Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review phim] “Baby Reindeer” – Nghịch lý của tội ác

Do Daisy Haggard đạo diễn và dựa trên câu chuyện có thật của diễn viên hài độc thoại - Richard Gadd, “Baby Reindeer” là cuộc khám phá đầy mê hoặc về các chủ đề phức tạp, tăm tối như danh tính, dục vọng, khoái cảm của nạn nhân, mặt tối trong bản chất con người… Bộ phim đình đám mới nhất của Netflix đang tạo được ấn tượng mạnh mẽ với người xem và các nhà phê bình, được chấm 98% điểm tươi trên Rotten Tomatoes.

phim tâm lý baby reindeer netflix
Poster phim Baby Reindeer
Baby Reindeer – cuộc khám phá đầy mê hoặc về các chủ đề phức tạp, tăm tối.

*Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim

“Tôi cảm thấy tiếc cho cô ấy”, Donny nói. “Đó là một cảm giác kẻ cả, kiêu ngạo, cảm thấy tiếc cho người mà bạn vừa để mắt tới, nhưng tôi đã làm thế. Tôi cảm thấy tiếc cho cô ấy.”  Và Donny đưa cho Martha tội nghiệp một tách trà miễn phí. Đó là quyết định đầu tiên trong số nhiều quyết định khủng khiếp dẫn anh ta vào một bi kịch thảm khốc. Hành động tử tế nhỏ bé này khơi dậy nỗi ám ảnh của Martha. Cô bắt đầu đến thăm Donny hàng ngày tại quán rượu, trong những bộ trang phục và phong cách trang điểm mới, “giống như một đứa trẻ đang chơi trò hóa trang”, bịa ra những câu chuyện về sự nghiệp luật sư lừng lẫy và gửi cho anh ta hàng trăm email gợi dục. Đây không phải là cuộc “rình mò” đầu tiên của Martha, Donny phát hiện cô từng bị bắt và bỏ tù vì tội bám đuôi trước đó. Sự thương hại không còn là động lực duy nhất để Donny dấn thân nữa, anh dần nhận ra bản thân đang ám ảnh và cả “tận hưởng” việc được Martha theo dõi. 

Câu chuyện về nỗi ám ảnh “được coi trọng”

Về cốt lõi, Baby Reindeer là một bộ phim kinh dị tâm lý đi sâu vào nội tâm của nhân vật chính – Donny Dunn – một người có vẻ bình thường, mờ nhạt, dần nhận ra mình bị đẩy vào một cơn ác mộng, nơi căn tính về con người anh ta liên tục bị nghi vấn. Khi mức độ nghiêm trọng hành vi của kẻ rình mò ngày càng gia tăng, anh buộc phải đối đầu không chỉ với những mối đe dọa bên ngoài mà còn cả những con quỷ ẩn nấp trong tâm trí anh. Hành trình khám phá bản thân này vừa bi kịch vừa thảng thốt, Donny vật lộn với những câu hỏi về danh tính thực và những chiếc mặt nạ mà anh đeo để điều hướng sự phức tạp của cuộc sống hiện đại.

Trọng tâm của câu chuyện là chủ đề về stalker – kẻ bám đuôi, nỗi ám ảnh, được nhân vật phản diện miêu tả một cách chân thực đến rùng rợn qua màn hóa thân của Jessica Gunning. Vai diễn kẻ rình mò của cô là một bậc thầy trong việc thao túng tâm lý. Cô dần dần thâm nhập vào mọi khía cạnh trong cuộc sống của nhân vật chính, khiến anh ta cảm thấy tuyệt vọng và bị cô lập. Martha gửi cho Donny tổng cộng 41.071 email, 350 giờ thư thoại, 744 dòng tweet, 46 tin nhắn trên Facebook và 106 trang thư. Các email luôn kết thúc bằng “được gửi từ iPhone của tôi”. Cô cũng gửi cho anh ta một loạt những món quà có phần kỳ quái – thuốc ngủ, một chiếc mũ len, quần đùi mới và một món đồ chơi tuần lộc. 

Baby Reindeer câu chuyện gây ám ảnh
Trọng tâm của câu chuyện là chủ đề về stalker – kẻ bám đuôi, rình mò, nỗi ám ảnh.

Bất chấp tất cả những phiền phức, quấy rối, Donny sợ hãi nhưng cũng tận hưởng khoái cảm biến thái của một người được theo dõi, được ngưỡng mộ. Một mặt anh chán ghét Martha và muốn đẩy cô đi, mặt khác anh lại đồng cảm với cô, thấy cô giống anh – hai con người đầy rẫy vụn vỡ và cô đơn đang dần bị xã hội quên lãng. 

Nhưng anh cũng nói: “Tôi ghét bản thân hơn tôi yêu cô ấy”. Donny không hoàn toàn bị thu hút bởi Martha, mà muốn thông qua tình yêu của cô để thử yêu và coi trọng mình. Đứng trước Martha, một người phụ nữ trung niên thất nghiệp, thừa cân, sống chật vật và ảo tưởng về mọi thứ, Donny ngay lập tức cảm thấy mình cao quý hơn cô ấy, “thấy tiếc” cho cô và cả kích động bởi sự tận tâm cũng như mù quáng, phẫn nộ của cô về sau. Martha đã nhìn anh theo cách anh muốn được nhìn nhận – một gã trai thẳng, “bình thường”, đáng khao khát trong khi anh vẫn khinh miệt chính mình vì là một kẻ bị lạm dụng, không còn trong trắng, ngay thẳng.

Xuyên suốt bộ phim, Donny phải đối mặt với nhiều phiên bản khác nhau của chính mình, mỗi phiên bản được định hình bởi sự mong đợi và nhận thức của những người xung quanh. Cho dù anh đang biểu diễn cho khán giả hay vật lộn với nỗi sợ hãi sâu thẳm nhất, anh luôn thấy mình liên tục chuyển đổi giữa các tính cách khác nhau, đấu tranh để tìm cảm giác “được thuộc về”. 

Và bởi thẳm sâu trong tâm trí Donny, một kẻ sống với rất nhiều danh tính nhưng cũng hoàn toàn vô danh, vất vưởng với cuộc đời không ý chí, không tương lai lần đầu biết đến cảm giác được ai đó quan tâm. Nhưng thay vì đại diện cho sự trong sáng và xúc tác cho sự giác ngộ, giải phóng, sự quan tâm ấy lại lại chuyển hóa thành thứ cảm xúc đầy biến thái và ám ảnh.

phim tâm lý baby reindeer netflix
Donny, một kẻ sống với rất nhiều danh tính nhưng cũng hoàn toàn vô danh.

Đến tập cuối, sự tương đồng giữa cả hai càng rõ nét hơn bao giờ hết. Martha bị kết án tù và chịu lệnh cấm tiếp xúc với Donny. Tuy nhiên, anh vẫn bị cám dỗ bởi việc nghe thư thoại của cô, phân tích cảm xúc của Martha và đến mức tưởng như anh trở thành một “nhà nghiên cứu Martha”. Cũng từ một trong những đoạn tin nhắn đó, Martha có nhắc về tuổi thơ bị ngược đãi của mình. Niềm an ủi duy nhất cô có là một con tuần lộc đồ chơi, cô hay gọi là “Baby Reindeer” – Tuần lộc con. 

Baby Reindeer do đó là câu chuyện dành riêng cho Donny cũng như Martha, câu chuyện của những kẻ yếu thế, thua cuộc, chịu sang chấn tâm lý, đang tìm mọi cách để được xem trọng, được chấp nhận và được thấy mình vẫn là một phần của thế giới. Với cái kết mở ở cuối phim, Donny cũng có thể trở thành một Martha mới.


Xem thêm

• [Review phim] Nữ hoàng nước mắt: Liệu có kết thúc có hậu cho một cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối?

• [Review phim] “Sắc Xuân gửi người tình”: Vũ điệu của tình yêu, hy vọng và cái chết

• [Review Phim] “Exhuma” – Khi văn hóa pháp sư và tôn giáo dân gian hồi sinh rạp chiếu


Sự kết hợp độc đáo giữa phim tài liệu và sân khấu

Một trong những khía cạnh nổi bật nhất của Baby Reindeer là cách kể chuyện giống như phim tài liệu. Trong phim, đạo diễn Daisy Haggard sử dụng máy quay cầm tay, ánh sáng tự nhiên và kỹ thuật quay phim theo phong cách cinéma-vérité (Điện ảnh Hiện thực) để tạo ra cảm giác chân thực. Các cảnh diễn ra một cách tự nhiên, với các nhân vật nói chuyện trực tiếp trước máy quay và tương tác với môi trường của họ theo cách có cảm giác không có kịch bản và tự phát.

Màu sắc phim tài liệu càng được nâng cao nhờ việc sử dụng các kỹ thuật kể chuyện phi tuyến tính. Câu chuyện diễn ra một cách phân mảnh, với những đoạn hồi tưởng và tua đi xen kẽ xuyên suốt bộ phim. Điều này tạo ra cảm giác mất phương hướng và không chắc chắn, phản ánh cảm giác rạn nứt của nhân vật chính về thực tế khi anh ta vật lộn với những mối đe dọa không chỉ ngày càng tăng của kẻ rình mò mà cả chính bóng đen, tổn thương từ quá khứ.

phim tâm lý tuần lộc dấu yêu netflix
Baby Reindeer mang màu sắc của phim tài liệu.

Ngoài các yếu tố phim tài liệu, Baby Reindeer còn thu hút bởi việc sử dụng bức tường thứ tư làm phương tiện kể chuyện. Ngay từ cảnh mở đầu, người xem như bị cuốn vào thế giới của nhân vật chính, khi Donny hướng thẳng vào máy quay, phá vỡ rào cản giữa anh ta và khán giả. Mối liên hệ mật thiết này giúp người xem đắm chìm trong sự hỗn loạn nội tâm của nhân vật, làm mờ đi ranh giới giữa hư cấu và hiện thực, giữa người quan sát và người được quan sát.

Khi nội dung câu chuyện dần được hé mở, bức tường thứ tư tiếp tục sụp đổ, nhân vật chính thường xuyên nói chuyện với khán giả trong suốt bộ phim. Sự tương tác trực tiếp này đem tới nhiều mục đích, cho phép người xem nhìn thoáng qua suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật. 

Trong lúc Donny vật lộn với những mối đe dọa ngày càng leo thang của kẻ theo dõi mình, khán giả được tiếp cận những suy nghĩ và nỗi sợ hãi sâu thẳm nhất của anh. Thông qua những đoạn độc thoại được truyền trực tiếp đến máy quay, người xem có thể chứng kiến con người thật của nhân vật chính trong rất nhiều nỗ lực của anh ta đấu tranh để duy trì sự tỉnh táo của phần “người” và mặt tối, mặt bản năng của phần “con”.

Bằng cách này, người xem trở thành người tham gia câu chuyện, đặt ra câu hỏi không chỉ về các sự kiện diễn ra trên màn ảnh mà còn về sự đồng lõa của chính họ trong cuộc đồng hành cùng nhân vật chính, thách thức họ đối mặt với những giả định và thành kiến của chính mình trong suốt quá trình. Baby Reindeer tạo ra cảm giác gần gũi, vừa phấn khích vừa đáng sợ. 

baby reindeer gây ám ảnh người xem bởi những vấn đề tâm lý
Phong cách kể chuyện độc đáo giúp người xem đắm chìm trong sự hỗn loạn nội tâm của nhân vật.

Chỉ với 7 tập phim, Baby Reindeer đưa người xem qua nhiều cung bậc cảm xúc. Bộ phim không chỉ đi sâu vào tâm hồn con người, phơi bày những yếu đuối và mâu thuẫn ẩn sâu bên dưới bề mặt mỗi nhân vật mà còn nói về sự cô đơn, nỗi ám ảnh, ảo tưởng và cách các nạn nhân nam của bạo lực tình dục đấu tranh để được xã hội hoặc thậm chí chính họ coi trọng bản thân.

Nhóm thực hiện

Hoàng Thúy Vân

Ảnh: Tổng hợp

 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)