9 mẹo khoa học hữu ích giúp bạn cải thiện trí nhớ
Theo thời gian, trí nhớ có thể suy giảm do nhiều yếu tố như tuổi tác, căng thẳng, sử dụng các thiết bị điện tử quá mức hay lối sống thiếu khoa học. Nếu tình trạng này thường xuyên diễn ra, chất lượng cuộc sống của bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vậy làm thế nào để bạn có thể tự khắc phục chứng hay quên và tăng cường khả năng ghi nhớ của não bộ một cách hiệu quả?
Trên thực tế, khoa học đã chứng minh trí nhớ hoàn toàn có thể được cải thiện thông qua những mẹo đơn giản nhưng hiệu quả. Dưới đây là một số mẹo nhỏ hữu ích giúp bạn có thể cải thiện trí nhớ của bản thân.
Vì sao con người lại hay quên?
Tựa như ổ cứng máy tính, não bộ của chúng ta có dung lượng lưu trữ nhất định. Khi lượng thông tin tiếp nhận mỗi ngày trở nên quá tải, não bộ sẽ tự động “xóa bỏ” những thông tin cũ hoặc ít quan trọng để “nhường chỗ” cho nguồn thông tin khác, đây chính là cơ chế tự nhiên giúp não bộ hoạt động hiệu quả và tiết kiệm năng lượng để tiếp nhận những dữ liệu mới nhất.
Ở khía cạnh khác, lối sinh hoạt không lành mạnh như tinh thần căng thẳng, ngủ không đủ giấc, lạm dụng các chất có cồn hay phụ thuộc quá mức vào công nghệ cũng là nguyên nhân dẫn đến việc suy giảm trí nhớ theo thời gian. Để cải thiện tình trạng “nhớ nhớ quên quên”, bạn cần biết một số bí kíp tối ưu hóa cách thức điều khiển chức năng não bộ.
Bí kíp giúp bạn cải thiện trí nhớ
1. Sử dụng thuật ghi nhớ Mnemonic
Mnemonic là thuật ngữ xuất phát từ Hy Lạp (mnēmonikos) nghĩa là ký ức. Phương pháp Mnemonic giúp bạn ghi nhớ một cụm từ hoặc các ý tưởng bằng cách liên tưởng đến một số bài hát, bài thơ, vần điệu, hình ảnh, âm thanh quen thuộc. Áp dụng kỹ thuật Mnemonic sẽ khiến bạn ghi nhớ và liên kết các dữ kiện dễ dàng. Trong phương pháp này bao gồm nhiều thủ thuật bạn có thể áp dụng trong cả công việc và học tập, chẳng hạn như thủ thuật Chunking (chia dữ liệu thành nhiều nhóm nhỏ), thủ thuật Loci (ghi nhớ các đồ vật đặt ở vị trí nào), thủ thuật ghi nhớ Acronyms (các từ viết tắt). Nhìn chung, việc thực hiện phương pháp Mnemonic khá đơn giản bởi đây là phương pháp có tính thực tế cao, giúp bạn dễ dàng tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng.
2. Viết ra những thông tin quan trọng
Khi ghi chú, bạn đang để não bộ xử lý và sắp xếp thông tin, từ đó tạo ra các kết nối thần kinh mới giúp ghi nhớ tốt hơn. Việc ghi chú giúp bạn tập trung vào nguồn thông tin quan trọng và giúp bạn tập trung cao độ để xử lý nguồn thông tin hơn thay vì chỉ ghi lại bằng các thiết bị điện tử. Bạn có thể áp dụng một số thủ thuật ghi chú hiệu quả như bullet journal, Cornell, mind map, sketchnote… để lưu trữ các thông tin quan trọng, ghi nhớ tốt hơn và thúc đẩy tư duy sáng tạo, đưa ra những ý tưởng mới trong học tập và công việc.
3. Duy trì thói quen tập thể dục hằng ngày
Theo Tiến sĩ Scott McGinnis, một giảng viên về thần kinh học tại Trường Y Harvard cho biết việc duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên với cường độ vừa phải trong sáu tháng hoặc một năm có liên quan đến sự gia tăng khối lượng của các tế bào não mới. Do vậy, khi tập luyện đều đặn mỗi ngày không chỉ giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái mà còn tăng cường trí nhớ và khả năng tư duy. Bạn có thể tập bất kỳ môn thể thao nào từ 30-60 phút mỗi ngày để cải thiện sức khỏe tinh thần lẫn thể chất như yoga, đi bộ, chạy bộ, bóng chuyền hay bơi lội.
4. Hạn chế lo âu, căng thẳng
Tình trạng căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng ghi nhớ và học tập của não bộ, bởi khi stress, cơ thể sẽ sản sinh ra hormone cortisol, một loại hormone có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung, ghi nhớ và thậm chí là làm teo đi các tế bào thần kinh trong vùng hippocampus, khu vực quan trọng của bộ não.
Để ngăn ngừa stress và sự lo âu tác động tiêu cực lên não bộ, thiền định, yoga, tập thở sâu được xem là những liệu pháp tuyệt vời giúp thư giãn cơ thể sau những tháng ngày làm việc vất vả, đồng thời giải tỏa căng thẳng. Bạn nên dành ít nhất 15-30 phút mỗi ngày để thực hành những bài tập này để “tái khởi động” não bộ và nâng cao khả năng tập trung.
5. Bắt đầu một sở thích mới
Một phương pháp hữu dụng khác có thể cải thiện khả năng ghi nhớ của bạn chính là bắt đầu một sở thích mới như chơi nhạc cụ, học ngoại ngữ, vẽ tranh, học nhảy, trồng cây cảnh, nấu ăn, viết lách… Quá trình học hỏi kiến thức mới đòi hỏi sự tập trung cao độ, do vậy bạn cần kiên trì rèn luyện để đạt được mục tiêu. Khi bạn tập trung học hỏi những điều mới mẻ, não bộ sẽ được kích thích hoạt động và hình thành các kết nối thần kinh mới. Chính vì thế, điều này sẽ giúp bạn cải thiện khả năng ghi nhớ thông tin trong các hoạt động khác nhau trong cuộc sống.
Xem thêm
• 7 mẹo từ chuyên gia giúp bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ
• 10 dấu hiệu của người mang tần số năng lượng thấp
• 6 dấu hiệu “cờ đỏ” chốn công sở bạn nên biết
6. Đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi ngày
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện trí nhớ. Nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ, khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin. Do vậy, mỗi người cần đảm bảo bản thân ngủ đủ từ 7 – 9 tiếng mỗi ngày và không nên thức khuya thường xuyên. Nếu cảm thấy khó ngủ, bạn có thể ngồi dậy vận động một chút, massage đầu nhẹ nhàng hoặc uống một cốc nước ấm. Việc duy trì một giấc ngủ trọn vẹn không chỉ nâng cao tinh thần, nó còn góp phần cải thiện trí nhớ và tư duy sáng tạo.
7. Chơi các trò chơi rèn luyện trí nhớ
Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, việc duy trì hoạt động rèn luyện trí não từ 15 phút/ngày sẽ cải thiện trí nhớ một cách vượt bậc. Đây là phương thức đơn giản nhưng đem lại hiệu quả cao trong việc gia tăng khả năng ghi nhớ và xử lý thông tin. Bạn có thể dành một chút thời gian thử thách bản thân với các bài tập luyện trí não như giải ô chữ, học ngoại ngữ, chơi trò chơi trí tuệ (cờ vua, sudoku, board game, xếp hình) hoặc đọc sách. Những hoạt động này sẽ kích thích các tế bào thần kinh, tăng cường kết nối não bộ và cải thiện khả năng ghi nhớ.
8. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Bộ não của bạn cần được cung cấp đầy đủ dưỡng chất để hoạt động hiệu quả, do vậy, bạn cần đảm bảo ăn uống đầy đủ chất bằng cách ăn rau củ quả, trái cây hoặc uống thêm viên dầu cá để tăng cường dưỡng chất cho não bộ. Ngoài ra, bạn không nên tiêu thụ quá nhiều đồ chiên rán, nhiều đường và các chất kích thích, rượu bia. Thay vào đó, bạn nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu Omega và vitamin B như cá hồi, hạt óc chó, hạt hướng dương, sữa tươi, đu đủ, bông cải xanh, ớt chuông… vào chế độ ăn hàng ngày để trí nhớ được cải thiện tốt hơn.
9. Đẩy lùi các gốc tự do trong cơ thể
Gốc tự do được xem là một trong các tác nhân chính gây suy giảm trí nhớ, thoái hóa thần kinh, bởi chúng có thể dễ dàng phản ứng với các thành phần của tế bào, qua đó gây ra rối loạn hoạt động của tế bào và đẩy nhanh quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Một biểu hiện rõ ràng nhất do các gốc tự do tác động lên não bộ là khi con người đột nhiên quên mất các sự kiện vừa mới diễn ra trước đây. Để não bộ hoạt động bền bỉ, bạn nên lưu ý bổ sung một số dưỡng chất có khả năng chống gốc tự do như Flavonoid, Omega 3, vitamin B, vitamin D12. Các chất này là chất chống ôxy hóa mạnh giúp bảo vệ tế bào não khỏi các gốc tự do có hại, bổ trợ tăng cường hoạt động não và làm chậm quá trình thoái hóa thần kinh vô cùng hữu hiệu.
Bài: Minh Thư
Tham khảo: Rd.com