Để có 15 phút trên phim, cả ê kíp sản xuất đã thực hiện với cả lòng kiên nhẫn và nhiệt thành. Ròng rã qua nhiều ngày tháng, nhóm làm phim của đạo diễn Trường Nguyễn chỉ gồm 5 nhân sự, người ở Sài Gòn, kẻ Vũng Tàu, người ở tận Hà Nội, đã chia nhau thời gian để có thể đến với người dân Long Sơn được nhiều nhất, trọn vẹn nhất.
Trường Nguyễn nói anh biết đến đảo Long Sơn từ 19 năm trước, từng nhiều lần đến nơi này, từng quay một phim ngắn về đạo ông Trần, nên tự tin trở lại làm tác phẩm dự thi sẽ dễ thôi. Nhưng khi dành thật nhiều thời gian để tiếp cận thân tình với người dân Long Sơn, được họ mở lòng, mới nhận ra rằng tất cả những gì người ta nói về người dân nơi đây, cũng như sự hiểu biết của mình về đạo ông Trần từ trước đến nay, đều không đúng.
BÀI LIÊN QUAN
Giao Nguyễn, biên tập phim bày tỏ: “Dường như chưa có công trình nghiên cứu nào đủ kiên nhẫn và am hiểu về nơi này. Có thể chúng ta đang hiểu sai lệch, chủ quan, hời hợt lướt qua bên ngoài kiểu cưỡi ngựa xem hoa, mà không lý giải được vì sao nơi đây có những phong tục khác biệt đến như vậy. Vì sao người dân ở đây sống khép kín, tách biệt với đời sống bên ngoài? Vì sao họ không có kinh kệ, ghi chép, mà chỉ có những câu truyền khẩu, nhưng lại không nói cho người ngoài? Vì sao khi sống, ông Trần không lập đạo, nhưng khi ông mất đi, qua cách sống và bảo ban của ông về những cách đối nhân xử thế, người dân bản địa vẫn tự nguyện theo, dần dà xem như là đạo?”.
Một thứ đạo độc nhất vô nhị ở xứ Việt khi không có giáo chủ, không kinh kệ, không trước sách, không kiêng kị, không cắt tóc, ăn chay, trên một hòn đảo. Đây là bộ phim mà khi bắt tay vào thực hiện, mọi kế hoạch ban đầu, kể cả kịch bản phải thay đổi từng chút một. Người dân ở đây thân thiện, tưởng dễ mà khó tiếp xúc, làm thân, để tìm hiểu về họ lại cực kỳ khó.
Nhóm làm phim từ sự tự tin ban đầu đã chuyển qua sự bối rối, lúng túng khi thực hiện, thậm chí có lúc không biết những thước phim tiếp theo của bộ phim là gì khi nhiều cơ hội tiếp cận thực hiện đóng lại vào giờ chót. Rồi khi việc chừng như tắc tới nơi, lại có điều gì đó như là duyên, như thấy việc thử thách sự kiên trì và lòng chân thành của người làm phim đã vừa đủ, lại mở ra.
Thậm chí, từ những điều tưởng như đơn giản mà ý nghĩa như khi mặc đồ bộ bà ba, đi chân trần như người dân nơi đây, nhóm làm phim mới bắt đầu tiếp cận được thuận lợi hơn. Sự kiên trì, nhẫn nại, tìm hiểu với tất cả sự trận trọng và quý mến dần dà cũng khiến người nơi đây thay đổi thái độ. Nhờ vậy, bộ phim mới có được những khung hình quý hiếm được thực hiện ở những nơi mà chỉ có độ tin cậy cao mới có thể đem máy quay theo, mà ngay cả người trong đạo cũng chưa chắc được vào. Nhờ vậy, người ta mới thấy được những hình ảnh độc đáo về các phong tục của người dân xứ đảo trong sinh hoạt đời sống và tín ngưỡng kỳ lạ của mình. Nhờ vậy, lần đầu tiên người ta mới lần đầu tiên được chứng kiến những thước phim tài liệu quý giá, chưa từng ai quay được về đám tang của người dân đảo Long Sơn, về phong tục mai táng khác biệt mà ý nghĩa của họ.
Hiểu thêm triết lý “sinh đồng tịch đồng sàng, thác đồng quan đồng quách” của người xưa như thế nào qua chuyện chiếc quan tài kỳ lạ cả trăm năm qua dùng để mai táng chung của người dân nơi đây. Tất cả, chỉ để người ta hiểu thêm, hiểu đúng về đạo ông Trần, và góp phần “giải độc thông tin” về đạo này khi thời gian dài vừa qua đã bị hiểu sai lệch. Đó cũng chính là tâm nguyện lớn nhất của những người làm nên bộ phim này.
Giải thưởng là sự khích lệ cho nhóm làm phim tự tin hơn trên con đường mình đang đeo đuổi. Họ sẽ tiếp tục quay lại với đảo Long Sơn, tự mang vác trách nhiệm làm tiếp nhiều tập phim nữa về con người và vùng đất còn nhiều bí ẩn như cách mà họ, những người trót mang duyên nợ với thể loại phim Tài Liệu tìm về với cội nguồn văn hoá Việt.
Nhóm thực hiện
ELLE Feature Team