Plastic Diet: Làm gì để bớt “ăn” phải nhựa?
Điều từng được cho là mối lo ngại riêng về môi trường, giờ đây, đã trở thành cuộc khủng hoảng sức khỏe con người – nhựa đã xâm nhập vào chế độ ăn uống hằng ngày của chúng ta.
Theo nghiên cứu của Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) năm 2019, con người đang tiêu thụ lượng nhựa trung bình bằng với một tấm thẻ tín dụng mỗi tuần, tương đương khoảng 52 thẻ tín dụng mỗi năm. Phoebe Stapleton, phó giáo sư Dược lý và Độc chất học tại Đại học Rutgers, cho biết, nghiên cứu này chưa tính đến các loại nhựa nano cũng đang được tiêu thụ nhưng rất khó đo lường.
Trong khi nghiên cứu chủ yếu tập trung vào hạt vi nhựa vốn đã được biết đến rộng rãi – các mảnh nhựa có chiều dài nhỏ hơn 5mm và lớn hơn 1 micron (1/1.000mm), thì nhựa nano – với kích thước nhỏ hơn một micron và không rộng hơn một sợi tóc người, thậm chí còn được cho là độc hại hơn vì kích thước nhỏ khiến chúng dễ dàng xâm nhập vào máu và các cơ quan phức tạp của con người. Thế nên, khi nhóm của Stapleton phát hiện ra 20 mảnh vi nhựa trong mỗi 10 gam phân người, điều đó có nghĩa là lượng nhựa nano được tiêu thụ có khả năng còn cao hơn thế.
Nhưng chính xác thì hạt vi nhựa và nhựa nano đã xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người như thế nào?
Hãy bắt đầu với một thứ đơn giản và khá phổ biến trên khắp thế giới: cà phê mang đi. Những cốc cà phê mang đi ngày nay chủ yếu được làm bằng giấy, thoạt nhìn có vẻ vô hại. Tuy nhiên, để đựng được nước, bên trong cốc giấy được phủ một lớp màng nhựa mỏng, chiếm khoảng 5 – 10% thành phần của cốc. Một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên tạp chí Nature đã chỉ ra rằng, khi đổ chất lỏng nóng vào cốc, các hóa chất độc hại bắt đầu rỉ ra khỏi lớp nhựa mỏng này và theo thức uống đi vào dạ dày của chúng ta. Vào năm 2019, một nhóm nghiên cứu đến từ Ấn Độ cũng phát hiện rằng, khoảng 15 phút sau khi cốc giấy chứa đầy chất lỏng nóng, một số hạt vi nhựa có nguồn gốc từ lớp lót nhựa – trung bình 25.000 hạt trên mỗi cốc 100ml – sẽ thoát ra ngoài.
Điều tương tự cũng xảy ra với hầu hết mặt hàng đóng gói và nhựa dùng một lần, từ hộp đựng đồ ăn mang đi cho đến các sản phẩm hằng ngày tại cửa hàng tạp hóa. Một nguồn vi nhựa phổ biến khác mà có lẽ ai cũng biết chính là nước uống đóng chai. Tương tự như cốc mang đi, một nghiên cứu năm 2024 cho thấy chai nhựa có thể tạo ra các hạt nano trong giai đoạn đóng chai hoặc đóng nắp. Bên cạnh phơi nhiễm từ vật liệu đóng chai, nước cũng có thể đã chứa nhựa nano ngay từ nguồn khai thác.
Một nghiên cứu gần đây xem xét 5 chai nước khác nhau từ 3 thương hiệu phổ biến, kết quả là đã tìm thấy trung bình 240.000 hạt từ 7 loại nhựa khác nhau, chủ yếu ở dạng nhựa nano.
Không dừng lại ở thực phẩm đóng gói, trái cây và rau quả cũng được phát hiện có chứa nhựa. Nhiều trang trại trên khắp thế giới sử dụng phân bón có nguồn gốc từ phụ phẩm của hệ thống xử lý nước thải – nơi chứa rất nhiều hạt vi nhựa và nhựa nano. Khi được trộn lẫn vào trong đất trồng trọt cùng với phân bón, chúng bắt đầu theo nguồn nước tưới đi vào rễ cây và phân tán đến lá, quả. Một phân tích năm 2024 từ Consumer Reports chỉ ra rằng, nhựa hiện diện rộng rãi trong hệ thống thực phẩm của chúng ta. Báo cáo cho thấy 84/85 siêu thị được khảo sát dương tính với phthalates, một hóa chất được sử dụng trong sản xuất nhựa. Báo cáo tương tự cũng cho thấy 79% mẫu thực phẩm được lấy có chứa bisphenol A, một hóa chất khác có trong nhựa. Đối với động vật – một nguồn thực phẩm khác của con người, việc tìm thấy vi nhựa lại còn dễ dàng hơn. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi hiện nay, nhựa có thể được tìm thấy trong phân và máu của con người.
Cách đơn giản nhất để chúng ta tránh “ăn” phải nhựa là giảm tiếp xúc với các sản phẩm và vật liệu nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần. Sử dụng chai kim loại có thể tái sử dụng, hộp đựng bằng thủy tinh, mua thực phẩm không được bọc bằng nhựa, sử dụng bao bì bền vững… là giải pháp mà mỗi cá nhân đều có thể tự thực hiện được. Việc người tiêu dùng ủng hộ các lựa chọn thay thế bền vững hơn có thể sẽ thúc đẩy các công ty làm điều tương tự.
Chúng ta có thể và cũng nên thúc đẩy những thay đổi chính sách nhằm đảm bảo tuân thủ các hướng dẫn chặt chẽ hơn trong các quy trình an toàn thực phẩm, hướng đến hạn chế hoặc giảm thiểu việc sử dụng nhựa trong chuỗi thực phẩm của con người. Trên hết, nhận thức được vấn đề và thực hiện các bước nhỏ để giảm tiếp xúc với nhựa là điều bạn có thể bắt đầu làm ngay hôm nay.
Bài: Đ.T
Ảnh: Tư liệu