Lifestyle / Bí quyết sống

4 dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc Hội chứng Siêu đồng cảm và cách vượt qua

Sở hữu khả năng đồng cảm với cảm xúc, suy nghĩ của người khác là một khả năng rất tuyệt vời giúp chúng ta thấu hiểu người khác, được đối phương quý mến, tin tưởng, từ đó xây dựng được những mối quan hệ xã hội chất lượng. Tuy vậy, đối với những người mắc phải hội chứng siêu đồng cảm, việc sở hữu khả năng đặc biệt này có thể mang đến cho họ nhiều khổ sở, phiền muộn.

cô gái ngồi đọc sách bên cửa sổ có khả năng đồng cảm

Hội chứng siêu đồng cảm (hyper empathy syndrome) được chẩn đoán dựa trên tính cách và hành vi, khi một người có thể cảm nhận được những cảm xúc của người khác, đặc biệt là họ có thể tiếp nhận tiêu cực như thể đó là cảm xúc của chính họ. Khác với sự đồng cảm thông thường, người mắc hội chứng siêu đồng cảm sẽ gạt cảm xúc cá nhân của bản thân sang một bên, đồng thời có mối bận tâm lớn đến cảm xúc người khác và không phòng bị bằng bất kỳ ranh giới bảo vệ nào.

Những dấu hiệu của hội chứng siêu đồng cảm

1. Hấp thụ cảm xúc của đối phương

Theo bản năng, khi lắng nghe người đối diện chia sẻ những niềm đau, nỗi buồn và sự tuyệt vọng, những người mắc hội chứng siêu đồng cảm sẽ hoàn toàn hấp thụ những cảm xúc ấy, giữ chúng trong lòng suốt một thời gian dài thay vì thiết lập một hàng rào bảo vệ sức khỏe tinh thần. Không dừng lại ở đó, vì quá nhạy cảm, họ còn cảm thấy choáng ngợp trước những nỗi đau không phải của mình đến mức xuất hiện các phản ứng của cơ thể như đau đầu, chóng mặt, đau cơ, đau dạ dày…

cô gái ôm hoa trắng dễ đồng cảm với người khác
Ảnh: Unsplash/Baran Lotfollahi

Việc liên tục nhập tâm vào cảm xúc của người khác đồng thời khiến cho người mắc hội chứng siêu đồng cảm thường xuyên căng thẳng, thay đổi tâm trạng thất thường và gặp khó khăn trong việc điều khiển cảm xúc của chính mình.

2. Đánh mất bản thân

Khi mắc hội chứng siêu đồng cảm, bạn sẽ ám ảnh về việc làm thế nào để có thể giúp đỡ người khác, đồng thời cảm thấy khó chịu, thất vọng và trống rỗng khi không thể xoa dịu nỗi đau của đối phương. Điều này làm bạn cho rằng bản thân tồi tệ, vô dụng hay thậm chí khiến bạn tự cô lập chính mình với bên ngoài sau khi đã tiếp nhận quá nhiều thông tin tiêu cực.

Bên cạnh đó, một trong những dấu hiệu của hội chứng siêu đồng cảm chính là không thể vạch ra ranh giới cá nhân, bạn vô tình đi vào tình thế buộc phải tiếp nhận những lời yêu cầu, nhờ vả nên thường tự gạt bỏ nhu cầu và mong muốn của mình. Đây chính là điểm yếu khiến cho bạn rất dễ bị người khác thao túng, lợi dụng.

3. Sợ giao tiếp xã hội

Những người mắc hội chứng siêu đồng cảm thường cảm thấy bị choáng ngợp khi ở trong một môi trường rộng lớn, đông người. Sau những bữa tiệc, những cuộc gặp gỡ, những buổi họp mặt sôi nổi, họ thường cảm thấy như bị vắt kiệt về thể chất lẫn tinh thần, cần rất nhiều thời gian để nghỉ ngơi, phục hồi, rũ bỏ mọi cảm xúc mà họ đã hấp thụ từ người khác.

cô gái đi bộ trên thảm cỏ sợ giao tiếp xã hội
Ảnh: Unsplash/Sydney Moore

4. Rơi vào mối quan hệ đồng phụ thuộc

Một người mắc hội chứng siêu đồng cảm thường dễ rơi vào tình trạng bị lệ thuộc vào những mối quan hệ thân thiết khi họ luôn muốn làm hài lòng đối phương, xem trọng nhu cầu đối phương hơn nhu cầu của mình, không thể tự đưa ra quyết định và chấp nhận hạ thấp lòng tự tôn cá nhân. Trong tình yêu, họ có xu hướng ở trong mối quan hệ không lành mạnh, dễ bị tổn thương, lợi dụng và dẫn đến cảm giác luôn bất an, thiếu tự tin với những kẻ bạo hành và ái kỷ độc hại.

Ảnh hưởng của sự đồng cảm quá mức

Việc trở nên đồng cảm quá mức với người khác sẽ khiến chúng ta trở nên lo lắng nhiều hơn, đánh mất bản thân, rơi vào tình trạng trầm cảm, kiệt quệ cảm xúc và dễ mắc phải hội chứng PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương).

Ngoài ra, nếu mắc phải hội chứng này, bạn sẽ khó kiểm soát được hành vi của bản thân, vô tình can thiệp thái quá vào cuộc sống riêng tư của người khác. Dù xuất phát từ sự tử tế, nhưng những hành động xâm lấn vào câu chuyện của người chia sẻ đôi khi khiến họ cảm thấy phiền toái, khó chịu và tồi tệ hơn. Dần dà, sự đồng cảm quá mức có thể là nguyên nhân gián tiếp khiến cho bạn đánh mất những mối quan hệ thân thiết, những người bạn yêu quý trong cuộc đời mình.


Xem thêm

• 7 dấu hiệu cho thấy bạn sẽ thành công theo tâm lý học

• 4 dấu hiệu cho thấy bạn cần ưu tiên sức khỏe tinh thần của mình ngay bây giờ

• 6 cách giúp bạn vượt qua khủng hoảng hiện sinh


Nguyên nhân của hội chứng siêu đồng cảm

Sự đồng cảm quá mức có thể là hậu quả từ những tổn thương trong quá khứ, đặc biệt là ở thời ấu thơ – giai đoạn con người hình thành tính cách thông qua việc học hỏi từ những tín hiệu cảm xúc của người lớn.

những chấn thương trong quá khứ là nguyên nhân dẫn đến sự đồng cảm quá mức
Ảnh: Unsplash/ANHELINA OSAULENKO

Những đứa trẻ được cha mẹ nuôi dưỡng bằng đầy đủ tình yêu thương và được bảo vệ bằng kiểu gắn bó an toàn (thoải mái thể hiện tình cảm, nguyện vọng và mong muốn với đối phương) có khả năng điều khiển cảm xúc tốt, đồng thời dễ đồng cảm với người khác ở mức độ vừa phải.

Ngược lại, những đứa trẻ được nuôi dưỡng theo kiểu gắn bó lo âu (sợ bị bỏ rơi, luôn khao khát sự thân mật) và gắn bó né tránh (e ngại sự thân mật, ràng buộc) thường gặp nhiều khó khăn với việc điều tiết cảm xúc của mình. Kết quả là khi trưởng thành, họ có thể gặp trở ngại trong các mối quan hệ cá nhân và xã hội, và dễ rơi vào hội chứng siêu đồng cảm. Bên cạnh đó, tình trạng này vẫn có thể diễn ra ở người trưởng thành sau những chấn thương tâm lý như trải qua cú sốc, sự mất mát lớn khiến họ nhạy cảm quá mức với những người thân yêu.

Làm thế nào để vượt qua hội chứng siêu đồng cảm?

1. Nhận biết các dấu hiệu

Để đối mặt với hội chứng siêu đồng cảm, chúng ta cần học cách nhận biết các triệu chứng sau đây khi chúng vừa mới xuất hiện, bao gồm: thường xuyên cảm thấy tội lỗi quá mức khi không thể giúp đỡ được người khác, xuất hiện những suy nghĩ xâm phạm (intrusive thoughts), luôn rơi vào tình trạng kiệt quệ cảm xúc, căng thẳng, bất mãn với bản thân và trầm cảm. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu này sẽ giúp chúng ta tìm ra những phương pháp điều chỉnh và hỗ trợ thích hợp, tránh ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống cá nhân của bản thân và người khác.

làm thế nào để vượt qua hội chứng đồng cảm quá mức
Ảnh: Unsplash/ANHELINA OSAULENKO

2. Yêu thương bản thân

Sau khi đã nhận biết được những dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc phải hội chứng siêu đồng cảm, bạn hãy thiết lập những thói quen chăm sóc lành mạnh như ngủ đủ giấc, ăn uống dinh dưỡng, khoa học, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, dành nhiều thời gian để thư giãn và từng bước thực hành giao tiếp xã hội.

Tặng cho bản thân một ngày nghỉ trọn vẹn, tạm rời khỏi cuộc sống thường ngày và làm bất cứ điều gì khiến bạn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc là một lựa chọn tuyệt vời giúp bạn có nhiều thời gian để thấu hiểu, yêu thương và kết nối sâu sắc với những nhu cầu cảm xúc của bản thân. Một điều quan trọng khác bạn nên rèn luyện để thoát khỏi tình trạng này đó là học cách nói “không”, đồng thời thẳng thừng từ chối mọi lời yêu cầu, đề nghị mang tính thao túng, lợi dụng lòng tốt của bạn.

3. Trân trọng sự hài lòng từ lòng trắc ẩn

Hài lòng là cảm xúc tích cực bạn nhận được khi hoàn thành một điều gì đó, như niềm vui, niềm tự hào, sự thỏa mãn, niềm hạnh phúc… Nếu bạn kiệt sức khi thường xuyên giúp đỡ người khác chăm sóc những nỗi đau tinh thần và cảm thấy buồn bã vì không thể trở thành chỗ dựa cho họ, hãy tập trung vào những thành tựu bé nhỏ hằng ngày chúng ta đã làm để giúp đỡ họ.

yêu thương bản thân để vượt qua hội chứng siêu đồng cảm
Ảnh: Unsplash/Andrey K

Chẳng hạn, khi đối phương gặp chuyện buồn, bạn không thể đưa ra giải pháp mà chỉ có thể lắng nghe họ tâm sự, chia sẻ. Chính hành động thật tâm lắng nghe không phán xét ấy là biểu hiện của lòng trắc ẩn đôi khi bạn vô tình bỏ lỡ. Cảm nhận được hành động xuất phát từ lòng trắc ẩn ấy sẽ giúp bạn thấy hạnh phúc và hài lòng vì đã giúp đỡ được người khác. Vì vậy, hãy thực hành biết ơn, học cách trân trọng bản thân nhiều hơn để vượt qua hội chứng siêu đồng cảm, bạn nhé.

4. Thực hành trắc ẩn tự thân

Giúp đỡ mọi người là một nghĩa cử cao đẹp. Dẫu vậy, nếu chúng ta đánh đổi toàn bộ sức khỏe thể chất và tinh thần để thực hiện điều ấy, ý nghĩa thiêng liêng vốn có của việc giúp đỡ đã không còn nữa, đồng thời hành động này có thể khiến cho người nhận cảm thấy áy náy vì không biết làm gì để “trả ơn” cho bạn

Vì vậy, hãy dành thời gian để suy nghĩ về những nhu cầu, mong muốn của bản thân và tập trung hoàn thành chúng trước tiên. Chính sự trắc ẩn tự thân và yêu thương chính mình sẽ giúp bạn hiểu được giá trị và giới hạn của sự đồng cảm, từ đó dần thoát khỏi hội chứng siêu đồng cảm.

5. Tìm kiếm sự giúp đỡ

Nếu bạn cảm thấy bản thân không thể tự kiểm soát và điều chỉnh sự đồng cảm quá mức, đồng thời gặp phải bất kỳ những biểu hiện nghiêm trọng nào khác của các vấn đề sức khỏe tinh thần như lo lắng, căng thẳng, trầm cảm… đừng ngần ngại tham khảo ý kiến từ các chuyên gia. Bởi họ là những chuyên gia được đào tạo kỹ lưỡng, có chuyên môn để nhận biết và điều trị các vấn đề tâm lý bạn đang gặp phải. Sự can thiệp kịp thời và đúng cách sẽ giúp bạn vượt qua tình trạng không thể tự kiểm soát cảm xúc của mình, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn cho sức khỏe tinh thần và thể chất.

cô gái ngồi tựa vào máy giặt suy tư
Ảnh: Unsplash/Tony Frost

Đồng thời, các nhà trị liệu tâm lý hay các bác sĩ tâm thần có thể xác định được các giải pháp thiết thực sẽ giúp bạn điều khiển cảm xúc, cân bằng được mức độ đồng cảm và chăm sóc bản thân tốt hơn.

Nhóm thực hiện

Bài: Khánh Hà

Tham khảo: The Minds Journal

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)