Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm “lần đầu kể” về những phụ nữ Việt ngoan cường
“Với tôi, đã lâu lắm rồi mới lại thấy những hình mẫu phụ nữ Việt Nam “ngoan cường” như thế trong một bộ phim. Không quan trọng là giải đấu trong nước hay quốc tế, trên sân bóng nhỏ hay lớn, quan trọng là khí chất và sự kiên cường, không bỏ cuộc của họ. Tôi luôn nói với ê-kíp rằng đây không phải là bộ phim về thể thao, nó chỉ mượn thể thao để nói về tình cảm, về khí chất và tinh thần đoàn kết của một đội bóng đá nữ Việt Nam” – đạo diễn Nguyễn Thị Thắm.
Mười năm kể từ bộ phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, chị mới trở lại với một bộ phim tài liệu chiếu rạp khác về đội bóng đá nữ Việt Nam và tự tin đặt nhan đề “Chuyện lần đầu kể”. Có điều gì mới để kể về một đội bóng đá nữ nữa khi tên tuổi của họ đã vang danh rồi?
Lúc dự án này mới khởi động, phía sản xuất tiếp cận rất nhiều lần nhưng tôi đều từ chối vì thấy thông tin đội bóng quá phổ biến rồi. Hơn nữa, phong cách làm việc của tôi khá tự do và ngẫu hứng, trong khi muốn làm phim về đội tuyển bóng đá thì phải tuân thủ lịch trình tập luyện và thi đấu rất nghiêm khắc của họ. Nhưng sau nhiều lần được đơn vị sản xuất thuyết phục và bắt tay vào làm đường dây kịch bản cùng hai biên kịch nữa, tôi thấy được điểm chạm đầu tiên và quyết định nhận lời làm dự án này.
Giai đoạn đó, đội tuyển bóng đá nữ đã đạt được tấm vé đi thi đấu vòng chung kết FIFA Women’s World Cup 2023 nên thông tin về đội tuyển hay từng cầu thủ đã bao trùm khắp các mặt báo và truyền hình. Đây là một thách thức không hề nhỏ để tìm ra những chuyện chưa được kể. Nhưng khi triển khai, tôi biết ngôn ngữ của điện ảnh và ngôn ngữ của báo chí hoàn toàn khác nhau. Đầu tiên, tôi phải bao quát được hành trình của bóng đá nữ Việt Nam trong suốt 30 năm và tìm ra cấu trúc kịch tính của một bộ phim. Sau đó, phải tìm ra được câu chuyện truyền cảm hứng ở mỗi cầu thủ. Mỗi nhân vật đều có một câu chuyện đại diện cho một điều gì đó để khi vào đội tuyển, họ tạo thành một sức mạnh tập thể.
Bản thân tôi cũng lần đầu đạo diễn một bộ phim tài liệu mà định hướng ngay từ đầu là chiếu rạp nên phải chuẩn bị tâm thế như làm phim lần đầu tiên, phải xóa bỏ những gì mình đã làm trước đó. Vì đây là một bộ phim đặt hàng nên mình cũng phải từ bỏ cái tôi khi làm một bộ phim tài liệu độc lập như Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng.
“Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” gây ấn tượng với khán giả nhờ những thước phim chân thực khi chị rong ruổi cùng đoàn lô tô hội chợ nhiều tháng trời. Với “Bóng đá nữ Việt Nam: Chuyện lần đầu kể”, thời gian tiếp cận với đội bóng ít hơn nhiều, điều gì giúp chị xác lập được phong cách kể chuyện của mình?
Điều quan trọng đầu tiên với tôi khi tiếp cận đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam là phải cảm nhận được cái nhịp của họ khi tập luyện hay thi đấu. Họ chạy trên sân bóng thế nào thì mình chạy theo thế ấy. Từ nhịp điệu ấy sẽ tìm ra tiết tấu. Cách làm phim của tôi ở bộ phim này là “chúng ta đang cùng nhau”. Nhiều khi tôi chạy theo đội tuyển trong sân khi họ đang tập huấn ở Đức không chỉ để quay đâu, mà còn đồng hành cùng họ để thấu hiểu được cảm giác bên trong họ. Vậy nên họ chạy bao nhiêu vòng sân thì tôi chạy theo bấy nhiêu vòng sân. Tôi cầm một máy, quay phim chính cầm một máy chạy theo cầu thủ để họ hiểu được cách làm việc của mình và tạo ra sự hứng thú cho họ.
Khi tìm ra được cái nhịp của bộ phim rồi, tôi vẫn chưa biết phim sẽ đi theo hướng như thế nào nên chỉ bám theo các nhân vật thôi. Chúng tôi sẽ phân chia máy ra. Máy quay của tôi sẽ “bao” nội dung, DOP (đạo diễn hình ảnh) sẽ quay những hình ảnh đẹp. Theo thời gian, chúng tôi hòa nhịp dần để cùng nhau tạo nên những phân đoạn. Tôi luôn nói với DOP là “em phải yêu nhân vật như yêu bạn gái của em vậy” vì họ là cầu thủ bóng đá nhưng đồng thời cũng là phụ nữ. Tôi muốn hình ảnh họ xuất hiện trên phim phải là những người phụ nữ, và tính nữ phải có trong từng khung hình.
Càng tiếp cận với các cầu thủ nữ, tôi càng thấy thích và muốn được khám phá một góc nhìn mới về họ. Tôi bị kích thích bởi một bộ phim mà cấu trúc hiện ra trước mắt mình, và dần dần được kích thích bởi câu chuyện của từng cá nhân. Cảm xúc đấy đến một cách tự nhiên, như kiểu một lần gặp là muốn ôm họ như những người bạn thân của mình vậy.
Tất nhiên, muốn làm phim hay thì phải có sự kết nối cảm xúc với nhân vật của mình. Dù vậy, trong các dự án trước, như phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, để thương chị Phụng hay các thành viên trong đoàn hội chợ lô tô, tôi phải trải qua một thời gian khá lâu. Nhưng với đội tuyển nữ thì tình thương nhân vật của tôi đến nhanh hơn. Tôi luôn bảo ê-kíp của mình rằng, một là phải đứng ngang với các cầu thủ, hai là góc máy phải thấp xuống, không được quay từ trên xuống. Phải biết trân trọng và tôn vinh các cầu thủ từ cách quay đến chuyển động máy, để làm nổi bật được vẻ đẹp và tính nữ của họ. Ngay cả với người dựng phim cũng vậy, tôi cũng nói phải yêu những nhân vật này và phải giữ được tinh thần ấy xuyên suốt. Cho dù quá trình làm bộ phim này rất vất vả nhưng tôi không bao giờ để mình bị “tuột mood” và khi bộ phim hoàn thành, tôi có cảm giác mình và các cầu thủ bóng đá nữ như “soulmate” của nhau vậy.
Trong giai đoạn dựng, hầu như tôi đóng hết các mối quan hệ bên ngoài và dành toàn bộ thời gian ở phòng dựng. Tôi có cảm giác mình đang ở trong một “cuộc tình” mà nó đã cho mình đầy đủ cảm xúc rồi.
Điều gì ở các nữ cầu thủ bóng đá khiến chị có một sự kết nối cảm xúc mạnh mẽ như vậy?
Đây là một bộ phim tập thể nên điều quan trọng nhất mà tôi xây dựng là sức mạnh của cả đội tuyển chứ không quá tập trung vào một cá nhân nào. Tất nhiên, tập thể ấy được xây dựng nên bởi những thành viên đội tuyển khác nhau. Rất nhiều khoảnh khắc trong quá trình phỏng vấn khiến tôi muốn khóc vì xúc động.
Người tôi phỏng vấn đầu tiên là Huỳnh Như lúc cô chuẩn bị bay đi Bồ Đào Nha để thi đấu. Ngay 10 phút đầu tiên, tôi đã bị bất ngờ bởi câu chuyện cảm xúc của cô. Huỳnh Như kể, lúc chuẩn bị lên Thành phố Hồ Chí Minh để được chọn vào đội tuyển, trong thời gian chờ đợi ở Trà Vinh, chiều nào cô cũng ra bờ đê để nhìn đàn cò trên cánh đồng và thầm nguyện ước rằng đôi cánh của đàn cò sẽ đưa cô lên thành phố để được vào đội tuyển. Chính khoảnh khắc ấy đã khiến tôi cảm động và thấy nhân vật của mình có tâm hồn rất thuần khiết.
Không chỉ Huỳnh Như, mỗi nhân vật trong đội tuyển mà tôi phỏng vấn sau đó cũng đều mang đến những khoảnh khắc rất hồn nhiên và trong sáng như thế. Với tôi, bên cạnh việc đảm bảo nội dung cho phim thì điều quan trọng hơn là họ biểu đạt điều đó như thế nào. Thế mạnh và kỹ năng của tôi trong phim tài liệu là phỏng vấn, đơn giản vì tôi luôn xem đó như một cuộc chơi vậy. Chơi đến khi nào giữa người hỏi và người được phỏng vấn đủ đầy cảm xúc và cởi mở hoàn toàn với nhau là lúc tôi tìm ra chi tiết đắt giá.
Đôi khi, chỉ cần một vài khoảnh khắc như vậy là đủ định hình bộ phim. Thời gian tôi tiếp cận với đội tuyển chỉ có 2 tuần và quan trọng nhất là phỏng vấn. Tư liệu có thể mua được từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng quan trọng vẫn phải có đường dẫn. Tất cả sức mạnh và nội lực tôi tập trung vào phỏng vấn, bởi những câu chuyện “lần đầu kể” đều nằm ở đó. Mỗi khi đưa được nhân vật trở về đúng là họ, tôi có cảm giác sung sướng và phấn khích tột độ vì biết mình đã có phim trong tay rồi, chỉ cần kết nối với các nguồn tư liệu và cắt dựng thành một bộ phim liền mạch thôi.
Khi bắt tay làm bộ phim này, dù đã có nhiều kinh nghiệm nhưng tôi vẫn bị bất ngờ bởi vô vàn khó khăn, nhất là không xin được visa để sang New Zealand quay đội tuyển thi đấu World Cup, nhưng đôi khi tái ông lại thất mã, cái mình mất lại là cái mình được. Tôi được xoay chuyển trong sáng tạo của mình để tìm ra những câu chuyện lần đầu tiên được kể về đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam.
Cuối cùng, kể về một đội tuyển bóng đá nữ trong suốt hành trình 30 năm và gói gọn trong một bộ phim tài liệu 75 phút không cho phép mình đi quá sâu về một nhân vật, nhưng tôi tin bất cứ ai trong số họ cũng được nhớ đến sau khi khán giả xem xong bộ phim này.
Và khoảnh khắc nào khiến chị xúc động nhất khi làm bộ phim này?
Một trong những khoảnh khắc khiến tôi xúc động nhất, thậm chí rớt nước mắt là trận đấu đầu tiên của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam với đội tuyển Mỹ. Trận đó tôi set-up một ê-kíp ngoài Hà Nội quay và trong TP.HCM, tôi quay ở nhà gia đình cầu thủ Chương Thị Kiều. Khi trận đấu bắt đầu và bản quốc ca của Việt Nam vang lên, thực sự chưa bao giờ trong đời tôi có cảm giác xúc động như vậy. Tôi nhìn thấy cảm xúc trên gương mặt của từng cầu thủ khi máy quay lướt qua gương mặt họ, khi họ đặt tay lên ngực và cất tiếng hát quốc ca với lòng tự hào. Và tôi biết chắc đó là khoảnh khắc đáng giá trong phim.
Với tôi, đã lâu lắm rồi mới lại thấy những hình mẫu phụ nữ Việt Nam “ngoan cường” như thế trong một bộ phim. Không quan trọng là giải đấu trong nước hay quốc tế, trên sân bóng nhỏ hay lớn, quan trọng là khí chất và sự kiên cường, không bỏ cuộc của họ, cho dù phải thi đấu với những đội tuyển vượt trội hơn họ về thể lực và kỹ thuật. Tôi luôn nói với ê-kíp rằng đây không phải là bộ phim về thể thao, nó chỉ mượn thể thao để nói về tình cảm, về khí chất và tinh thần đoàn kết của một đội bóng nữ Việt Nam.
Nhiếp ảnh: An Bảo
Ý tưởng: Dương Đức Tiến
Sản xuất: Tô Thanh Liêm
Stylist: Chris Vu
Trang điểm: Trương Đan
Làm tóc: Nam Nguyễn
Bài: Lê Hồng Lâm