Thời trang / Thế giới thời trang

9 thiết kế huy chương độc đáo trong lịch sử Thế vận hội Olympic

Từ chiếc huy chương đầu tiên tại Thế vận hội năm 1896 cho đến phiên bản mới nhất sử dụng mảnh kim loại lấy từ tháp Eiffel, hãy cùng ELLE nhìn lại những mẫu huy chương đặc biệt từng xuất hiện trong lịch sử đấu trường thể thao Olympic.

Huy chương Olympic đầu tiên (Athens, 1896)

Đầu tiên, hãy cũng ngược dòng thời gian về năm 1896 – thời điểm xuất hiện truyền thống trao huy chương cho các vận động viên chiến thắng lần đầu tiên xuất hiện tại Thế vận hội Olympic hiện đại. Tại Olympic 1896 ở Athens, thay cho kotinos (vòng hoa olive được trao cho người thắng cuộc), các tuyển thủ giành thứ hạng cao nhất sẽ được trao tặng một chiếc huy chương bạc, một nhánh olive cùng một bằng chứng nhận tham gia. Trên mỗi huy chương sẽ khắc hình thần Zeus ở mặt trước và công trình kiến trúc biểu tượng Acropolis tại Athens ở mặt sau.

Athens 1896 Olympic Games
Thế vận hội Olympic năm 1896. (Ảnh: Britannica)
Huy chương Olympic hiện đại đầu tiên 1896
(Ảnh: Courtesy of Olympics)

Huy chương vàng đầu tiên trong lịch sử Thế vận hội thể thao (St. Louis, 1904)

Năm 1904 đánh dấu sự xuất hiện của chiếc huy chương vàng đầu tiên trong lịch sử thi đấu Olympic. Mặt chính của huy chương Thế vận hội St. Louis khắc hình một vận động viên đang cầm vương miện nguyệt quế – biểu tượng của chiến thắng, trước một ngôi đền ở Hy Lạp. Trong khi đó, mặt sau là biểu tượng Nữ thần Nike cùng một chiếc vương miện có thể khắc tên người chiến thắng. 

1904 Olympic Legacy
Thế vận hội Olympic năm 1904. (Ảnh: St. Louis Sports Commission)
Huy chương vàng đầu tiên Olympic
(Ảnh: Courtesy of Olympics)

Huy chương Olympic sở hữu hình dáng độc đáo nhất (Saporro, 1972)

Không giống như huy chương của Thế vận hội mùa Hè, Ủy ban Olympic quốc tế không có quy định bắt buộc về hình dạng của huy chương Olympic mùa Đông. Đây cũng chính là căn nguyên cho sự xuất hiện của chiếc huy chương hình vuông đầu tiên trong lịch sử Thế vận hội tại Olympic Saporro, 1972. Với thiết kế hình vuông được bo tròn ở các góc tạo nên tổng thể đặc biệt và độc đáo, mặt trước của chiếc huy chương là quang cảnh tuyết rơi còn mặt sau là hình ảnh bông tuyết, mặt trời và các vòng tròn biểu tượng Olympic.

The legacy of the 1972 Sapporo Winter Olympics
Thế vận hội Olympic 1972. (Ảnh: The Japan Times)
File:1972 Winter Olympics medals.jpg
Ảnh: Wikimedia Commons

Huy chương khảm pha lê Lalique (Albertville, 1992)

Tại Thế vận hội mùa Đông 1992, các vận động viên giành thứ hạng cao trong bộ môn thi đấu sẽ được trao thưởng những chiếc huy chương khảm pha lê Lalique đầy tinh xảo. Chế tác thủ công bởi 35 nghệ nhân lành nghề của hãng Lalique với hàng trăm giờ làm việc, 330 chiếc huy chương vàng, bạc và đồng thể hiện bản chất của miền tuyết trắng và tinh thần thể thao cao quý của Thế vận hội Olympic mùa Đông đã được ra đời. Ở mặt trước của huy chương là năm vòng tròn biểu tượng Olympic với quang cảnh thung lũng phía sau được đổ màu đầy tinh tế trên chất liệu pha lê cùng phần kim loại được khắc một nhánh nguyệt quế cách điệu đan xen cùng dòng chữ “Albertville 92 XVIes Jeux Olympiques D’hiver – XVI Olympic Winter Games”. Ở mặt sau của huy chương, chi tiết biểu tượng Thế vận hội Olympic được lặp lại một lần nữa với phần quang cảnh núi tuyết phía sau trên lớp pha lê trong suốt.

This Date in NBA History (Aug. 8): Dream Team cruises to Gold Medal at 1992  Summer Olympics in Barcelona
Thế vận hội Olympic 1992. (Ảnh: Sporting News Canada)
Huy chương thế vận hội mùa đông 1992
(Ảnh: Courtesy of Olympics)

Huy chương khảm ngọc bích (Bắc Kinh, 2008)

Ở Thế vận hội mùa Hè 2008 diễn ra ở Bắc Kinh, ngoài thành phần kim loại quen thuộc, những chiếc huy chương chiến thắng còn được khảm ngọc bích – loại ngọc thiên nhiên tượng trưng cho danh dự và đức hạnh tại Trung Quốc. Lấy cảm hứng từ “bi” – món trang sức ngọc bích cổ Trung Quốc khắc họa tiết rồng, mặt trước huy chương có thiết kế tiêu chuẩn tuân theo quy định của Ủy ban Olympic quốc tế, còn mặt sau được khảm một vòng ngọc bích cùng biểu tượng Thế vận hội Bắc Kinh được khắc ở phần trung tâm. Màu sắc của miếng ngọc bích trên mỗi huy chương cũng khác nhau tùy thuộc vào thứ hạng giải thưởng: huy chương vàng khảm ngọc bích trắng, huy chương bạc khảm ngọc bích xanh nhạt và huy chương đồng khảm ngọc bích xanh đậm.

Beijing 2008: Games of the XXIX Olympiad (TV Mini Series 2008)
Ảnh: IMDb
Ảnh: Threads

Huy chương Olympic với chi tiết điêu khắc ấn tượng (Sochi, 2014)

Bên cạnh chất liệu kim loại quen thuộc, những chiếc huy chương trao thưởng tại Thế vận hội mùa Đông XXII còn sử dụng polycarbonate với những khoảng hở giữa hai chất liệu, tạo nên sự kết hợp nhẹ nhàng những vẫn đầy độc đáo. Khác với những chiếc huy chương truyền thống, thiết kế huy chương được ví như một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật với chi tiết điêu khắc thể hiện các biểu tượng đại diện cho văn hóa và các dân tộc tạo nên Liên bang Nga: từ quang cảnh Sochi tắm mình trong những tia nắng mặt trời, chiếu qua những đỉnh nũi phủ đầy tuyết cho đến bãi cát chạy dọc theo Biển Đen. Bên cạnh đó, chi tiết biểu tượng vòng tròn Olympic được khắc ở mặt sau huy chương (thay cho mặt trước như hầu hết các thiết kế khác) cùng tên chính thức của Thế vận hội ở mặt trước bằng tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Anh.

Hanyu wins Japan's first gold medal of the Sochi Olympics
Hanyu Yuzuru tại Thế vận hội Olympic 2014. (Ảnh: The Japan Times)
Huy chương thế vận hội sochi
(Ảnh: Pinterest)

Huy chương sử dụng vật liệu tái chế (Rio, 2016)

Hướng đến tinh thần bền vững và tôn vinh mối quan hệ sức mạnh giữa các anh hùng Olympic và thiên nhiên là mục tiêu thiết kế của những chiếc huy chương thuộc Olympic Rio 2016. Tuân thủ các quy định và tiêu chí bền vững từ khâu khai thác đến chế tác, những chiếc huy chương vàng tại Thế vận hội 2016 hoàn toàn không chứa thủy ngân và được làm từ bạc thô tái chế từ gương thừa, chất hàn thải và tấm chụp x-ray. Trong khi đó, huy chương bạc và đồng được sản xuất với 30% vật liệu tái chế và 40% đồng sử dụng để đúc huy chương đồng có nguồn gốc từ vật liệu bỏ đi đã qua tái chế và khử nhiễm của các xưởng đúc tiền. Toàn bộ dây ruy băng treo huy chương cũng được làm từ 50% PET tái chế.

Rio 2016 Olympic tennis: Monica Puig, Murray win gold
Thế vận hội Olympic 2016. (Ảnh: Sports Illustrated)
The Monetary Worth of the 2016 Rio Olympic Medals
Ảnh: Swimswam

Huy chương Olympic chế tác từ thiết bị điện tử cũ (Tokyo, 2020)

Sau Olympic Rio 2016, Thế vận hội Tokyo 2020 là kỳ Olympic tiếp theo sở hữu những chiếc huy chương sản xuất từ vật liệu tái chế, chính xác hơn là từ các thiết bị điện tử cũ. Với sự tham gia của TOCOG với chủ đề “Be better, together – for the planet and the people”, Olympic 2020 trở thành kỳ Thế vận hội thân thiện và bền vững nhất từ trước tới nay với sự tham gia đóng góp của hơn 90% chính quyền địa phương Nhật Bản cùng tổng cộng 78,985 tấn thiết bị điện tử cũ được thu thập làm nguyên liệu sản xuất huy chương. Huy chương Olympic Tokyo được thiết kế bởi Junichi Kawanishi – Giám đốc Hiệp hội thiết kế biển báo Nhật Bản và Hiệp hội thiết kế Osaka, với mong muốn phản ánh các họa tiết ánh sáng tượng trưng cho năng lượng của các vận động viên cũng như sự đa dạng, tinh thần thượng võ và tình bạn. Bên cạnh đó, hộp đựng huy chương và dây ruy băng cũng được thiết kế nhằm tôn vinh truyền thống thủ công lâu đời của Nhật Bản. Nếu mỗi chiếc hộp được sản xuất từ tro Nhật Bản nhuộm cùng màu với biểu tượng Olympic và có họa tiết sợi gỗ riêng biệt; thì những dải ruy băng đeo huy chương lại sử dụng họa tiết thiết kế truyền thống của xứ sở hoa anh đào là “ichimatsu moyo” và “kasane no irome” theo phong cách hiện đại nhằm phản ánh chính nước Nhật và thể hiện sự thống nhất trong những điều đa dạng tạo nên quốc gia này.

Team Canada Medallists at Tokyo 2020
Thế vận hội Olympic 2020. (Ảnh: Canadian Olympic Commitee)
Huy chương Olympic 2020
(Ảnh: Pinterest)

Huy chương khảm mảnh kim loại nguyên bản từ Tháp Eiffel (Paris, 2024)

Được thiết kế bởi nhà kim hoàn bậc nhất nước Pháp Chaumet, thiết kế huy chương Olympic Paris 2024 có hình lục giác và được khảm một miếng sắt nguyên bản lấy từ Tháp Eiffel. Được xây dựng từ 1887 đến năm 1889, “Dame de fer” sau nhiều lần cải tạo đã loại bỏ vĩnh viễn và bảo tồn một số thành phần kim loại, chính vì vậy, việc khảm nguyên liệu này vào huy chương Olympic 2024 đang cho phép những mảnh kim loại này tìm lại “hào quang xưa cũ” cho chính chúng. Có thiết kế hình tròn với các đường rãnh chạm nổi gợi nhớ đến những tia sáng rực rỡ, mặt trước của huy chương được khảm mảnh kim loại hình lục giác ở giữa khiến người ta liên tưởng tới bản đồ nước Pháp, còn mặt sau là hình nữ thần chiến thắng Hy Lạp – Nike đang tiến bước, với một bên là thành cổ Acropolis và một bên là tháp Eiffel. Bên cạnh đó, sáu chiếc đinh tán được sửa dụng để cố định mảnh kim loại lục giác cũng được làm theo hình dạng mẫu đinh tán đặc biệt “Clous de Paris” sử dụng trong kiến trúc tháp Eiffel. Toàn bộ huy chương Olympic 2024 đều được sản xuất tại xưởng đúc tiền Monnaie de Paris, Pháp.

Paris 2024: First look at Olympic and Paralympic medals featuring chunks of  Eiffel Tower
Ảnh: Sky News

Nhóm thực hiện

Bài: Thanh Nguyen
Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)