Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn cảm thấy cô đơn và điều này không chỉ phụ thuộc vào việc bạn là người hướng nội hay hướng ngoại, có nhiều mối quan hệ hoặc không. Vì vậy, thấu hiểu nguyên nhân và tìm giải pháp phù hợp với từng tình huống là vô cùng quan trọng để “gỡ rối” những mối tơ vò trong lòng. Cùng ELLE điểm qua 5 bí quyết giúp bạn vượt qua nỗi cô đơn hiệu quả nhé!
1. Giảm thời gian dành cho mạng xã hội
Trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram hay Twitter, người dùng thường có xu hướng chia sẻ những khoảnh khắc đẹp như một chuyến du lịch qua nhiều quốc gia, hoặc liên tục nói về sự thành công của bản thân. Điều này xuất phát từ tâm lý chung “tốt khoe xấu che”, hoặc đơn giản hơn là chỉ nhằm lưu giữ kỷ niệm đẹp trên trang cá nhân.
Khi tiếp cận với quá nhiều nội dung như trên, bạn sẽ dễ bị choáng ngợp và vô hình để chúng tác động tiêu cực đến cảm xúc. Bởi khi liên tục nhìn vào việc ganh tỵ với thành tựu của người khác, chúng ta vô thức mặc định bản thân kém hoàn hảo hơn và lâm vào tình trạng FOMO (Fear of Missing Out – cảm giác sợ bị bỏ lỡ). Thế nhưng, để đạt được những thành tựu mà bạn chứng kiến, những người thành công và có cuộc sống hạnh phúc cũng đã từng trải qua những nỗi đắng cay mà họ chưa bao giờ tiết lộ. Hoặc một số người chỉ đăng tải những bức ảnh hào nhoáng lên mạng xã hội để khoe khoang về bản thân và che lấp đi những khuyết điểm của mình.
Để thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực, việc đầu tiên bạn cần làm đó là tắt hết các thiết bị điện tử. Bạn có thể đặt giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội và dùng quỹ thời gian rảnh kết nối với những người thân thiết như gia đình, bạn bè… để giảm cảm giác lạc lõng, hoặc có thể tham gia một hội nhóm chung sở thích hay học thêm kỹ năng mới, giúp bạn gia tăng nhận thức cuộc sống cá nhân vẫn luôn tràn đầy ý nghĩa.
BÀI LIÊN QUAN
2. Đừng thu mình lại
Khi cảm thấy cô đơn, đôi khi chúng ta lại có xu hướng tránh xa các hoạt động xã hội và thu mình lại. Tuy nhiên, điều này lại vô tình khiến vòng tròn kết nối của bạn bị thu hẹp và gia tăng cảm giác cô đơn. Hãy nhớ rằng việc tham gia các sự kiện, gặp gỡ bạn bè và người thân chính là cơ hội tuyệt vời để bạn cải thiện tâm trạng và củng cố các mối quan hệ.
Bạn có thể ở một mình khi cần ổn định lại tâm trạng, thế nhưng bạn không nên tự cô lập bản thân bởi điều này có thể dẫn đến việc tích tụ cảm xúc tiêu cực, khiến bạn kiệt quệ cả về sức khỏe thể chất và tinh thần. Sẽ thật khó khăn để tìm kiếm sự giúp đỡ khi bạn đang trong trạng thái bất ổn, vì vậy bạn có thể tự liệt kê những người đáng tin cậy để mở lời chia sẻ như người thân, bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý nếu cần thiết. Ngoài ra, tham gia các hoạt động tập thể như tình nguyện theo nhóm nhỏ hay các lớp học kỹ năng mềm sẽ giúp bạn cải thiện khả năng giao tiếp, đồng thời tạo ra được các giá trị tích cực cho bản thân và cộng đồng.
3. Trân trọng giá trị của bản thân
Khi bạn trân trọng giá trị của bản thân, bạn sẽ ít bị ảnh hưởng bởi ý kiến và sự công nhận từ người khác. Điều này giúp bạn tránh được cảm giác cô đơn nếu nhận được phản hồi tiêu cực từ bên ngoài. So với những người thường hạ thấp giá trị của mình, người biết cách yêu thương, chăm sóc bản thân có xu hướng đối diện với cảm giác cô đơn tốt hơn vì họ hiểu rằng đây chỉ là một trạng thái tạm thời.
Để củng cố tình yêu dành cho bản thân, bạn hãy thử lắng nghe tiếng nói bên trong, học cách chấp nhận những khuyết điểm, tìm cách cải thiện tâm hồn, ngoại hình và vượt qua nỗi tự ti thường trực. Nếu bạn nhận thức bản thân đang có những suy nghĩ tiêu cực như “Tôi không thể làm được”, “Tôi quá yếu đuối”… bạn có thể chủ động thay thế chúng bằng những lời tự động viên tích cực rằng: “Mọi người có thể làm được thì tôi cũng có thể” hoặc “Tôi tin tưởng bản thân sẽ vượt qua chuyện này”. Bên cạnh đó, hãy tập trung thực hiện những việc mà bản thân giỏi nhất, trân trọng những điểm mạnh mà bản thân sở hữu để thấy rằng bạn không hề tồi tệ như mình nghĩ. Vào cuối ngày, hãy viết ra 5 thành tựu trong ngày, dù là thành tựu nhỏ nhất, và đừng quên viết những lời động viên dành cho bản thân vì đã nỗ lực hết mình. Đối xử tử tế với bản thân như cách bạn đối xử với người khác, bạn sẽ cảm thấy tự tin và sẵn sàng kết nối với mọi người, xua đi những cảm giác lo âu và cô đơn.
4. Chăm sóc bản thân chu đáo
Khi cảm thấy cô đơn, chúng ta thường có xu hướng dửng dưng với việc quan tâm và chăm sóc cơ thể. Một giấc ngủ chất lượng, bữa ăn ngon và tập thể dục đều đặn là những điều vô cùng cần thiết cho một sức khỏe tinh thần ổn định. Chẳng hạn, một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp cân bằng và duy trì mức năng lượng, đường huyết ổn định cho cơ thể, cải thiện chức năng não bộ, giảm nguy cơ trầm cảm và khiến cơ thể bạn nhẹ nhàng, thanh thoát hơn. Việc cơ thể và tâm trí kết nối với nhau sẽ giúp bạn đạt được trạng thái tốt nhất và các mối quan hệ xã hội, năng suất làm việc… được cải thiện theo chiều hướng tích cực.
Ngoài ra, chăm sóc bản thân tốt còn giúp bản thân nâng cao tần số năng lượng và phát triển sức khỏe, tài chính, sự nghiệp… theo thời gian. Bạn có thể đầu tư thời gian rảnh vào việc đọc sách, học thêm kỹ năng mới hoặc tập thể dục, yoga để giữ tinh thần luôn khỏe mạnh và cảm thấy hạnh phúc hơn mỗi ngày.
Xem thêm:
• 5 hoạt động giúp bạn ứng phó với nỗi cô đơn vào mùa lễ hội
• [Giới thiệu sách hay] Một thế kỷ cô đơn
• Hiểu rõ về sự cô đơn và 12 cách giúp bạn vui sống dù đang lẻ bóng
5. Trải nghiệm những điều mới mẻ
Đừng để việc cảm thấy cô đơn khiến bạn khép mình trước những trải nghiệm mới mẻ. Hãy thử bước ra khỏi vùng an toàn và thử thách bản thân với những điều mới lạ, chúng sẽ là giải pháp tuyệt vời để bạn vượt qua nỗi cô đơn và sợ hãi của mình.
Giống như việc đi du lịch, mỗi vùng đất mới bạn đặt chân đến đều mở ra những điều thú vị, cho bạn cơ hội tiếp xúc với những con người mới và tận hưởng những trải nghiệm mới. Vì vậy, đừng ngại bứt phá và chủ động tìm kiếm những cơ hội xê dịch, học hỏi những điều mới mẻ. Biết đâu, bạn sẽ khám phá ra đam mê của mình và cuộc sống của bạn trở nên phong phú và ý nghĩa hơn theo cách không ngờ đến.
Nhóm thực hiện
Bài: Anh Huy
Tham khảo: Abmeyer Wood