Buổi trình diễn được tổ chức tại tòa nhà Skylight tại Essex Crossing (New York). Đúng với tinh thần của chủ nghĩa tối giản, không gian với thiết kế trung tính, hài hoà bởi ánh sáng tự nhiên và hệ thống đèn bên trong. peter do
BÀI LIÊN QUAN
CẢ THẾ GIỚI HƯỚNG VỀ PETER DO và HELMUT LANG
Đã bao giờ bạn thắc mắc vì sao Tuần lễ thời trang New York lại diễn ra trước London, Milan và Paris? Câu trả lời chỉ có một: là vì Helmut Lang.
Xuất thân là một nhà điêu khắc nhưng không được đào tạo bài bản thông qua bất kỳ trường lớp nào về thời trang, Helmut Lang đã tự học thiết kế thời trang và lập một studio may đo Made to Measure tại Vienna vào năm 1977. Nhà thiết kế người Áo nhanh chóng được cộng đồng thời trang quốc tế biết đến sau triển lãm “L’Apocalypse Joyeuse” tại Pompidou và thành lập thương hiệu cá nhân cùng tên vào năm 1986.
Trong suốt thập niên 1990s, Helmut Lang gây ấn tượng mạnh mẽ bởi phong cách thiết kế tối giản, lột tả được hết vẻ đẹp của hai gam màu đen trắng cùng kiểu dáng đậm tính kiến trúc. Không chỉ vậy, ông còn là một trong những nhà thiết kế tiên phong đưa thời trang đường phố vào thời trang cao cấp. Trang phục của ông luôn đi trước thời đại, khai thác triệt để chất liệu cùng ý tưởng độc đáo. Điển hình như việc ông sử dụng vải có tính phản chiếu, ứng dụng công nghệ cao trong các bộ sưu tập của mình. Ở thời đại đó, có mấy ai nghĩ được ý tưởng “điên rồ” này như ông? Helmut Lang cứ vậy mà trở thành một huyền thoại kinh điển, mở ra một kỷ nguyên mới cho thời trang New York và là nguồn cảm hứng đến rất nhiều lớp nhà thiết kế sau này.
Cho tới năm 2004, ông bán lại 51% cổ phần cho Tập đoàn Prada và rời bỏ đứa con tinh thần của mình chỉ 1 năm sau đó. Thương hiệu Helmut Lang được mua lại bởi Fast Retailing vào năm 2006. Kể từ đó, thương hiệu biểu tượng đã trải qua hơn hai thập kỷ trập trùng, qua tay một loạt giám đốc sáng tạo và nhà thiết kế khách mời, bao gồm Michael và Nicole Colovos, Isabella Burley, Alix Browne, Mark Howard Thomas và Thomas Cawson. Thế nhưng, sự tối giản mà Helmut Lang dành gần hai mươi năm cuộc đời để phát triển đã không còn giữ được sự tinh túy, sang trọng vốn có nữa. Và có lẽ, đó chính là lý do mà Helmut Lang cần tới Peter Do.
Trước khi nắm “quyền trượng” Helmut Lang, Peter Do đã từng tốt nghiệp Học viện FIT (New York) và có thời gian thực tập dưới trướng của “nữ tướng quyền lực” Phoebe Philo tại Céline, cho tới khi thành lập thương hiệu của riêng mình vào năm 2018. Hơn ai hết, anh hiểu rõ được tinh thần, lịch sử và tính sáng tạo trong phong cách tối giản mà Helmut Lang để lại. Hơn nữa, Peter còn am hiểu về nhiều loại vải và sở hữu kỹ thuật may đo hoàn hảo, thể hiện trên từng chiếc áo khoác, chiếc quần với đường cắt sắc sảo. Các thiết kế của anh vừa mang tính tối giản, gợi cảm, vừa đảm bảo tính hài hòa giữa hiện đại và cổ điển.
Peter Do từng chia sẻ: “Lần đầu tiên biết tới Helmut Lang, tôi đã nghĩ mình còn quá trẻ để hiểu hết được chiều sâu trong sự sáng tạo của ông. Nhưng khi tôi bắt đầu xây dựng thương hiệu của riêng mình, tôi ngày càng hiểu hơn về nó. Thế giới cần Helmut Lang”. Thách thức lớn nhất của Peter ở đây là phải khôi phục lại được chính xác phong cách tối giản mà Helmut Lang từng được biết đến mà không làm cho nó bị nặng tính cá nhân.
Sự đồng điệu về quan điểm sáng tạo, thẩm mỹ và tư duy thiết kế cùng mong muốn thúc đẩy thời trang lên một tầm cao mới của Peter Do với thương hiệu Helmut Lang đã trở thành mối liên kết vô hình. Peter tạo dựng được tên tuổi nhờ gu thẩm mỹ kín đáo nhưng có định hướng rõ ràng, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra khuôn mẫu mới cho ngành thời trang xa xỉ của Mỹ. Điều đó cũng giống như Helmut đã làm trong thời kỳ hoàng kim của mình. Bởi vậy, chàng trai 32 tuổi gốc Việt trên ngực trám đầy huy chương đã tiến lên vị trí cao nhất của thương hiệu.
Nhờ tài năng và khả năng thăng tiến thần tốc, bộ sưu tập đầu tay của Peter Do tại Helmut Lang đã “sốt sình sịch” trong suốt thời gian vừa qua và được giới mộ điệu đồng lòng mong chờ nhất trong Tuần lễ Thời trang New York Xuân-Hè 2024.
Trang chuyên về thời trang Style Not Com còn dành hẳn 2 hàng – 6 bài đăng để thể hiện sự háo hức, mong chờ với thành quả đầu tay của Peter trên cương vị mới. Trong đó có một bài đăng được lấy cảm hứng từ chiến dịch quảng cáo ra mắt dòng sản phẩm nước hoa của Helmut Lang vào năm 2000: “We see you. We watch you. We scan you. We wait for you. But don’t worry, we trust you too”. (Tạm dịch: “Chúng tôi nhìn thấy bạn. Chúng tôi theo dõi bạn. Chúng tôi scan bạn. Chúng tôi chờ đợi bạn. Nhưng đừng lo lắng, chúng tôi cũng tin tưởng bạn”).
BỘ SƯU TẬP “Born To Go” – TRANG SỬ MỚI CỦA THƯƠNG HIỆU BIỂU TƯỢNG
Đúng với tinh thần “Born To Go” (tạm dịch: Sinh ra để tiến lên), Peter Do đã dùng con mắt ngưỡng mộ của mình để nghiên cứu về lịch sử thương hiệu. Anh giải bộ mã DNA mà nhà thiết kế lỗi lạc Helmut Lang để lại, mang toàn bộ chúng lên 47 looks với những hình thái “rất Helmut Lang nhưng cũng rất… Peter Do”. Anh khéo léo đưa cái tôi cá nhân vào trong những tấm áo, cái quần mà vẫn giữ được tinh thần tối giản đầy tinh tuý, sự sang trọng vốn có của thương hiệu.
Không chỉ vậy, sự kính trọng tuyệt đối của anh đối với nhà sáng lập còn được thể hiện qua việc lấy những thiết kế kinh điển làm cảm hứng cho bộ sưu tập. Anh nghiên cứu kỹ lưỡng và làm cho chúng phù hợp với tinh thần của thương hiệu nhưng không bỏ lỡ tính thời đại. Đó là những bộ vest tuxedo bóng mượt, những chiếc quần tây được cắt may vừa vặn gợi nhớ đến bộ sưu tập Menswear mùa Xuân 1998 – thời kỳ hoàng kim của Helmut Lang. Hay những chiếc áo phông hình hộp, áo crombie, tối giản nhưng không đơn giản đã làm lên lịch sử gần 4 thập kỷ của thương hiệu. Rồi những chiếc váy yếm hình chữ A viền bong bóng, làm bằng vải voan xuyên thấu, những chiếc quần hoạ tiết lớp lang, áo sơ mi kiểu prepster thập niên 90… Tất cả đều được may thủ công và tái hiện Helmut Lang những năm cuối của thời đại huy hoàng. Như Peter Do từng nói: “Tôi cảm thấy một thiết kế tốt là thiết kế mang lại cảm giác như nó luôn ở đó”. Peter từng mua một chiếc quần jeans trắng “very dirty” của Helmut Lang và nói rằng: “Khi tôi mua, nó đã là một món đồ cổ nhưng tôi đã mặc nó trong suốt 15 năm”. Và bây giờ, Peter đã tái hiện chúng trong show của mình. Ngắm nhìn cả 47 trang phục trong bộ sưu tập “Born To Go”, chẳng phải những thiết kế của Helmut Lang vẫn luôn ở đó, hiện diện ngay trên sàn diễn đó sao?
Đặc biệt, một trong những ý tưởng độc đáo mà Peter mang trở lại vào trong bộ sưu tập này là hình ảnh chiếc taxi vàng trong chiến dịch quảng cáo kinh điển của Helmut Lang. Ở thời đó, Helmut đã đón nhận làn sóng tiêu cực khi cả cộng đồng cho rằng hình ảnh xe taxi “rẻ tiền” không phù hợp với thị hiếu của thời trang xa xỉ. Thế nhưng, đó lại chẳng thành vấn đề gì với một nhà thiết kế có bộ óc sáng tạo đi trước thời đại như Helmut. Ông vẫn nhất nhất sử dụng hình ảnh đó và rồi, tất cả những sản phẩm trong bộ sưu tập đó đều trở thành xu hướng của thời đại.
Chiếc taxi vàng trong chiến dịch quảng cáo kinh điển của Helmut Lang. (Nguồn: Helmut Lang)
Trên show “Born To Go”, Peter đã khéo léo đưa hình ảnh đó lên những bộ suit màu vàng, những chiếc áo vest được điểm xuyết bằng sợi dây ruy băng vàng bóng, mô phỏng hình ảnh chiếc taxi mang tính biểu tượng của thành phố New York. Cả bộ sưu tập hoàn toàn không bị ràng buộc hay chạy theo xu hướng thời trang đã thay Peter nói lời hứa hẹn về một tương lai vĩnh cửu của Helmut Lang dưới thời đại của anh.
Albert Ayal – Biên tập viên của trang Up Next Designer đã phải thốt lên: “Revival” (hồi sinh), như để minh chứng cho việc Peter Do đã thực sự hồi sinh lại thương hiệu biểu tượng này sau gần 2 thập kỷ bấp bênh.
Đối với những người làm trong ngành sáng tạo, họ luôn phải biết gốc rễ của mình ở đâu để không đi lạc đường. Và ở trong bộ sưu tập này, tinh thần “Born To Go” của Peter không chỉ thể hiện thông qua việc trở về thuở hoàng kim, nơi khai sinh ban đầu của các thiết kế kinh điển và đưa chúng trở lại lên sàn diễn. Anh còn sử dụng tiếng Việt, ngôn ngữ nơi anh sinh ra và lớn lên, để mang tinh thần “born” vào trong bộ sưu tập. Đó là chiếc áo sơ mi mặc ngược in tiếng Việt, được người mẫu Việt Dahan Phương Oanh trình diễn: “Con nhớ mẹ nhiều lắm. Con xin lỗi. Con làm mẹ buồn”. Ngay khoảnh khắc chiếc áo xuất hiện trên sàn diễn, không chỉ những khách mời người Việt, mà cả các khách mời quốc tế cũng xúc động. Biên tập viên thời trang Brenda (@brendahashtag) đã bày tỏ cảm xúc: “I could not see much because I was crying” (dịch: Tôi không thể nhìn thấy gì nhiều bởi vì tôi đã khóc). Sau khi buổi trình diễn kết thúc, Peter đã khóc và chạy đến ôm mẹ của mình.
Điều này còn được thể hiện trong không gian của show. Bước vào bên trong, ngay trên sàn diễn là những câu thơ kết hợp hai ngôn ngữ Anh – Việt của nhà thơ Mỹ gốc Việt Ocean Vương, người bạn thân đã hỗ trợ Peter làm nên bộ sưu tập này. Bài thơ được in trên sàn diễn, gợi nhớ đến tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của Jenny Holzer vốn là trung tâm trong cửa hàng đầu tiên của Helmut Lang ở 80 Greene Street. Ngay khi bức ảnh sàn diễn kín chữ đăng tải, cộng đồng thời trang Việt Nam đã vỡ oà khi thấy những câu từ tiếng Việt đẹp đẽ được viết trên show diễn đáng mong chờ nhất: “Chơi xả láng, sáng về sớm”, “Tôi không sợ, không có vợ”, “Mất mặt mà show what”… Đây chẳng phải là những câu nói đậm chất “dân chơi” của giới trẻ Việt sao?
Xuyên suốt màn trình diễn, Peter Do đã đưa toàn bộ khách mời có mặt đến một không gian tối giản nhưng ấm cúng, trải nghiệm mãn nhãn cả về thị giác lẫn xúc cảm. Bộ sưu tập đầu tay trên cương vị mới của anh tại Helmut Lang đã nhanh chóng gây tiếng vang chỉ sau một giờ đồng hồ và viral khắp nơi trên các kênh truyền thông và thông tin đại chúng. Một khởi đầu thành công mỹ mãn với Peter Do và Helmut Lang. Hy vọng trong tương lai, anh sẽ cùng đội ngũ kiến tạo nên một kỷ nguyên vàng son mới cho thương hiệu biểu tượng này.
Peter Do bật khóc khi màn trình diễn BST Helmut Lang Xuân 2024 kết thúc. (Nguồn: Nguyễn Trần Minh Đức)
Nhóm thực hiện
Bài: Khánh Linh
Ảnh: Tổng hợp