8 Di sản Văn hóa Thế giới không thể bỏ qua khi đến Iran
Trên hành trình tìm kiếm lại hình ảnh Ba Tư giàu có và thịnh vượng suốt 2.500 năm lịch sử kể từ khi Cyprus Đại đế lập nên vương triều Achaemenid – triều đại thứ hai của đế chế Ba Tư, có 8 Di sản Văn hóa Thế giới mà bạn nên ghé qua.
1. Cung điện Golestan (Golestan Palace), thế kỷ 16
Khi được chọn là thủ đô hơn 200 năm trước, Tehran đã phát triển từ một thành phố nhỏ thành một đô thị lớn. Nhưng Golestan Palace – điểm tham quan được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới nổi tiếng nhất thủ đô – đã hiện diện từ thế kỷ 16.
Được xây dựng dưới triều đại vua Shah Abbas I của đế chế Safavid, trải qua nhiều thay đổi và bổ sung trong suốt nhiều thế kỷ dưới các triều đại khác nhau của Qajar và Pahlavi, nó không chỉ là cung điện xa hoa bậc nhất vẫn tồn tại nguyên vẹn, mà còn là tác phẩm nghệ thuật độc đáo có một không hai, giàu mỹ cảm, thể hiện trí tuệ lẫn thẩm mỹ tầm cao của Ba Tư xưa và Iran nay.
Cộng hưởng nhiều phong cách, từ kiến trúc Ba Tư cổ điển tinh tế đến châu Âu cầu kỳ, cả Hoa Kỳ hào nhoáng, phóng khoáng, với cấu trúc đa dạng cả trong lẫn ngoài cung điện, Golestan là công trình “xa hoa vượt thời gian” sở hữu tầm nhìn độc đáo trong suốt chiều dài lịch sử kiến trúc Ba Tư lẫn Iran.
2. Isfahan – Cố đô Ba Tư thế kỷ 16
Chỉ một câu ngạn ngữ “Isfahan nesf-e jahan” (tạm dịch: “Isfahan là một nửa thế giới”), Ba Tư đã khái quát độ nổi tiếng, thịnh vượng cũng như vẻ đẹp của Isfahan, từ kỳ quan kiến trúc, nghệ thuật đến tôn giáo, chính trị, ngoại giao, thương mại và cả vị trí giao thương quan trọng của nó trên Con đường Tơ lụa. Isfahan phát triển rực rỡ, huy hoàng, tráng lệ bởi sự giao thoa Hồi giáo – Hỏa giáo, Ba Tư với các nền văn hóa khác. Isfahan mang vẻ đẹp của một nửa thế giới. Đến Isfahan là đã đi được một nửa thế giới.
Cả cố đô Isfahan là Di sản Thế giới không chỉ vì nó giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn và truyền đạt kiến thức về kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa Ba Tư cổ đại nói chung, mà còn về thời kỳ đế chế Safavid nói riêng.
Năm 1598, khi chọn Isfahan làm kinh đô, vương triều Safavid đã khởi xướng một trong những kế hoạch vĩ đại nhất lịch sử Ba Tư, đó là nuôi dưỡng một khu vực khô cằn rộng lớn bằng sông Zayanderud (Dòng sông mang lại sự sống) trở thành ốc đảo nông nghiệp mạnh mẽ, giúp thủ đô tương lai tránh được bất kỳ cuộc tấn công nào từ bên ngoài, đồng thời kiểm soát tốt tuyến giao dịch quan trọng của vịnh Ba Tư.
Toàn bộ kiến trúc tuyệt đẹp nằm trong trung tâm cố đô như: Quảng trường Naqsh-e Jahan, Cung điện Chehel Sotoun, Cầu Khaju, Thánh đường Masjed-e Imam, Masjed-e Sheikh Lotfollah… đều được thiết kế và xây dựng bởi một người: Quân vương Abbas II. Một huyền thoại lãnh tụ, điêu luyện cả chiến tranh, ngoại giao, nghệ thuật, kiến trúc đến ẩm thực. Quê hương của nhiều công trình kiến trúc, tôn giáo quan trọng cổ xưa nay là thành phố đa dạng sắc tộc và văn hóa với những đại lộ rợp bóng cây, thu hút du khách đến nghiên cứu phong cách kiến trúc Ba Tư cổ điển, lịch sử – văn hóa, cũng như nhịp sống thư thái Iran.
3. Quảng Trường Naqsh-e Jahan – Hình mẫu của thế giới
“Naqsh-e Jahan” có thể diễn nghĩa là “Hình mẫu quảng trường của thế giới”. Quảng trường lớn nhất, tráng lệ nhất thế giới trong suốt thế kỷ 16 & 17 có tổng diện tích 89.600m2. Trung tâm của Isfahan còn được gọi là Imam Square hay Shah Square – lấy theo tên Thánh đường Hồi giáo Masjed-e Imam (tên cũ Masjed-e Shah) nằm ở phía Nam Quảng trường. Một trong các biểu tượng của Iran, với kiến trúc và điêu khắc tinh xảo, mà bạn có thể nhìn thấy trên mặt trái tờ tiền 20.000 Rial.
Bao quanh quảng trường di sản này là các tòa nhà, khu chợ Hoàng gia và cụm các công trình kiến trúc phong cách Ba Tư cổ điển tuyệt đẹp như Cổng Qeysarie – lối chính vào Grand Bazaar ở phía Bắc, cung điện Ālī Qāpū phía Tây nổi tiếng các phòng triển lãm nghệ thuật trên cao và đường hầm xuyên qua quảng trường, dẫn đến Thánh đường Sheikh Lotfollah (Sheikh Lotfollah Mosque) phía Đông với thiết kế pha trộn thời gian và văn hóa. Tất cả đều được quy hoạch, thiết kế bởi Quân vương Abbas II.
4. Khu phố cổ Yazd (Yazd Old Town) – Ba Tư Hỏa giáo thế kỷ 8 TCN
Một trong những khu phố cổ lớn nhất thế giới ở sâu trong lòng sa mạc, tại một trong những thành phố cổ nhất địa cầu, cả trong lòng đất lẫn trên mặt đất là Yazd, nơi khởi thủy Hỏa giáo vào thế kỷ 6 TCN – một trong những tôn giáo lâu đời nhất thế giới.
Khu phố cổ được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới này có các ngõ hẹp, các tòa nhà truyền thống làm bằng đất sét và các điểm tham quan như: bảo tàng, thánh đường Masjed-e Jameh (Mosque of Jameh). Yazd Old Town là kiến trúc sống động về thuở Ba Tư hồng hoang còn làm nhà trong lòng đất nhằm tránh đông và sức nóng sa mạc, khi mà các nhà thờ Ba Tư Hỏa giáo ở thế kỷ 8 TCN, (không phải Ba Tư Ả Rập) chưa thiết kế nóc vòm và cổng Iwan.
5. Pasargadae – Cố đô đế quốc Ba Tư cổ đại của Đại đế Cyrus, thế kỷ 6 TCN
Đây là kinh đô đầu tiên của đế chế đa văn hóa lớn đầu tiên ở Tây Á. Được xây dựng vào thế kỷ 6 TCN dưới thời Cyrus Đại đế, hoàng đế khai quốc Ba Tư, vua của các vị vua, nên Pasargadae là thủ đô của đế chế Ba Tư vào giai đoạn hùng cường nhất của nó.
Trung tâm quan trọng nhất của đế chế Ba Tư cổ đại dưới triều đại nhà Achaemenes nằm ở tỉnh Fars ngày nay chỉ còn lại lăng mộ vua Cyrus trơ trọi giữa tàn tích vườn & cung điện bao la rộng lớn. Đây là một trong những di tích khảo cổ cổ đại quan trọng của Iran, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
6. Persepolis – Kinh đô nghi lễ đầu tiên của Đế quốc Ba Tư, năm 515 TCN
Persepolis – kinh thành Ba Tư vĩ đại trong truyền thuyết là nơi đón tiếp các nước chư hầu đến hàng phục, cống nạp, dâng lễ, chúc tụng Đế chế Ba Tư hùng cường; chiếc nôi cội nguồn ngôn ngữ Frasi của người Ba Tư; bảo tàng ngoài trời quan trọng bậc nhất của Iran lẫn thế giới và là địa danh top đầu của ngành khảo cổ toàn cầu.
Mặc dù bị đoàn quân Hy Lạp của Đại đế Alexandros nhấn chìm trong biển lửa vào năm 330 TCN, quần thể kinh đô lễ nghi Persepolis vẫn giữ được những di tích thể hiện quyền lực, xa hoa, thịnh vượng của Đế chế, cùng vẻ đẹp lộng lẫy, hùng vĩ của kiến trúc kinh điển. Những cây cột khổng lồ còn sót lại của Cung điện Apadana, Cổng Xerxes, khu lăng mộ Naqsh-e Rostam, những bức tượng tinh xảo, phù điêu tuyệt đẹp… từ góc nhìn nghệ thuật, đều là những kiệt tác bị tàn phá trong lòng sa mạc. Trong khi đó, ở góc nhìn lịch sử, mỗi chi tiết chạm khắc đều như thước phim tư liệu thuật lại cuộc sống Ba Tư vàng son, giàu có trong những ngày đầu dựng nước. Hành lang điêu khắc các nước chư hầu nườm nượp xếp hàng dâng lễ chúc Tết Nowruz đến Hoàng đế Ba Tư là cuốn sách đá sống động về nền văn hóa – phong tục đặc sắc của Ba Tư cùng các chư hầu từ Á sang Âu. Số lượng chư hầu cũng như “danh tính” từng tộc người được phân biệt bằng vị trí đứng, phục sức, đặc sản vùng miền cũng là bản báo cáo chiến công hiển hách của các vị vua Ba Tư dâng lên vị thần Hỏa giáo.
Mặc dù toàn cõi Iran đang bị cấm vận, không xa lắm là chiến sự leo thang căng thẳng giữa Palestin – Israel, nhưng công tác trùng tu Persepolis vẫn diễn ra nhịp nhàng, gọn gàng, sạch đẹp với tầm nhìn thiết kế đương đại không khác gì các bảo tàng ngoài trời của Nhật hay Tây. Dừng chân tại Persepolis, bạn sẽ được mãn nhãn với công cuộc trùng tu di tích đang tiến hành song song với hoạt động đón khách thăm quan. Đây là điểm đến xứng đáng dành nhiều thời gian nhất tại miền Nam Iran.
Xem thêm
• 7 lời khuyên giúp bạn bảo vệ thông tin cá nhân khi đi du lịch
• 6 mẹo đóng gói đồ hữu ích cho chuyến du lịch thêm gọn nhẹ và tiện lợi
• 10 địa điểm du lịch thế giới có lượt theo dõi cao nhất trên TikTok
7. Vườn hồng Ba Tư
Nếu có thứ gì mà các thiết bị hình ảnh hiện đại không thể thể hiện được trí tuệ và tinh hoa Ba Tư, thì đó chính là Khu vườn Ba Tư (RoseGgarden), nghệ thuật landscape vang xa các châu lục, ảnh hưởng lớn đến kiến trúc và thiết kế vườn cảnh trên khắp Trung Đông, Nam Á, lan sang cả châu Âu, từ cổ đại đến hiện tại. Vườn Hồng (khởi phát từ giống hồng Damask – nữ hoàng của các loài hoa hồng, được Cyrus Đại đế phát hiện và đem về trồng khắp cõi Ba Tư) không chỉ là hiện thân của văn hóa, thẩm mỹ, nghệ thuật mà còn là triết học, thế giới quan của người Ba Tư về xa xỉ, hưởng thụ, sức khỏe và hạnh phúc. Định nghĩa giá trị đẳng cấp trong lối sống Ba Tư không phải là châu báu hay vẻ hào nhoáng, phô trương, mà là sự cân bằng giữa kiến trúc với các yếu tố tự nhiên, cho không gian sống thoải mái, tiện nghi, ngay cả trong đời sống sa mạc khắc nghiệt.
Phong cách đa dạng của các khu vườn Ba Tư là tiêu biểu cho lối kiến trúc đảm bảo nguyên tắc 4 yếu tố (không khí, đất, nước và thực vật). Trong đó, các công trình tòa nhà, tường, hành lang, lối đi, vườn, đài phun nước, hệ thống dẫn nước, tưới tiêu phức tạp được bố trí hài hòa với hệ thực vật cây trồng phong phú cùng khí hậu vùng miền khác nhau.
Một điểm độc đáo nữa của kiến trúc Ba Tư là tuyệt tác đôi khi không ở ngay tầm mắt, mà ở trên tầm mắt. Trên cung đường di sản miền Nam Iran này, đừng bỏ lỡ cơ hội ghé thăm, “ngước nhìn” các khu vườn Ba Tư đặc sắc nhất:
- Vườn Fin, Kashan:Vườn Fin có hồ nước lớn và một tòa cung điện Ba Tư cổ đại còn nguyên vẹn. Nó là hình mẫu của quy hoạch bố trí nước và cây xanh – yếu tố quan trọng trong thiết kế vườn.
- Vườn Chehel Sotoun, Isfahan:Vườn Chehel Sotoun (còn gọi là vườn Bốn Mươi Cột) là ví dụ tiêu biểu của kiến trúc Ba Tư, với 20 cột tạo bóng xuống mặt hồ nước. Đây là nơi vua Shah Abbas II gặp gỡ sứ thần, tiếp các vị khách quan trọng.
Đừng bỏ qua việc chiêm ngưỡng kiến trúc tổ ong ở các cổng vòm, lối vào Chehel Sotoun. Kể từ khi Đại đế Cyrus khai nước, tổ ong đã có ý nghĩa quan trọng với người Ba Tư như một nguyên tắc bền vững xây dựng xã hội loài người: nề nếp, trật tự, vai trò lao động – tận hưởng mật ngọt. Tổ ong Cyrus đi vào thiết kế Vườn-Hồng đầu tiên rồi lan dần vào các kiến trúc lớn nhỏ với ý niệm về tinh thần sảng khoái khi được trở về nhà ngắm những gì mình bày biện, tô vẽ trong tổ ấm. Safavid là vương triều đưa những ô lục giác của kiến trúc tổ ong từ Mỹ thuật Muqarnas, nghệ thuật rực rỡ phương Đông bước lên đỉnh cao nghệ thuật thế giới, phủ khắp Trung Á với vô vàn sáng tạo cùng đa dạng chất liệu quý giá: vàng, bạc, pha lê, kính màu, thạch anh, cẩm thạch…
- Vườn Bagh-e Dolat Abad, Yazd:Nằm trong lòng tỉnh Yazd, vườn Bagh-e Dolat Abad nổi tiếng với chiếc tháp Badgir, một cột nước truyền thống có tác dụng làm mát, đối lưu không khí trong vùng đất sở hữu khí hậu nóng khô như Yazd. Không hào nhoáng, xa xỉ, choáng ngợp, đây là bằng chứng sống động cho việc sử dụng trí thông minh với các nguồn lực có hạn sẵn có.
- Vườn Pahlevanpour, Yard:Vườn Pahlevanpour là hiện thân của Kiến trúc vườn Ba Tư nói chung khi liên kết vẻ đẹp cảnh quan với nghệ thuật kiến trúc, để tạo ra một môi trường mát mẻ, thư giãn, mang đậm triết lý sống của người Ba Tư.
- Vườn Eram, Shiraz:Nổi tiếng với diện tích rộng lớn, kết hợp hoàn hảo giữa cấu trúc truyền thống và phong cách kiến trúc đổi mới qua nhiều triều đại trong hơn 150 năm, tổ hợp vườn Eram ngày nay là một bảo tàng mở cửa cho công chúng được Đại học Schiraz vận hành dưới sự bảo vệ của Tổ chức Di sản Văn hóa Iran
8. Làng cổ Abyaneh
Còn có tên gọi khác là làng Hermes, nằm trên sườn đồi Shahin, dưới chân núi Karkas, miền trung Iran. Ngôi làng 1.500 năm tuổi hằng năm vẫn cứ ra vào danh sách “Những ngôi làng đẹp nhất hành tinh” bởi cảnh quan dễ chịu, kiến trúc độc đáo từ thời vương triều Sassanid (nhà được xây bằng đất sét, gạch nung đỏ), đường đá vôi quanh co, ngoằn ngoèo, sâu hút, giàu rãnh nước, hẹp nhưng xe hơi vẫn bon bon quanh làng. Không có ngõ cụt trong ngôi làng xấp xỉ 300 người này. Phong tục của làng (rất quan trọng đối với người dân địa phương) cũng là nguyên nhân thu hút khách du lịch đến đây. Thêm nữa, nhà thờ Hồi giáo Jame cũng là một trong những di tích lịch sử lâu đời nhất với bục giảng chạm khắc gỗ rất đẹp.
Bài: Đoàn Loan