Lifestyle / Bí quyết sống

9 thói quen giúp bạn bắt đầu ngày mới với năng lượng tích cực

Đã bao giờ bạn tự hỏi làm thế nào mọi người có thể hoàn thành nhiều việc trong một ngày, trong khi bạn lại phải vật vã với nhiều nhiệm vụ khác nhau chưa? Câu trả lời thật ra không phức tạp như bạn nghĩ, tất cả đều phụ thuộc vào cách bạn khởi đầu một ngày mới.

thói quen của cô gái buổi sáng

Năng lượng và hiệu suất làm việc cả một ngày dài có thể được quyết định bởi những thói quen của bạn vào mỗi buổi sáng. Nếu bạn bắt đầu ngày mới bằng những hoạt động tích cực, khả năng cao một ngày của bạn sẽ diễn ra một cách trọn vẹn và như ý. Sau đây là 9 bí quyết hữu ích mà bạn có thể tham khảo để mỗi ngày đều luôn năng suất và tích cực.

1. Thức dậy sớm

Thành ngữ Anh có câu: “Chú chim dậy sớm dễ bắt được sâu”. Câu nói ấy ngụ ý rằng, người thường dậy sớm và chăm chỉ làm việc sẽ có nhiều cơ hội chạm đến thành công và tiến xa hơn trong cuộc sống.

cô gái có thói quen dậy sớm
Ảnh: Unsplash/Anna Keibalo

Có thể nói việc thức dậy sớm là chìa khóa quan trọng giúp bạn có một ngày mới thật năng suất. Không gian yên tĩnh buổi sớm mai có thể giúp bạn tỉnh táo và tập trung năng lượng cho các kế hoạch, công việc mà không bị phân tâm bởi những tạp âm xung quanh. Không những thế, thói quen dậy sớm đón ánh bình minh, lắng nghe chim hót đầu ngày, tận hưởng bầu không khí trong lành cùng mùi hương cỏ cây còn giúp tâm trí bạn luôn trong trạng thái cân bằng, an tĩnh và khỏe mạnh. Mặt khác, khi duy trì đều đặn thói quen dậy sớm, quá trình trao đổi chất sẽ được diễn ra một cách nhịp nhàng, có trật tự, từ đó góp phần tăng cường miễn dịch và hệ tiêu hóa cũng trở nên khỏe mạnh hơn.

Tuy nhiên, bạn không nên ép buộc bản thân phải thức dậy lúc 4 giờ sáng nếu điều đó chưa thật sự phù hợp với nhịp sinh học của bản thân. Hãy cố gắng sắp xếp cho mình một lịch trình ngủ phù hợp và duy trì đều đặn. Bạn có thể bắt đầu bằng việc đi ngủ và thức dậy sớm hơn từ 30-60 phút mỗi ngày.

2. Thưởng thức bữa sáng lành mạnh

Bữa sáng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe, cung cấp dưỡng chất cho não bộ, tăng cường trí nhớ và khả năng tập trung, đồng thời giúp chúng ta duy trì năng lượng cho cả ngày dài. Vì vậy, bạn không nên bỏ bữa hoặc ăn uống qua loa, một bữa sáng lý tưởng cần đảm bảo tính cân bằng dinh dưỡng, có đủ protein; chất xơ và tinh bột.

Không nhất thiết phải là những bữa ăn bắt mắt; thịnh soạn, nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể chuẩn bị cho mình những món ăn đơn giản nhưng đảm bảo dưỡng chất, như: một bát yến mạch kèm sữa chua và trái cây, ngũ cốc, salad, bánh mì đen và trứng, súp rau củ hoặc một ly sinh tố…

3. Đặt mục tiêu mỗi ngày

Đặt mục tiêu hàng ngày cũng là thói quen quan trọng quyết định năng suất làm việc của bạn. Nếu bắt đầu một ngày mới mà không có kế hoạch rõ ràng, bạn sẽ dễ bị quá tải và lạc lối trong sự bận rộn khi có quá nhiều đầu việc cần được giải quyết.

Vì vậy, bạn nên dành ra chút thời gian để lên kế hoạch cho những việc cần làm trong ngày, bạn có thể chia nhỏ và ưu tiên những công việc quan trọng, đồng thời đặt ra mục tiêu rõ ràng rằng bạn sẽ hoàn thành bao nhiêu đầu việc trong một ngày và mất bao lâu để thực hiện chúng.

cô gái lên kế hoạch buổi sáng
Ảnh: Unsplash/Ivan Samkov

Thói quen đặt mục tiêu, lịch trình rõ ràng sẽ giúp bạn có thể tập trung cao độ, theo dõi công việc một cách sát sao và tận dụng hiệu quả quỹ thời gian trong ngày của mình. Bên cạnh đó, thói quen này cũng giúp bạn cảm thấy hạnh phúc và sống trọn vẹn hơn khi nhìn thấy những đầu việc trong ngày được hoàn thành một cách hiệu quả.  

4. Tập thể dục

Ngoài giúp duy trì vóc dáng khỏe mạnh, vận động thể chất thường xuyên vào mỗi buổi sáng còn là cách giúp bạn khởi đầu một ngày mới tràn đầy sức sống cùng tinh thần tích cực. Không những thế, khả năng ghi nhớ và mức độ tập trung của bạn cũng sẽ được cải thiện đáng kể nếu duy trì đều đặn thói quen lành mạnh này.

yoga năng lượng
Ảnh: Unsplash/Katherine Hanlon

Theo nghiên cứu của Đại học Otago (New Zealand) được công bố vào tháng 1/2023 trên Tạp chí Sinh lý học Mỹ, việc vận động thể chất thường xuyên có khả năng kích thích não bộ sản sinh protein BDNF, đây là một hoạt chất dinh dưỡng vô cùng cần thiết cho trí nhớ và hỗ trợ tính linh hoạt của não bộ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, với khoảng 6 phút hoạt động thể chất cường độ cao, con người có thể trì hoãn sự khởi phát của bệnh Alzheimer cùng nhiều chứng suy giảm trí nhớ khác.

Có thể thấy rằng, vận động thể chất là yếu tố quan trọng mà bạn không nên bỏ qua nếu muốn cải thiện năng suất làm việc. Vì vậy, hãy thử tìm cho mình một hoạt động thể thao phù hợp và biến nó thành thói quen không thể thiếu vào mỗi buổi sáng của bạn nhé.


Xem thêm

• Hiểu rõ về sự cô đơn và 12 cách giúp bạn vui sống dù đang lẻ bóng

• 8 sự thật cuộc sống mà tâm hồn muốn nhắc nhở bạn 

• 7 cách sống vui vẻ cho cô gái hiện đại


5. Thực hành chánh niệm

Guồng quay giữa công việc và cuộc sống đôi lúc khiến con người quên mất thời gian dành cho chính mình. Vì mải mê theo đuổi công danh sự nghiệp, chúng ta dường như đã không còn thời gian để ngắm nhìn bầu trời xanh hay thưởng thức tách trà thơm trong chậm rãi. Chính vì thế, thực hành chánh niệm là một bí quyết hữu hiệu có thể giúp bạn tìm lại sự cân bằng và ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Bạn có thể mang tinh thần chánh niệm vào lối sống hằng ngày bằng việc ngồi thiền, viết nhật ký hay chỉ đơn giản là ngồi yên và tận hưởng bầu không khí tĩnh lặng mỗi buổi sáng. Bên cạnh đó, các bộ môn nghệ thuật như: cắm hoa ikebana, thêu tay, đan len, vẽ hay luyện viết Calligraphy cũng là cách giúp bạn thực hành chánh niệm đồng thời rèn luyện cho bản thân sự kiên nhẫn.

năng lượng chánh niệm
Ảnh: Pexels/Alax Matias

Thực hành chánh niệm mỗi buổi sáng cũng sẽ mang lại cho bạn cảm giác bình an, nhẹ nhõm, một trí tuệ minh mẫn và có thể lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến mọi người xung quanh. Khi chậm rãi quan sát mọi thứ, bạn sẽ duy trì được sự bình tĩnh và không dễ bị tác động trước những điều không như ý muốn.

6. Hạn chế sử dụng công nghệ

Yếu tố gây nhiễu từ những tin tức tiêu cực và hàng tá email công việc dễ khiến bạn bị cuốn vào những mối bận tâm và khó duy trì nguồn năng lượng tích cực. Vì vậy, bạn không nên sử dụng điện thoại ngay khi thức dậy. Bạn có thể áp dụng phương pháp “digital detox”, dành ra một khoảng thời nhất định trong ngày, có thể vào buổi sáng, để cho phép bản thân được thanh lọc và tạm ngưng sử dụng các thiết bị công nghệ. Hãy sử dụng điện thoại sau khi đã thức dậy khoảng 2-3 tiếng hoặc những lúc thật sự cần thiết. Nếu rèn luyện được thói quen này, bạn sẽ không còn bị sao nhãng bởi việc lướt điện thoại, có nhiều thời gian hơn cho những mục tiêu cá nhân và năng suất làm việc cũng dần được cải thiện đáng kể.

7. Ưu tiên những nhiệm vụ khó

Chúng ta thường có tâm lý trì hoãn, né tránh những nhiệm vụ khó cần nhiều thời gian xử lý, từ đó khối lượng công việc càng ngày càng trở nên nhiều hơn, dẫn đến năng suất làm việc giảm đáng kể. 

Vì thế, buổi sáng là khoảng thời gian hợp lý để bạn tập trung cao độ cho những nhiệm vụ khó khăn. Bạn sẽ cảm thấy vô cùng sảng khoái khi đã hoàn thành những đầu việc này và khoảng thời gian còn lại trong ngày cũng sẽ trôi qua một cách nhẹ nhàng hơn.

cô gái có thói quen làm việc buổi sáng
Ảnh: Pexels/Pavel Danilyuk

8. Học một điều mới

Hành trình theo đuổi tri thức là hành trình cả đời và việc học chưa bao giờ dừng lại khi bạn rời xa chiếc ghế nhà trường. 

Bạn có thể đón chào ngày mới bằng việc học thêm một kiến thức thú vị. Đó có thể là đọc sách, nghe podcast, luyện ngoại ngữ qua các bài TED Talk… Khi biến việc học trở thành thói quen không thể thiếu mỗi buổi sáng, điều này sẽ giúp bạn không ngừng nâng cấp bản thân, mở rộng tầm nhìn và khơi dậy những ý tưởng sáng tạo mới. Thật thú vị khi nhận ra rằng thế giới rộng lớn ngoài kia vẫn còn rất nhiều điều mới lạ đang chờ bạn khám phá.

9. Tránh làm nhiều việc cùng lúc

Nhiều người cho rằng đa nhiệm là khả năng thiết yếu, nhưng điều này chưa hẳn đúng. Những người đa nhiệm nghĩ rằng họ đang làm được nhiều việc hơn, nhưng thật ra họ đang khiến năng suất của mình giảm đi. Việc ôm đồm và giải quyết nhiều việc cùng một lúc sẽ khiến bạn khó tập trung, dễ sai sót, từ đó dẫn đến hiệu quả làm việc kém. Bên cạnh đó, việc giải quyết nhiều đầu việc cùng một lúc mà không thật sự đầu tư công sức cho một công việc cụ thể nào có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng hoạt động của não bộ. 

cô gái làm nhiều việc cùng lúc
Ảnh: Pexels/Pavel Danilyuk

Vì vậy, ngoài việc lập thời gian biểu mỗi ngày, bạn nên lên danh sách những công việc quan trọng cần được ưu tiên giải quyết trước. Thay vì làm nhiều việc cùng lúc, hãy tập trung xử lý một cách trọn vẹn từng công việc một. Bạn sẽ hạn chế được những sai sót và hiệu quả làm việc cũng được tăng lên rất nhiều. Chất lượng quan trọng hơn số lượng. Làm việc năng suất không đồng nghĩa với bận rộn. Năng suất là khi bạn biết tận dụng tối đa thời gian trong ngày và hoàn thành công việc một cách hiệu quả.

Nhóm thực hiện

Bài: Anh Thư

Tham khảo: The Expert Editor

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)