6 thói quen nhỏ đang cản trở bạn thành công

Đăng ngày:

Đôi khi bạn cảm thấy những nỗ lực của mình không mang lại kết quả như mong đợi? Có những thói quen tưởng chừng vô hại nhưng lại chính là rào cản lớn nhất trên con đường chinh phục thành công của bạn.

Có những người vô cùng nỗ lực và cố gắng hết sức để chạy về “đích” thành công. Tuy nhiên, không phải ai đều có thể đạt được thành công như mong đợi. Những thói quen tưởng thường ngày, tưởng chừng vô hại nhưng lại chính là “gánh nặng’’ kìm hãm bước chân của chúng ta. Cùng ELLE điểm qua 6 thói quen nhỏ đang cản trở bạn thành công trong bài viết này nhé! 

1. Môi trường sống chi phối hành vi của bạn 

Môi trường sống bao gồm tất cả những yếu tố vật chất, xã hội, tinh thần và văn hóa xung quanh chúng ta. Nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến suy nghĩ và cảm xúc, góp phần định hình hành vi của mỗi người. Mặt khác, nó có thể trở thành một rào cản lớn trên hành trình chinh phục thành công. 

Trước tiên, môi trường như nhà ở, trường học, công sở… là những không gian bạn sẽ dành phần lớn thời gian để sinh sống, học tập và làm việc. Vì vậy, các yếu tố như thiết kế, màu sắc, ánh sáng hay âm thanh của những không gian này sẽ tác động trực tiếp đến tâm trạng và hành vi của chúng ta. Một căn phòng sáng sủa, gọn gàng sẽ khơi gợi cảm hứng làm việc, trong khi một không gian bừa bộn, thiếu ánh sáng có thể khiến bạn cảm thấy bí bách và mệt mỏi.

cô gái nằm trên thuyền giữa hồ thành công

Ảnh: Unsplash/Klara Kulikova

Chúng ta thường có xu hướng học hỏi và bắt chước những người xung quanh, đặc biệt là những người bạn ngưỡng mộ hoặc gần gũi. Do đó, môi trường xã hội như gia đình, bạn bè và truyền thông sẽ có tác động không nhỏ đến hành động và quyết định của bạn. Nếu đây là một môi trường độc hại, có lẽ bạn sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra các quyết định có lợi cho bản thân bởi không phải ai đều có thể “rũ bỏ” hoàn toàn mối liên kết với những người xung quanh. Tuy nhiên, bạn có thể bắt đầu bằng việc nhận diện các yếu tố tiêu cực. Hãy dành thời gian quan sát và phân tích xem điều gì đang ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của bạn. Từ đó, tìm cách giảm thiểu tác động tiêu cực bằng cách sắp xếp lại không gian sống, thay đổi thói quen, tìm kiếm trải nghiệm mới, hoặc đơn giản là giữ khoảng cách với những yếu tố tiêu cực.

Việc thay đổi hành vi là một quá trình cần thời gian và sự kiên nhẫn. Vì vậy, bạn nên đặt ra những mục tiêu thực tế và chia nhỏ kế hoạch hành động để không cảm thấy chán nản khi chưa thấy kết quả ngay lập tức.

2. Né tránh vấn đề  

Bạn đã từng nghe qua câu chuyện Phật giáo về Hai về mũi tên? Nhà tâm lý học, tác giả Beth Kurland tóm tắt như sau: “Trong câu chuyện, Phật được hỏi về phản ứng của một người khi bị trúng 2 mũi tên. Phật giải thích rằng mũi tên thứ nhất đại diện cho những điều trong cuộc sống mà ta không thể kiểm soát, còn mũi tên thứ hai là phản ứng của chúng ta khi đối diện với khó khăn. Và những nỗi đau hay tổn thương do mũi tên thứ hai gây ra là tuỳ chọn”. Từ đó, bài học rút ra trong mẩu chuyện này là không nên để mũi tên thứ hai kiểm soát cuộc sống của bạn. Việc chủ động tìm kiếm và nhìn nhận sự tích cực bên trong những vấn đề tiêu cực là một thử thách khó nhằn, nó tựa như một thói quen cần sự rèn luyện, kiên trì và nỗ lực với thời gian để có thể hình thành. 

Khi đối mặt với thử thách, mỗi người đều có những cách ứng phó khác nhau. Có người chọn cách đối đầu trực tiếp, tìm kiếm giải pháp và vượt qua thử thách. Mặt khác, sẽ có những người lại chọn cách né tránh, chối bỏ vấn đề hoặc tìm đến những thú vui tiêu khiển để quên đi nỗi buồn. Do đó, bạn nên học cách đối diện với mọi vấn đề, dù tiêu cực hay tích cực một cách khôn ngoan để hạn chế việc tự tổn thương và hủy hoại chất lượng cuộc sống. Khi thực sự cố gắng vượt qua những thử thách, duy trì cho mình một quan điểm sống tích cực và chủ động quan tâm đến sức khỏe tinh thần của mình nhiều hơn, thành công sẽ đến như một món vô giá đáp lại những nỗ lực và công sức của bạn.

 

3. Theo đuổi những mục tiêu bên ngoài

Theo tâm lý học, có 2 dạng động lực đó là động lực bên ngoài và động lực bên trong. Nói cách khác, chúng ta thường được thúc đẩy bởi cả những phần thưởng bên ngoài, chẳng hạn như bạn muốn được thăng chức để làm gia đình tự hào, và động lực bên trong như thăng chức vì bạn thực sự muốn trở nên giỏi hơn trong công việc. Các mục tiêu đến từ động lực bên trong được coi là bền vững hơn vì chúng bắt nguồn từ mong muốn sống một cuộc đời ý nghĩa, phù hợp với giá trị và ước mơ của chính bạn.

cô gái ngồi tựa vào ghế với tà áo trắng

Ảnh: Unsplash/Mr. Tiger

Vì thế, đừng để cuộc sống trở thành một cuộc đua không có đích đến. Khi quá tập trung vào việc đạt được những thành tựu bên ngoài, như thăng tiến hay tích lũy tài sản để làm người khác ngưỡng mộ hay hài lòng, chúng ta có thể vô tình bỏ lỡ những niềm vui nhỏ bé và đánh mất chính mình. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là động lực bên ngoài luôn mang lại tác động tiêu cực. Mấu chốt là bạn cần biết cân bằng giữa hai loại động lực, để chúng không trở thành rào cản khiến chúng ta mất phương hướng.

4. Luôn chọn những điều thoải mái và né tránh những thử thách

Sống trong một môi trường an toàn có vẻ là một ý tưởng thật hấp dẫn, nhưng điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ ít phải đối mặt với những khó khăn và thử thách. Từ đó, bạn dễ trở nên chật vật để xoay sở và ứng phó với những tình huống bất ngờ, không thể chuẩn bị trước. Khi đã quen với lối sống ổn định và an toàn, chúng ta thường không còn động lực để phát triển hay trau dồi bản thân. Điều này dẫn đến việc bỏ lỡ những cơ hội quý giá, làm chúng ta dậm chân tại chỗ và không tiến xa hơn. 

Xu hướng này gợi nhớ khái niệm “Con đường dễ đi nhất” (The path of least resistance) trong cuốn sách cùng tên của tác giả Robert Fritz. Khái niệm này lý giải vì sao con người thường chọn con đường ít tốn sức nhất để giải quyết vấn đề hoặc đạt mục tiêu. Nó ám chỉ việc né tránh khó khăn, thử thách và chọn những giải pháp quen thuộc, an toàn. Ví dụ, thay vì tìm kiếm một công việc mới với yêu cầu cao hơn, bạn chọn ở lại công việc hiện tại chỉ vì nó ổn định. Hoặc thay vì đối diện và giải quyết xung đột, chúng ta có xu hướng né tránh và thờ ơ. Có nhiều nguyên nhân khiến con người chọn con đường dễ dàng, trong đó, việc giảm thiểu suy nghĩ, quyết định và hành động là một lý do phổ biến. Hơn nữa, bản năng tự bảo vệ khiến con người ưu tiên con đường an toàn để tránh rủi ro và tổn thương. 

Đồng thời, những yếu tố như sợ thất bại hay thiếu tự tin góp phần định hình hành vi thích ở vùng an toàn, dẫn đến việc lựa chọn cuộc sống ổn định thay vì dấn thân vào thử thách. Tuy nhiên, để đạt được thành công và hạnh phúc, chúng ta cần học cách vượt qua giới hạn của bản thân và chấp nhận đối mặt với những thử thách mới. Bạn nên nhớ rằng, thất bại là điều không thể tránh khỏi trên bất kỳ hành trình nào, nhưng khi biết chấp nhận thất bại như một phần tự nhiên của cuộc sống, bạn sẽ mạnh mẽ hơn và sẵn sàng đón nhận khó khăn. Khi bước ra khỏi vùng an toàn, bạn sẽ khám phá được tiềm năng của mình, hiểu rõ giá trị bản thân và cảm thấy tự tin hơn khi đưa ra quyết định.

5. Không nghỉ ngơi hợp lý 

Bạn đã bao giờ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và khó tập trung vào công việc dù đã cố gắng hết sức? Điều này có lẽ là dấu hiệu cho thấy bạn đang nghỉ ngơi không đúng cách. Nghỉ ngơi không chỉ là ngừng làm việc, đó còn là khoảng thời gian để cơ thể và tinh thần hồi phục sau một ngày dài. Khi mệt mỏi, não bộ sẽ hoạt động kém hiệu quả, khiến khả năng tập trung, sáng tạo và đưa ra quyết định bị giảm sút. Làm việc với cường độ cao, nghỉ ngơi không hợp lý còn dẫn đến căng thẳng, lo âu, dễ cáu gắt và có nguy cơ mắc các bệnh về thần kinh như rối loạn lo âu hay trầm cảm. Bên cạnh đó, thiếu ngủ thường xuyên sẽ ảnh hưởng nặng nề đến cơ thể, làm suy yếu hệ miễn dịch và tạo điều kiện cho các bệnh vặt như cảm cúm phát triển.

nghỉ ngơi hợp lý để thư giãn

Ảnh: Pexels/Maksim Goncharenok

Để nghỉ ngơi đúng cách, bạn cần thay đổi thói quen sinh hoạt. Sau những giờ làm việc căng thẳng, hãy tham gia các hoạt động giải tỏa tinh thần như đi dạo, tập thể dục nhẹ nhàng, hoặc thư giãn bằng cách đọc sách, nghe nhạc. Đừng quên chăm sóc cơ thể và làn da của mình, bởi vẻ ngoài tươi tắn sẽ giúp bạn tự tin và tỏa sáng ở mọi hoàn cảnh. Mặt khác, bạn có thể chia sẻ cảm xúc với gia đình, bạn bè để giảm bớt căng thẳng thay vì giữ trong lòng. Quan trọng hơn, hãy biết từ chối những yêu cầu không cần thiết và dành thời gian cho bản thân để nuôi dưỡng tâm hồn.

Bạn không nên nghĩ rằng nghỉ ngơi khiến bản thân  lãng phí thời gian và làm gián đoạn công việc, đó là một khoản đầu tư chất lượng cho tương lai. Bằng cách nghỉ ngơi hợp lý, bạn sẽ có được sức khỏe tốt, năng suất làm việc cao và cuộc sống hạnh phúc. Hãy nhớ rằng, một cơ thể khỏe mạnh và một tâm trí minh mẫn là nền tảng cho mọi thành công.


Xem thêm

• 9 dấu hiệu cho thấy bạn đang vận dụng luật hấp dẫn thành công

• 7 dấu hiệu cho thấy bạn sẽ thành công theo tâm lý học

• 5 ranh giới phụ nữ thành công thường thực hành mỗi ngày


6. Gượng ép bản thân sống trái với con người thật của chính mình

Khi ép buộc bản thân trở thành một người khác, đặc biệt là cố gắng áp dụng những thói quen không thực sự phù hợp với bạn, bạn có thể sẽ cảm thấy chán nản và kiệt sức khi không đạt được mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, đừng vội đổ lỗi cho bản thân hay bỏ cuộc, có lẽ điều bạn đang áp dụng không phải là con đường phù hợp để bạn phát triển và đạt được mục tiêu của mình. Thành công không nhất thiết phải tuân theo một khuôn khổ nhất định, bạn chỉ cần khám phá và tìm ra cách tiếp cận phù hợp với bản thân.

gượng ép bản thân không sống thật

Ảnh: Unsplash/Joshua Rondeau

Giả sử bạn luôn mong muốn rèn luyện thói quen đọc sách hằng ngày nhưng vẫn không thể duy trì hoạt động này đều đặn. Thay vì cố gắng thiết lập một khung giờ cụ thể, bạn có thể thử kết hợp việc đọc sách với những thói quen khác như đọc sách khi uống cà phê vào buổi sáng hoặc trước khi đi ngủ. Ngoài ra, nếu bạn thích nghe hơn là đọc, hãy thử hình thức audiobook khi vừa làm việc nhà hoặc chạy bộ. Điều quan trọng là bạn nên hiểu rõ mục tiêu của mình và tìm cách tiếp cận phù hợp với lối sống và sở thích cá nhân. Bạn có thể đặt những câu hỏi như “Mục tiêu này có thực sự phù hợp với bản thân mình?”, “Có cách nào khác để mình được đạt mục tiêu này nhanh hơn?”. Bằng việc mở lòng và chấp nhận để sáng tạo và đổi mới, bạn sẽ không còn cảm thấy bất lực khi thất bại. Ngược lại, đây lại chính là động lực giúp bạn hiểu rõ hơn bản thân và rút gọn đoạn đường chinh phục thành công.

Nhóm thực hiện

Bài: Anh Huy

Tham khảo: Hack Spirit

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more