Khi chìm đắm trong tình yêu, đôi khi bạn sẵn sàng từ bỏ, che giấu một số giá trị riêng của bản thân chỉ để đáp ứng nhu cầu, mong muốn của đối phương. Thế nhưng, bạn có bao giờ tự hỏi: liệu việc thay đổi có xứng đáng, và người đó có xứng đáng để chúng ta hy sinh những điều mà mình trân trọng? Nếu bạn buộc phải đánh mất chính mình để ở bên hay níu giữ ai đó, điều này hoàn toàn không lành mạnh và có thể sẽ khiến bạn lạc lối trong các vấn đề độc hại. Hãy cùng ELLE điểm qua 6 điều bạn không nên thay đổi khi bước vào một mối quan hệ nhé!
1. mục tiêu và ước mơ
Trong cuộc sống, mỗi người đều có những mục tiêu và ước mơ riêng, chúng đều là những điểm sáng để ta theo đuổi và tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống. Khi bạn kiên nhẫn và quyết tâm thực hiện một mục tiêu nào đó và nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ từ nửa kia, đó là dấu hiệu của một mối quan hệ lành mạnh. Bởi người thật lòng yêu thương bạn sẽ không buộc bạn từ bỏ hay lựa chọn những điều bạn ấp ủ. Thay vào đó, họ sẽ là hậu phương vững chắc để tiếp thêm sức mạnh giúp bạn đạt được mục tiêu.
Kiên định với ước mơ không chỉ mang lại hạnh phúc, nó còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ bền vững. Khi chúng ta trân trọng bản thân, giá trị cá nhân và ý thức độc lập sẽ được nâng cao và giúp bạn đi đúng hướng. Vì vậy, hãy tin tưởng và giữ vững mục tiêu, vì đó là nền tảng cốt lõi của bất kỳ mối quan hệ nào.
2. bạn bè
Khi bước vào một mối quan hệ mới, chúng ta thường có xu hướng dành ít thời gian hơn cho các mối quan hệ quen thuộc, đặc biệt là với những người bạn thân đã đồng hành cùng ta trong thời gian dài. Thay vì “có mới nới cũ”, bạn nên cố gắng cân bằng hài hòa giữa mối quan hệ hiện tại cùng các mối quan hệ quý giá trước đó.
Ví dụ, dù cuộc sống có nhiều bận rộn, bạn vẫn nên dành thời gian lắng nghe và chia sẻ với bạn bè thân thiết. Chẳng hạn như cùng nhau đi xem một bộ phim, hoặc tận hưởng những giây phút trò chuyện thư giãn tại một quán cà phê nào đó. Những khoảnh khắc như vậy sẽ giữ cho tình bạn của bạn luôn bền chặt. Đồng thời, bạn có thể khéo léo giới thiệu người ấy với bạn thân để họ hiểu hơn về cuộc sống của bạn hiện tại và đưa ra lời khuyên hợp lý khi bạn gặp những vấn đề rắc rối trong tình yêu.
BÀI LIÊN QUAN
3. RANH GIỚI BẢN THÂN
Mỗi người đều có giới hạn và ranh giới cá nhân, nhằm bảo vệ sự riêng tư và mang đến sự thoải mái cho chính mình. Việc bạn cần thời gian riêng tư để thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng hoặc không thoải mái khi ai đó chạm vào điện thoại là điều hoàn toàn bình thường. Do đó, đặt ra ranh giới là cách chúng ta tôn trọng bản thân và quyền lợi cá nhân. Những điều này không thể hiện bạn là một người bướng bỉnh hay khó gần, nên khi ai đó cố tình đổ lỗi cho bạn vì không đáp ứng yêu cầu “xâm lấn” ranh giới, chắc chắn đó không phải là một mối quan hệ lành mạnh.
Việc bảo vệ ranh giới không bị lu mờ trong các mối quan hệ là điều hết sức cần thiết. Để đạt được điều này, bạn có thể chia sẻ những điều mà bạn cho là quá giới hạn với đối phương và hỏi ranh giới của họ là gì. Qua đó, khi bắt đầu một mối quan hệ, bạn sẽ nhận được sự trân trọng và nâng niu khi cả hai cùng tuân thủ quy tắc đã thỏa thuận từ trước.
Xem thêm
• Điểm danh 10 cặp đôi có mối quan hệ “chữa lành” nhất trên màn ảnh Hàn
• Silent Treatment: Dấu hiệu của sự im lặng độc hại trong mối quan hệ
• 3 cách giúp nàng tạo nên tình yêu lãng mạn khiến chàng mãi trồng “cây si”
4. Ý THỨC ĐỘC LẬP
Ngày nay, lối sống độc lập trở nên khá phổ biến, đặc biệt là đối với nữ giới. Họ tự do lựa chọn, theo đuổi sở thích cá nhân, quản lý cuộc sống phù hợp với mong muốn và không phụ thuộc vào bất kỳ ai. Nếu bạn bước vào một mối quan hệ và có người là chỗ dựa tinh thần để chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc, đây là điều hoàn toàn tích cực. Nhưng bạn cần phải ý thức rằng, có những giá trị bạn phải luôn giữ vững và không được phụ thuộc vào người khác, chẳng hạn như lý tưởng sống, ý niệm cá nhân, các mối quan hệ xung quanh… Bởi vì, khi bạn lệ thuộc vào người ấy, bạn sẽ dần trở nên “bị động” trong việc kiểm soát cảm xúc và hành vi với những việc liên quan đến họ.
Một mối quan hệ lành mạnh sẽ không khiến bạn rơi vào cảm giác trống rỗng khi ở một mình, phụ thuộc quá nhiều về mặt tài chính hay mất đi trạng thái tự lập. Nếu bạn cảm thấy mình đang trong tình trạng này, bạn nên cân nhắc về việc suy nghĩ tìm hướng giải quyết và đưa ra quyết định sáng suốt cho bản thân.
5. GIÁ TRỊ VÀ NIỀM TIN
Giá trị và niềm tin là hai yếu tố quan trọng làm nên bản chất con người. Giá trị định hình cách chúng ta sống, cách ta phân định rạch ròi đúng-sai, phải-trái. Trong khi, niềm tin là hệ thống những nguyên tắc, giá trị và đạo lý mà chúng ta theo đuổi. Vì vậy, khi đánh đổi những giá trị và niềm tin để theo kịp một mối quan hệ, bạn dễ dàng đánh mất đi phương hướng và không biết đâu là điều bạn thật sự mong muốn.
Mối quan hệ lành mạnh nên dựa trên sự tôn trọng và chấp nhận lẫn nhau. Đó là khi mỗi người không cố ép thay đổi giá trị và niềm tin của mình vì người kia. Thay vào đó, bạn có thể trao đổi, chia sẻ những khía cạnh cốt lõi của bản thân với đối phương. Ví dụ, bạn đang trong mối quan hệ yêu đương với một chàng trai ăn chay. Anh ta không ép buộc bạn thay đổi thói quen ăn uống, nhưng bạn tự nguyện cùng anh ấy thưởng thức những món ăn này vì bản thân hứng thú những câu chuyện bảo vệ động vật mà anh ta kể. Qua đó, hai người hình thành nên giá trị và niềm tin chung – là nền tảng cơ bản cho một mối quan hệ bền vững.
BÀI LIÊN QUAN
6. NGOẠI HÌNH HAY PHONG CÁCH VỐN CÓ
Ngoại hình và phong cách không chỉ đơn giản là vẻ bề ngoài mà còn là mảnh ghép quan trọng trong việc thể hiện cái tôi và sự tự tin của mỗi người. Những điều này giúp bạn thể hiện nguồn năng lượng và cá tính thật. Do đó, việc buộc phải thay đổi bản thân để đáp ứng sở thích và yêu cầu của người khác sẽ đánh mất “chất riêng” vốn có của bạn.
Chẳng hạn, bạn là một cô gái phóng khoáng theo đuổi phong cách gợi cảm nhưng “crush” của bạn lại thích những cô gái tinh khôi, kín đáo. Trong một khoảnh khắc, bạn có thể thay đổi để thu hút sự chú ý của người ấy. Tuy nhiên sau cùng, bạn sẽ cảm thấy không thoải mái và dần mất đi sự tự nhiên vì không được là chính mình.
Tình yêu thật sự đến từ việc hai người hòa mình vào nhau, sống thật với bản thân mình, không che đậy bởi lớp vỏ bề ngoài. Vì vậy, việc giữ vững phong cách cá nhân là vô cùng quan trọng. Điều này không chỉ giúp chúng ta tự tin hơn về bản thân mà còn góp phần xây dựng mối quan hệ dựa trên sự chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau.