Giữa cơn bão thay da đổi thịt của các ông lớn hàng hiệu, giới mộ điệu đang gắn một chiếc mác “sự sụp đổ của các tượng đài” vô cùng xấu xí lên thời đại trầm buồn của ngành công nghiệp thời trang. Cả thế giới chứng kiến sự ra đi của Alessandro Michele ở Gucci, Sarah Burton chia tay Alexander McQueen, Raf Simons đóng cửa thương hiệu cá nhân… Sau một năm đầy biến động với những tin tức tiêu cực liên tục được tung ta, tại mùa Halloween năm nay, nhà thiết kế Phoebe Philo chính thức gửi lời chào tới những tín đồ thời trang bằng bộ sưu tập “A1” dưới thương hiệu cá nhân của mình.
BÀI LIÊN QUAN
BST “A1” – Màn tái xuất thầm lặng của “nữ hoàng tối giản”
Rời đi sau 10 năm cống hiến cho Céline, nhà thiết kế tài ba Phoebe Philo như biến mất trong màn đêm, không để lại bất kỳ dấu hiệu nào. Dù đã nhen nhóm thả một tia sáng hy vọng vào tháng 7 năm 2021 rằng cô sẽ trở lại nhưng phải đến tận 2 năm sau lời tuyên bố, Philo mới chính thức gửi lời hỏi thăm tới các tín đồ bằng bộ sưu tập “A1”. Không rầm rộ, không phô trương, không một buổi trình diễn thời trang, không có ngôi sao nổi tiếng nào tham gia, cũng không có lấy một buổi họp báo hay một bài phỏng vấn. Đây là cách mà “quốc mẫu” Phoebe Philo lặng lẽ trở lại, đối diện với truyền thông và sự mong ngóng khôn nguôi của những người hâm mộ trung thành.
Đồng hồ điểm 9 hồi chuông (theo giờ châu Âu), thương hiệu cá nhân cùng tên của cô – Phoebe Philo chính thức tung ra 150 thiết kế được ấp ủ trong hơn 3 năm trên trang web. Bộ sưu tập bao gồm quần áo, giày, dép, túi xách và kính mắt. Ngay khi những bức hình được đăng tải, cộng đồng thời trang quốc tế đã vỡ oà trong hạnh phúc bởi cuối cùng, giấc mơ về ngày trở lại của nữ hoàng đã thành hiện thực.
Dù rời xa thế giới gấm vóc lụa là trong 6 năm trời, mặc người đời đặt nghi vấn về phong độ của mình, Philo đã chứng minh đẳng cấp của một “nữ vương” hàng đầu giới thời trang. Với gần 100 bức ảnh, 150 thiết kế được phô bày gọn gàng trên giao diện đậm chất “Phoebe Philo”. Không chạy theo bất kỳ xu hướng nào mà tập trung vào thiết kế ứng dụng cho mùa đông, Phoebe Philo mang bộ mã DNA của mình lên từng tấm vải hàng tuyển để đưa “A1” lên đến đỉnh cao của chế tác phục trang cao cấp, định nghĩa lại thế nào là xa xỉ, thế nào là đắt đỏ. Chúng hiển thị trên những chiếc áo vạt chéo bằng vải satin mềm mại với đường nét ôn nhu; những chiếc chân váy đính sợi tua rua với cấu trúc uyển chuyển, tạo cảm giác động; những chiếc áo len dệt kim cổ lọ ôm vừa vặn với cơ thể; những chiếc áo khoác dáng bomber, áo trench coat dáng dài với cầu vai quá khổ, cứng cáp; những món phụ kiện được chế tác tinh xảo…
“A1” sử dụng chất liệu được làm bằng lông cừu, da thuộc, len merino, dạ, cotton… thuộc hàng thượng hạng để làm ra một tủ đồ phục trang cao cấp, mang đậm phong cách tối giản. Vẫn trung thành tuyệt đối với bảng màu màu trung tính, Phoebe Philo phô bày toàn bộ kỹ năng tài hoa trong suốt những năm tháng cống hiến cho thời trang của mình. Toàn bộ 150 thiết kế được chế tác thủ công. Từng chi tiết đều được cân đo đong đếm chuẩn chỉnh đến từng milimet với tỷ lệ may đo hoàn hảo, thể hiện sự tinh xảo thông qua ứng dụng kỹ thuật cắt chuẩn chỉnh theo phong cách tailoring thượng cấp, may ráp nối, bo viền, đính fermerture, đơm cúc áo… Đặc biệt, dù 6 năm “đóng băng” đường kim mũi chỉ của mình thì Phoebe Philo vẫn chứng minh khả năng bậc thầy của mình trong may đo trên nền chất liệu da thuộc, fringing, lamb shearling, mohair… Những thiết kế bóng bẩy toát lên hơi thở của xa xỉ, sang trọng, thanh lịch bậc nhất. Bất cứ ai có thể sở hữu được một món đồ trong bộ sưu tập này có lẽ là những người may mắn nhất trong năm 2023.
“Chất liệu Phoebe Philo” còn được thể hiện thông qua sự trung thành với bộ ảnh campaign mang màu sắc của thập niên 90s, phù hợp với thị hiếu của phân khúc khách hàng U40 – U50 đã quen thuộc và trung thành với Philo. Không chỉ vậy, cô cũng nhanh chóng cập nhật cách bài trí, tổ chức concept và dáng chụp hình để “bắt mạch” nhu cầu cũng như xu hướng thẩm mĩ của thế hệ Gen Z trẻ trung, thích nghi kịp thời với thị trường.
Philo định nghĩa thương hiệu cá nhân của mình là một thương hiệu cao cấp, đi theo phong cách tối giản đặc trưng của xa xỉ thầm lặng. Mỗi sản phẩm có trị giá khoảng từ 1 – 2 chiếc túi Hermès Birkin (cả về chất lượng và số lượng). Bởi vậy, để sở hữu được 1 trong 150 thiết kế này, khách hàng không chỉ là người thực sự yêu thời trang, thực sự sang trọng mà còn phải là những người thuộc phân khúc cao cấp, dám xuống tay bằng “tiền quyển” để sở hữu được giá trị độc bản mà những sản phẩm này mang lại.
Giá bán lẻ của bộ sưu tập “A1” dao động từ 1.400 USD – 2.400 USD cho quần dài; 2.200 USD – 8.500 USD cho các mẫu váy; 3.600 USD – 4.800 USD cho trang phục dệt kim; 3.600 USD – 4.500 USD cho áo jacket được thiết kế riêng. Giày có giá từ 1.100 USD – 1.750 USD và túi xách từ 3.500 USD – 8.500 USD. Riêng dòng áo khoác được định giá “nặng đô” mỹ kim hơn cả. Cụ thể, áo khoác da có giá khoảng từ 6.900 USD – 12.000 USD và áo khoác lông cừu có giá 16.500 USD – 25.000 USD. Liệu bạn có sẵn sàng đổi 2 chiếc túi Hermès để đổi lấy một tấm áo của Phoebe Philo?
Quả nhiên, Phoebe Philo là một nhà thiết kế danh xứng với thực. Dẫu đắt đỏ như vậy nhưng chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi mở bán, các thiết kế trong bộ sưu tập “A1” đã “sold-out” gần hết. Hiện chỉ còn lại một vài sản phẩm với số lượng cực kỳ ít. Bởi vậy mà cuộc chơi này chẳng phải người có tiền là sở hữu được đâu. Nếu không là người giàu (hoặc rất giàu), cộng thêm thiên phú may mắn đi kèm nhân phẩm tốt thì khó lòng mà giành giật được món ngon béo bở trên bàn tiệc vốn của những “con chiên” khát máu này.
“Đức mẹ” định nghĩa vẻ đẹp thực thụ của “quiet-luxury”
Sinh ra tại Paris và lớn lên ở London, Phoebe Philo thừa hưởng tất cả tư duy thẩm mỹ tối trọng nhất của thời trang. Cô tốt nghiệp trường Central Saint Martins – cái nôi của nhiều thế hệ nhà thiết kế lẫy lừng, rồi gia nhập Chloé với tư cách là trợ lý đầu tiên và nhanh chóng trở thành “cánh tay phải” của NTK Stella McCartney. Sau đó, Philo kế thừa vị trí Giám đốc sáng tạo vào năm 2001.
Trong suốt 5 năm trị vì Chloé, Phoebe Philo tiếp nối bản sắc vốn có của thương hiệu, pha trộn cả sự tinh quái đặc trưng của một NTK đến từ Anh quốc, mang đến hình hài mới mẻ cho nhà mốt nước Pháp. Cô sử dụng thẩm mỹ đậm chất “rock and roll” từ di sản của thương hiệu, khéo léo mã hoá và đưa màu sắc thanh lịch tinh giản lại trong các bộ sưu tập của Chloé. Philo đã thành công trong việc đẩy nhanh quá trình trẻ hóa Chloé và đưa thương hiệu vào lĩnh vực kinh doanh đồ da có tỷ suất lợi nhuận cao. Nổi bật nhất là Paddington, một thiết kế túi làm bằng da mềm trang trí bằng một chiếc khóa lớn treo lủng lẳng được Philo giới thiệu năm 2005. Mẫu túi này nhanh chóng trở thành món phụ kiện yêu thích của chị em nhà Hilton, Nicole Richie, Mischa Barton và giúp doanh số bán hàng trên toàn cầu của Chloé tăng 60% vào thời điểm ra mắt.
Cũng bởi vì Chloé đã có bản sắc riêng nên điều này đã khiến Philo bị giới hạn sức sáng tạo. Với tinh thần của một nhà thiết kế mong muốn sự tự do, cô nói lời chia tay thương hiệu vào năm 2006 sau 9 năm gắn bó. Cũng trong thời gian đó, cô dành 2 năm để nghỉ ngơi, sinh con và tập trung chăm sóc tổ ấm của mình.
Tới năm 2008, tập đoàn LVMH đã ngỏ lời mời cô về gánh vác vị trí Giám đốc sáng tạo cho thương hiệu Céline. Sự tài năng của Philo khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ bởi đến ông lớn nước Pháp còn sẵn sàng chấp nhận cho cô làm việc tại London, trong khi xưởng chế tác và trụ sở của Céline được đặt ở Paris. Lý do nghe thật đơn giản nhưng lại mang một ý nghĩa cao cả vì gia đình cô mong muốn được ổn định cuộc sống tại quê nhà. Một điều mà Philo trở thành hình mẫu NTK đáng tự hào không chỉ bởi tài năng mà còn là tình yêu với gia đình. Trong suốt thời gian mang thai và sinh bé đầu, Philo vẫn cân bằng được thời gian để đáp ứng cường độ làm việc căng thẳng với nghĩa vụ thiên chức của một người mẹ. Có lẽ bởi vậy mà chẳng những ưu ái cho làm “remote” mà người trẻ ngày nay hằng ao ước, LVMH còn cấp hẳn một đặc quyền cho Philo khi mở cho cô một văn phòng riêng tại quảng trường Cavendish. Mỗi tuần đều đặn, các kỹ thuật viên sẽ bay từ Paris qua London để mang các mẫu vải, trang phục đang trong quá trình xử lý hay mẫu thử nghiệm để cô thẩm định và cho ý kiến chuyên môn. Thực hỏi, ngoài Phoebe Philo, trong lịch sử ngành thời trang thế giới đã có nhà thiết kế nào được ưu ái đặc biệt đến thế vậy?
Đáp lại sự kỳ vọng của tập đoàn chủ quản, Phoebe Philo đã nỗ lực cống hiến toàn bộ sức sáng tạo, tâm huyết của mình để cứu Céline ra khỏi bờ vực phá sản. Nếu John Galliano mang cái “điên” của bậc quái kiệt để làm ra những thiết kế đồ sộ của chủ nghĩa tối đa cho Dior; Alexander McQueen tận dụng mọi chất liệu để đưa chủ nghĩa vị lai vào trang phục cho thương hiệu của mình; Zac Posen với những chiếc đầm lộng lẫy như bước ra từ truyện cổ tích… thì Phoebe Philo tự xây dựng cho mình một “aesthetic” đi trước thời đại, mang đặc trưng của sự tối giản và sang trọng bậc nhất hoà trộn vào bộ DNA của Céline.
Trong hậu trường show diễn ra mắt của mình tại Céline vào năm 2009, Phoebe Philo đã chia sẻ về tầm nhìn và phong cách thiết kế rằng cô muốn tập trung vào ý tưởng của bộ sưu tập. Thứ thẩm mỹ chết người mà Philo theo đuổi không phải là chạy theo xu hướng, cũng chẳng đi theo vòng lặp của thời trang mà là sự thoải mái tận cùng dành cho mọi phụ nữ khi khoác lên mình những bộ cánh thanh lịch của cô. Philo từng nổi tiếng với câu nói: “I do like the idea of women not showing too much, of them being quite reserved in a way, and quite covered”. (tạm dịch: “Tôi thích ý tưởng về việc phụ nữ không thể hiện quá nhiều, kín đáo theo một cách nào đó và được bao bọc bởi sự tĩnh tại.”). Các thiết kế của cô luôn được nâng cao cấu trúc thiết kế, trau dồi và liên tục thử nghiệm để cho ra những chế tác thượng cấp, ứng dụng các chất liệu vải thời thượng, giải phẫu và đưa cơ thể lên đến đỉnh cao của may đo cao cấp. Trong mắt người phụ nữ này, không gì đẹp đẽ và truyền cảm hứng hơn việc “chăm chỉ để tạo ra những thứ có khả năng vượt qua thử thách thời gian”.
Tư duy thiết kế cấp tiến của cô đã làm nên dấu ấn sâu sắc của một thập kỷ vàng son ở Céline. Bộ mã của Philo đặc biệt đến nỗi khi cô rời đi sau 10 năm gắn bó và biến mất khỏi làng mốt, cả thế giới đã nuối tiếc như cách họ lưu luyến “dấu sắc” của Celine khi bị Hedi Slimane gạt bỏ cho mục tiêu tìm về quá khứ. Thậm chí, giới mộ điệu còn thêm một từ vựng mới vào trong từ điển thời trang: ‘Philophile’ để định nghĩa những người hâm mộ trung thành của “nữ hoàng tối giản”. Còn “aesthetics” mà cô tạo ra cho Céline khiến các tín đồ đặt ra một cụm từ được mô tả như một cuộc cách mạng kinh điển gắn với thời kỳ này là “Céline hoá”.
Céline của Phoebe Philo không chỉ xây dựng hình tượng người phụ nữ có tri thức, gu thẩm mỹ vô cùng tinh tế mà còn là một lối sống, một hình tượng mà bất cứ ai cũng mong muốn theo đuổi. Các thiết kế của cô là định nghĩa hoàn hảo cho chủ nghĩa tối giản đương đại lẫn tinh thần Parisian Chic mà ai cũng khao khát. Dạo lại một vòng các bộ sưu tập mà cô đã thực hiện cho nhà mốt nước Pháp, danh sách thiết kế như áo khoác màu camel được may đo đứng form, mang đến cảm giác cứng cáp, sang trọng; chân váy dáng wrap bắt chéo, áo T-shirt bóng bẩy được cắt hoàn hảo trên nền da thuộc; những chiếc đầm bất đối xứng; những thiết kế áo liền quần kiểu safari, bốt cao bồi… đã trở thành di sản mang tính biểu tượng không bao giờ lỗi mốt, kiến tạo nên định nghĩa về vẻ đẹp thanh lịch mới của phái đẹp. Với Philo, phụ nữ không cần phải mặc những chiếc váy ngắn hoặc bó sát để trở nên quyến rũ. Bởi vậy mà Phoebe Philo được coi là nhà thiết kế tiên phong cho xu hướng “quiet-luxury” đang làm mưa, làm gió suốt những năm gần đây.
Tôi không quan tâm đến những bộ trang phục chỉ truyền tải một vẻ ngoài hay một phong cách nhất định. Đối với tôi, trang phục luôn là một hình thức để thể hiện bản thân.
Sức ảnh hưởng của Phoebe Philo không dừng lại ở những thiết kế mang tính biểu tượng. Tư duy sáng tạo của cô còn định hình cả phong cách thẩm mỹ của thế hệ nhà thiết kế sau này. Đầu tiên là Daniel Lee – cánh tay phải đắc lực của Phoebe Philo, nhà thiết kế đã bước ra khỏi bóng tối và toả sáng sau khi tái định vị lại nhà mốt di sản của nước Ý – Bottega Veneta. Ở ngay thời đại Y2K trở lại, Lee chọn đi ngược lại xu hướng: rút Bottega Veneta khỏi toàn bộ các kênh mạng xã hội, thay đổi bộ nhận diện thương hiệu bằng màu xanh lá biểu tượng, tạo ra một loạt những mẫu túi IT-bag kinh điển mà tín đồ nào cũng khát khao săn đón. Bên cạnh đó, điểm lại các bộ sưu tập mà Lee đã làm cho thương hiệu này, không khó thể thấy những thiết kế bằng da bóng bẩy được cắt may vừa vặn với cơ thể, những chiếc áo khoác mang tinh thần tối giản, thanh lịch… mà thoạt nhìn, người ta lại thấy một chút hơi thở của “Phoebe Philo asthestics”.
Hay Matthieu Blazy, một trong những truyền nhân bài bản của Phoebe Philo, đang dần khẳng định tên tuổi, tầm nhìn của mình khi ngồi lên vị trí cao nhất và viết lại định nghĩa xa xỉ bằng ngôn ngữ di sản của Bottega Veneta. Rồi Peter Do – cậu học trò từng thực tập dưới trướng của cô thời ở Céline cũng đã thành công gây tiếng vang lớn trong ngành công nghiệp tỷ đô. Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng Peter Do đã thể hiện tài năng cùng tư duy cấp tiến bằng việc lèo lái cả hai con thuyền Helmut Lang và The Peter Do. Hơn ai hết, anh là người hiểu rất rõ tinh thần của “xa xỉ thầm lặng” mà người thầy của mình đã dành cả nửa cuộc đời để xây dựng. Minh chứng cho điều đó là những bộ suit đạt chuẩn may đo cao cấp với kỹ thuật dựng cấu trúc và rập hoàn hảo; cách cắt và xử lý chất liệu da, sheer; những thiết kế bất đối xứng trên nền vải satin… mà nhìn qua, ai cũng thấy bóng dáng Phoebe Philo đâu đây.
Tinh thần thầm lặng, tinh tế của cô còn thể hiện ở chính phong cách sống và làm việc mà ở đó, người ta chỉ cần nhìn vào thiết kế, phẩm giá và lối sống của nhà thiết kế đã hiểu được định nghĩa “lặng” và “sang”. Tuy kiệm lời nhưng cô luôn có cách thể hiện “thanh âm” của mình một cách mạnh mẽ. Philo hoàn toàn không mong muốn trở nên nổi tiếng và nói không với mạng xã hội. Đến giờ vẫn vậy. Cô chỉ muốn làm tốt công việc của mình và cống hiến những gì tinh tuý nhất cho ngành thời trang. Trong một cuộc phỏng vấn, Philo từng chia sẻ lý do cô “ngại” xuất hiện trong các bài báo: “Khi nói đến công việc của mình, tôi thật sự nghĩ rằng trang phục tôi thiết kế có thể diễn đạt và truyền tải được tốt hơn tất cả những gì tôi muốn nói. Bản thân tôi vẫn luôn cảm thấy kỳ lạ khi nhiều người vào khu vực hậu trường sau show diễn và hỏi tôi ý nghĩa đằng sau của BST mới. Vậy là sao? Chẳng phải bạn vừa mới xem hết show diễn mới sao?”.
Quả thật, phụ nữ trầm tính không khỏi khiến người khác ngỡ ngàng. Sự tận tuỵ và nỗ lực cống hiến của Phoebe Philo dù ở Chloé hay Céline đều để lại dấu ấn và bản sắc độc đáo trong dòng chảy lịch sử thời trang. Cũng bởi vậy mà sau khi rời đi, di sản đồ sộ mà cô để lại khiến những nhà thiết kế tiền nhiệm, hiện tại là Hedi Slimane, phải cực kỳ nỗ lực để kế thừa và phát huy. Chỉ một quyết định không vững vàng thôi, điển hình như việc sửa logo, cũng khiến cho thế hệ khách hàng trung thành của Celine hiểu lầm rằng Slimane muốn “xoá sổ” cống hiến của Philo cho nhà mốt. Thế nhưng, sự trở lại lần này của Phoebe Philo có lẽ đã giúp Slimane xoá đi cái bóng mà anh đã phải nỗ lực rất nhiều để bước ra trong suốt 6 năm qua.
Trải qua một năm đầy thăng trầm, chứng kiến sự ra đi của hàng chục giám đốc sáng tạo lão làng đã khiến cho ngành thời trang gần như chết dần, chết mòn bởi chẳng còn ai thấy ánh sáng tích cực trong thế giới này nữa. Dẫu cho chọn cách thầm lặng nhất như tinh thần cô dày công xây dựng suốt nửa cuộc đời, thì “A1” vẫn ồn ào và ngốn cực kỳ nhiều giấy mực của truyền thông. chủ đề “Phoebe Philo is back” (dịch: Phoebe Philo trở lại) đã phủ kín các mặt báo. Sự trở lại thầm lặng của cô như một chiếc phao cứu lấy ngành công nghiệp thời trang đang nhuốm màu u ám.
Nhóm thực hiện
Bài: Khánh Linh
Ảnh: Phoebe Philo