Lifestyle / Bí quyết sống

7 cách giúp bạn đạt được hạnh phúc nội tại theo triết lý Ấn Độ

Khi hỗn loạn và căng thẳng dường như là cảm xúc thường trực trong cuộc sống hằng ngày, việc tìm thấy bình yên và hạnh phúc đích thực sau một ngày dài mệt mỏi có lẽ là vô cùng khó khăn với những ai chưa thể học cách tìm thấy bình yên trong tâm trí của mình.

Từ lâu, triết lý Ấn Độ với ngàn năm di sản đã mang đến những viên ngọc quý giá góp phần làm màu mỡ và tươi đẹp cho ngôi đền tâm linh của mỗi người. Cuộc sống vô thường, vạn vật thay đổi và phát triển mỗi ngày đôi khi khiến chúng ta khó có thể duy trì được trạng thái tích cực và hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, mỗi người đều có hành trình và sứ mệnh riêng khi đến với thế giới, và “hạnh phúc nội tại” luôn tồn tại theo cách riêng.

Mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau về khái niệm “hạnh phúc”. Để đạt được trạng thái đó, bạn phải trải qua một hành trình mài giũa và tôi luyện bản thân theo hướng tích cực hơn. Dưới đây chính là 7 cách giúp bạn đạt được hạnh phúc nội tại theo triết lý Ấn Độ. 

1. Học cách chấp nhận 

Giống như mầm cây không thể chọn nơi mình mọc lên, chúng ta không thể kiểm soát mọi yếu tố trong cuộc sống. Nhưng bằng cách chấp nhận và đối diện với thực tại, chúng ta có thể tập trung vào những gì mình có thể thay đổi và cải thiện. Chẳng hạn khi gặp gỡ những trở ngại và thách thức đầu tiên, một số người bắt đầu cảm thấy chênh vênh, lạc lõng. Nhưng nếu bạn vượt qua được cảm giác này, bạn sẽ nhận ra rằng mỗi khó khăn đều là một bài học quý giá.

đạt được hạnh phúc nội tại bằng cách chấp nhận cuộc sống
Ảnh: Unsplash/ Jake Jackson

Chấp nhận là một trong những điều cốt lõi của triết lý Ấn Độ, đồng thời đây là chìa khóa mở ra cánh cửa đến với hạnh phúc. Khó khăn và vấp ngã là một phần tất yếu của cuộc sống, do đó thay vì gượng ép bản thân và hướng cái nhìn tiêu cực về bản thân, bạn nên mạnh dạn chấp nhận mọi khuyết điểm và lỗi lầm của mình trong quá khứ. Đây chính là bước đầu quan trọng giúp bạn xác định rõ vấn đề và tìm cách vượt qua chúng. Phương pháp này không chỉ rút ngắn thời gian giải quyết mà còn mang đến cảm giác tự tin và phấn khởi cho bạn khi nhìn thấu sự việc đang gặp phải. 

2. Thực hành chánh niệm

Dẫu cho áp lực và căng thẳng đè nặng trên vai, việc trân trọng những điều đẹp đẽ nhỏ nhoi hằng ngày giúp bạn tận hưởng và sống trọn vẹn từng khoảnh khắc. Trong triết lý Ấn Độ, thực hành chánh niệm chính là sợi chỉ xuyên suốt lịch sử Phật giáo, đây là phương pháp thực hành sâu sắc để giúp chúng ta tìm về và khám phá nội tâm của bản thân. 

thực hành chánh niệm
Ảnh: Unsplash/ Victoria Rokita

Chánh niệm giúp giảm stress, cải thiện giấc ngủ, tăng cường khả năng tập trung và đặc biệt nuôi dưỡng một tâm hồn lạc quan. Bằng cách tập trung toàn bộ trí não vào khoảnh khắc hiện tại, chúng ta sẽ biết cách thực hành lòng biết ơn và sự cảm thông đối với mọi điều xung quanh. Điều này sẽ giúp bạn tăng nhận thức với cuộc sống đang hiện hữu, điều chỉnh cảm xúc, giảm thiểu lo âu và mang lại cảm giác bình an nội tại. Khi thực hành chánh niệm đủ lâu, bạn sẽ dễ dàng kiểm soát được những cảm xúc tiêu và luồng năng lượng xấu, dọn chỗ cho những suy nghĩ tích cực và tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. 

3. Bao dung với bản thân 

Đôi khi, chúng ta dễ dàng cảm thông với người khác, nhưng để bao dung và tha thứ cho những lỗi lầm của bản thân lại là một thử thách khó nhằn. Những cảm xúc tiêu cực về mặt tinh thần như sợ hãi, lo âu hay hoài nghi về năng lực của bản thân có xu hướng dẫn đến sự dè chừng, chùn bước trước khi bạn muốn bắt đầu làm một việc gì đó. Thực chất, cơ chế tự nhiên này được hình thành giúp chúng ta tự bảo vệ bản thân trước những tổn thương và rủi ro nhưng lại vô tình khiến chúng ta trở nên quá khắc nghiệt với tâm hồn. 

học cách bao dung để đạt được hạnh phúc nội tại
Ảnh: Unsplash/ Janne Rieck

Nhà triết học Pháp Voltaire – người được xem là “bách khoa toàn thư” của nước Pháp thế kỷ XVIII – từng nói: “Hãy yêu sự thật, nhưng hãy tha thứ cho lỗi lầm”. Bao dung bản thân cho phép chúng ta học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ và tiến về phía trước. Chấp nhận những khuyết điểm và yêu thương bản thân giúp bạn củng cố sự tự tin, khi đó bạn sẽ dần cảm thấy hài lòng và hạnh phúc với những gì mình đang có. Tương lai được xây dựng từ những bài học trong quá khứ, bạn không thể thay đổi những gì đã xảy ra nhưng luôn có cách khiến bạn trở nên tốt hơn và cẩn trọng hơn để tránh mắc lại những sai lầm cũ. Tự bao dung sẽ khuyến khích chúng ta chấp nhận bản thân với tất cả điểm mạnh và điểm yếu, từ đó xây dựng một lòng tự trọng vững chắc và một cái nhìn tích cực về cuộc sống.

4. Thực hiện lòng biết ơn 

Trong triết lý Ấn Độ, lòng biết ơn là nền tảng quan trọng của một cuộc sống hạnh phúc. Khi biết ơn, con người thay đổi góc nhìn về thế giới và tìm thấy ý nghĩa tuyệt vời trong những điều dù là nhỏ nhoi nhất. Nếu thường xuyên bày tỏ lòng biết ơn, bạn sẽ gia tăng khả năng kết nối với các mối quan hệ xã hội, giảm thiểu căng thẳng, lo âu, và trân trọng những giá trị riêng vốn có. Ngày nay, việc thực hành lòng biết ơn đã không còn quá xa lạ trong cuộc sống hiện đại. Bạn có thể bắt đầu thực hiện từ những điều giản dị như biết ơn vì bản thân vẫn khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc vì gia đình, người thương vẫn ở bên và là chỗ dựa về mặt tinh thần khi cần thiết. 

5. Hiểu về khái niệm “Dharma” 

Khái niệm Dharma (pháp) là một khái niệm quan trọng trong triết lý Ấn Độ, xuất hiện trong nhiều tôn giáo và triết học của đất nước này, bao gồm Ấn Độ giáo, Phật giáo, và Kỳ Na giáo. Dharma nắm giữ vai trò trung tâm và có nhiều lớp nghĩa khác nhau, nhưng thường được hiểu là mục đích sống, sứ mệnh đích thực của mỗi cá nhân khi được sinh ra. Bên cạnh đó, Dharma còn được hiểu là trật tự tự nhiên của vũ trụ, quy luật chi phối mọi sự vật và hiện tượng. Cuối cùng, Dharma còn liên quan đến đạo đức, bổn phận của mỗi cá nhân đối với gia đình, xã hội và bản thân. 

cô gái mặc váy xanh đứng bên bờ biển nhìn xa xăm học cách sống hạnh phúc
Ảnh: Unsplash/Jack Dong

Do đó, nếu sống đúng với Dharma của mình, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc, viên mãn và có ý nghĩa trong cuộc sống. Chúng ta sẽ không còn cảm thấy lạc lõng hay mất phương hướng đồng thời tìm thấy sự cân bằng giữa các khía cạnh khác nhau của cuộc sống, như công việc, gia đình, xã hội và tinh thần.


Xem thêm

• 7 thói quen hằng ngày giúp người Nhật sống thọ và hạnh phúc hơn

• 12 nguyên tắc quan trọng trong cuộc sống giúp bạn sống hạnh phúc hơn

• 9 thái độ sống tích cực giúp bạn xây dựng cuộc sống hạnh phúc


6. Thiền định

cô gái ngồi thiền định bên ngọn nến
Ảnh: Pexels/Elly Fairytale

Thiền định được biết đến là một trong những cách thực hành phổ biến nhất trong triết lý Ấn Độ nhằm giúp con người xoa dịu tâm trí và cảm thấy bình yên. Nó cho phép bạn kết nối sâu sắc với tâm hồn, trở nên nhạy bén hơn với những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, từ đó giúp chúng ta buông bỏ chúng một cách dễ dàng hơn. Khi tâm trí được thư giãn, căng thẳng và lo âu tự nhiên sẽ giảm đi, tạo điều kiện cho cảm giác bình yên và hạnh phúc nội tại được hình thành. Hơn nữa, thiền định chú trọng vào hơi thở và khoảnh khắc hiện tại, từ đó cải thiện khả năng tập trung và giảm thiểu sự phân tán tư tưởng. Ngoài ra, nếu thực hành thiền định lâu dài, chất lượng giấc ngủ của bạn sẽ được cải thiện đáng kể, tăng cường hệ miễn dịch và duy trì sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Vì thế, hãy cố gắng dành 5-10 phút mỗi ngày vào mỗi tối trước khi ngủ, tìm kiếm cho bản thân một tựa điểm thoải mái trong bầu không gian tĩnh lặng và bắt đầu thiền, tạo cơ hội để bạn nhận ra đâu là điều bạn thật sự quan tâm, và đâu là những lo âu đang chiếm lấy tâm trí bạn. 

7. Sự cho đi 

Bạn có bao giờ cảm thấy cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn khi giúp đỡ người khác? Cho đi không chỉ là một cử chỉ cao đẹp mà còn là một phong cách sống. Thiện nguyện không chỉ mang lại niềm vui cho người khác mà còn giúp bạn giảm stress, cải thiện sức khỏe và mở rộng mạng lưới xã hội. Khi trao đi mà không mong đợi nhận lại, chúng ta không chỉ mang đến niềm vui cho người khác mà còn gieo hạt giống hạnh phúc vào chính tâm hồn mình. 

Bạn có thể bắt đầu bằng những việc nhỏ nhặt như tham gia nhóm tình nguyện thu gom rác thải, quyên góp sách cũ cho thư viện trường học hoặc đơn giản chỉ là dành thời gian trò chuyện với người lớn tuổi. Hãy thử bắt đầu bằng những việc nhỏ bé hàng ngày, bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra rằng, sự cho đi không chỉ làm cuộc sống của người khác trở nên tốt đẹp hơn, mà còn mang đến cho bạn một cảm giác hạnh phúc và trọn vẹn.

Nhóm thực hiện

Bài: Anh Huy 

Tham khảo: Global Academic Institute

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)