Mỗi ngày, bạn dành bao nhiêu thời gian cho Facebook?
Thật khó đếm được, bởi vì Facebook, với khởi nguyên đơn giản chỉ là một nơi để chia sẻ tâm tư, hình ảnh với bạn bè, đã trở thành một “chợ trời” thứ thiệt. Bạn muốn biết hôm nay báo có gì hay? Lên Facebook. Bạn muốn biết hôm nay có sự kiện gì đang “nóng”? Lên Facebook. Bạn cần thuê nhà, mua xe hơi, xe máy, điện thoại, máy tính mới hay thậm chí mua tôm cá ngon? Lên Facebook. Facebook là quán cà phê với bạn bè, là căn phòng riêng của bạn, là thùng rác của bạn, là sân khấu của bạn, là lớp học của bạn… Và như mọi thứ khác trên đời, khi bạn lệ thuộc vào một điều gì, nó sẽ có khả năng điều khiển bạn.
Gần đây, mạng xã hội lớn nhất thế giới này đã gây tranh cãi gay gắt khi thực hiện một cuộc nghiên cứu sự ảnh hưởng của các status lên tâm lý. Kết quả nghiên cứu này quả là điều chúng ta phải suy nghĩ. Trong số gần 700.000 người được chọn làm đối tượng nghiên cứu, trên newsfeed của một số người liên tục hiện lên các status và hình ảnh vui vẻ, trong khi đó, trên newsfeed của những người còn lại liên tục hiện lên các status buồn bã, tiêu cực. Và kết quả cho thấy, người dùng Facebook chịu ảnh hưởng khá nhiều từ các status của bạn bè.
Tuy nhiên, điều đáng nói là cuộc điều tra trên của Facebook đã được thực hiện mà không báo trước. Đại diện của nhà cung cấp mạng xã hội này đã giải thích rằng: Khi đăng ký Facebook, người dùng đã chấp thuận các điều khoản sử dụng của mạng xã hội này, và một trong những số đó là cho phép các nhà nghiên cứu lấy các dữ liệu cá nhân phục vụ cho việc nghiên cứu. Thế nhưng, trên thực tế, rất ít người dùng thực sự đọc các điều khoản khi đăng ký sử dụng một dịch vụ mạng xã hội, và kể cả có đọc, họ cũng không nghĩ rằng họ sẽ trở thành chuột bạch cho một nghiên cứu kiểu này mà không được báo trước.
Không ai có thể kiện được Facebook, tuy nhiên, ở một mặt khác, câu chuyện này cho chúng ta thấy được mình đã trở thành một “mục tiêu dễ dàng” cho bất cứ ai muốn khai thác đời sống tinh thần của số đông cho mục đích nào đó.
Một ví dụ cụ thể khác là việc các quảng cáo xuất hiện trên newsfeed của chúng ta mỗi khi đăng nhập vào Facebook. Nếu bạn nói nhiều về các chuyến đi, bạn sẽ thấy các hãng máy bay, dịch vụ du lịch chen chúc xuất hiện trên tường nhà. Nếu bạn nói nhiều về ẩm thực, các nhà hàng sẽ cũng tranh đua xuất hiện trước mắt bạn. Cứ như thể có ai đó lẳng lặng ngồi ở kia, ngay trong tài khoản mạng xã hội của bạn để chìa ra cho bạn những lời mời, những đề nghị khi bạn còn chưa cần đến chúng.
Một người thanh niên tại Mỹ cũng đã có một thử nghiệm nho nhỏ với các người dùng của Twitter. Anh dành ra một thời gian để theo dõi Twitter của một số người lạ. Và chỉ một thời gian sau, anh đã có thể đọc được rành rẽ tên tuổi, nơi ở của họ, họ thích ăn gì, bạn thân họ của họ ra sao, con mèo của họ tên gì (trong khi bạn bè của họ thậm chí còn không biết họ nuôi mèo)… Đó là chưa kể, bất chấp việc đã có rất nhiều lời cảnh báo về việc các thông tin đời tư của người dùng bị hé lộ qua các dịch vụ định vị cũng như chính hành động chia sẻ trên mạng xã hội của họ, vẫn không có mấy ai quan tâm đến việc mình đã trở nên “yếu ớt” thế nào trước nguy cơ ảo.
Chúng ta cứ nghĩ đời tư của mình không có gì phải giấu, chúng ta chỉ là những người bình thường, chẳng có gì bí mật. Thế nhưng, hãy tưởng tượng có một lúc nào đó tất cả những thông tin của cuộc đời bạn được gói thành một tập dữ liệu và bất cứ ai cũng có thể truy cập và điều khiển nó, khi ấy, bạn sẽ không còn “độc lập” hay “tự do” như bạn tưởng. Bạn có thể bị theo dõi ở bất cứ nơi đâu, và cuộc sống của con cái gia đình bạn có thể sẽ bị ảnh hưởng theo cách bạn chẳng hề mong muốn. Thế nên, hãy giữ mình trước Facebook hay bất cứ trang mạng xã hội nào bạn đang sử dụng. Chuyện kinh dị, không phải lúc nào cũng chỉ có trên phim.
6 CÁCH ĐỂ BẢO VỆ CHÍNH MÌNH TRÊN FACEBOOK
1. Trừ khi bạn muốn trở thành người của công chúng, bạn nên chọn mức độ hiển thị cho từng bài đăng hoặc hình ảnh. Với những tấm ảnh gia đình, riêng tư, bạn rất nên chọn mức độ chỉ dành cho bạn bè.
2. Để tránh việc những người có email của bạn tìm ra bạn trên Facebook ngoài mong muốn, bạn nên tắt chế độ cho tất cả mọi người tìm kiếm trong Privacy Setting.
3. Bạn có bao giờ thấy bỗng nhiên mình đã “like” một trang nào đó mà mình không hề biết. Một số website đã sử dụng một đoạn mã để lần theo những từ ngữ bạn hay dùng và biến bạn thành fan bất đắc dĩ của trang web đó. Để tránh điều này, bạn vào Account/Privacy Settings/ Applications và Websites/Instant Personalization Pilot Program, chọn nút Edit Settings và bỏ chọn.
4. Tuyệt đối không bao giờ đưa các thông tin như số điện thoại, địa chỉ nhà lên Facebook. Đừng quên là băng nhóm Bling Ring chuyên ăn cắp tài sản của các ngôi sao Hollywood nổi tiếng một thời chỉ là mấy cô cậu tuổi mới lớn chuyên theo dõi trang cá nhân của thần tượng để biết khi nào họ vắng nhà. Và tất nhiên, nếu bạn không cung cấp email hay tên Skype/Yahoo thì sẽ chẳng ai có thể gửi các tin nhắn làm phiền bạn.
5. Nếu sử dụng smartphone, bạn nên tắt chế độ Local Service cho các ứng dụng mạng xã hội. Tất nhiên, việc này sẽ làm bạn gặp khó khăn khi muốn check-in tại đâu đó nhưng lại giúp cho bạn bảo vệ thông tin riêng tư về lịch trình của mình, địa điểm của mình trước những kẻ xấu.
6. Hạn chế khoe ảnh em nhỏ, con cái cũng như các thông tin về chúng lên Facebook và các trang mạng xã hội. Điều này không chỉ để bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em, mà còn giữ chúng tránh khỏi con mắt theo dõi của người xấu. Không ít trường hợp bắt cóc trẻ em đã diễn ra ngay hoặc sau giờ học, đừng cho kẻ xấu biết con/em bạn đang ở đâu và giờ nào là lúc trẻ có thể chỉ có một mình.
—
Xem thêm
9 điều lưu ý với Facebook sau khi chia tay
Thổ dân nghiện rượu, nhân loại nghiện facebook
Kinh doanh trên Facebook: sự đánh đổi không dễ dàng
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Anh - Minh họa: Left Studio