả các phiên bản Mo Mi đều xuất sắc theo cách riêng của họ. Tuy nhiên, ánh hào quang lần này thực sự dành cho Yeom Hye Ran khi cô đã xuất sắc truyền tải tình yêu mù quáng đến mức ám ảnh của một người mẹ. Nếu cần một sự so sánh, thì màn trình diễn trong Mask Girl của cô xuất sắc không kém nữ diễn viên gạo cội Kim Hye Ja trong Mother của đạo diễn Bong Joon Ho.
Nói đến sự lột xác ấn tượng nhất trong Mask Girl, câu trả lời chắc chắn là Ahn Jae Hong trong vai Joo Oh Nam. Chắc hẳn nhiều khán giả không nhận ra tên biến thái khao khát tình yêu trong phim là anh trai Jung Bong đáng yêu trong Reply 1988.
Xem thêm
• Những bộ phim Hàn phá vỡ định kiến về phụ nữ
• 10 nữ chính phim Hàn truyền cảm hứng giúp bạn tự tin vào chính mình
• Điểm danh 15 bộ phim Hàn lãng mạn kỳ ảo hay nhất
Những con quái vật khao khát được yêu thương
Người ta thường nói: “Đừng đừng đánh giá cuốn sách qua bìa của nó”, nhưng hầu hết chúng ta đều làm điều ngược lại, một cách vô thức. Sự ưa nhìn thường đi đôi với nhiều lợi thế cũng như cơ hội, hay được gọi là pretty privilege (đặc quyền ưa nhìn). Trong văn phòng, đồng nghiệp xinh đẹp luôn được quan tâm, còn Mo Mi thường xuyên bị phớt lờ. Khi cô bị quấy rối trên xe bus và tố cáo thủ phạm, cô lại là người bị châm chọc một cách ác ý. Thậm chí, kẻ xấu xem việc cưỡng ép tình dục là một hành vi ban ơn đối với cô. Khi xuống phố, phía sau lưng Mo Mi thường xuất hiện những biển quảng cáo lớn rực rỡ hình ảnh những người phụ nữ xinh đẹp và cô là một chiếc bóng nhỏ nhoi trước ánh sáng đấy. Đó là những khuôn mẫu xã hội đè nặng lên cô trong suốt quá trình trưởng thành và tồn tại trong mọi ngóc ngách cuộc sống để nhắc nhở rằng cô không đủ tiêu chuẩn được yêu thương.
Nam giới cũng là nạn nhân thầm lặng của sự xấu hổ về ngoại hình trong xã hội. Khuôn mẫu cái đẹp khiến Joo Oh Nam phải cố gắng trở nên vô hình nếu muốn được yên ổn. Phía sau lưng hắn là những tấm biển lớn nêu cao hình ảnh người đàn ông tự tin trao nhẫn cưới cho người mình yêu, chuẩn mực về nhan sắc, đạo đức, hôn nhân luôn tồn tại sau lưng để nhắc nhở rằng hắn không đủ thu hút, không đủ bản lĩnh, không có ai yêu thương trong thế giới thực. Thế nên, hắn chiếm đoạt người mình yêu bằng một sự hi sinh đầy toan tính, gieo cho người ta cái ơn và trói buộc người ta bằng cái ơn ấy.
Con người tôn sùng sự hào nhoáng, cố gắng khép mình trong những chuẩn mực của thế giới duy mỹ và ruồng bỏ những kẻ lệch chuẩn. Cuối cùng, sau nỗ lực thể hiện giá trị của bản thân thất bại và chuỗi những bi kịch điên rồ, Mo Mi đã chọn phẫu thuật gương mặt như một hành động đầu hàng trước xã hội. Khoác lên một lớp nhân dạng mới, cô trở nên điên rồ hơn. Nếu cái chết đầu tiên Mo Mi gây ra là một “tai nạn” thì những hành động giết người sau đó đều có chủ đích. Nếu đã không được yêu thương đúng nghĩa, việc gì phải nén chịu đau đớn?
Bóng tối đến từ những yếu tố của ngoại cảnh, của xã hội chẳng thể né tránh, nhưng bóng tối kinh khủng nhất lại xuất phát từ những bà mẹ.
Bà Kyung Ja thất bại trong hôn nhân nên dành hết niềm hy vọng trong cuộc đời cho đứa con trai bé bỏng. Bà trở thành một người mẹ đơn thân mạnh mẽ che chở và bảo bọc con bằng mọi giá. Nhưng rõ ràng, Joo Oh Nam vốn không hạnh phúc với cách yêu thương đó và cố gắng đẩy mình ra xa khỏi mẹ nhất có thể. Sự kỳ vọng của mẹ là một trong những lý do khiến cuộc sống của hắn ta bệ rạc và thảm hại. Nếu định kiến xã hội khiến hắn tổn thương một, thì hẳn những lời nói của mẹ lại gây ám ảnh đến mười. Trong tình mẫu tử, dường như cả hai đều đang cô độc và không ai cố gắng thấu hiểu cho đối phương.
Trong sự phẫn nộ về cái chết bi thảm của con, bà lập tức lập kế hoạch trả thù mà không màng tìm kiếm đáp án thực sự của vụ việc, bởi đáp án của bà ngay từ đầu đã là đứa con của mình. Hành trình thiêng liêng của tình mẹ giờ đây trở nên đen tối hơn bao giờ hết. Bà trở thành một loài thú dữ, ngấu nghiến tất cả những ai làm tổn hại đến con mình. Đó là hành động tất yếu của một người mẹ yêu con đến mù quáng.
Bà Kyung Ja là một kẻ sùng đạo. Nhưng phía sau lưng của bà Kyung Ja là nhà thờ và thánh giá, như công thức được sử dụng xuyên suốt phim, đức tin nhắc nhở rằng bà không đủ tốt để nhận được sự cứu rỗi. Bà cầu khấn trước Chúa mỗi khi làm điều ác, bà cho rằng Chúa sẽ đứng về kế hoạch trả thù của mình như một lẽ tất nhiên. Khi bà trồi lên từ mặt nước với nỗi thù hận được đẩy lên mức cao nhất, bà đã trở thành hiện thân của con quái vật dữ tợn trong sách Khải Huyền.
Trái ngược với bà Kyung Ja, mẹ của Mo Mi từ lâu đã chối bỏ con vì xấu hổ. Bà muốn giữ mình thanh cao nên chọn bỏ qua ước mơ của con cái và chấp nhận sống cô đơn với sự cao quý ấy.
Mask Girl là vô vàn cuộc chiến của những người phụ nữ: mẹ – con, bà – cháu, người mẹ – người mẹ, đồng nghiệp nữ – đồng nghiệp nữ, phạm nhân – phạm nhân, cai tù – phạm nhân. Đôi khi xung đột diễn ra trong thầm lặng, đôi khi bùng nổ một cách bạo tàn.
Trong thế giới của Mask Girl.sự hiện diện của những người đàn ông dường như trở nên mờ nhạt. Mẹ của Oh Nam và mẹ của Mo Mi đều một mình nuôi con trưởng thành. Đến cả người phụ nữ vô danh cũng than vãn về sự thiếu vắng của người chồng trong gia đình. Tên cấp trên lý tưởng ở tập 1 cũng ít khi về nhà với vợ sau khi tan làm, thay vào đó là những cuộc chè chén, vụng trộm ngoại tình ngay tại công ty… Dù chỉ xuất hiện một cách bệ rạc, nam giới trong Mask Girl là chất xúc tác cho những bi kịch giữa những người phụ nữ.
Các nhân vật của bộ phim dường như đều quen thuộc với sự thiếu vắng Chúa Cha trong Kinh Thánh. Bà Kyung Ja thuyết giảng dõng dạc về sự dẫn lối của Chúa và rồi bà tự tay lên kế hoạch báo thù. Mo Mi nói rằng mình đã được Chúa cứu rỗi, để rồi cô vượt ngục và hi sinh cả tính mạng để bảo vệ con gái. Qua đó, phim cho thấy bản năng mạnh mẽ của những người đàn bà/người mẹ nhưng đồng thời cũng là những con người dễ lầm lạc nhất.
Sau hồi kết buồn vui lẫn lộn, dư âm của Mask Girl không phải là những phân cảnh bạo lực, kinh dị, hay phá án mà là những nỗi buồn. Suy cho cùng, họ đeo mặt nạ, họ trở nên điên rồ và bạo lực, cũng chỉ vì khao khát được yêu thương.
Nhóm thực hiện
Bài: Xuân Yến