Nếu đang trải qua những điều như thế, hãy hiểu rằng bạn không “cô đơn”. Có một thực tế là con người hiện đại ngày càng cuộn mình bên trong vỏ kén. Điều này không chỉ khởi phát trong hai năm đại dịch gần đây mà đã tồn tại rất lâu trước đó, khi loài Homo Sapiens gây ra suy thoái xã hội bằng công nghệ, màn hình tương tác và những thứ khác.
Theo các khảo sát, cứ 5 người Mỹ trưởng thành thì có 3 người tự xem mình là một người cô đơn. Gần 1/3 người dân Hà Lan cũng thừa nhận rằng họ thấy cô đơn ở mức báo động. Vào năm 2018, cựu thủ tướng Anh Theresa May thậm chí đã phải bổ nhiệm vị trí Bộ trưởng chuyên trách cô đơn. Riêng tại Việt Nam, Khảo sát Sức khỏe Học sinh Toàn cầu tại Trường học vào năm 2019 cho thấy rằng có đến 70% lứa tuổi 13-17 nói rằng cha mẹ hoặc người giám hộ không thể hiểu được cảm xúc của họ. Có thể nói, sự cô đơn và mất kết nối giữa người với người là một trong những vấn đề đáng lưu tâm của thời đại này.
Trong cuốn sách phi hư cấu Thế kỷ cô đơn, học giả người Anh và nhà tư tưởng Noreena Hertz đã cho chúng ta thấy quy mô, nguyên nhân, hậu quả của cuộc khủng hoảng cô đơn trong thế kỷ 21. Được đánh giá là “một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của thời đại này”, Hertz có cách tiếp cận vô cùng đặc biệt. Đó là phối trộn quan niệm cổ điển của Karl Marx, Émile Durkheim, Carl Jung, Hannah Arendt (về mặt chính trị) với lối tiên tri của những tiểu thuyết gia phản địa đàng như Isaac Asimov, Aldous Huxley (về mặt xã hội) và giao thoa với ý tưởng của Charlie Brooker – “cha đẻ” của series truyền hình Black Mirror nổi đình nổi đám trên Netflix, vừa mới ra mắt mùa thứ 6.
Riêng về công nghệ, quan điểm của Hertz dựa trên ý tưởng của Brooker, khi robot, AI và các thiết bị thông minh ngày càng bành trướng. Đây là lối tiếp cận mới mẻ, độc đáo và rất thức thời. Theo Hertz, nhờ sự phát triển của thương mại điện tử mà dịch vụ giao hàng và mọi giao dịch khác đều có thể thực hiện thông qua trực tuyến, khiến cho “nền kinh tế cô đơn” dần bùng nổ và lớn mạnh nhanh chóng hơn.
BÀI LIÊN QUAN
Ngoài ra, đột phá công nghệ và mạng xã hội cũng được khảo sát một cách chi tiết. Hertz chỉ ra rằng, nếu như những thập kỷ trước, con người thấy mình cô độc trong một không gian không có bạn bè, thì gần đây, chúng ta đang bị ám ảnh bởi những diễn đàn công cộng cũng như thành tích của mình mọi lúc mọi nơi. Giống như tập phim Nosedive nổi tiếng trong mùa thứ 3 của Black Mirror – khi giá trị của con người chỉ được đánh giá dựa trên việc chấm điểm, ngày nay, những tài xế công nghệ, người bán hàng hay chính bản thân chúng ta cũng bị “giản lược” và chỉ được nhìn thấy một cách phiến diện thông qua số lượt đánh giá, lượt like, comment và share… trên mạng xã hội.
Với việc giám sát ở khắp mọi nơi, con người cũng trở thành đối tượng luôn bị “theo dõi”. Chính hiện thực đó khiến họ biến cuộc đời mình thành “sân khấu lớn” và không còn đủ thời gian để quan tâm đến những người khác. Bởi lẽ, nguy cơ bị phơi bày, bị “bóc phốt” trước số đông là điều không thể tránh khỏi, vào những lúc mà ta không hề ngờ tới. Đó là còn chưa kể đến việc các thuật toán, robot và AI đang dần được ứng dụng để thế chỗ con người, nhưng chúng lại được đào tạo bởi nguồn kiến thức mang nhiều định kiến của chính chúng ta, mà nếu không có sự phản tư hay đánh giá lại thì sẽ rất nguy hiểm. Từ đây, câu chuyện lạm dụng, làm trầm trọng thêm sự phân hóa về giới tính, danh tính… trở thành bài toán con gà – quả trứng, và là vấn đề cần phải giải quyết.
Bằng việc phơi bày bức tranh toàn cảnh về sự cô đơn ở nhiều khía cạnh kinh tế – chính trị – xã hội, Noreena Hertz đã mang đến lời cảnh tỉnh có nhiều giá trị trong cuốn sách này. Từ đó, cô cũng đưa ra những giải pháp có sự kết hợp ở nhiều cấp độ, từ cá nhân cho đến doanh nghiệp, nhà nước và xã hội. Còn rất lâu nữa, những điều chỉnh (nếu được thực hiện) mới có tác dụng, nhưng việc nhận thức về “thế kỷ cô đơn” chính là khởi đầu để mỗi người trở nên tự chủ và hướng đến một thế giới tốt đẹp hơn.
Nhóm thực hiện
ELLE Feature Team