5 mẹo giúp bạn từ chối người khác một cách lịch sự

Đăng ngày:

Nói “không” với những yêu cầu, những cơ hội không phù hợp với bản thân chính là chìa khóa để bạn giải phóng bản thân khỏi bế tắc, dành thời gian và năng lượng cho những mục tiêu thực sự quan trọng.

Để cân bằng được công việc và cuộc sống của bạn, bạn cần rèn luyện kỹ năng từ chối. Hãy mạnh dạn nói “không” với những gì không phù hợp với mục tiêu và giá trị của bạn, đặc biệt trong môi trường làm việc, để mở ra cánh cửa dẫn đến thành công thực sự.

1. Từ chối thẳng thắn và rõ ràng

Nếu phải từ chối, bạn hãy từ chối một cách thẳng thắn và rõ ràng. Bạn sẽ không muốn khiến đối tác phải thắc mắc về ý định của bạn, vì sự hiểu nhầm đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ. Đặc biệt khi công việc đấy có giới hạn thời gian, việc từ chối rõ ràng giúp họ chủ động tìm kiếm giải pháp thay thế kịp thời. Thậm chí, việc thiếu suy nghĩ và không dành thời gian từ chối một cách lịch sự có thể ảnh hưởng đến hình ảnh chuyên nghiệp của bạn và gây khó khăn cho những hợp tác trong tương lai. Vì vậy, bạn hãy dành thời gian để soạn thảo email từ chối thể hiện sự tôn trọng đối với đối tác và cho họ thấy rằng bạn đã cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.

cô gái học cách từ chối lịch sự

Ảnh: Unsplash/Elise Wilcox

2. Từ chối một cách lịch sự

Nhiều người thường e ngại việc từ chối vì sợ bị đánh giá là “thiếu nhiệt tình” hay “thô lỗ”. Việc trả lời quá nhanh gọn, dứt khoát có thể khiến bạn tạo ấn tượng tiêu cực và ảnh hưởng đến danh tiếng. Tuy nhiên, từ chối hoàn toàn có thể diễn ra một cách tinh tế và lịch sự, giúp bạn giữ gìn thiện chí với đối phương mà vẫn giữ được thể diện cho bản thân.

cô gái từ chối mặc váy mang túi

Ảnh: Pexels/Ruxandra Scutelnic

Ai cũng mong muốn được lắng nghe và tôn trọng, ngay cả khi họ nhận được lời từ chối. Bạn có thể bắt đầu lời từ chối bằng cách thể hiện sự quan tâm và trân trọng đối với lời đề nghị của họ. Ví dụ như “Cảm ơn bạn đã tin tưởng và dành cho tôi lời đề nghị này” hoặc “Đây có vẻ là một dự án/sự kiện/ý tưởng tuyệt vời!“. Sau đó, bạn hãy nêu rõ lý do từ chối một cách ngắn gọn, súc tích và lịch sự như “Thật đáng tiếc vì ở thời điểm hiện tại, tôi chưa thu xếp được lịch trình để cùng bạn thực hiện kế hoạch đó” hay “Có lẽ tôi chưa phải là đối tác phù hợp cùng bạn thực hiện dự án này”. Bạn cũng nên kết thúc bằng những lời động viên để thể hiện sự tin tưởng và chúc mừng với đối phương như “Chúc hội nghị của bạn thành công rực rỡ!” hoặc “Tôi tin rằng bạn sẽ tìm được người phù hợp cho vị trí này”.

3. Giải thích ngắn gọn lý do từ chối

Việc đưa ra một lời giải thích ngắn gọn có thể cho người kia hiểu rằng đó không phải là sự thờ ơ mà đơn giản là bạn không có thời gian hay hứng thú. Tốt nhất là bạn hãy từ chối đơn giản với những kẻ “lợi dụng”, đừng đưa cho họ cơ hội tranh luận để phá hỏng vào lịch trình của bạn.

cô gái từ chối mặc váy hoa đeo kính

Ảnh: Unsplash/Pietra Schwarzler

Tuy nhiên, đối với những người thường xuyên lợi dụng lòng tốt của bạn hoặc có xu hướng chen lấn vào lịch trình cá nhân, việc giải thích lý do có thể không hiệu quả. Thay vào đó, bạn nên từ chối một cách dứt khoát và rõ ràng để bảo vệ ranh giới của bản thân. Bạn có thể áp dụng những câu như “Cảm ơn vì lời mời, nhưng tôi không thể tham gia“, “Tôi xin lỗi, nhưng tôi không có thời gian cho việc đó” hay “Tôi không thoải mái khi tham gia vào hoạt động này“. Bạn hãy linh hoạt áp dụng những cách thức phù hợp trong từng tình huống để đảm bảo sự tôn trọng và thiện chí với mọi người.


Xem thêm

• 6 dấu hiệu cho thấy bạn bị gaslight trong công việc

• 7 dấu hiệu bạn đang thiếu yêu thương bản thân

• 9 dấu hiệu cho thấy bạn đang phát triển bản thân từng ngày


4. Khéo léo “giữ cửa” cho những cơ hội tương lai

Trong môi trường công việc, duy trì mối quan hệ tốt đẹp là chìa khóa dẫn đến thành công. Do đó, ngay cả khi từ chối, bạn vẫn nên khéo léo “giữ cửa” cho những cơ hội tương lai. Khi dùng những mẫu câu đơn giản như “Hiện tại tôi không sắp xếp được” hay “Tôi khá bận rộn trong khoảng thời gian này. Tôi thành thật hy vọng có thể cùng tham gia dự án khác với bạn trong tương lai” sẽ giúp bạn thể hiện thiện chí và sẵn sàng cho các cơ hội tương tự về sau. Thậm chí, bạn có thể tinh tế hơn bằng cách hỏi thăm lại bên kia về tiến độ giải quyết vấn đề sau một thời gian.

Tuy nhiên, hãy sử dụng chiến thuật này một cách thận trọng. Tránh tạo ra hy vọng hão huyền cho đối phương rằng bạn sẽ chắc chắn đổi ý trong tương lai. Nếu không thật sự muốn hợp tác với ai đó, hãy từ chối một cách khéo léo nhưng dứt khoát.

cô gái đi trên bãi biển từ chối một cách lịch sự

Ảnh: Unsplash/Anna Tarazevich

5. Gợi ý phương án khác

Việc bạn dành thời gian để tìm kiếm giải pháp thay thế cho thấy bạn quan tâm đến việc giúp đỡ các đồng nghiệp của mình, ngay cả khi bạn không thể đáp ứng yêu cầu của họ ngay lập tức. Thay vì từ chối hoàn toàn một công việc nào đó, bạn có dành thời gian giới thiệu họ với người khác – người có thể giải quyết vấn đề hoặc thậm chí phù hợp hơn với nhiệm vụ. Điều này đặc biệt có hiệu quả với những người bạn đã hợp tác lâu dài, giúp bạn thể hiện sự quan tâm dành cho họ. Ngay cả việc đề xuất một thời gian khác trong lịch trình của bạn cũng có thể là một sự thỏa hiệp hữu ích. Bằng cách dành thời gian để suy nghĩ về những cách khác có thể giúp đỡ đồng nghiệp, bạn có thể xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và duy trì mạng lưới hợp tác hiệu quả.

Nhóm thực hiện

Bài: Minh Huyền

Nguồn: Flowrite

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more