Nhật Bản trong những ngày Đông giá

Đăng ngày:

Trong tùy bút hàng đầu của văn học Nhật Bản thời Heian “Makura No Soshi”, nữ văn sĩ Sei Shonagon đã viết: “Mùa Đông, buổi sáng sớm là đẹp nhất. Khung cảnh thật đẹp sau một đêm tuyết rơi đã đành, nhưng nếu mặt đất chỉ trắng xóa sương mù thôi cũng rất tuyệt”. Quả thực, vẻ thơ mộng, thanh khiết của Nhật Bản trong những ngày đông giá luôn có khả năng khiến người ta thổn thức đến kỳ lạ!

CẢM NHẬN HƠI THỞ TRÁI ĐẤT TẠI THUNG LŨNG OWAKUDANI

Cách đây 3.000 năm, thung lũng Owakudani của Nhật Bản đã được núi lửa Hakone sinh ra sau lần phun trào cuối cùng. Từ đó, Owakudani trở thành một thung lũng núi lửa với các mạch lưu huỳnh còn hoạt động và là nơi hội tụ nhiều suối nước nóng nổi tiếng của vùng Hakone. Ngồi xe vượt khoảng hơn 100km từ thủ đô Tokyo về hướng Tây Nam, tôi có mặt tại đây vào đầu giờ chiều giữa cái lạnh mùa Đông hanh hao. Tiếp tục hành trình trên cáp treo Hakone ở độ cao 130m, tôi thích thú quan sát hình ảnh hồ Ashi xinh đẹp từ phía bên này buồng cáp, và rồi, khi đưa mắt nhìn sang phía bên kia, ngay lập tức, tôi hoàn toàn bị thu hút bởi những cột khói mờ ảo đang nghi ngút bay lên giữa không trung, ngày một lớn dần.

Bước ra khỏi nhà ga cáp treo, tôi nhanh chóng chọn cho mình một vị trí với tầm nhìn tuyệt vời để thưởng thức toàn bộ khung cảnh núi non kỳ diệu. Bầu không khí yên tĩnh gửi gắm trong từng đợt gió căm căm mùi hương lưu huỳnh thoáng qua nhưng rõ nét và sắc lẹm, như nhắc nhở ta phải biết trân trọng vẻ đẹp chân thật của tự nhiên. Hơi nước và khí lưu huỳnh hơn 100oC lan tỏa, những làn khói trắng bốc lên ngùn ngụt từ mặt núi phai màu nâu đỏ, chúng mạnh mẽ, sinh động, cuộn thành từng lớp ùa dần lên cao tiến về phía trời mây, tất cả những hình khối, mảng miếng, lớp lang xếp chồng lên nhau cứ thế hiện lên trước mắt như một bức tranh sơn dầu tuyệt mỹ.

Nhật Bản thung lũng núi lửa

Owakudani là một thung lũng núi lửa với các mạch lưu huỳnh còn hoạt động ở vùng Hakone.

Tựa người vào thành lan can bảo hộ, tôi lặng yên quan sát trong trạng thái cực kỳ tập trung, lồng ngực khẽ căng lên khi hít phải mùi hắc đến buốt mũi của khí lưu huỳnh, cảm nhận bên dưới lòng chảo thung lũng kia là cả một sự sống mạnh mẽ ẩn giấu trong nét âm ỉ, thầm thì. Gió bất giác tạt qua từ nhiều hướng khiến tai tôi ù đi đôi chút, chợt trong khoảnh khắc, tôi nghe rõ ràng những thanh âm từ sâu thật sâu phía dưới vọng lên, sống động hệt như một nhịp thở ra – hít vào của Mẹ Trái đất.

GIẤC MƠ ĐÔNG ẤP ÔM KYOTO HUYỀN DIỆU

Cố đô Kyoto là hiện thân của nước Nhật Bản cổ xưa, nơi có nhịp sống trầm lắng, thanh bình và hòa hiếu. Đông tới phủ lên toàn bộ thành phố – trung tâm văn hóa hơn 1.000 năm tuổi – nét thanh tao, trữ tình đầy thi vị. “Thủ đô phía Tây” cũng là thành phố lớn duy nhất của Nhật Bản còn lưu giữ được rất nhiều tòa nhà truyền thống xây dựng từ trước chiến tranh cũng như vô số đền thờ và công trình kiến trúc cổ vô giá. Với khoảng 2.000 địa điểm tôn giáo (gồm các ngôi chùa Phật giáo, đền thờ Thần đạo) cùng các cung điện, khu vườn và kiến trúc còn nguyên vẹn, đây thực sự là một trong những thành phố được bảo tồn tốt nhất quốc gia này.

Nhật Bản cố đô Kyoto

Tôi tận hưởng nhiều ngày tại vùng đất lâu đời, say sưa với cảm giác trở về quá khứ, chìm đắm trong nét đẹp huyền diệu của bản giao hưởng nghệ thuật – tự nhiên – văn hóa – di sản mà nơi đây dung chứa. Từ chuyến viếng thăm lắng nghe thanh âm thiên nhiên trong trẻo, thoát tục nơi rừng tre Sagano, buổi khám phá lý thú bằng chứng sống về sự thịnh vượng và sụp đổ của gia tộc hùng mạnh Tokugawa ở lâu đài Nijo, hành trình ngắm nhìn 10.000 cánh cổng Torii linh thiêng tại đại đền Fushimi Inari Taisha cho đến hàng giờ liền lang thang trên các con đường, góc phố đậm chất hoài niệm ở khu vực Gion để sống trọn cùng vẻ đẹp tinh tế, sâu sắc của nền văn hóa Nhật Bản xa xưa ẩn hiện trong từng bậc thềm, khung cửa của những ngôi nhà gỗ cũ kỹ, những tiệm trà đạo thâm trầm… không biết bao lần tôi phải thầm thốt lên trong lòng, cảm thán trước một Kyoto quá đỗi nên thơ, mơ mộng.

Nhật Bản cung điện Nijo

Một góc trong khuôn viên lâu đài Nijo.

Tranh thủ khoảng thời gian ngắn ngủi trước ngày rời khỏi cố đô, tôi cuộn mình bên ly matcha latte thơm lừng, nóng hổi, ngồi trên tấm chiếu tatami truyền thống, cạnh những chiếc gối ôm bọc lụa duyên dáng, yên vị giữa lòng quán cà phê được cải tạo lại từ một ngôi nhà gỗ machiya hơn trăm tuổi tại con phố đi bộ Ninenzaka nằm ở quận Higashiyama – khu vực có thể nói được bảo tồn nguyên vẹn nhất tại Kyoto, tâm trạng vẫn chưa hết bâng khuâng sau khi vừa kết thúc hành trình tham quan một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Nhật Bản – Kiyomizu-dera, công trình tráng lệ được chống đỡ bởi những cây cột bên sườn núi.

Trải qua hàng thế kỷ, Kiyomizu-dera (Chùa Thanh Thủy) vẫn tồn tại như một biểu tượng của lịch sử và đức tin tại xứ sở này. Thành ngữ “Nhảy từ vũ đài chùa Kiyomizu” của người Nhật Bản từ lâu đã khẳng định giá trị sâu sắc của công trình đối với đời sống văn hóa – tinh thần con người “đất nước mặt trời mọc”. Tôi đến quần thể Kiyomizu-dera thiêng liêng nằm ở lưng chừng núi Otawa bằng cách xuyên dọc theo những con đường dài, nhỏ, hẹp trên sườn đồi ở quận Higashiyama – một chuyến đi bộ khoan thai đủ làm ấm cơ thể và giúp tuần hoàn máu. Cả công trình rộng lớn, trang nghiêm, yên bình, kiêu hãnh ánh lên dáng vẻ lộng lẫy không thể giấu che dưới màu nắng sáng tươi đẹp, tinh trong. Sắc trắng lấp lánh của tuyết phủ dịu dàng trên mặt những bụi cây thấp, len lỏi, thoáng biến mất tại các bậc thang rồi bỗng xuất hiện, mạnh mẽ ôm lấy những dải lan can đá trông thật nuột nà.

Nhật Bản chùa Thanh Thủy

Chính điện Kiyomizu-dera (Chùa Thanh Thủy).

Bước qua cổng chính Nio-mon to lớn, tôi bị thu hút tiến về phía tòa tháp ba tầng bọc trong một màu đỏ óng ả, ấm áp có thể dễ dàng nhận thấy ngay từ xa. Đứng dưới chân tháp, ngẩng đầu chiêm ngưỡng từng tầng cao với hệ cấu trúc mái tinh xảo, nổi bật như những nét khắc chạm tỉ mỉ hằn rực rỡ trên bầu trời xanh nhạt vời vợi, tôi cảm nhận từ trong ánh đỏ cam tinh tế toát ra một nguồn năng lượng của sự bảo vệ và cảm giác bình an, lan tỏa khắp gần xa. Bầu không khí thanh tịnh, chân thật, tĩnh lặng ôm lấy tôi, khiến cái lạnh ngày Đông và mọi ưu phiền đột nhiên cùng tan biến. Thong dong trên đoạn đường tiến lên cao dần để đến với chính điện Kiyomizu, tôi đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Chính điện của công trình quả thực là một kiệt tác, xứng đáng là bảo vật quốc gia của đất nước Phù Tang.

Nhật Bản cánh cổng Torii

Những cánh cổng Torii linh thiêng tại đại đền Fushimi Inari Taisha.

Khi tận mắt nhìn thấy kỳ quan “vũ đài Kiyomizu” mà lâu nay người Nhật luôn tự hào, tôi mới thấu hết lý do tại sao. Bộ phận trung tâm của hành lang phụ cắt ngang chính điện, nhô ra từ vách đá tạo thành một sân khấu rộng, được chống đỡ bởi liên kết vững chắc của hàng loạt cây cột bằng gỗ Zelkova 400 năm tuổi cao khoảng 13m mà hoàn toàn không sử dụng đinh, một kiến trúc độc đáo không thể tìm thấy tại bất kỳ ngôi chùa nào khác trên thế giới. Tôi đứng ngẩn ngơ mất một lúc lâu, chìm đắm trong cảm giác như đang dừng chân giữa một khoảng ban công thoáng đãng được treo lơ lửng trên không, tâm trạng khoan khoái vô cùng. Để mặc từng làn gió vuốt ve dìu dịu mang theo cái lạnh se sắt siết chặt toàn thân, tôi tiến gần đến thành lan can, đảo mắt chậm rãi, thư giãn quan sát hết thảy bao cảnh, thả tự do ánh nhìn trôi miên man về phía màn không khí trong veo bên dưới chân núi, tận hưởng bằng tất cả lòng trân quý trước hình ảnh cố đô Kyoto tĩnh tại, huyền ảo, đầy ưu nhã đang thấp thoáng sau vẻ ung dung, bình thản của vô số tán cây khô bao quanh công trình.

Nhật Bản khu vực Gion

Lang thang trên các con đường, góc phố đậm chất hoài niệm ở khu vực Gion.

CẢNH SẮC CỔ TÍCH ẨN GIỮA NHÂN GIAN – SHIRAKAWA-GO

Ở chân núi Hakusan, phía Tây Bắc tỉnh Gifu, miền Trung Nhật Bản có một di sản thế giới hơn 300 năm tuổi xinh đẹp không tả xiết, đó là Shirakawa-go. Đây là một trong những ngôi làng lịch sử xa xưa nhất còn lưu giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc cổ của Nhật Bản. Khởi hành từ Nagoya, tôi tới được làng vào một trưa mùa Đông rét mướt, tê tái thịt da. Xe dừng ở bãi đậu, khách tham quan gom thành từng cụm nhỏ, từ tốn leo lên những bậc thang để bắt đầu hành trình đi bộ khám phá Shirakawa-go. Khắp nơi được bao bọc bởi lớp tuyết mịn màng, phủ che trắng xóa tất cả mọi thứ, tuyết bám kín thành từng mảng, khéo léo chen vào như muốn điểm tô vẻ thanh tao cho những cành cây đen xù xì trụi lá. Trong màu trắng tinh khôi của tuyết và băng, cảnh vật thần tiên, lãng mạn như xứ sở cổ tích bí mật dần dần hiện ra.

Nhật Bản ngôi làng cổ

Đường vào làng Shirakawa-go là một cây cầu treo dài hơn 100m.

Shirakawa-go dường như tách biệt với cuộc sống đương thời. Do điều kiện môi trường tự nhiên của khu vực, với núi cao bao bọc xung quanh và tuyết rơi thuộc mức dày đặc nhất Nhật Bản vào mùa Đông nên sự tương tác của làng với các khu vực lân cận bị hạn chế. Tuy nhiên, chính điều này đã tạo điều kiện cho sự phát triển các tập quán văn hóa truyền thống và lối sống độc đáo có một không hai của di sản này. Nơi đây có hơn 100 ngôi nhà đã tồn tại hàng trăm năm, trong đó có những ngôi nhà được thiết kế theo lối kiến trúc cổ Gasshozukuri cực kỳ độc đáo. “Gassho” trong tiếng Nhật có nghĩa là “chắp tay”, phản ánh cấu trúc của những ngôi nhà lớn có mái che đặc biệt trông giống với những bàn tay chắp lại khi cầu nguyện. Tôi say mê đi vòng quanh những căn nhà gỗ, hít hà mùi của thời gian, tỉ mẩn ngắm nhìn những mái nhà lợp bằng cỏ khô bên trên phủ đều sắc trắng trông như những bìa sách khổng lồ úp ngược.

Nhật Bản ngôi nhà theo kiến trúc cổ

Ngôi nhà theo kiến trúc cổ Gassho-zukuri.

Nhật Bản tại ngôi làng cổ

Đất – Trời buông lơi, đan quyện lấy nhau, gói trọn mọi thứ trong một màu trắng yêu thương, dật lạc. Những bông tuyết lất phất hòa cùng gió cứ thế cuốn tôi di chuyển sâu dần, cảnh vật cũng mỗi lúc một trở nên sắc nét hơn trên nền tuyết đẹp long lanh, kiêu kỳ. Từng khối tuyết phủ dày kín đường đi, các ngôi nhà nằm ẩn mình, lấp ló giữa nền tuyết xốp tựa tấm thảm bông khổng lồ, ở phía xa xa, lớp lớp hàng cây khô vẫn kiên trì, hiên ngang đứng thẳng khoe màu áo lung linh tuyệt đẹp được tạo ra từ hàng ngàn, hàng vạn chấm tuyết trắng mà trời Đông ban tặng. Thi thoảng, mắt tôi bắt gặp vài vệt sáng le lói, e ấp màu vàng chanh từ ánh đèn bên trong các ngôi nhà gỗ vụt lướt qua, khiến tôi phải dừng bước thẫn thờ. Những vệt sáng mờ ảo, xao xuyến, tinh vi ẩn trong làn không khí, len lỏi chui vào vòm họng tôi đầy dịu ngọt, rồi cứ thế tan chảy dễ chịu và hồn nhiên trong từng hơi thở ra. Vẻ đẹp nơi vùng đất tôi đang tận hưởng thật quá ư trang nhã!

Nhật Bản mùa đông tại ngôi làng cổ

Tôi đứng co ro trước hiên một quán cà phê ngay trong tầm nhìn ra sông Shokawa, chờ đến khi mặt trời lặn dần xuống, trên tay là que bánh Gohei-mochi vừa nướng xong, bốc khói, dậy mùi, quện ướt đẫm lớp sốt cay ngọt hấp dẫn. Những tia nắng màu vàng nhạt rọi chênh chếch xuống sườn núi, lớp tuyết trắng dường như bỗng nhiên cảm thấy thẹn thùng, lộ ra một chút màu phấn hồng sao mà đáng yêu. Gió vẫn thổi tung những bước chân liêu xiêu của du khách, cả ngôi làng nhỏ bé phơi giữa màn trời vẻ đẹp vừa vô thực lại vừa tịch liêu. Tôi bất động, trầm ngâm, ưu tư trong trăm ngàn dòng suy tưởng, quả thực nhiều lúc thế giới này phiền nhiễu đến độ tôi đã nghĩ mình chỉ muốn biến mất ngay tức khắc. Nhưng chỉ cần được nhìn ngắm mây trôi, nước chảy, được đưa những ngón tay mềm vuốt ve ngọn cỏ, thân cây, được chạm khẽ một bông tuyết rơi đang tan trên mắt, môi, tôi lại cảm thấy chẳng thể nào quay lưng với cuộc đời này được nữa, cuộc sống du nhiên trở nên quý giá đến vô cùng! Dõi hướng nhìn về phía xa nơi những rặng núi đượm ánh hoàng hôn mùa Đông trập trùng, tôi hiểu rõ, dù cho những tháng năm này ra sao, tôi vẫn đang “sống” đến tận cùng!

Nhóm thực hiện

Bài & Ảnh: Quỳnh Lê

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more