Hiện nay, tự tử xếp thứ 2 trong các nguyên nhân tử vong ở thanh thiếu niên 15-29 tuổi. Hơn 30 triệu người Việt Nam đang trải qua vấn đề sức khỏe tinh thần vào năm 2021; hơn 800.000 người tự sát và chiếm 14% tổng các số ca tử vong. Những con số biết nói, những vụ việc đau lòng đã thúc đẩy SoftenMind – nền tảng chăm sóc sức khỏe tinh thần quy tụ những chuyên gia tâm lý hàng dầu Việt Nam – và Viện đào tạo tâm lý Wisdom Viet khởi xướng dự án phi lợi nhuận Hopeful Horizon hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức và ngăn ngừa hành vi tự tử và tự hại ở thanh thiếu niên Việt Nam thông qua ba hoạt động chính:
– Cuộc thi Breaking the Silence.
– Hội thảo tâm lý Hopeful Horizon.
– Gala trao giải Breaking the Silence.
Với sự tham gia của các chuyên gia có chuyên môn trong lĩnh vực tâm lý, những người có sức ảnh hưởng và những bạn trẻ quan tâm đến vấn đề sức khỏe tinh thần, sự kiện Gala trao giải đã vinh danh những sáng kiến mang tính đột phá, góp phần giải quyết vấn nạn tự hại và tự tử ở nhóm thanh thiếu niên của các bạn trẻ tài năng trong cuộc thi Breaking the Silence. Song song đó, thông qua những chia sẻ thiết thực của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tâm lý, những chuyên gia truyền thông và ca nhạc sĩ Kai Đinh, buổi hội thảo Hopeful Horizon đã cung cấp những kiến thức hữu ích giúp phòng chống hành vi tự hại và tự tử ở độ tuổi vị thành niên, giúp xã hội và cộng đồng kịp thời hỗ trợ và bảo vệ con em của mình khỏi những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe tinh thần.
Gala Trao giải cuộc thi Breaking the Silence
Với những ý tưởng thiết thực, mở ra những hướng đi sáng tạo và hữu ích trong việc nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần và phòng chống tự hại, tự tử ở giới trẻ, ba dự án xuất sắc nhất của các bạn trẻ là các sinh viên của các trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh đã được vinh danh tại Gala trao giải cuộc thi Breaking The Silence thuộc khuôn khổ dự án Hopeful Horizon.
Giải 1
Nhóm Tầng Thượng 02 với dự án Tầng Thượng Trên Không – sổ tay “Cẩm nang nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần cho học sinh THPT” do các chuyên gia và sinh viên lĩnh vực tâm lý xây dựng, cung cấp những kiến thức cần thiết một cách ngắn gọn, trực quan, giúp định hướng và hỗ trợ học sinh THPT nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần.
Giải 2
Nhóm FANSI với dự án Fansi – nâng cao nhận thức về tự hại và hướng dẫn sơ cứu tự hại cho giới trẻ.
Giải 3
Nhóm Kindheart với dự án website Kể – trị liệu bằng phương pháp viết và thiền, giúp đỡ những người trẻ đang đối diện với các vấn đề tâm lý qua phương pháp tự chữa lành (self healing).
Trong buổi Gala trao giải, ca nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Kai Đinh – đại sứ dự án Hopeful Horizon – đã cất lên những ca từ nhẹ nhàng, mang tính xoa dịu trong ca khúc chủ đề của dự án: Để tôi ôm em bằng giai điệu này. Bên cạnh đó, anh cùng diễn viên, ca sĩ Bảo Anh cũng đã bày tỏ những quan điểm của mình về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần trong xã hội hiện đại cũng như chia sẻ về hành trình vượt qua các vấn đề về tâm lý của bản thân, từ đó truyền cảm hứng và tiếp thêm sức mạnh để các bạn trẻ vững tin bước tiếp trong cuộc đời, đúng với tinh thần của thông điệp mà Hopeful Horizon truyền tải: “You are not alone”.
Hội thảo tâm lý Hopeful Horizon
Tiếp nối Gala trao giải, buổi hội thảo tâm lý Hopeful Horizon thu hút đông đảo người tham gia là các bạn trẻ, lan tỏa những thông điệp giá trị về sức khỏe tinh thần cũng như cung cấp những thông tin hữu ích, giúp cộng đồng, xã hội kịp thời ứng phó với các dấu hiệu sơ khai của hành vi tự hại, tự tử ở lứa tuổi vị thành niên.
Mở đầu buổi hội thảo là những báo cáo từ chị Lê Thị Thảo, phó tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng đài đã tiếp nhận 49 cuộc gọi tư vấn liên quan đến tự tử và tự hại ở trẻ em (chiếm 0,47% trong số các cuộc gọi tư vấn chuyên sâu ở tổng đài, tăng 20 cuộc gọi so với cùng kỳ 2022) và 6 ca can thiệp hỗ trợ trẻ em có ý định tự tử.
Từ những trường hợp trên, tổng đài rút ra những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng tự tử và tự hại ở trẻ, bao gồm: áp lực học tập, kết quả không như kỳ vọng của bản thân và gia đình; mâu thuẫn với người thân, bạn bè, đặc biệt là bị bố mẹ kiểm soát quá mức; bị trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (do bị bạo lực, xâm hại)…
Với những cuộc gọi như trên, tổng đài 111 đã tiếp nhận và xử lý với quy trình chuyên nghiệp, giúp các em có thể gỡ rối vấn đề và tránh đi đến những hậu quả đáng tiếc.
Tiếp nối những chia sẻ của chị Lê Thị Thảo, thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh, phó trưởng khoa Tâm lý học trường Đại học Sư phạm TP.HCM phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tự hủy hoại bản thân của trẻ vị thành niên. Bên cạnh những yếu tố được các nhà nghiên cứu trên thế giới đề cập như tổn thương thời thơ ấu; đặc điểm tâm lý tuổi vị thành niên; hành vi lệch chuẩn; môi trường sống… chị Mỹ Hạnh cũng đưa ra những yếu tố khác rút ra từ các nghiên cứu của bản thân. Một trong những lý do nổi bật nhất dẫn đến hành vi tự hại ở người trẻ, đó là dùng nỗi đau thể xác để quên đi nỗi đau về tinh thần.
Vì vậy, cần sự quan tâm đặc biệt và phối hợp của những người xung quanh, từ gia đình cho đến nhà trường, xã hội, giúp các em vượt qua các nỗi đau tâm lý và phòng tránh tình trạng tự hại ở lứa tuổi vị thành niên.
Trong buổi hội thảo, nhóm REACH cũng đã giới thiệu chương trình Huấn luyện Giáo viên phòng ngừa tự sát trong bối cảnh trung học nhằm phát hiện kịp thời những tình trạng bất ổn về sức khỏe tinh thần ở các em học sinh. Theo khảo sát của nhóm về nhu cầu của giáo viên về chương trình này, có đến 76,6% giáo viên tham gia nghiên cứu này chưa từng tham gia bất kỳ chương trình phòng chống tự tử nào; 66% giáo viên từng tiếp xúc với thông tin về hành vi tự tử hoặc tự hại tại nơi làm việc; 95,7% giáo viên mong đợi một chương trình ngăn ngừa tự tử. Ngoài ra, hầu hết giáo viên còn thiếu kiến thức về phòng chống tự tử trong môi trường học đường. Vì vậy, các chương trình, khóa học về phòng ngừa tự sát trong trường học cần được đẩy mạnh và phát triển trong thời gian tới.
Nội dung khóa học của nhóm REACH dựa trên mô hình AS+K được công nhận trên thế giới, cung cấp cho giáo viên những kỹ năng và thông tin ứng phó kịp thời khi nghi ngờ học sinh có ý định tự tử. Khóa học cũng cung cấp cho giáo viên hệ thống chuyển gửi học sinh có sẵn ở địa phương, khu vực, quốc gia và tham gia nhóm cộng đồng để giáo viên được hỗ trợ bởi các giáo viên khác hoặc các chuyên gia sức khỏe tâm thần.
BÀI LIÊN QUAN
Panel Discussion – Nâng cao nhận thức và phòng chống tự tử, tự hại ở thanh thiếu niên Việt Nam
Tiếp nối những báo cáo của các chuyên gia về thực trạng sức khỏe tinh thần của giới trẻ, dưới sự dẫn dắt của chị Hà Đức Hạnh – CEO và Founder của nền tảng SoftenMind, cùng với sự tham gia của Giáo sư Tiến sĩ Tâm lý Trần Thị Minh Đức – Phó chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam, Thạc sĩ Tâm lý Mai Mỹ Hạnh, ca nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Kai Đinh và chị Nguyễn Hồng Thảo Quyên – Phó giám đốc công ty truyền thông giải trí số Vtube, buổi thảo luận về những biện pháp phòng ngừa hành vi tự hại và tự tử ở lứa tuổi vị thành niên đã cung cấp những thông tin, chia sẻ hữu ích về cách phòng ngừa các hành vi tự hại, tự tử ở giới trẻ, đồng thời nâng cao nhận thức cho người tham dự và cộng đồng về vấn đề sức khỏe tinh thần ở độ tuổi vị thành niên.
Trước khi lắng nghe những chia sẻ từ các diễn giả và khách mời, người tham dự tham gia trả lời 3 câu hỏi khảo sát xoay quanh vấn đề phòng ngừa tự hại, tự sát cho người trẻ:
– Đâu là cách thức hiệu quả để có thể tiếp cận các bạn trẻ nhằm hỗ trợ và nâng cao nhận thức và giáo dục sức khỏe tinh thần của bản thân?
– Các cách thức có thể hỗ trợ thanh thiếu niên trong trường hợp bản thân hoặc bạn bè/người thân gặp vấn đề tâm lý.
– Làm thế nào để truyền tải các thông tin về cải thiện sức khỏe tinh thần, phòng chống tự tử-tự hại tới cộng đồng trên các kênh mạng xã hội một cách chính xác và hiệu quả?
Cách thức hiệu quả giúp thanh thiếu niên nhận thức về sức khỏe tinh thần của bản thân
Tại buổi hội thảo, nhiều người đồng tình rằng khi đối diện với các vấn đề về sức khỏe tinh thần, giải pháp đầu tiên là gặp bác sĩ hoặc chuyên gia để được tham vấn tâm lý. Tuy nhiên, giáo sư Minh Đức lại cho rằng đó là phương án cuối cùng được cân nhắc đến. “Điều chúng ta cần là sự quan tâm của các giáo viên trong trường học. Họ cần lồng ghép vào trong bài giảng các vấn đề sức khỏe tinh thần, chia sẻ với các em về áp lực học tập, cuộc sống. Bên cạnh đó, giáo viên cần tổ chức các buổi workshop, câu lạc bộ, tạo điều kiện để các em tự tin bày tỏ những tổn thương tâm lý của mình”. Ngoài ra, Giáo sư Minh Đức cũng cho rằng các tổng đài tư vấn tâm lý như 111 cũng là những kênh chuyên nghiệp, hữu ích giúp các bạn trẻ tìm đến để giãi bày tâm tư.
Đồng tình với những giải pháp của Giáo sư Minh Đức, Thạc sĩ tâm lý Mỹ Hạnh cũng cho rằng công tác phòng ngừa hành vi tự tử, tự hại ở thanh thiếu niên rất quan trọng và điều này đòi hỏi sự chung tay và quan tâm của gia đình, trường học và những lực lượng liên quan. Thêm vào đó, chị cũng cho rằng việc nâng cao nội lực cho giới trẻ cũng vô cùng cần thiết: “Chúng ta cần cung cấp, trang bị cho các em các kỹ năng vượt qua áp lực học tập, ứng phó với bạo lực học đường… từ đó giúp các em nâng cao kỹ năng sống và nâng cao nội lực của bản thân để hạn chế các hành vi tự hại”.
BÀI LIÊN QUAN
Cách thức hỗ trợ thanh thiếu niên khi gặp vấn đề tâm lý
Theo Giáo sư Minh Đức, dù những người đang đối diện với các vấn đề sức khỏe tinh thần chỉ muốn ở một mình, chúng ta vẫn nên đồng hành và ở bên cạnh họ. Đối với giới trẻ, chúng ta nên khuyến khích các bạn bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình, cho các bạn cảm giác được lắng nghe, thấu hiểu để giải tỏa những áp lực tinh thần. Bên cạnh đó, vai trò của nhà trường trong việc phòng ngừa các hành vi tự hại cũng vô cùng quan trọng, thầy cô nên tham gia vào các chương trình hỗ trợ và trò chuyện với các em học sinh có dấu hiệu tự hại đề các em không cảm thấy đơn độc.
Là một người mẹ, chị Hồng Quyên cho rằng giữa sức khỏe tâm lý và sức khỏe thể chất có mối liên hệ gần gũi. Khi cơ thể khỏe mạnh, tinh thần cũng sẽ khỏe mạnh. Vì thế, khi con cảm thấy căng thẳng, áp lực, chị sẽ dành thời gian cùng con đi chơi hoặc đi ăn để giúp con xoa dịu tinh thần.
Còn với Kai Đinh, anh cho rằng bất cứ cũng đều trải qua những khoảnh khắc bất ổn trong cuộc sống. Vì thế, khi phát hiện người thân của mình, đặc biệt là các bạn trẻ, đang phải trải qua những giai đoạn đó, hãy cho họ thấy rằng họ không cô đơn và chúng ta sẵn sàng lắng nghe, cùng họ chia sẻ những tổn thương trong cuộc sống bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để truyền tải những thông tin về sức khỏe một cách hiệu quả trên mạng xã hội?
Với vai trò là một người làm việc trong lĩnh vực truyền thông, chị Hồng Quyên cho rằng việc truyền tải những kiến thức về sức khỏe tinh thần trên mạng xã hội là điều cần thiết, tuy nhiên để tăng tính hiệu quả, chúng ta cần kết hợp với các hoạt động offline như các buổi workshop, các chương trình đại sứ học sinh, sinh viên hoặc cung cấp các vật phẩm mang tính tuyên truyền như stickers, áo… Thêm vào đó, các thông tin được truyền tải nên mang màu sắc trẻ trung, giải trí và được khai thác dưới góc nhìn trẻ. Nội dung nên được chắt lọc dưới dạng thông tin ngắn như video TikTok, Shorts hoặc Reels để dễ dàng tiếp cận đến các bạn trẻ hơn.
Ca sĩ Kai Đinh bày tỏ, chúng ta cần tuyên truyền việc thể hiện cảm xúc là điều bình thường và ai cũng có quyền bộc lộ những tổn thương của mình. Mọi sự khác biệt về mặt cảm xúc đều cần được tôn trọng và thông điệp này sẽ giúp các bạn trẻ cởi mở chia sẻ những tâm tư và suy nghĩ của bản thân.
Nhóm thực hiện
Bài: Taylor