Giới mộ điệu tìm thấy cảm hứng từ chính dòng chảy thời gian, nhìn vào quá khứ, hiện tại và tương lai để truy quét xu hướng nóng hổi nhất. Thời đại Y2K kéo dài tưởng chừng như vô tận, nhưng ta biết hội tín đồ sẽ tìm được gu thẩm mỹ nối tiếp. Song, họ sẽ tìm đến những vẻ đẹp tiến sâu hơn vào quá khứ, hay tiến đến tương lai? Câu hỏi đó bỏ ngỏ cho đến dạo gần đây, một cơ sốt mới lan toả: Y3K.
BÀI LIÊN QUAN
Y3K có phải xu hướng tiếp nối y2k?
Y2K, Y2K và Y2K! Rộn ràng từ năm 2020, xu hướng mặc đẹp theo nguồn cảm hứng hoài cổ dần trở thành “nỗi ám ảnh” màu sắc, lôi cuốn phủ kín bàn tròn thảo luận về những gu thẩm mỹ đáng theo đuổi. Hội tín đồ dễ hình dung và diễn giải trào lưu này theo cách riêng biệt, sở dĩ vì họ có thật nhiều chất liệu để khai thác: những nàng “IT-girl” đời đầu như Paris Hilton, Britney Spears, Xtina; vô số phim ảnh lấy bối cảnh thời đại như Sex and The City, Legally Blonde; chắt lọc sàn diễn huyền thoại của Prada, Versace… Muốn bắt nhịp Y2K, ta nhìn về quá khứ, nhìn vào văn hóa đại chúng để dung nạp nguồn năng lượng sành điệu không hề hao hụt qua thời gian và tái áp dụng vào tủ đồ hiện tại.
Với Y3K, câu chuyện về nguồn cảm hứng đã khác. Trào lưu thành hình từ chính sức tưởng tượng của con người, dùng váy áo, phụ kiện để kể về một tương lai xa – nơi AI (Artificial Intelligence – Trí tuệ nhân tạo) và kỹ thuật số ngự trị. “Y3K”, viết tắt cho “Year 3000” là cách đặt tên cho trào lưu “tiên tri” tủ đồ, với những rung cảm cấp tiến và hư ảo như đến từ những năm 3000. Dù có sự tương đồng với Y2K khi cùng lấy cảm hứng từ dòng thời gian để đưa vào thời trang đường phố, nhưng ngoài đặc điểm đó ra, Y3K mang lại rung cảm khác biệt hoàn toàn với xu hướng “cửa miệng” của hội tín đồ suốt 4 năm qua.
BÀI LIÊN QUAN
THỜI TRANG ĐÓN ĐẦU NHỮNG BƯỚC TIẾN XÃ HỘI
Nền móng của Y3K bắt nguồn từ một chủ đề trừu tượng nhưng không mới: hình dung về tương lai. Thời trang đã luôn bị quyến rũ bởi những nguồn cảm hứng đi trước thời đại, hình thành nên địa hạt với tầm nhìn vượt ngàn dặm xa trong dòng chảy thời gian, mang tên chủ nghĩa thời trang vị lai.
Ngay khi con người bắt đầu có những chuyến viễn du vũ trụ từ 1961, NTK André Courrèges đã kỳ vọng những phi hành gia sẽ gặp được cư dân ngoài Trái Đất, có dáng dấp nàng “Moon Girl” được giới thiệu năm 1964 với chiếc bốt go-go (bốt trắng, đế thấp, cao đến giữa cẳng chân), trên trang phục là những chiếc túi hình học lạ kỳ. Những tưởng tượng về dạng sống ngoài hành tinh được nối dài bởi những NTK cùng thời và sau đó nữa: Paco Rabanne, Pierre Cardin, John Galliano…
Cùng trong những tiến triển về công nghệ, đại chúng hình dung đến một ngày người máy (robot dạng người) trở thành những công dân thực thụ trong xã hội, với suy nghĩ và khả năng vận hành độc lập – một dự đoán vượt xa những tiến bộ khoa học lúc bấy giờ. NTK Thierry Mugler đã liên tục đem chủ đề này ra thảo luận, nhưng trên sàn diễn Haute Couture Thu – Đông 1995, ông tạo ra một trong những biểu tượng vị lai: bộ trang phục kim loại như lớp da của người máy, mang theo sự gợi cảm tột cùng với mảng khoét ở bụng, ngực và bao bọc cơ thể bằng nhựa. Một người máy mang theo tính nữ, như một cá thể thực thụ.
Gần hơn, mới hơn là sự phát triển của Internet bắt đầu từ thập niên 80, tiếp thêm nguồn cảm hứng mới để thời trang “tiên tri” tương lai. Từ sức mạnh vô hạn của mạng lưới, đến sự chìm đắm của con người trong thế giới ảo, các NTK nghĩ về ngày mà con người cũng sẽ hoạt động bằng những jack cắm điện. Trên sàn diễn của Maison Margiela Haute Couture Thu – Đông 2018, NTK John Galliano dự liệu có ngày con người sẽ nhìn đời qua kính thực tế ảo, điện thoại, máy tính bảng trở thành món phụ kiện dễ thấy nhất trên cơ thể.
Nhưng sự phát triển công nghệ không phải điều duy nhất được các NTK tiên liệu. Tiếp nối là biến chuyển những khủng hoảng và nỗi sợ hiện sinh về hiện tượng nóng lên toàn cầu, tiêu thụ quá mức… thành những cảm hứng thời trang hậu tận thế, tạo thành vô số lời “cảnh báo” được gửi xuống khắp các đường băng của thập niên trước. Những món đồ tiết kiệm màu sắc, sử dụng những chất liệu thô không ngờ tới, kính chống bụi… tất cả đều gợi đến một tương lai nhân loại bật chế độ sinh tồn, chống chọi lại thời tiết khắc nghiệt.
Những cư dân năm 3000 tại năm 2024 trong trào lưu y3k
Vậy nếu thời trang vị lai đã là ý niệm được diễn giải từ lâu, thì điều gì khiến gu thẩm mỹ Y3K bùng nổ thời gian dạo gần đây? Một phần là từ những cuộc thảo luận lan truyền khắp mạng xã hội về khả năng AI thay thế con người, phần vì sự nhanh nhạy ứng dụng công nghệ vào trải nghiệm mua sắm, mô phỏng và thiết kế trang phục – tạo ra những tác phẩm “con lai” giữa dạng vật lý và kỹ thuật số, hiện thực hóa những ý tưởng siêu thực nhất.
Một loạt những bộ phim viễn tưởng như Dune 2, Furiosa ra mắt trong thời gian gần đây giúp thổi bùng lên cơn địa chấn mới. Nối tiếp là Zendaya và Anya Taylor-Joy, những nữ diễn viên thuần thục trong “method dressing” trên thảm đỏ, một thuật ngữ dùng để miêu tả khi diễn viên mặc giống nhân vật mình thủ vai, càng cuốn hội tín đồ vào những rung cảm bí ẩn từ tương lai. Họ diễn giải Y3K trong những phom dáng trang phục xa rời khỏi hình thể tự nhiên của con người, hay chiếc váy như được làm từ cùng một tấm vải mà không cần bất kỳ đường cắt nào – chất liệu thực tế từ viễn cảnh khi con người sống trên hoang mạc, là những tàn dư cho nền công nghiệp hiện tại.
Khắp Á – Âu, tất cả như đang nắm trong tay tấm thẻ công dân của năm 3000, thể hiện qua trang phục và phụ kiện. Tại Hàn Quốc, khi NewJeans nhen nhóm cơn sóng đầu tiên với những phụ kiện kim loại lỏng lạ mắt trong OMG, những lời lan truyền về gu thẩm mỹ siêu thực được truyền tai nhau bởi LE SSERAFIM, IVE, aespa. Được đà tiến lên, aespa trở thành người chơi chủ chốt của cuộc du hành thời gian với Y3K, nhân rộng mối lo lẫn sự si mê về một thế giới được các “siêu thực thể” ghé thăm và giai đoạn khải huyền.
Metallic sáng bóng, phụ kiện không còn là kim cương, ngọc trai sang trọng thường thấy, mà kiến tạo từ nhựa, kim loại, uốn lượn thành những hình dáng trừu tượng như dạng thể sinh vật mà ta chưa từng được thấy, mũ trùm, trang phục màu trung tính ma mị… kích thích hội tín đồ đón nhận thử thách hoà phối. Đáng nói, aespa đã luôn khai thác phục sức vị lai những ngày đầu tiên, nhưng với bầu không khí Y3K đang dần bao trùm khắp nơi, họ đang là một trong những nhóm “sách mẫu” đáng tham khảo để định nghĩa thế nào là âm hưởng những năm 3000.
Tại Nhật Bản, Y3K có nguồn gốc từ những tiểu văn hóa (subculture) như Sabukaru hay Tenshi Kaiwai. Việc đất nước này có các nghệ nhân “đầm tay” về khả năng chế tác trang phục có độ chính xác và sáng tạo cao, là điều kiện để gu thẩm mỹ tương lai, vốn nổi bật với những phom dáng cường điệu, phi thực tế, lan rộng.
NHỮNG THƯƠNG HIỆU ĐÁNG THEO DÕI
“Ông hoàng Darkwear” Rick Owens – một thế lực tiếng tăm về cảm hứng thiết kế phom dáng dài, những chiếc giày cà kheo xứng đáng là cái tên hiện lên đầu tiên nếu bạn muốn phân tích xem Y3K có gì thú vị. Bạn sẽ bị cuốn hút vào mỹ cảm của những mẫu váy không biết điểm đầu và điểm kết, vì những đường may được ẩn đi quá hoàn hảo và mượt mà. Bạn cũng có thể nhận ra sự quái chiêu mà một chiếc tank top hay quần da bình thường mang lại, miễn là được điểm những chi tiết cắt xẻ đúng và đủ.
Dion Lee dành cho những tín đồ mê mẩn cấu trúc tinh xảo và xem thời trang tiện ích (ultility) có hình dạng thế nào vào những năm 3000. Ottolinger khiến linen trở nên độc đáo qua những bộ cánh cố ý đắp thêm vải thừa. Chưa kể đến hàng loạt thương hiệu khác “ẩn dật” hơn, đang sống trong một đa vũ trụ xa xôi của riêng họ như KUSIKOHC.
Năm 3000 sẽ có gì? Hình dung ra câu trả lời cho câu hỏi đó, bạn dần định hình được trào lưu Y3K và cách hưởng ứng của riêng mình. Nguồn cảm hứng tiên phong từ những người tiếp động lực mặc đẹp và các thương hiệu đã có. Bạn chọn giải đáp như thế nào? Nghĩ về một tương lai nơi người máy đã thay thế con người? Một dạng sống mới? Sự mập mờ của tương lai đã luôn gợi những nguồn cảm hứng cho những tín đồ để thêu dệt những câu chuyện dựa trên suy đoán của mình, thể hiện qua váy áo. Thay vì sợ AI thay thế, sao không đi song hành và biến nó thành cảm hứng mặc đẹp?
Nhóm thực hiện
Bài: Hải Yến
Ảnh: Tổng hợp