7 điều phụ nữ thanh lịch không chia sẻ lên mạng xã hội
Mạng xã hội là một nền tảng mọi người có thể đăng tải, cập nhật thông tin về đời sống cá nhân. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không phải thông tin nào đăng tải lên mạng đều sẽ được tiếp cận theo chiều hướng tích cực. Đôi khi, nếu không suy xét kỹ lưỡng, danh tiếng và sự riêng tư của bạn có thể bị ảnh hưởng theo cách không mong muốn.
Bằng cách kiểm soát và lựa chọn kỹ nội dung cập nhật trên internet, bạn có thể thể hiện sự tôn trọng với bản thân, với người khác và có thể tạo nên một thương hiệu hình ảnh cá nhân thanh lịch, dễ mến. Sau đây là 7 điều bạn nên hạn chế đăng tải lên mạng xã hội để phòng tránh những điều phiền phức trong tương lai.
1. Mâu thuẫn cá nhân
Không gian mạng xã hội là nơi mọi người có thể tự do bày tỏ các cảm xúc vui buồn trong cuộc sống. Vì vậy, nhiều người thường có thói quen chia sẻ toàn bộ câu chuyện xảy ra với họ trong một ngày, bất kể tốt xấu. Hoặc có nhiều trường hợp sử dụng mạng xã hội với mục đích giải quyết các mâu thuẫn, thậm chí còn dùng nhiều lời lẽ xúc phạm đến người khác. Tuy nhiên, những vấn đề riêng tư nên được giải quyết một cách kín đáo và không nên công khai trên mạng xã hội, vì những điều tiêu cực có thể lan truyền rất nhanh, dễ tạo ra tranh cãi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh, giá trị và phẩm chất của bản thân, mà còn tạo cơ hội để người khác đánh giá và bình phẩm không hay về bạn. Hơn nữa, nếu để cảm xúc cá nhân chi phối, bạn sẽ dễ để lộ những khía cạnh không mong muốn, gây nên sự xa cách, dè chừng khi tiếp xúc với các mối quan hệ mới.
2. Khoe khoang quá mức
Trên thực tế, việc thể hiện bản thân trên mạng xã hội không phải là một điều xấu, thậm chí đó còn là một cách để truyền cảm hứng cho người khác và tự tạo động lực cho bản thân. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên khoe khoang những bộ quần áo, trang sức đắt tiền hay những thành tựu của mình với tần suất dày đặc, điều này có nguy cơ trở thành một yếu tố phản cảm.
Đặc biệt, khi một người phô trương quá rõ ràng hoặc thường xuyên, người xung quanh sẽ cảm thấy người đó chỉ tập trung vào bản thân, thiếu tôn trọng cảm xúc của mọi người hoặc thiếu sự chân thành. Mặt khác, khi bạn đã xây dựng một hình ảnh lộng lẫy xa hoa trên mạng xã hội, có thể bạn sẽ rơi vào trạng thái áp lực vì phải duy trì phong cách sống này, từ đó dẫn đến một số vấn đề như mất cân bằng tài chính, tự ti với cuộc sống thật… và dễ vướng vào các vấn đề liên quan đến sự riêng tư cá nhân. Mặt khác, bạn sẽ đối diện với nguy cơ bị bình phẩm, phán xét và chỉ trích trong nhiều tình huống khác nhau vì những gì bạn chia sẻ có thể bị hiểu sai, thổi phồng hoặc xuyên tạc.
Vì vậy, bạn nên suy nghĩ thật kỹ trước khi đăng tải thông tin về sự thành công, tài sản hay những khoảnh khắc riêng tư trên mạng xã hội. Thay vì chọn chia sẻ công khai lên mạng xã hội – nơi bạn không thể kiểm soát những ai đọc được thông tin, bạn có thể tâm sự với bạn bè hoặc người thân trong những buổi gặp mặt để tạo dựng kết nối sâu sắc và nhận được những lời chúc mừng chân thành hay lời khuyên hữu ích trên hành trình kế tiếp.
3. Tham gia vào các chủ đề gây tranh cãi
Mạng xã hội là nơi mọi người thoải mái bày tỏ quan điểm và ý kiến của mình. Do đó, đôi khi bạn không thể tránh khỏi những cuộc xung đột trên các bài đăng thảo luận, thông tin trên trái chiều… khi mỗi người đều muốn bảo vệ ý kiến của mình. Điều này có thể được lý giải rằng những cảm xúc tức giận nhất thời có thể dễ dàng bộc phát thông qua một bình luận. Từ đó, vào thời điểm người dùng mạng xã hội bị kích thích, họ có xu hướng phản ứng ngay lập tức mà không suy nghĩ kỹ về hậu quả.
Tuy nhiên, những xung đột trên mạng thường không mang lại giải pháp cho vấn đề và chỉ khiến tâm trạng của bạn trở nên căng thẳng, gay gắt hơn. Trong báo cáo The Political Environment on Social Media (Môi trường chính trị trên các phương tiện truyền thông) vào năm 2016 của Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center) cho biết có khoảng 59% người dùng mạng xã hội ở Mỹ nhận thấy việc tương tác với những người có quan điểm đối lập khiến họ cảm thấy căng thẳng và bực bội hơn. Vì vậy, thay vì mất thời gian tham gia vào các cuộc tranh cãi trực tuyến, bạn có thể quyết định giữ im lặng hoặc chia sẻ quan điểm của mình trong một ngữ cảnh riêng tư hơn. Bên cạnh đó, dữ liệu trên mạng xã hội thường được lưu trữ lâu dài. Vì vậy, trong tương lai nếu một bình luận gây tranh cãi bỗng dưng trở thành chủ đề nóng cho mọi người “đào lại”, bạn sẽ vô tình rơi vào những tình huống khó xử không thể kiểm soát.
4. Chia sẻ quá nhiều
Hãy thử tưởng tượng những điều bạn viết trên mạng xã hội giống như những bức tranh bạn treo lên tường trong một phòng trưng bày. Mỗi bài đăng, mỗi bình luận đều phản ánh một phần con người bạn và người khác có thể nhìn vào đó để đánh giá, phân tích về bạn.
Việc liên tục cập nhật thông tin lên trang cá nhân sẽ khiến bạn bạn dễ dàng trở thành trung tâm chú ý, nhưng không phải lúc nào đều cùng mang nghĩa tích cực. Khi nội dung về cuộc sống cá nhân của ai đó xuất hiện quá dày đặc, người khác có thể cảm thấy rằng thông điệp của người này không còn đặc biệt hoặc quan trọng nữa. Họ sẽ dàng lướt qua và không còn hứng thú với các thông tin cá nhân này truyền tải, hoặc thậm chí nghĩ rằng người này thiếu sự chín chắn, không biết giữ bí mật.
Mặt khác, nếu bạn muốn chia sẻ nhiều hơn về cuộc sống của mình trên mạng xã hội, hãy thử học tập những người sáng tạo nội dung và xây dựng thương hiệu cá nhân chuyên nghiệp. Thông thường, họ đăng tải rất nhiều nội dung, nhưng luôn biết cách sắp xếp thông tin một cách có tổ chức. Bên cạnh đó, họ thường tập trung vào các khoảnh khắc tích cực hoặc câu chuyện truyền cảm hứng, xây dựng một “chủ đề” nhất quán, phù hợp với hình ảnh họ muốn người khác nhìn thấy nhằm tạo sự hấp dẫn nhưng vẫn giữ lại các yếu tố riêng tư cần thiết.
Xem thêm
• 9 thói quen giúp bạn giảm thời gian lướt mạng xã hội
• Giải thích ý nghĩa và xu hướng của từ “demure” trên TikTok
• Ứng dụng Threads: Cách sử dụng và những điều cần lưu ý
5. Nội dung thiếu tôn trọng
Điều tối kỵ khi sử dụng mạng xã hội là đăng tải những nội dung có tính xúc phạm, thiếu tôn trọng người khác. Các bình luận hoặc bài đăng công kích, chế giễu hay dùng ngôn từ gây tổn thương không chỉ ảnh hưởng đến người bị nhắm đến mà còn gây ấn tượng tiêu cực về bạn trong mắt những người theo dõi.
Trước hết, nội dung mang tính công kích sẽ khiến người bị nhắm đến cảm thấy tổn thương hoặc làm tổn hại đến tinh thần và lòng tự trọng của họ. Hơn nữa, mạng xã hội là không gian mở, vì vậy mọi người luôn dễ dàng tiếp cận và quan sát lẫn nhau thông qua trang cá nhân. Việc đăng tải những bài viết tiêu cực không chỉ tạo ra ấn tượng xấu trong mắt những người xa lạ, mà còn khiến hình ảnh cá nhân của một người, bao gồm sự trưởng thành, tính chuyên nghiệp và uy tín bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong bối cảnh công việc, điều này còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các mối quan hệ, thậm chí là cơ hội nghề nghiệp.
6. So sánh với người khác
Trên mạng xã hội, chúng ta thường dễ bị cuốn vào việc so sánh bản thân với người khác, đặc biệt khi liên tục nhìn thấy những hình ảnh về sự thành công, cuộc sống xa hoa, giàu có. Hiện tượng này có thể được giải thích rằng, người dùng mạng xã hội thường chỉ chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ, sự tích cực về bản thân và có xu hướng ít phơi bày khó khăn hay thất bại. Vô hình trung, điều này lại tạo nên một khuôn mẫu đi sâu vào tâm trí mỗi người, khiến chúng ta vô thức so sánh bản thân với người khác và khó nhìn thấy bức tranh toàn cảnh.
Chẳng hạn, bạn nhìn thấy những người cùng tuổi vừa mua nhà hoặc có sự nghiệp thăng hoa trên mạng với tần suất liên tục, bạn có thể cảm thấy mình kém cỏi và dẫn đến áp lực đồng trang lứa (peer pressure) dù bản thân vẫn làm tốt các công việc riêng của mình. Đây là dấu hiệu cho thấy bạn đang tự đặt ra tiêu chuẩn không thực tế và dần trở nên chán nản, thất vọng. Mặt khác, những người đăng tải trên mạng xã hội đôi khi không phơi bày các góc khuất trong cuộc sống của họ, như phải trả khoản vay ngân hàng hằng tháng, hoặc làm việc với cường độ cao liên tục và đánh đổi bằng sức khỏe của mình.
Vì vậy, bạn nên học cách chấp nhận rằng mỗi người đều có hành trình riêng và không có mốc thời gian cố định cho thành công, việc so sánh chỉ làm bạn mất thời gian và giảm giá trị bản thân. Bạn có thể thực hành “digital detox” – phương pháp tạm ngưng sử dụng mạng xã hội trong một khoảng thời gian và tăng khả năng tập trung vào cuộc sống thực tế để cải thiện tình trạng này.
7. Các vấn đề riêng tư của gia đình
Gia đình là niềm tự hào và là nền tảng quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Việc chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc cùng gia đình lên mạng xã hội có thể là một cách lưu giữ kỷ niệm đáng quý. Tuy nhiên, sự riêng tư cho gia đình là điều cần thiết, bởi không phải vấn đề nào cũng thích hợp để đưa lên mạng xã hội. Điều này còn có thể làm ảnh hưởng đến người thân, tạo cơ hội để người xấu lợi dụng, bàn tán.
Chẳng hạn, trẻ em không thể tự quyết định về việc hình ảnh của mình được chia sẻ công khai lên mạng. Việc đăng tải ảnh trẻ nhỏ có thể làm lộ danh tính, địa chỉ và các thông tin cá nhân khác. Hành động này tiềm ẩn một số rủi ro về an toàn cho trẻ, đặc biệt là khi người lạ có thể truy cập vào những hình ảnh này.
Bạn có thể kiểm soát các nguy cơ này bằng cách chọn lọc nội dung kỹ lưỡng và giới hạn đối tượng xem bài đăng. Trước khi đăng bất kỳ nội dung gì, bạn hãy tự hỏi liệu nội dung đó có ảnh hưởng tiêu cực đến người thân hay không, đồng thời lập một danh sách về những điều không đăng tải, như vấn đề sức khỏe, tài chính hoặc căng thẳng nội bộ để bảo vệ sự riêng tư của bản thân và gia đình.
Bài: Thanh Ngân
Tham khảo: Hackspirit