Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

Bí quyết chăm sóc gót chân nứt nẻ tại nhà chỉ trong vài bước

Chỉ trong một tuần, bạn có thể tạm biệt gót chân nứt nẻ với các bước chăm sóc đơn giản tại nhà. Khám phá ngay bí quyết dưỡng da chân để lấy lại sự tự tin nhé!

massage, chăm sóc gót chân

Do phải chịu áp lực lớn trong suốt ngày dài di chuyển, gót chân thường dễ bị khô và nứt nẻ. Việc chăm sóc vùng da này đúng cách không chỉ giúp bạn có đôi chân mềm mại mà còn tránh được những vấn đề thẩm mỹ không mong muốn. Hãy cùng ELLE xem ngay bí quyết chăm sóc gót chân nứt nẻ tại nhà đơn giản mà hiệu quả với các bước sau đây.

Ngồi xe hơi gác chân ra cửa, gót chân
Vùng da dưới gót chân thường dễ bị lãng quên. Ảnh: Pexels.

Tìm hiểu nguyên nhân gây nứt gót chân

Gót chân nứt nẻ không chỉ là vấn đề về thẩm mỹ mà còn là dấu hiệu cho thấy đôi chân của bạn đang “kêu cứu”. Tình trạng này không chỉ gây cảm giác đau rát, khó chịu mà còn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng. Hiểu rõ nguyên nhân là bước đầu tiên để bạn có thể tìm ra giải pháp phù hợp và lấy lại đôi chân mềm mịn. Vậy đâu là nguyên nhân khiến vùng da chân của bạn trở nên khô ráp và nứt nẻ đến vậy?

  • Da khô căng, thiếu độ ẩm là “thủ phạm” chính dẫn đến da gót chân trở nên cứng và dễ bị sần sùi.
  • Bệnh lý về da: Các bệnh như vảy nến, eczema làm suy yếu hàng rào bảo vệ tự nhiên của da, dẫn đến tình trạng tổn thương, bong tróc và nứt nẻ. 
  • Thiếu chất: Thiếu hụt vitamin A, E và các axit béo thiết yếu làm giảm độ đàn hồi và khả năng giữ ẩm của da.
  • Vi khuẩn và nấm: Sự xâm nhập của vi khuẩn và nấm có thể gây nhiễm trùng, làm trầm trọng thêm tình trạng nứt nẻ.
  • Một số bệnh lý như tiểu đường, suy giáp… làm giảm khả năng tuần hoàn máu, khiến da khô và dễ bị tổn thương.
  • Thói quen sinh hoạt: Đi giày quá chật, đứng lâu, thường xuyên đi chân đất… cũng là những nguyên nhân làm hại cho làn da dưới gót chân.

Cách chăm sóc gót chân nứt nẻ tại nhà

1. Ngâm chân bằng thảo dược, thảo mộc

Ngâm chân là bước đầu tiên và rất quan trọng trong quá trình chăm sóc gót chân. Nước ấm kết hợp với các loại thảo dược, thảo mộc như hoa cúc, lá bạc hà, hoặc muối epsom không chỉ giúp làm mềm da mà còn mang lại cảm giác thư giãn, xua tan mệt mỏi.

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị một chậu nước ấm (khoảng 37-40 độ C) và thêm vào vài giọt tinh dầu hoặc một ít thảo mộc tùy ý.
  • Ngâm chân trong khoảng 15-20 phút, tận hưởng cảm giác giải tỏa mệt mỏi, thả lỏng cơ thể và tâm trí.
dùng tay xoa bóp bàn chân, gót chân
Chăm sóc da chân không đòi hỏi quá nhiều thời gian nhưng lại mang lại nhiều lợi ích lớn cho sức khỏe. Ảnh: Freepik.

2. Tẩy tế bào chết Loại bỏ lớp da khô ráp

Sau khi ngâm chân, lớp da khô trên gót chân sẽ trở nên mềm hơn và dễ dàng loại bỏ. Tẩy tế bào chết là bước cần thiết để giữ cho đôi chân luôn mịn màng và ngăn ngừa tình trạng nứt nẻ. Lưu ý, bạn chỉ nên nên thực hiện bước tẩy da chết từ 1-2 lần trong tuần. 

Cách thực hiện:

  • Sử dụng đá bọt hoặc bàn chải mềm, nhẹ nhàng chà xát lên gót chân, tập trung vào các khu vực da bị thô ráp.
  • Ngoài ra, bạn có thể sử dụng hỗn hợp tự nhiên như đường nâu kết hợp với dầu dừa hoặc mật ong để tẩy tế bào chết cho đôi chân thêm mịn màng và dưỡng ẩm.

3. Thoa dưỡng ẩm cho vùng da gót chân

Dưỡng ẩm là bước không thể thiếu trong quá trình chăm sóc gót chân, đặc biệt là sau khi tẩy tế bào chết. Dùng kem hoặc dầu dưỡng sẽ giúp cung cấp độ ẩm, bảo vệ da chân khỏi tác động của môi trường và ngăn ngừa nứt nẻ.

Cách thực hiện:

  • Chọn loại kem hoặc dầu dưỡng chứa thành phần như bơ hạt mỡ, dầu hạnh nhân, hoặc glycerin để da được cấp ẩm tốt hơn.
  • Thoa đều kem hoặc dầu lên toàn bộ bàn chân, đặc biệt là vùng gót chân, sau đó massage nhẹ nhàng để các tinh chất thẩm thấu tốt hơn.
hai bàn chân nhón, gót chân
Thoa một lớp dầu mỏng lên da sau đó mang tất cotton để dưỡng chất thẩm thấu sâu hơn. Ảnh: Freepik

4. Massage bàn chân Thúc đẩy tuần hoàn và thư giãn

Massage không chỉ giúp cải thiện tuần hoàn máu mà còn tăng cường độ ẩm và giảm căng thẳng cho đôi chân. Thói quen xoa bóp chân thường xuyên sẽ giúp bạn sở hữu đôi chân mềm mại, khỏe mạnh hơn.

Cách thực hiện:

  • Sau khi thoa dưỡng ẩm, dùng ngón tay cái xoa nhẹ theo chiều từ dưới lên trên và tập trung vào vùng gót chân.
  • Massage nhẹ nhàng theo chuyển động tròn khoảng 10-15 phút để các tinh chất dưỡng thấm sâu và vùng chân được thư giãn nhiều hơn.

Hãy để những bước chăm sóc da chân đơn giản này giúp bạn “đánh bay” tình trạng khô ráp và nứt nẻ. Chỉ cần kiên trì ngay từ hôm nay, bạn sẽ sớm cảm nhận sự khác biệt với đôi chân mềm mại và đầy tự tin trong thời gian tới.

Nhóm thực hiện

Bài: Lương Dung

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)