Tiềm năng của các concert và sự kiện âm nhạc Việt Nam trước “ngõ” hội nhập
Sự bùng nổ của các concert cùng các sự kiện âm nhạc với lượng khán giả kỷ lục một mặt cho thấy ngành công nghiệp biểu diễn Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả trẻ, mặt khác đặt ra câu hỏi là làm thế nào để duy trì đà tăng trưởng này và xây dựng một nền tảng vững chắc cho tương lai?
Nhạc Việt đón mùa bùng nổ liveshow
Cuối năm 2024, làng nhạc Việt Nam đón đầu “cơn bão” với hàng loạt liveshow, đại nhạc hội và lễ hội âm nhạc lớn. Không chỉ sôi động với các live concert từ các gameshow nổi tiếng, loạt concert cá nhân và những lễ hội âm nhạc chất lượng, đa thể loại lần lượt trình làng ở các thành phố lớn. Trong đó, hai concert Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai say hi vào ngày 19/10 tại thành phố Hồ Chí Minh đã tạo nên làn sóng “đu idol” chưa từng có trong lịch sử thị trường concert nội địa.
Với sự tham gia của hơn 60 nghệ sĩ và được livestream rộng rãi, hai đêm nhạc này đã thu hút tổng cộng gần 50.000 khán giả. Hơn hết, những con số này dự kiến tiếp tục tăng khi hai chương trình tiếp tục tổ chức concert tại Hà Nội vào tháng 12.
Sau ba đêm concert thành công rực rỡ của hai show anh trai, khán giả tiếp tục đón nhận hàng loạt tin vui với chuỗi đêm nhạc khởi động từ cuối tháng 11 và kéo dài đến hết năm 2024. Mở màn cho mùa âm nhạc cuối năm là GENfest – lễ hội nhạc sống đậm chất đường phố diễn ra tại TP.HCM với chủ đề Phố trong phố. GENfest hứa hẹn sẽ là bữa tiệc âm thanh hoành tráng, hòa quyện giữa không khí sôi động của thành phố ánh sáng và âm nhạc đương đại.
Chương trình quy tụ một dàn nghệ sĩ quốc tế đình đám như PSY, Hwasa, Loco, cùng các giọng ca Việt được giới trẻ yêu thích như Chi Pu, Suboi, Andree, tlinh lẫn những nam ca sĩ từ Hieuthuhai, Hurrykng, Dương Domic đến Quang Hùng MasterD… Được bảo chứng bởi tên tuổi của các nghệ sĩ lớn cùng sự đầu tư mạnh mẽ về mặt hình ảnh, GENfest 2024 là một sự kiện không thể bỏ lỡ trong mùa nhạc hội tiền năm mới.
Khởi đầu tháng 12 là 8WONDER Winter 2024, đại nhạc hội đình đám sẽ diễn ra tại TP.HCM vào ngày 8/12. Năm nay, sự kiện này sẽ mang đến một đại tiệc âm nhạc hoành tráng với sự góp mặt của nhóm nhạc quốc tế Imagine Dragons, cùng dàn sao Việt đình đám như SOOBIN, Chi Pu, DJ Mie… Không chỉ có âm nhạc, 8WONDER Winter còn chi mạnh tay vào các lễ hội Giáng sinh đầy sắc màu, với không gian văn hóa, ẩm thực và giải trí đặc sắc tại khu vui chơi.
Những thành phố mơ màng cũng chính thức quay trở lại với chuỗi concert diễn ra từ 30/11 đến 21/12 tại Đà Nẵng, TP.HCM và Hà Nội. Năm nay, chương trình tiếp tục mang đến những gương mặt quen thuộc như The Cassette, Chillies, Đen, tlinh, Low G, Wren Evans và không thiếu những nghệ sĩ mới đầy hứa hẹn như marzuz, HIEUTHUHAI, Shiki, Minh Tốc & Lam…
Những thành phố mơ màng là nhạc hội đặc biệt dành cho những tín đồ yêu thích dòng nhạc indie và underground. Không chỉ là một sự kiện âm nhạc thông thường, đây là chuỗi chương trình hiếm hoi được tổ chức theo mùa, mang đến không khí âm nhạc mới mẻ mỗi lần trở lại, bao gồm mùa Hạ, mùa Thu và mùa Đông. Các “cư dân mơ màng” đang háo hức chờ đón sự kiện cuối cùng của chuỗi trong năm 2024 với tựa đề: Những thành phố mơ màng – Year End.
Không dừng lại ở đó, thị trường nhạc Việt còn đón nhận những concert lớn từ các tên tuổi như Đức Trí, Quốc Thiên, Hồng Nhung, Thịnh Suy, Hải Bột… Bên cạnh những đại nhạc hội sôi động, khán giả yêu thích âm nhạc cổ điển cũng có nhiều sự lựa chọn thú vị từ các concert quốc tế được tổ chức tại Việt Nam. Các đêm diễn tại Nhà hát Hồ Gươm, concert Những giai điệu vượt thời gian tại phòng hòa nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia hay concert The Road I Took của nghệ sĩ huyền thoại nhạc kịch Philip Quast là những điểm sáng trong lịch trình âm nhạc cổ điển cuối năm.
Mặc dù khán giả của các đêm nhạc cổ điển không đông đảo như những concert nhạc pop, nhưng sự hiện diện của những chương trình này cho thấy âm nhạc Việt Nam đang trở nên phong phú hơn, phục vụ được nhiều sở thích và gu âm nhạc khác nhau, từ những người yêu nhạc trẻ trung, sôi động đến những tín đồ của âm nhạc cổ điển tinh tế.
Xem thêm
• Rosé, Jennie và Lisa – Những mảnh ghép đa sắc “hậu” Blackpink
• Ai Cũng Phải Bắt Đầu Từ Đâu Đó: Một HIEUTHUHAI đa sắc màu trong album đầu tay
• 4 bài học cuộc sống nổi bật từ album “Eternal Sunshine” của Ariana Grande
Chìa khóa thành công của các sự kiện âm nhạc
Trên thực tế, concert của hai show anh trai không phải là đêm nhạc đầu tiên tại Việt Nam thu hút hơn 20.000 khán giả. Đến nay, show diễn Tri âm của Mỹ Tâm tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình vẫn giữ kỷ lục là concert của nghệ sĩ Việt đầu tiên và duy nhất thu hút 30.000 khán giả, một cột mốc ấn tượng trong ngành công nghiệp âm nhạc nước nhà.
Tuy nhiên, con số này đã bị BLACKPINK vượt qua vào tháng 7 năm ngoái, khi hai đêm concert của “Đen Hồng” tại Hà Nội thu hút tới hơn 67.000 khán giả, với tỷ lệ cháy vé hoàn toàn và doanh thu lên đến hơn 333 tỷ đồng, theo thống kê từ Touring Data. Sự xuất hiện của các cô gái Hàn Quốc được xem là một cuộc cách mạng trong thị trường biểu diễn âm nhạc tại Việt Nam.
Cộng hưởng với thành công vang dội của các concert Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai say hi, một “chương mới” đầy triển vọng cho ngành công nghiệp biểu diễn đang dần rộng mở. Các concert không còn là những sự kiện đơn thuần mà trở thành những “cuộc săn vé” gây cấn ngay khi thông tin được công bố. Đây được xem là dấu hiệu của sự trỗi dậy mạnh mẽ của lĩnh vực biểu diễn, khi nhạc Việt lần đầu tiên chứng kiến mức độ cuồng nhiệt từ khán giả, tương tự như những gì mà K-pop đã làm được ở Việt Nam trong suốt nhiều năm qua.
Câu chuyện thành công của các show quốc tế như BLACKPINK và các concert do nghệ sĩ cùng nhà sản xuất người Việt tổ chức là minh chứng rõ ràng cho sự cởi mở và sự đón nhận mạnh mẽ của khán giả Việt đối với cái mới. Khán giả ngày nay không chỉ yêu văn hóa Việt mà còn biết cách tiếp thu và hòa nhập những tinh hoa văn hóa từ các quốc gia khác, tạo nên sự giao thoa giữa cái mới và cái cũ, giữa truyền thống và hiện đại. Họ tìm kiếm sự đa dạng và sáng tạo trong các sản phẩm văn hóa, từ âm nhạc, thời trang đến nghệ thuật biểu diễn.
Tín hiệu đáng mừng là khán giả đã sẵn sàng chi một số tiền lớn, từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng, để tham gia các liveshow âm nhạc. Cộng thêm các chi phí khác như di chuyển, trang phục, phụ kiện… có thể khẳng định công chúng đang có nhu cầu cao đối với các chương trình giải trí chất lượng.
Tuy nhiên, để có được thành công ấn tượng này, không thể không nhắc đến sự đầu tư bài bản từ các doanh nghiệp vào ngành công nghiệp biểu diễn. Mỗi show diễn không chỉ là màn trình diễn của nghệ sĩ trên sân khấu, mà là kết quả của một quá trình chuẩn bị công phu, với sự tham gia của hàng trăm nhân sự, từ đội ngũ trang điểm, phục trang, đạo cụ đến các vũ công, biên đạo, đạo diễn sân khấu, ánh sáng và các chuyên gia sản xuất âm nhạc. Một concert thành công không chỉ là sự tỏa sáng của các nghệ sĩ, mà còn là công sức của cả một đội ngũ đằng sau hậu trường.
Thách thức và cơ hội trước “cửa ngõ” hội nhập
Dù những thành công này là bước khởi đầu đầy hứa hẹn, nhưng chúng mới chỉ là những lời chào đầu tiên của hành trình dài phía trước. Để có thể đạt được sự phát triển bền vững trong thị trường quốc nội – trên “sân nhà”, trước khi nghĩ đến chuyện “ra ngõ” – mở rộng ra thế giới, ngành công nghiệp biểu diễn Việt Nam vẫn còn nhiều thử thách cần phải vượt qua.
Nhìn lại các concert đình đám như Anh trai say hi tại khu đô thị Vạn Phúc, Anh trai vượt ngàn chông gai ở công viên bờ sông Sài Gòn, hay Hội – Thuần – Hội tại The Global City, ta thấy rõ một điểm chung: các sự kiện này đều được tổ chức tại những khu đất rộng, tận dụng không gian mở và các khu phức hợp. Điều này phản ánh một vấn đề lớn trong ngành công nghiệp biểu diễn tại nước ta hiện nay: thiếu sự chủ động và đầu tư đúng mức vào các địa điểm tổ chức biểu diễn chuyên dụng.
Mặc dù trên thế giới, không ít các concert vẫn diễn ra ở sân vận động, nhưng tại Việt Nam, nhà hát hay sân khấu lớn chuyên biệt cho âm nhạc còn rất hạn chế. Vấn đề này đặt ra một thách thức lớn vì biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc, đòi hỏi cơ sở vật chất chuyên biệt và chất lượng cao để đáp ứng các yêu cầu khắt khe về âm thanh, ánh sáng, sân khấu.
Bài toán nằm ở chỗ chúng ta cần đầu tư vào những công trình có thể phục vụ cho các sự kiện biểu diễn, với cơ sở vật chất phù hợp ngay từ đầu, thay vì phải biến những không gian đa năng thành sân khấu khi cần. Do đó, để thị trường biểu diễn Việt Nam thực sự phát triển bền vững và đạt chuẩn quốc tế, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng dành riêng cho biểu diễn là yếu tố then chốt.
Đương đầu với những thách thức không nhỏ, nhưng cơ hội để phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam lại chưa bao giờ rõ ràng và tiềm năng như hiện tại. Điều này được thể hiện rất rõ qua sự thành công của hai liveshow anh trai đình đám. Những chương trình này đã khẳng định được khả năng sáng tạo vượt trội và sự kết hợp giữa âm nhạc hiện đại và giá trị văn hóa truyền thống.
Việt Nam, với nền văn hóa lâu đời và kho tàng di sản phong phú, từ âm nhạc đến nghệ thuật dân tộc, chính là một nguồn cảm hứng vô tận cho sự sáng tạo. Chính yếu tố này mở ra cơ hội lớn để phát triển những sản phẩm văn hóa độc đáo, không chỉ làm phong phú thêm đời sống văn hóa trong nước mà còn thu hút sự chú ý của bạn bè quốc tế.
Một thuận lợi lớn nữa cho ngành công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam chính là thị trường tiêu thụ đang mở rộng và đầy hứa hẹn. Với dân số trẻ chiếm phần lớn trong cơ cấu dân số, nhu cầu về giải trí, nghệ thuật và các sản phẩm sáng tạo đang gia tăng mạnh mẽ. Thế hệ trẻ hiện nay không chỉ tiêu dùng các sản phẩm văn hóa nội địa mà còn rất cởi mở và sẵn sàng đón nhận các xu hướng nghệ thuật quốc tế, tạo ra một thị trường sôi động, đầy tiềm năng cho các nhà sản xuất, nghệ sĩ Việt Nam.
Bài: Hoàng Thúy Vân
Ảnh: Tổng hợp