Theo Box Office Vietnam, một đơn vị theo dõi doanh thu phòng vé độc lập, Cám đã đạt được cột mốc ấn tượng với hơn 62 tỷ đồng vào tối ngày 24/9, chỉ năm ngày sau khi ra mắt. Chỉ riêng ngày 24/9, bộ phim đã ghi nhận hơn 92.000 lượt vé bán ra qua 4.897 suất chiếu. Những con số này cho thấy màn chào sân đầy ấn tượng của Cám.
Hành trình trả thù của Cám
Sinh ra với khuôn mặt dị dạng do một lời nguyền được truyền qua nhiều thế hệ, Cám bị cha mình xem như một vết nhơ của gia đình, bị đày xuống nhà sau, sống như người hầu và chịu đựng sự ngược đãi của chính gia nhân trong nhà.
Trong khi đó, người chị cùng cha khác mẹ của cô là Tấm với vẻ đẹp sắc sảo, dịu dàng, nhận được tình yêu thương và sự nuông chiều của cha. Mặc dù được bao bọc, Tấm vẫn không kỳ thị và cố gắng chăm sóc cô em gái. Nhưng mặc cảm tự ti của chính mình và sự lạnh lùng của gia đình đã gieo mầm cho Cám lòng căm thù sâu sắc.
Trước Cám, điện ảnh Việt Nam đã khám phá chuyện cổ tích Tấm Cám cách đây sáu năm với Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Bộ phim có sự tham gia sản xuất của Ngô Thanh Vân nhận nhiều phản ứng trái chiều và thu về hơn 60 tỷ đồng với kinh phí chỉ 20 tỷ đồng. Và trong dị bản mới nhất về Tấm Cám, với các yếu tố tâm linh, siêu nhiên cùng màu sắc văn hóa bản địa đã đưa cổ tích lên một tầm cao mới, rùng rợn và bi tráng hơn.
Trong câu chuyện gốc, Cám được miêu tả là một cô em gái xảo quyệt với những âm mưu thâm độc nhằm kết liễu người chị gái của mình. Tuy nhiên, bộ phim đã có một màn lật ngược câu chuyện gốc đầy táo bạo khi biến Cám thành một nạn nhân. Cô gái trẻ phải chịu đựng sự đối xử tàn bạo từ cha và mẹ kể từ khi sinh ra. Tia hy vọng le lói duy nhất trong cuộc đời u ám của cô là tình thương của Tấm.
Không giống như cốt truyện gốc nơi chứng kiến những người phụ nữ hãm hại lẫn nhau, bộ phim này tập trung mối liên kết giữa Tấm và Cám. Hai đứa bé lớn lên, gắn kết bằng thứ tình cảm trong trẻo và chân thành của trẻ con. Thông qua những khoảnh khắc nhẹ nhàng mà ấm cúng như cùng tắm ao sen và chia sẻ với nhau về những rung động thầm kín đầu đời, Cám minh chứng rằng vẻ đẹp, ánh sáng diệu kỳ của tình yêu là điều đã níu kéo và giữ chặt phiên bản thiện lương của một thiếu nữ đầy tổn thương như Cám.
Mặc dù vẫn giữ nguyên các nhân vật quen thuộc, cuộc sống và tính cách của họ đã được thay đổi không ít. Ví dụ, ông Bụt hiền từ trong cổ tích được tái hiện thành một linh hồn ma quỷ chứ không phải một vị thần, thay vì Tấm, chính Cám là người cho cá bống ăn và hoàng tử tìm thấy chiếc giày của Tấm trong rừng thay vì ở sông.
Cám cũng biến đổi từ một nhân vật phản diện đơn thuần thành một nhân vật khoác số phận bi thảm, biết rung động và sống chân thành. Sự phát triển phức tạp của các nhân vật này tạo nên lớp lang chiều sâu cho câu chuyện quen thuộc, khiến Cám không chỉ là một bộ phim kinh dị mà còn là một cuộc khám phá đầy suy ngẫm về tình chị em, sự hy sinh và cuộc đấu tranh giữa thiện và tà, giữa ánh sáng và bóng tối.
Đi tìm mặt tối của cổ tích
Tấm Cám là một câu chuyện dân gian có nguồn gốc lâu đời ở Việt Nam và là cổ tích quen thuộc với hầu hết người Việt từ thuở bé. Tuy nhiên, câu chuyện này tồn tại nhiều phiên bản, trong đó, một số phiên bản cũ hơn tường thuật câu chuyện theo cách đen tối và thảm khốc hơn. Phần kết của những phiên bản này kể lại rằng sau khi Tấm trở lại hoàng cung sau nhiều lần tái sinh, cô đã chỉ cho Cám cách để có được làn da trắng.
Tấm lừa Cám nhảy xuống một cái hố, sau đó ra lệnh đổ nước sôi lên người em gái, dẫn đến cái chết kinh hoàng của Cám. Không dừng ở đó, Tấm tặng cho mẹ kế của mình một lọ mắm. Bà ta ăn ngấu nghiến hằng ngày mà chẳng hề hay biết gì chỉ đến khi lọ mắm cạn dần, mẹ kế phát hiện ra hộp sọ của Cám, biết mình đã ăn thịt của chính con gái, bà lăn ra chết vì sốc.
Trên thực tế, truyện cổ tích ban đầu dành cho khán giả trưởng thành, thông qua hình thức kể chuyện – một hoạt động cộng đồng để giải trí thời cổ đại. Người lớn sẽ chia sẻ những câu chuyện quanh đống lửa, thường là những chủ đề liên quan đến trải nghiệm cuộc sống hằng ngày của họ, của thế giới người trưởng thành với nhiều tầng ý nghĩa mà chỉ người lớn mới có thể hiểu hết được, hàm chứa cả những chủ đề u ám, những bài học đạo đức sâu xa.
Chúng phản ánh thế giới quan cổ xưa, nơi ác và thiện phải được phân định rạch ròi. Do đó, các hình phạt cho hành vi sai trái có thể cực kỳ khủng khiếp nhằm răn đe mọi người và giương cao niềm tin rằng công lý phải được thực thi, bất kể hình phạt có đáng sợ đến đâu.
Mặt tối này không chỉ có ở cổ tích của Việt Nam, nhiều truyện cổ tích trên thế giới cũng chứa đựng những yếu tố và câu chuyện tương tự về sự trả thù, thậm chí trả thù một cách cực đoan và gây thảng thốt như Lọ Lem, Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Người đẹp và Quái vật… Bộ ba cổ tích về những nàng công chúa kinh điển đều có những dị bản kinh hoàng không kém.
Tẩy sạch màu hồng vốn có của cổ tích và “hắc thoại” Tấm Cám, đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân đã làm sáng tỏ hành trình bi thảm và đầy thù hận của nhân vật. Nhưng ngay cả khi là một bộ phim kinh dị chuyển thể, Cám vẫn giữ nguyên những chi tiết được yêu thích từ câu chuyện gốc và trình diện chúng qua một góc nhìn tối hơn.
Những khoảnh khắc mang tính biểu tượng như việc Cám khuyên Tấm ngụp xuống ao gội đầu, hình ảnh cá bống lên ăn cơm vàng cơm bạc và cảnh Tấm leo cây cau đều được tái hiện với dưới những tình tiết gây sốc khiến người xem vừa sợ hãi vừa tò mò.
Phim kết thúc với một màn gỡ thắt không thể đơn giản hơn thông qua hình thức voiceover và tranh minh họa nhưng hứa hẹn mở ra dị bản thứ hai với tiềm năng khám phá câu chuyện dở dang giữa Tấm và Hoàng Tử.
Xem thêm
• [Review phim] “The 8 show”: 8 tầng lớp, 8 tính cách xã hội và 2 loại người
• Top 20 phim Hàn chuyển thể từ webtoon hay nhất bạn không nên bỏ qua
• 8 bộ phim Hàn mới bạn không nên bỏ lỡ trong tháng 9/2024
Màu sắc dân gian đầy hoài niệm
Dựa trên sự thành công trước đó với Bắc Kim Thang, Chuyện Ma Gần Nhà và Kẻ Ăn Hồn, Hoàng Quân và Trần Hữu Tấn đã tạo nên một bầu không khí mê hoặc cho Cám (2024). Bộ phim mạnh dạn khám phá những chiều kích mới của truyền thuyết bản địa, khơi dậy trong lòng công chúng cảm hứng và tò mò về những tác phẩm chuyển thể từ di sản truyện cổ tích phong phú của nước nhà.
Cám là một bữa tiệc thị giác lẫn thính giác, trình làng một loạt những bộ cổ phục công phu, các nghi lễ xưa và những giai điệu dân gian như tiếng sáo, vè, dân ca và phối lại bài ca dao kinh điển Qua Cầu Gió Bay dưới một nhịp điệu sâu lắng và da diết.
Lấy bối cảnh là một ngôi làng cuối thời Lê, Cám có những cảnh quay sôi động về các lễ hội truyền thống và cuộc sống thường ngày của người dân. Tất cả đều thấm đẫm màu sắc văn hóa Bắc Bộ. Phim cũng tái hiện các trò chơi dân gian truyền thống như đu quay, cờ người và đấu vật, cùng với lễ hội đèn trời lộng lẫy. Từ đình làng đến ao sen, thiết kế bối cảnh và trang phục truyền thống gợi nên một thời đại cũ với những dấu ấn cổ xưa vừa hoài niệm vừa đẹp đẽ.
Tựu trung, với Cám (2024), khán giả sẽ có một hành trình xuyên thời gian ly kỳ được kết hợp khéo léo giữa cảm thức hoài niệm và sự rùng rợn đặc trưng của phim kinh dị. Bộ phim đã thổi luồng sinh khí mới vào một câu chuyện cổ tích quen thuộc, biến nó thành một trải nghiệm điện ảnh “quen mà lạ, lạ mà quen” đầy kịch tính.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Thúy Vân
Ảnh: Tổng hợp