Lifestyle / Du lịch

Ladakh – Miền mơ vàng

Ladakh - Có những khi tôi nhìn ra cằn cỗi hoang mạc và điệp trùng tuyết sơn trước mặt, tự hỏi mình đang làm gì? Tại sao lại ở nơi này? Mặt hồ nào, đỉnh núi nào đang chờ tôi?

miền đất vàng Ấn Độ

Tôi muốn chọn một hương vị như sợi dây nối đưa mình về với Ladakh. Đó sẽ là màu và vị của những quả mơ xuân thì. Tròn xoe, vàng rực, ửng đỏ má đào tơ mịn, nằm in thin thít trong giỏ chờ tay người đến chọn. Cắn vào một bên má mơ, nghe khoang miệng chứa chan tép trái mềm nuột nà ứa nước ngọt lịm. Họ gọi đây là những quả mơ ngon nhất thế giới, có chứng nhận hẳn hoi.

Lúc tôi đi Ladakh, có người bạn bình luận vào một story trên Facebook: “Nhìn giống Tây Tạng nhỉ, không giống Ấn Độ”. Người ta gọi nơi này là “Tây Tạng nguyên sơ trên đất Ấn”. Gần một nửa dân Ladakh là người Hồi giáo Shia và phần còn lại chủ yếu là Phật giáo Tây Tạng, với rất nhiều tu viện cổ và bóng các lama áo đỏ sẫm như đối lập với khung cảnh xám trắng của núi đá Himalaya bao quanh.

ladakh thành phố leh cổ kính
Thành phố Leh cổ kính trong ánh chiều vàng.

ladakh thị trấn leh cổ tính

LEH CỔ TÍCH

Thủ phủ của Ladakh giống như bước ra từ những trang truyện cổ 400 năm trước, một cuộc sống chậm rãi thuần khiết và giản dị. Nơi này từng là trung tâm của vương triều Sengge cho đến khi suy tàn và biến mất năm 1834. Nhỏ bé, cô lập ở độ cao 3.500m so với mực nước biển, từ bất cứ góc độ nào ở thị trấn này, người ta cũng có thể nhìn thấy núi – trùng điệp bóng núi xa mờ. Tôi bị thu hút bởi Leh tới mức sau khi chuyến đi kết thúc, vẫn mong mình có thể quay lại, chẳng cần đi đâu xa, chỉ cần ở Leh một tuần để chìm trong nhịp điệu mơ hồ yên ả. Ngày ngày đi bộ từ khách sạn bằng gỗ bé bỏng thơm nức nhang trầm tên là Chospa, đến tiệm cà phê ngay góc chợ trung tâm tên là Leh Café, gọi một chén súp rau củ chua ngọt có rất nhiều ớt chuông nấu với thịt gà, gọi thêm ly nước mơ vừa ép còn nguyên tép. Cứ thế, ngồi bên cửa sổ khổng lồ đầy nắng nhìn ra con đường trung tâm trước mặt.

ladakh chợ trung tâm leh

Thị trấn đầy những cửa tiệm bán pashmina – khăn choàng dệt tay đủ sắc màu thanh nhã làm từ cashmere, bán đồ mỹ nghệ, đồ thờ cúng, rau xanh, trái cây và thức ăn. Chợ trung tâm Leh đầy bóng dáng của những thế kỷ xa vắng. Hai bên vỉa hè, phụ nữ và các bà lão trong trang phục miền núi và trang sức bạc ngồi bán súp lơ tròn to, củ cải đỏ béo ú, táo vườn nhà, hoa ly và mơ vàng trong những rổ hàng nằm ngoan ngoãn. Họ vừa trò chuyện với nhau, vừa đan len, vừa cầu kinh, vừa bán hàng, đong đếm hàng hóa bằng cân đồng với mâm treo và quả cân như Việt Nam mấy chục năm về trước.

ladakh người du mục
Ở nơi đó, có những người du mục cuối cùng trên thế gian.

Những người Tây Tạng nhập cư dựng nên rất nhiều sạp hàng đan xen trong ngõ ngách vòng quanh chợ để bán đồ trang sức, mỹ nghệ như kinh luân, tràng hạt, chuông xoay, cờ nguyện. Họ hiền lành, ấm áp và bán hàng với giá không đáng kể, ví như tôi đã mua những chuỗi vòng trầm với giá chưa đến 100 ngàn tiền Việt. Đứng ở con đường chính giữa chợ Leh, trời chiều đầy gió, xung quanh là cảnh bán buôn chầm chậm tĩnh lặng, chó hoang say ngủ, xa xa là Himalaya như vẽ lên nền trời, in trên mây xanh là phấp phới cờ nguyện tỏa ra từ bi và thiện ý, người ta muốn choàng lại khăn cho thêm chặt và rảo bước mua thêm một vài túi mơ giúp cho những bà lão đang cầu kinh.

trái đào mọng nước

CUNG ĐƯỜNG VÀ MẶT HỒ XA THẲM

Tôi không hiểu mình đã vượt qua 10 ngày ở Ladakh như thế nào khi mỗi ngày đều vượt 150km đường núi trên những cung đường gấp tay áo, đá dăm xóc nảy kéo dài hàng tiếng, đường ngoằn ngoèo vô tận một bên là núi đá một bên là mép vực như muốn lôi hết thức ăn từ trong ruột ra. “Say độ cao” là một vấn đề đáng lưu tâm khi đặt chân tới miền đất này. Cơ thể thiếu ôxy, lúc nào cũng trong trạng thái hơi ngầy ngật, đi nhẹ nói khẽ.

Buổi trưa, mặt trời xuyên qua cửa kính xe, chiếu bỏng rát lên má, xung quanh là hoang mạc khô cằn trải dài trong thinh lặng vô biên, xa xa là rặng tuyết sơn lên tiếng gọi. Xe đi mãi đi mãi, đôi khi nhìn quanh, tôi thấy chỉ có xe mình trên đường dài độc hành. Ladakh như một tiểu hành tinh cô đơn và tôi đang đi đến nơi nào chẳng rõ. Chiều về tối, trời trở lạnh buốt đầu. Chạm vào cửa xe có thể thấy băng giá xen vào từng ngón tay. Vượt qua vô tận cung đường tử thần không có điểm dừng đó, tôi gặp những viên ngọc của thế gian.

ladakh hồ nước pangong
Tất cả các sắc độ của màu xanh đều có thể tìm thấy ở hồ Pangong.

Đó là Nubra Valley nơi tôi có cả một thiên hà nhảy múa cho riêng mình. Đâu đó nằm giữa Tây Tạng và Kashmir, vượt qua bao đèo cao bao núi xa, tới Lchang Nang Retreat, tôi tìm thấy một rừng hắc mai biển mọc hoang và một bầu trời rắc bạc. Vùng núi Bắc Ấn hoang lạnh, không gì che chắn tầm nhìn. Từ sân ngắm sao của Lchang Nang, có thể thấy dải ngân hà như đang nói thầm với một người. Vô số ngôi sao chi chít, như rắc bạc, lấp lánh, chớp nháy chớp nháy suốt đêm như một lời thì thầm tinh nghịch: “Hãy luôn tin vào những điều kỳ diệu nhé, cô gái”. Nền trời xanh thẫm, bóng núi lạnh căm, bụi vũ trụ và hàng vạn thiên thạch phía xa mờ tạo thành một phông nền dát bạc cho những ngôi sao khổng lồ cổ xưa thắp nến nhảy múa trong một giai điệu bất tận.

Đó là mặt hồ của những người du mục cuối cùng trên thế gian: Tso Moriri nằm cô lập giữa giá rét, sa mạc lạnh và những đỉnh núi đội mũ tuyết trắng. Nơi đó tồn tại làng du mục Korzok khi người ta du canh du cư vào mùa Đông hằng năm và chỉ trở về khi mùa Hè tới. Một tu viện 300 năm nằm cheo leo nhìn ra mặt hồ xanh lam. Khi chúng tôi đến, chỉ có 2 vị lama ở đó. Hai thầy có vẻ rất vui khi có khách phương xa tới thăm, làm lễ cầu an và giúp dâng đèn bơ với ánh sáng mãnh liệt quyện cùng hương trầm bay ngát thinh không. Đầu tôi đau buốt vì giá rét và gió cắt quanh hồ. Có những cái đẹp để đứng xa thưởng lãm chứ không để chạm vào. Tso Moriri xanh lạ kỳ và cũng biệt lập lạnh lẽo như muốn tránh xa trần thế. Trong tiếng kinh cầu, người chăn dê trở về làng, mặt hồ chứa cả mây trời rì rào đợi hoàng hôn.

Rung động lòng người nhất là hồ Pangong. Có lẽ, tạo hóa khi điêu khắc ra Trái đất đã làm rơi một mảnh biển hoặc một mảnh trời ở độ cao 4.225m giữa những rặng núi màu nâu cát và thế là tạo ra hồ Pangong như không thuộc về cõi người. Tất cả các sắc độ của màu xanh từ xanh lục nhạt đến xanh ngọc bích, xanh dương thẫm, cả tím nhạt, nối tiếp nhau, luân chuyển nhau theo một cách thức kỳ bí. Nước hồ thiêng liêng trong veo như pha lê không nhuốm bụi trần. Đàn hải âu bơi trên sóng lăn tăn. Xa xa, núi đá đội mũ tuyết trắng một màu vĩnh cửu. Có lẽ đây là nơi ở của các vị Thần? Đường đến hồ trần ai trắc trở, có lẽ để giữ cho hồ mãi như viên ngọc tuyết giữa thế gian.

điệp trùng núi tuyết
Điệp trùng núi tuyết, đồng cỏ, mây trời và những rừng hắc mai biển mọc hoang.

BÀI LIÊN QUAN

VỊ THIỀN SƯ TRONG THƯ VIỆN CỔ

Hành trình dọc ngang Ladakh không thể thiếu bóng dáng những tu viện Phật giáo Tây Tạng trên sườn núi cao, gần với thiên đàng và vì thế, dễ được bảo vệ. Tài xế của chúng tôi là một Phật tử thuần thành, thế nên, ngoài những tu viện nổi tiếng, bất cứ khi nào tiện đường, anh cũng cố gắng ghé lại một ngôi đền nào đó cho cả nhóm vào chiêm bái. Chúng tôi thăm đến 11 tu viện trong những ngày ở miền đất mặt trăng. Trong đó, tôi nhớ nhất là Diskit và Thiksey, nơi tôi nhận được hơi ấm từ những vị tu hành.

Đoạn đường đến tu viện Diskit thật khủng khiếp, chính là ngày chúng tôi vượt ngọn đèo cao nhất thế giới mà xe cộ có thể lăn bánh: Khardung La cao 5.359m. Đoạn lên đèo đã kinh hoàng, nhưng đoạn xuống đèo mới thật thót tim với liên tiếp những lần xe lao thẳng ra mép vực rồi giật lùi lại và phóng đi tiếp. Ruột gan đảo lộn, tôi đến chân tu viện Diskit và dùng chút sức tàn để lảo đảo leo lên bậc thang dẫn vào điện thờ từ thế kỷ 14 – lâu đời nhất miền thung lũng Nubra.

tượng phật ở sumur
Tượng Phật ở Sumur Nubra Valley.

Duyên may. Lúc chúng tôi tới cũng là lúc các nhà sư đang làm lễ cầu an buổi sáng. Chánh điện nghiêm trang, 8 vị lama phái Mũ Vàng lầm rầm cầu kinh. Tôi nhờ một tu sĩ giúp trì chú cho những chuỗi hạt đeo tay. Thầy đem những chuỗi trầm hương đi một vòng điện thờ cho 8 vị cùng trì chú lên đó. Sau đó, thầy mở cửa các điện thờ nhỏ cho vào xem, giải thích các bức thangka, giúp cho chúng tôi dâng đèn bơ. Tu viện nằm trên triền núi khổ hạnh, nắng gió đều cháy bỏng. Vị lama áo đỏ hiền từ tặng cho khăn khata, bảo hãy ở lại uống tách trà nhé. Ở đây có trà bơ và trà đen.

ladakh du lịch

Hơi ấm của từ bi theo chúng tôi đến Thiksey – tu viện lớn nhất, nổi tiếng nhất và đông du khách nhất vùng Ladakh. Khách viếng nườm nượp, ngỡ rằng các vị lama sẽ chẳng có thời gian cho riêng ai. Vậy mà từ chánh điện bước ra, bỗng đâu lại thấy thiền sư ngồi một mình trong nắng vàng đang phủ tràn lên thung lũng Indus. Thầy dẫn cả nhóm lên tầng thượng của tu viện nhìn ra bao la sa mạc lạnh trước mặt, không một vật chắn. Thầy lấy chìa khóa mở cửa thư viện cổ nhỏ xíu trên tầng thượng nắng gió để chúng tôi vào thăm. Kinh điển viết tay từ thế kỷ 14 nằm trang nghiêm trên những ô kệ nhuốm màu thời gian. Vị lama vui tính, hiền hậu cho chúng tôi thuốc uống chống sốt mệt, cầm tay từng đứa trẻ truyền hơi ấm chữa lành, dạy chúng tôi xoay chuông Tây Tạng, ngồi Thiền thành vòng tròn, tay trong tay nhau, tĩnh tâm trong thư viện cổ. Rời xa Ladakh, duyên may vẫn tiếp nối. Hôm qua thầy gửi cho tôi tin nhắn là hình chụp 2 mandala – hình dáng vũ trụ thu nhỏ trong cái nhìn của bậc giác ngộ, một bằng đất sét, một bằng cát.

tu viện thiksey
Thiksey – tu viện lớn nhất, nổi tiếng nhất và đông du khách nhất vùng Ladakh.

Ladakh – có những khi tôi nhìn ra cằn cỗi hoang mạc và điệp trùng tuyết sơn trước mặt, tự hỏi mình đang làm gì? Tại sao lại ở nơi này? Mặt hồ nào, đỉnh núi nào đang chờ tôi? Và nhận ra mình là một tâm hồn nhỏ thuộc về những cung đường, một ngày đến đây trót yêu đường xa Hy Mã. Miền đất mơ vàng, núi thiêng, trời biếc, cờ nguyện bay trong nguyện ước là nơi tôi sẽ quay về.

Nhóm thực hiện

Bài: Khánh Ngọc 

Ảnh: Khánh Ngọc, Tư liệu 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)