Với những hồi tưởng của chính mình với New York, Maria Grazia Chiuri đã tái hiện lại những tinh thần mà bà định nghĩa về thành phố này: tự do, năng động trong bộ sưu tập Fall 2024 mới nhất. Giao thoa trải nghiệm của mình với Christian Dior trong quá khứ, bà tìm ra những điểm chung tương đồng thú vị, mang đến những thiết kế gợi cảm hứng đương đại.
BÀI LIÊN QUAN
18 tuổi, vẫn độ tuổi “teen” khoác trên mình chiếc áo thun với chữ KILLER trước ngực, Maria Grazia Chiuri lần đầu tiên đến New York. Thành phố sôi động với nguồn năng lượng luôn náo nhiệt này luôn cho bà nhiều trải nghiệm rất khác lạ, bỡ ngỡ, như việc thấy mọi người thoải mái hút thuốc trên máy bay. Và màn trình diễn tối qua lại là một lần đầu tiên khác trong hành trình của bà với Dior: Đây là show diễn đầu tiên bà mang BST đến trình diễn ở New York.
Trình diễn tại Bảo tàng Brooklyn, trụ sở công đầu tiên trên thế giới mở hẳn một khoa riêng về Nghệ Thuật Nữ Giới, Chiuri với tinh thần cấp tiến muốn thay đổi những định kiến giới về phụ nữ lại tìm thấy chính mình tại đó. Một lần nữa, bà lại có cơ hội củng cố bản thân với những gì mà bà nói riêng hay phụ nữ nói chung vẫn đang theo đuổi: đấu tranh cho sự tự do và dù ở bất kỳ nơi đâu, phụ nữ vẫn đồng lòng một tiếng nói.
Sàn diễn lên đèn, trang trí với những biểu tượng “bàn tay chụm lại” bằng đèn neon của nghệ sĩ nữ quyền người Pháp Claire Fontaine. Khách mời gọi tên những gương mặt đầy ấn tượng có thể kể đến như Anna Wintour, Anya Taylor-Joy, Haerin (NewJeans), Karlie Kloss, Rachel Zegler…
Nhắc tới đến kỷ nguyên Maria Grazia Chiuri, chúng ta phải nhắc nhiều đến lịch sử. Hầu như lục lại quá khứ và khơi gợi ý niệm là điểm đặc trưng trong cách làm việc của bà. Trở lại bộ sưu tập, từng có một thời gian người ta tách bạch rõ ràng yếu tố nam-nữ trong thời trang: rằng sắc đen trắng phải dành cho nam, cấu trúc cứng cáp phải dành cho nam. Nhưng Marlene Dietrich, nữ ca sĩ, diễn viên gốc Mỹ, biểu tượng của Hollywood một thời, đã phá tan định kiến trên. Bà từng dính scandal nổi tiếng vì lựa chọn mặc đồ theo phong cách “nam giới bấy giờ”: phì phèo khói thuốc, suit xám vai rộng, quần ống to bản.
Nhưng sự xuất hiện của Marlene không phải để phụ nữ sở hữu sự mạnh mẽ của đàn ông. Bà chỉ đơn giản tôn thờ tinh thần tự do trong thời trang: Là để người phụ nữ mặc bất kỳ thứ gì họ muốn và không áp chế bất kỳ một định kiến nào cả. Thời trang là phi giới tính. Tiếp nối tinh thần đó, sàn diễn thu đông lần này cũng góp mặt nhiều thiết kế với thiên hướng “từng nam tính” như thế với cà vạt, áo khoác da cổ lông, áo liền quần da, vest với cầu vai cứng cáp… cùng lối phối đồ có vẻ nghiêm túc, cổ điển nhiều hơn: đóng nút cổ, thắt cà vạt, sơ vin áo trong quần…
Đặt chân đến một thị trường mới, tất nhiên mình phải hiểu rõ về tinh thần của vùng đất nơi đây. New York gợi cho ta một nguồn năng lượng náo nhiệt, tươi trẻ hơn, thấm nhuần chủ nghĩa thực tế và đi đâu cũng thấy trang phục thể thao. Áo parka vải dù, áo bóng chày cổ tim, áo khoác bomber viền trắng âm hưởng thể thao xuất hiện nhiều trong bộ sưu tập. Còn nếu chưa cảm thấy được tinh thần đó, hãy nhìn vào những họa tiết mà “ai cũng biết” trên nhiều trang phục: cờ Mỹ và Nữ Thần Tự Do.
Dior New York ngoài ra còn là sự kết hợp giữa silhouette huyền thoại của Dior với vẻ ngoài huyền ảo diva của Hollywood những năm thập niên 40. Bà lựa chọn những chất liệu nhẹ nhàng, bồng bềnh như satin xử lý dập, nhung, vải crepe hơn, cùng những đường cắt tam giác khoét sâu vùng cổ hoặc hở vai trần quyến rũ. Họa tiết được bà sử dụng phổ biến là những sọc trắng sọc đen avant-garde hoặc các mảng màu trừu tượng. Kiểu tóc chải một bên, uốn loăn xoăn cố định cũng gợi lên một cảm giác hoài niệm về buổi đầu thời kỳ hiện đại. Càng về cuối, những bộ trang phục càng đánh mạnh hơn vào tay nghề thủ công của đội ngũ nghệ nhân. Với chi tiết thêu tay đính cườm tinh xảo, tua rua lấp lánh xuất hiện trên những chiếc váy silhouette góp phần phảng phất lại phong cách “glamour” cổ điển một thời.
Nhóm thực hiện
Bài: Bảo Quốc
Ảnh: Tổng hợp