Trong suốt nhiều thập kỷ qua, thời trang và phim ảnh đều là những thành tố có mối quan hệ mật thiết, ảnh hưởng lẫn nhau. Khi nhắc đến những bộ phim mang yếu tố giật gân, kinh dị, cách ứng dụng màu sắc, chất liệu và tạo hình nhân vật thường mang đến một tầng ý nghĩa sâu sắc hơn. Không còn là những yếu tố thẩm mỹ đơn thuần, thời trang trở thành ngôn ngữ biểu cảm, giúp khán giả cảm nhận sâu sắc hơn về câu chuyện và nhân vật, tạo nên một sự hòa quyện tinh tế giữa nghệ thuật hình ảnh và thời trang.
BÀI LIÊN QUAN
Sweeney Todd: The Demon Barber of Fleet Street (2007)
Colleen Atwood đã mang đến cho người xem một trình diễn thời trang u ám đầy nghệ thuật, bao trùm lên bộ phim “Sweeney Todd: The Demon Barber of Fleet Street” của Tim Burton. Lấy bối cảnh London vào khoảng giữa thế kỷ 19, bộ phim tái hiện một xã hội Anh đen tối với các yếu tố gothic cổ điển. Trang phục trong phim không chỉ phản ánh bối cảnh lịch sử mà còn là công cụ thể hiện tâm lý nhân vật và sự phân chia giai cấp xã hội. Sweeney Todd (do Johnny Depp thủ vai) khoác lên mình chiếc áo khoác dài màu đen rách nát, biểu tượng của một con người bị hủy hoại bởi sự thù hận và khát vọng báo thù. Những bộ trang phục của Todd không chỉ miêu tả sự khốn khổ của anh, mà còn tạo nên hình ảnh của một kẻ sát nhân lạnh lùng.
Ngược lại, Mrs. Lovett (Helena Bonham Carter thủ vai) – một nhân vật đầy tham vọng – thể hiện tính cách qua bộ trang phục được lựa chọn tinh tế. Những chiếc váy dài, cầu kỳ, với chi tiết bèo nhún và đai lưng, không chỉ làm nổi bật niềm hư vinh mà còn là dấu ấn của thời trang thời kỳ Victoria. Những chi tiết như găng tay hở ngón, tất chân màu tối và một chút điểm nhấn của màu đỏ hay xanh thẫm thể hiện rõ tầng lớp và hoàn cảnh xã hội của bà.
Death on the Nile (2022)
Lấy bối cảnh vào những năm 1930, “Death On The Nile” không thuần là một bộ phim kinh dị, nhưng vẫn đủ u ám, giật gân với vụ án mạng xảy ra tại một con tàu du lịch tại vùng đất Ai Cập kỳ bí. Nhà thiết kế trang phục Paco Delgado đã khéo léo biến thời trang trở thành ngôn ngữ truyền tải câu chuyện u ám, ly kỳ trong bộ phim của Kenneth Branagh. Linnet Doyle (do Gal Gadot thủ vai) khoác lên mình những bộ trang phục tinh tế, quyến rũ, thể hiện địa vị xã hội. Bên cạnh đó, chiếc vòng cổ kim cương 128.54-carat của Tiffany, một biểu tượng của quyền lực và sự hào nhoáng, không chỉ là vật trang sức mà còn là một yếu tố quan trọng trong câu chuyện. Sự xa hoa của tầng lớp quý tộc cổ điển còn được khắc họa rõ nét qua những bộ suit chỉn chu, váy dạ hội lộng lẫy, hay từng món phụ kiện trong tạo hình quý cô. Delgado còn tạo ra sự tương phản giữa màu sắc trang phục với bối cảnh thiên nhiên kỳ vĩ của Ai Cập, đặc biệt là với những tông màu pastel như xanh nhạt, hồng nhạt hay vàng nhạt, mang lại cảm giác thanh lịch, tươi mới nhưng vẫn phảng phất cảm hứng “retro”.
The Neon Demon (2016)
Bộ phim “The Neon Demon” của Nicolas Winding Refn lột tả mặt tối của ngành công nghiệp thời trang bóng bẩy, nơi sắc đẹp và tuổi trẻ là hai yếu tố quan trọng nhất. Thời trang trong phim, do Erin Benach thiết kế là sự pha trộn giữa vẻ đẹp quyến rũ, phù phiếm và tàn nhẫn, chết chóc. Jesse (do Elle Fanning thủ vai) khởi đầu với những chiếc váy ngây thơ, đại diện cho sự trong sáng và ngây ngô của cô gái mới bước chân vào làng mốt. Nhưng khi cô dấn sâu vào thế giới đầy cạm bẫy và cạnh tranh khốc liệt, Jesse bắt đầu thay đổi với những thiết kế gợi cảm, mạnh mẽ từ BST Saint Laurent Xuân-Hè 2015. Sự biến đổi này không chỉ phản ánh sự phát triển của nhân vật, mà còn là lời cảnh báo về cái giá của danh vọng và sắc đẹp trong thế giới thời trang. Màu sắc rực rỡ, vải lấp lánh và các thiết kế cầu kỳ trong phim đã góp phần tạo nên một bức tranh hào nhoáng nhưng đầy mâu thuẫn của ngành công nghiệp thời trang.
Nocturnal Animals (2016)
Tom Ford, nhà thiết kế đình đám, đã mang đến cho “Nocturnal Animals” một định nghĩa về thời trang đặc biệt không những đẹp tuyệt hảo mà còn pha trộn chút gì đó đáng sợ và đầy ám ảnh. Phục trang trong phim là sự phản chiếu tâm trạng và hoàn cảnh của nhân vật Susan (Amy Adams), khi cô đối mặt với những cảm xúc lẫn lộn từ quá khứ và hiện tại. Các bộ trang phục sang trọng, xa hoa mà Susan mặc đại diện cho cuộc sống xa xỉ của cô, nhưng lại phản phất sự ảm đảm, trống rỗng với màu sắc tối và lạnh lẽo. Tom Ford đã khéo léo lồng ghép những chi tiết tinh tế trong thiết kế, làm nổi bật tính cách và tâm lý phức tạp của nhân vật và đem đến cho người xem sự rung cảm với sự đối lập về mặt thị giác.
The Cell (2000) kinh dị
“The Cell” là một tác phẩm kinh dị – khoa học viễn tưởng độc đáo của đạo diễn Tarsem Singh, trong đó thời trang đóng vai trò quan trọng trong việc định hình thế giới tâm lý giả tưởng phức tạp. Phim theo chân Tiến sĩ Catherine Deane (do Jennifer Lopez thủ vai), một nhà tâm lý học sử dụng công nghệ tiên tiến để thâm nhập vào tâm trí của một kẻ giết người hàng loạt với mục tiêu tìm ra vị trí của nạn nhân cuối cùng. Thế giới tâm lý trong “The Cell” không chỉ là một trải nghiệm điện ảnh kỳ ảo mà còn là một bữa tiệc thị giác cho những tín đồ thời trang. Nhà thiết kế Eiko Ishioka đã tạo nên những bộ trang phục vượt xa giới hạn thực tế, biến những chiếc jumpsuit và váy xuyên thấu thành biểu tượng của thời trang “futuristic” (viễn tưởng). Phong cách này không chỉ bổ sung cho bối cảnh giả tưởng, mà còn đóng góp mạnh mẽ vào việc kể chuyện qua thị giác, tạo nên sự tương phản giữa thế giới thực và thế giới nội tâm méo mó của nhân vật phản diện.
Mỗi bộ trang phục trong phim đều mang tính biểu tượng mạnh mẽ, từ những bộ jumpsuit đen đơn giản nhưng đầy uy quyền cho đến những chiếc áo choàng trắng tinh khôi, bồng bềnh, mang tính thiêng liêng. Với “The Cell” thời trang không chỉ giúp phân định rõ ràng giữa nhân vật và bối cảnh, mà còn gợi lên sự giằng xé nội tâm và cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa lý trí và cảm xúc của nhân vật Catherine.
The Hunger (1983) kinh dị
“The Hunger” là một tác phẩm kinh dị Mỹ nổi bật với sự quyến rũ lạ thường trong bối cảnh đậm chất gothic lãng mạn và đen tối. Bộ phim xoay quanh cuộc tình tay ba giữa cặp vợ chồng ma cà rồng Miriam Blaylock (do Catherine Deneuve thủ vai) và John Blaylock (do David Bowie thủ vai), cùng sự xuất hiện của một bác sĩ chuyên về giấc ngủ cũng như vấn đề lão hóa của ma cà rồng – Sarah Roberts (do Susan Sarandon thủ vai). Tuy nhiên, điều đặc biệt trong “The Hunger” không chỉ nằm ở cốt truyện ly kỳ về ma cà rồng mà còn ở phong cách thời trang cổ điển mang vẻ quyến rũ đầy chết chóc của những sinh vật bất tử. Màu sắc tối, chất liệu sang trọng và phong cách cổ điển giúp phản ánh bản chất tàn nhẫn. Tuy nhiên, sự thanh lịch trong các thiết kế được ứng dụng để che giấu sự khát máu của nhân vật. Đối lập với đó, Susan Sarandon trong vai Sarah Roberts mang phong cách đối lập, với trang phục thoải mái, đời thường nhưng không kém phần cuốn hút, tạo nên sự tương phản rõ rệt giữa sự sống và cái chết, giữa nhân tính với vẻ ma mị của cặp ma cà rồng.
Rosemary’s Baby (1968) kinh dị
“Rosemary’s Baby” (1968) của đạo diễn Roman Polanski là một kiệt tác kinh dị tâm lý, nơi thời trang đóng vai trò quan trọng trong việc khắc họa sự biến đổi của nhân vật Rosemary Woodhouse (do Mia Farrow thủ vai). Thời trang của bộ phim mang đậm dấu ấn tân thời (Modernist) gắn liền với diễn biến u ám của của câu chuyện. Đội ngũ thiết kế đã thống nhất tạo dựng hình ảnh gần gũi nhất để tạo cảm giác chân thực đầy ngột ngạt cho người xem. Lúc đầu, trang phục của Rosemary mang hơi hướng ngọt ngào và ngây thơ, “cộp mác” Mod với váy babydoll, áo cổ peterpan, nón beret và màu sắc pastel nhẹ nhàng. Tuy nhiên, khi câu chuyện trở nên đen tối và bí ẩn, trang phục của cô cũng chuyển dần sang những thiết kế đơn giản, lạnh lùng và sắc bén hơn. Điều này góp phần tạo nên một sự tương phản rõ rệt, khi vẻ ngoài trong sáng đối lập với những thế lực u ám đang bao trùm cuộc sống của cô.
Nhóm thực hiện
Bài: Arina
Ảnh: Tổng hợp