4 thói quen nhỏ giúp bạn tiết kiệm hiệu quả

Đăng ngày:

Trong bối cảnh thị trường kinh tế và việc làm có nhiều biến động như hiện nay, chúng ta không thể dự đoán được những rủi ro hay biến cố sẽ ập đến với quỹ tài chính hay sự nghiệp của bản thân. Vì vậy, việc tích cóp một khoản tiền để đối phó với các tình huống khẩn cấp như bệnh tật, tai nạn hoặc mất việc làm sẽ giúp bạn kiểm soát cuộc sống thuận lợi.

Khoản tiết kiệm là số tiền còn lại sau khi bạn chi trả tất cả các khoản chi tiêu hằng tháng và là khoản dự phòng cho các kế hoạch tương lai. Số tiền này thường được giữ ở những nơi an toàn như tài khoản tiết kiệm của ngân hàng, mục tiết kiệm của ví điện tử, được quy đổi thành dạng vật chất như vàng hay bất động sản hoặc được lưu giữ theo những cách thức truyền thống khác. 

Khi có kế hoạch tiết kiệm khoa học, bạn sẽ cảm thấy an toàn về mặt tài chính và hạn chế được những lo ngại, áp lực liên quan đến vấn đề tiền bạc trong cuộc sống hằng ngày. Ngoài ra, tài chính vững chắc có thể đem đến cảm giác tự do theo đuổi những ước mơ và mục tiêu cá nhân. Hãy cùng ELLE điểm 4 thói quen nhỏ giúp bạn tiết kiệm hiệu quả nhé! 

1. Lên lịch kiểm tra tài khoản thường xuyên 

Để bắt đầu hành trình tiết kiệm, bạn nên nắm rõ tình hình tài chính của mình bằng cách đánh dấu một ngày “kiểm tra sức khỏe” cho ví tiền. Bằng cách thường xuyên kiểm tra số dư tài khoản, bạn có thể tránh được việc chi tiêu vượt quá số tiền mình có, từ đó điều chỉnh kịp thời hành vi “vung tay quá trán”, giảm thiểu nguy cơ rơi vào nợ nần.

cô gái tiết kiệm hiệu quả nhờ thói quen

Ảnh: Unsplash/Krisjanis Kazaks

Bạn nên kiểm tra kỹ tình trạng tài khoản ngân hàng của mình trong thời gian rảnh hay khi vừa nhận lương, từ các khoản chi tiêu, các hóa đơn sắp tới số tiền cần cho vào khoản tiết kiệm hoặc đầu tư. Thói quen này sẽ hoạch định rõ các nguồn tiền của bạn và là bước đầu để bạn xây dựng sự an toàn về tài chính, hướng đến mục tiêu tích lũy, sở hữu các tài sản lớn như nhà ở và xe. 

2. Tiết kiệm là một khoản chi tiêu cần thiết 

Một mẹo hữu ích khác mà bạn có thể áp dụng đó là xem việc tiết kiệm là cố định và cần thiết. Giống như việc thanh toán tiền nhà và tiền điện nước hằng tháng, bạn hãy xem tiết kiệm như một khoản bắt buộc cần chi trả. Nhờ vậy, bạn sẽ dễ dàng tạo ra thói quen tiết kiệm và đảm bảo rằng một phần thu nhập của bạn luôn được tích lũy, hạn chế việc thỏa mãn các nhu cầu và mong muốn không cần thiết của bản thân. 

Bạn có thể thử bắt đầu với số tiền nhỏ và tăng dần theo thời gian. Hãy cố gắng duy trì thói quen một cách bền bỉ và ưu tiên cho một tương lai ổn định bạn nhé!  

3. Tự động hóa việc tiết kiệm

Càng đơn giản hóa quá trình nhập liệu tính toán, bạn sẽ dễ dàng tiết kiệm hơn và nhanh chóng đạt được mục tiêu đã đề ra. Tương tự như đặt lịch thanh toán các hóa đơn hằng tháng, bạn có thể thiết lập các tính năng tự động gửi tiền tiết kiệm vào tài khoản định kỳ. 

Việc tự động hóa giúp bạn không cần ghi nhớ, thực hiện thủ công sau khi vừa nhận nguồn thu. Ngoài ra, bạn không còn phải đấu tranh với cám dỗ chi tiêu, vì tiền đã được chuyển sang tài khoản tiết kiệm ngay từ đầu. Bằng cách này, chỉ trong thời ngắn, gửi tiền tiết kiệm sẽ trở thành một thói quen vô cùng tự nhiên. Sự tăng trưởng tài chính sau vài tháng thực hiện sẽ khiến bạn thích thú và tạo động lực vững chắc để bạn duy trì thói quen này một cách lâu dài. 

4. Suy nghĩ thật kỹ trước khi mua sắm

Để tiết kiệm, chúng ta phải thực sự cẩn thận trong quá trình chi tiêu và mua sắm của bản thân. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc hoàn toàn cắt giảm những nhu cầu thiết yếu để tằn tiện. Vì vậy, bạn cần phân chia rõ ràng đâu là nhu yếu phẩm và đâu là những món đồ dù không có bạn vẫn có thể đảm bảo chất lượng sống ổn định. 

cô gái tiết kiệm để loại bỏ những chi tiêu không cần thiết

Ảnh: Unsplash/Mira Kireeva

Chẳng hạn, bạn phát sinh nhu cầu mua một chiếc điện thoại cao cấp vừa ra mắt. Đây là lúc bạn nên kỹ lưỡng cân nhắc, tự hỏi bản thân rằng: Tại sao mình cần mua điện thoại mới?, Nó có thật sự cần thiết hay chỉ vì muốn theo kịp xu hướng?, Nếu bây giờ mình xuống tay, cuộc sống sau đó sẽ thế nào?, Sau vài năm, liệu giá trị của chúng có bị tụt giảm nhiều đi không?… Những câu trả lời bạn nhận được sẽ xác định liệu việc mua sắm này có phải là nhu cầu thực sự hay chỉ là mong muốn nhất thời. Tương tự với các tài sản có giá trị lớn, bạn hãy suy nghĩ về hậu quả tài chính trước khi mua chúng. Nếu bạn sử dụng thẻ tín dụng hoặc vay để mua, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tài chính cá nhân và khiến bạn cảm thấy căng thẳng mỗi khi đến hạn trả nợ.

NHỮNG MẸO NHỎ ĐỂ GIA TĂNG TIỀN TIẾT KIỆM 

Sau khi đã điều chỉnh và hình thành những thói quen tích cực trong việc chi tiêu hiệu quả, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tự tin và an toàn hơn về mặt tài chính. Dưới đây chính là 4 mẹo hữu ích giúp bạn gia tăng khoản tiết kiệm của mình. 

1. Tăng thu nhập

Thay vì cố gắng giảm mọi khoản chi tiêu, bạn nên tư duy theo hướng tăng thu nhập để cho phép bản thân duy trì hoặc thậm chí nâng cao mức sống hiện tại nhưng vẫn đảm bảo tiết kiệm hiệu quả. Bởi khi nguồn thu nhập eo hẹp hoặc bị phụ thuộc, bạn buộc phải thắt chặt chi tiêu, điều đó sẽ dẫn đến chất lượng cuộc sống bị giảm sút – yếu tố quan trọng nhất giúp bạn duy trì sức khỏe thể chất, tinh thần. Ngoài ra, bạn sẽ liên tục lo lắng về việc làm thế nào để đủ tiền trang trải cuộc sống, dẫn đến mâu thuẫn, xung đột với gia đình và những mối quan hệ xung quanh. 

cô gái tiết kiệm hiệu quả để tăng thu nhập

Ảnh: Unsplash/Look Studio

Bạn có thể gia tăng thêm thu nhập bằng một số công việc có thể làm sau giờ hành chính như: dạy kèm, gửi tiết kiệm có lãi suất, đầu tư, kinh doanh… hoặc liên tục trau dồi, học hỏi để được thăng chức, tăng lương trong công việc. Bằng cách tìm kiếm các cơ hội làm thêm hoặc nâng cao kỹ năng để nhận được mức lương cao hơn, bạn có thể đạt được sự cân bằng giữa tiết kiệm và tận hưởng cuộc sống trọn vẹn.

2. Phân biệt rõ “cần thiết” và “mong muốn”

cô gái suy nghĩ về thói quen tiết kiệm của mình

Ảnh: Unsplash/Tamara Shchypchynska

Như đã đề cập ở trên, chúng ta cần phân biệt rõ giữa nhu cầu thiết yếu và mong muốn cá nhân vì chúng vô cùng quan trọng trong việc quản lý tài chính. Chi tiêu “cần thiết” là những khoản chi tiêu không thể thiếu như tiền nhà, điện, nước, thực phẩm và các chi phí y tế cơ bản. Đây là những khoản đảm bảo sự sống và sức khỏe hằng ngày của bạn. Trái lại, “mong muốn” là những chi tiêu không cấp thiết, có thể dễ dàng thay đổi, như mua sắm đồ xa xỉ, du lịch sang trọng hay các món đồ điện tử mới nhất. Việc phân biệt rõ ràng giữa hai loại chi tiêu này giúp bạn tối ưu hóa nguồn lực tài chính, đặt ra các mục tiêu tiết kiệm và đầu tư dựa trên thực tế của bản thân, nâng cao chất lượng cuộc sống về lâu dài. 


Xem thêm

• 8 địa điểm du lịch tiết kiệm nhất châu Á bạn không nên bỏ qua trong năm 2024

• 8 Thói quen khiến bạn không thể tiết kiệm được tiền

• 5 lời khuyên giúp bạn cân bằng giữa việc chi tiêu và tiết kiệm


3. Cắt giảm các dịch vụ 

Theo một bài nghiên cứu của C+R Research vào năm 2022, có đến 42% người dùng đang chi trả cho những dịch vụ mà họ không còn sử dụng nữa, ví dụ họ quá bận rộn để xem phim nhưng vẫn đều đặn trả một khoản kha khá cho các dịch vụ truyền hình số mỗi tháng. 

cô gái giảm dịch vụ

Ảnh: Unsplash/ Jeffery Erhunse

Nếu bạn là một trong số đó, đã đến lúc bạn nên hủy đăng ký những gói dịch vụ đã một thời gian dài không sử dụng. Hãy xem xét kỹ ngân sách và liệt kê đâu là khoản chi tiêu bạn có thể cắt giảm hay thậm chí là hoàn toàn hủy bỏ như một gói streaming hằng tháng, phòng gym hoặc một dịch vụ giải trí nhưng không còn cần thiết nữa.

4. Giảm thiểu những chi tiêu không cần thiết 

Nếu tiết kiệm đang là mục tiêu hàng đầu của bạn, hãy đánh giá lại các thói quen và hành vi chi tiêu để đảm bảo chúng thực sự hỗ trợ cho mục tiêu tài chính bạn đã đề ra. Khi xem xét kỹ lưỡng tài chính cá nhân, bạn có thể nhận ra có một số thói quen chi tiêu cần được điều chỉnh để phù hợp với túi tiền của bản thân. Điều này thường bao gồm việc loại bỏ những khoản chi tiêu không cần thiết. Ví dụ, nếu số tiền dành cho một bữa ăn tại nhà hàng hay một buổi hẹn với bạn bè, đồng nghiệp bằng với tiền công của một ngày làm việc, bạn nên hạn chế việc “tự thưởng” cho bản thân vô tội vạ. Nhận thức rõ về cách bạn chi tiêu sẽ giúp bạn đầu tư vào những gì thực sự quan trọng, khiến cho quá trình tiết kiệm trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn.

Nhóm thực hiện

Bài: Anh Huy

Tham khảo: The Everygirl

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more