Lifestyle / Bí quyết sống

10 bước lập kế hoạch nghỉ hưu ngay khi còn trẻ

Bên cạnh những mối bận tâm về cuộc sống hiện thời, nhiều bạn trẻ đã bắt đầu lên kế hoạch cho những năm tháng về hưu của mình. Việc lập kế hoạch nghỉ hưu trước tuổi không bao giờ quá sớm, ngay cả khi bạn đang ở độ tuổi 20 năng động và có nhiều hoài bão nhất. Việc chuẩn bị này không chỉ giúp bạn xác định rõ những mục tiêu dài hạn hay những ước mơ cần thực hiện, thậm chí thói quen này còn giúp bạn hạn chế những rủi ro có thể xảy đến khi về hưu. 

Thumbnail 10 bước lập kế hoạch ngay khi còn trẻ

Lập kế hoạch nghỉ hưu sớm không còn là chuyện quá xa lạ với các bạn trẻ ngày nay. Ngay cả khi bạn không có ý định nghỉ hưu trước tuổi, bạn vẫn có thể chuẩn bị trước những sự sắp xếp về mặt tài chính để đảm bảo cuộc sống ổn định về sau. Cùng ELLE điểm qua 10 bước lập kế hoạch nghỉ hưu đáng chú ý mà bạn có thể tham khảo cho tương lai.

1. Lập tài khoản hưu trí và duy trì thói quen gửi tiền tiết kiệm định kỳ

Lập kế hoạch nghỉ hưu sớm
Ảnh: Pexels/Mikhail Nilov

Lập tài khoản hưu trí hoặc quỹ hưu trí cá nhân là việc làm đầu tiên bạn cần thực hiện trong kế hoạch nghỉ hưu của mình. Sau đó, hãy tập cho bản thân thói quen gửi tiền định kỳ vào tài khoản để tiết kiệm. Bạn có thể lấy ngày nhận lương hàng tháng làm ngày mốc cho dễ nhớ. Ngay khi nhận lương, đừng quên trích một phần chuyển vào tài khoản hưu trí hoặc quỹ tiết kiệm theo kế hoạch trước khi tiêu xài tất cả. Bạn có thể bắt đầu bằng số tiền nhỏ và tăng dần theo thời gian.  

2. Tận dụng chức năng chuyển khoản tự động

Nếu quá bận rộn và không có thời gian để chuyển tiền đúng hạn, bạn có thể tận dụng chức năng chuyển khoản tự động theo lịch của ngân hàng. Cách này có vẻ khó khả thi với những ai làm việc cho các công ty không có ngày trả lương cố định. Vì vậy, để dễ dàng hơn, bạn có thể chọn một ngày trong tháng mà bạn đảm bảo đã được nhận lương để đặt lịch. Bạn cũng có thể tận dụng các tiện ích trong điện thoại để nhắc nhở bạn duy trì thói quen. 

3. Lập bảng kế hoạch theo thời gian

Lập kế hoạch nghỉ hưu sớm
Ảnh: Pexels/ Polina Zimmerman

Nếu đang ở độ tuổi 20, 30 và có dự định nghỉ hưu trước tuổi, bạn có thể lập bảng kế hoạch theo cột mốc thời gian với những mục tiêu rõ ràng để tiện theo dõi. Bạn có thể bắt đầu lập kế hoạch với các mốc thời gian 5 năm, 10 năm… thật chi tiết với những mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, rủi ro có thể xảy ra… nhằm giúp bảo bản thân quản lý và thực hiện hiệu quả. Ngay cả khi bạn lựa chọn về hưu đúng tuổi, bạn cũng có thể lập bảng kế hoạch tổng quan 30-35 năm để xác định rõ đâu là tương lai bạn muốn, từ đó thay đổi các mục tiêu phù hợp.

“Lập kế hoạch tài chính cá nhân cũng giống như chạy marathon, điểm xuất phát thì luôn rất đông người, vui vẻ, khí thế; nhưng ở điểm kết thúc thường chỉ có một số ít người. Những người biết luyện tập, biết đặt các mục tiêu chinh phục từng quãng đường nhỏ và kiên trì sẽ dần dần tới đích, đó là tự do tài chính” – TS. Đinh Thị Thanh Vân, Phó chủ nhiệm phụ trách, khoa Tài chính Ngân hàng, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ.

4. Quản lý dòng tiền hiệu quả

Quản lý dòng tiền nghe có vẻ khá cao siêu, nhưng đơn giản là kiểm soát nguồn thu chi cá nhân một cách hiệu quả. Thói quen này sẽ giúp bạn đánh giá tốt khả năng tài chính trong hiện tại cũng như hiểu rõ mức độ chi tiêu của bản thân. Theo dõi số dư thường xuyên cũng là cách giúp bạn nhận thức tình hình kinh tế hiệu quả để có những điều chỉnh phù hợp với nhu cầu hiện tại và kế hoạch tương lai. Đây cũng thói quen hữu ích cho những cá nhân đang có ý định nghỉ hưu trước tuổi vì nó có thể giúp bạn đánh giá và kiểm soát tốt tính thực tế của kế hoạch.

5. Đăng ký bảo hiểm xã hội tự nguyện, quỹ hưu trí tự nguyện

Lập kế hoạch nghỉ hưu sớm
Ảnh: Pexels/Anastasia Shuraeva

Một trong những cách phổ biến nhất để chuẩn bị cho việc nghỉ hưu là tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Việc tham gia bảo hiểm xã hội đã trở thành quyền lợi của người lao động, cho phép họ nhận trợ cấp thích hợp từ nếu mất thu nhập. Ngoài ra, bạn có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc quỹ hưu trí tự nguyện (quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện) để mở rộng nguồn thu nhập khi về hưu. Đặc biệt với quỹ hưu trí tự nguyện, đây còn là một khái niệm khá mới tại Việt Nam nhưng lại phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Về bản chất, quỹ hưu trí tự nguyện là một dạng đầu tư có sự tham gia của người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động. Khi tham gia, bạn sẽ có thêm nguồn thu nhập bổ sung khi đến tuổi nghỉ hưu bên cạnh khoản lương hưu được chi trả từ bảo hiểm xã hội. 

Chúng ta luôn luôn đặt vấn đề hưu trí ở thứ tự ưu tiên rất thấp hoặc không xuất hiện trong giai đoạn cuộc đời trước 30 tuổi. Trong khi đó, nếu được tư vấn hợp lý và tìm hiểu, bạn sẽ thấy chỉ cần bỏ ra một khoản rất nhỏ để đầu tư cho tương lai thì sau một thời gian nhất định, bạn có thể tạo ra một khoản tài sản lớn và hoàn toàn có thể được cân nhắc xem như một trong những biện pháp chính, những công cụ chính để đảm bảo sự an toàn, an vui về tài chính cho bản thân trong tương lai” – Luật sư hợp danh quốc tế tại Baker Mckenzie, Nguyễn Thúy Hằng.

6. Tăng lương, tăng tiền tiết kiệm

Nhiều năm cống hiến cho doanh nghiệp, ít nhất bạn sẽ có 1 lần được cân nhắc tăng lương hoặc thăng tiến trong sự nghiệp. Khi mức lương hằng tháng có sự thay đổi đáng kể, đừng quên “tăng lương” cho tài khoản hưu trí của mình. Dù sao khoản tiết kiệm này đều thuộc về bạn nên đừng ngại “tính toán” với tương lai của mình, bạn nhé!


Xem thêm

11 bước quan trọng bạn cần làm trước khi khởi nghiệp

Bật mí những thói quen chi tiêu giúp bạn ổn định tình hình tài chính

9 thói quen giúp bạn bắt đầu ngày mới với năng lượng tích cực


7. Tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia

Lập kế hoạch nghỉ hưu sớm
Ảnh: Pexels/Marcus Aurelius

Việc lập kế hoạch hưu trí vốn dĩ cần nhiều thời gian để tìm hiểu và thực hiện. Nếu bạn không giỏi việc tự nghiên cứu hoặc có quá nhiều câu hỏi khó trong quá trình lên kế hoạch, bạn có thể tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia tài chính hoặc những người bạn, đồng nghiệp có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Đừng ngại cho họ biết mục tiêu và quan điểm tài chính cá nhân vì họ sẽ dựa vào đó để cho những lời khuyên phù hợp với tình hình và khả năng kinh tế của bạn.

8. Đầu tư hợp lý

Bên cạnh những khoản tiết kiệm hưu trí, bạn có thể cân nhắc đến những hạng mục đầu tư phù hợp để mở rộng vốn khoản thu nhập của mình. Tuy nhiên, cách này cũng mang đến khá nhiều rủi ro nếu không có sự tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường. Trước khi bắt tay vào mọi hạng mục, bạn có thể dự tính những rủi ro mà bạn có thể gặp phải và tính toán đâu là mức độ bạn có thể chấp nhận nhằm phòng tránh những thiệt hại về sau. 

“Thông qua việc lập kế hoạch tài chính, chúng ta có thể đánh giá được tính khả thi của kế hoạch. Nếu không đạt thì cần điều chỉnh lại mục tiêu tài chính khi nghỉ hưu. Điều này không phải chỉ nhìn thấy bức tranh tài chính mà thông qua đó, chúng ta thực hiện các bước đầu tư, tiết kiệm, tái cơ cấu tài sản ở những thời điểm cần thiết” – Giám đốc khối Tài chính cá nhân tại CTCP FIDT, ông Ngô Thành Huấn chia sẻ với báo Lao Động. 

9. Dự đoán Những rủi ro tài chính có thể xảy ra

Lập kế hoạch nghỉ hưu sớm
Ảnh: Pexels/ Ahmad Robin

Thật khó để đảm bảo kế hoạch nghỉ hưu sớm của bạn không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân bên ngoài. Biến động kinh tế, lạm phát tăng cao, giá trị hàng hóa tăng vọt… cũng là những rủi ro trong tương lai mà bạn nên lường trước trong kế hoạch hưu trí của mình. Nếu không dự trù những khoản phí phát sinh, cuộc sống về hưu có thể tốn nhiều tiền hơn bạn nghĩ cùng nhiều vấn đề có thể phát sinh. 

10. Nhìn xa trông rộng

Bên cạnh những biến động về kinh tế, bạn còn phải dự trù những rủi ro khác có thể xảy đến như đại dịch, thiên tai. tai nạn… Đó sẽ là những biến cố bạn khó lường trước cũng như kiểm soát buộc những kế hoạch của bạn phải trì hoãn hoặc thay đổi đáng kể. Chưa kể, bạn có thể hao hụt một khoảng không nhỏ để đối phó với biến cố. Vì thế, nếu có cơ hội tăng thêm thu nhập bằng nghề tay trái, bạn có thể thử sức với khả năng của mình thay vì mải mê tiết kiệm. Ngay cả khi chưa có dự tính cho kế hoạch nghỉ hưu sớm, những thói quen tiết kiệm hay đầu tư cũng sẽ giúp bạn đảm bảo một cuộc sống đủ đầy về sau.

“How you invest during retirement is as critical as how you invest in preparing for retirement. Things are never as simple and automatic as they once may have been — you worked hard, saved, and then sat back and collected your benefits. You can’t rely on someone else coming up with the cash you’ll need once you stop working” (Cách bạn đầu tư khi về hưu cũng quan trọng không kém cách bạn đầu tư để chuẩn bị nghỉ hưu. Mọi thứ chằng còn đơn giản và tự động như trước đây – Bạn đã làm việc chăm chỉ, sống tiết kiệm và sau đó ngồi lại và thu hoạch thành quả của mình. Một khi đã nghỉ hưu, bạn không thể trông cậy vào người khác sẽ mang tiền đến cho bạn khi bạn cần)  – Chuyên gia tài chính Hoa Kỳ, Daniel R. Solin.

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Thảo

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)