Hơn 10 năm trước, cuộc sống của Amanda Nguyễn, cô sinh viên năm cuối tại đại học Harvard với khao khát trở thành phi hành gia, đã bị đảo lộn khi cô trở thành nạn nhân của tấn công tình dục. Đó là lúc cô nhận ra sự phi lý và bất công của pháp luật đối với những người sống sót sau những tấn công như vậy. Đứng giữa lựa chọn theo đuổi ước mơ khám phá vũ trụ và theo đuổi công lý, cô đã chọn theo đuổi công lý. Như một hiệp sĩ đơn độc chống lại cỗ máy xay gió, Amanda cùng cộng đồng thuộc tổ chức RISE do cô sáng lập đã tạo ra lịch sử khi dự luật Quyền của người sống sót sau tấn công tình dục đã được quốc hội Mỹ thông qua, và được tổng thống Obama ký ban hành vào năm 2016. Sáu năm sau, những nỗ lực của cô và đồng sự đã tiếp tục tạo ra bước tiến lịch sử khi Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết về quyền tiếp cận công lý của người sống sót sau tấn công tình dục.
Khi con đường đấu tranh công lý đã gặt hái thành công, Amanda lại trở về tiếp tục theo đuổi sự nghiệp của một phi hành gia. Một lần nữa, cô đã tạo nên lịch sử khi trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có cơ hội bay vào vũ trụ với tư cách Phi hành gia công dân của Space for Humanity. Giờ đây, Amanda sẽ có thêm một thành tựu mới với sự ra mắt của cuốn hồi ký mang tên Saving Five. May mắn thay, giữa những giờ rèn luyện căng thẳng cho chuyến bay vào vũ trụ sắp tới, Amanda đã dành cho ELLE một cuộc trò chuyện để chia sẻ về quá trình viết hồi ký và chuyến du hành về với ký ức nhiều đớn đau nhưng cũng đầy yêu thương.
Chào Amanda, chúc mừng cô sắp xuất bản cuốn hồi ký của mình! Tôi tò mò về tiêu đề của cuốn sách. “Saving Five” có nghĩa là gì?
Saving Five là chuyến du hành về ký ức, nơi cô bé 5 tuổi là tôi khi đó thật mong manh, yếu ớt. Để cứu cô bé ấy, tôi phải dấn thân vào những miền ký ức của cả thương tổn và chữa lành cùng tôi ở tuổi 15 và 22. Cuốn hồi ký là hành trình phục hồi của tôi, khi tôi quay về những khoảnh khắc đã đổi thay cuộc đời và dẫn lối tôi đến với ngày hôm nay.
Hành trình ấy mang cho cô nhiều sức mạnh, nhưng hẳn cũng đau đớn lắm phải không?
Phải, quay về ký ức là một hành trình xen lẫn những đau thương và chữa lành. Tôi đã học cách chăm sóc bản thân và thực hành lòng trắc ẩn. Tôi không chỉ hồi tưởng lại quá khứ của chính mình, mà còn cả lịch sử của gia đình và di sản văn hóa đã đưa tôi đến đây. Nhưng, bản thân việc viết cũng là sự thanh tẩy sâu sắc, như thể cuốn sách này là món quà tôi trao tặng cho chính tôi thuở nhỏ, cho đứa trẻ bên trong luôn cần phiên bản người lớn của chính nó dũng cảm đối mặt với những điều đã xảy ra.
Cuốn sách này khám phá những lãnh địa của đớn đau, những lãnh địa mà ai đã và đang chịu đựng cũng cần phải bước qua để có thể phục hồi. Tôi mong hồi ký của mình có thể mở ra một lối đi chữa lành cho nhiều thế hệ.
Cuộc chiến của cô cho quyền của những người sống sót sau tấn công tình dục được biết đến rộng rãi ở Việt Nam, và nhiều phụ nữ xem cô là người hùng. Tuy nhiên, hành trình đấu tranh ấy hẳn đã trải qua không ít chông gai?
Trước khi một cánh cửa mở ra, đã có hàng trăm cánh cửa đóng lại. Khi tôi tìm cách thông qua Đạo luật liên bang cho Quyền của người sống sót sau tấn công tình dục, tôi cảm thấy như đang đấu tranh với một pháo đài bất khả xâm phạm, đặc biệt là chính phủ liên bang Hoa Kỳ. Khi viết dự thảo luật, tôi đã phải đưa ra quyết định đau lòng là từ bỏ ước mơ trở thành phi hành gia để cống hiến cuộc đời mình cho việc này. Tôi đã chọn theo đuổi công lý. Trong suốt quá trình ấy, thậm chí có cả những người quyền lực đầy mình cũng nói với tôi rằng điều này không thể xảy ra đâu. Tôi bắt đầu tổ chức RISE 10 năm trước với nguồn lực tài chính hạn chế, không tài nguyên, không mối quan hệ. Nhưng, chúng tôi có hy vọng.
Với sự lạc quan mãnh liệt, chúng tôi tin rằng luật này sẽ được thông qua, sẽ trở thành hiện thực và cứu giúp hàng triệu người sống sót, không chỉ ở đất nước này mà trên khắp thế giới. Giờ đây, sau khi hơn 90 bộ luật được thông qua, chúng tôi đã chứng minh rằng sự kiên trì và lạc quan thực sự có sức mạnh và sẽ được đền đáp.
BÀI LIÊN QUAN
[ELLE Voice] Phụ nữ và dòng chảy dịu dàng
Cuối cùng, cô cũng đã có thời gian để trở lại với giấc mơ du hành vũ trụ từng bị gián đoạn. Cô đang trên đường trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ. Thật phấn khích quá! Cô có thể cho biết hành trình này đã bắt đầu như thế nào không?
Từ khi còn bé, vũ trụ đã luôn cuốn hút tôi. Ngay cả lúc này đây, mỗi ngày tôi vẫn thức dậy với câu hỏi: “Chúng ta đang ở đâu trong vũ trụ? Chúng ta sẽ làm gì với điều ấy?”. Vũ trụ khiến tôi vừa thấy mình lớn lao, mà cũng lại thật bé nhỏ.
Những vì sao đã đưa đường cho gia đình tôi tới Mỹ, chúng đóng vai trò rất lớn trong đời tôi. Tôi yêu thích khoa học từ nhỏ và sớm biết rằng mình sẽ theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực khám phá vũ trụ. Khi vào đại học, tôi đã theo chuyên ngành vật lý thiên văn và nghiên cứu chính trị và đang trong quá trình đào tạo trở thành phi hành gia. Tôi đã phục vụ tại NASA để theo đuổi con đường học tập và sự nghiệp trong lĩnh vực vũ trụ.
Tôi tạm gác ước mơ trở thành phi hành gia của mình để theo đuổi công lý. Nhưng, tôi luôn tin tưởng rằng tình yêu của mình dành cho vũ trụ sẽ tồn tại lâu hơn cuộc chiến giành công lý này. Tôi cũng có những người cố vấn thấu hiểu, như phi hành gia Leland Melvin, người đã khuyến khích tôi rằng “vũ trụ sẽ luôn ở đó, nó sẽ còn tồn tại kể cả sau khi cô chết, vậy nên hãy chiến đấu cho quyền của mình và cô luôn có thể quay lại để theo đuổi ước mơ”. Tôi luôn biết rằng tôi muốn quay lại. Việc cuối cùng cũng thực sự có thể theo đuổi ước mơ thời thơ ấu của mình có ý nghĩa lớn lao đối với tôi.
Trong vài năm gần đây, tôi đã trải qua các khóa huấn luyện nghiêm ngặt dành cho phi hành gia và tiếp tục nghiên cứu của mình tại Viện Quốc tế về Khoa học Hàng không Vũ trụ. Tôi vô cùng biết ơn tổ chức Space for Humanity, Blue Origin và những tổ chức khác đã cho tôi cơ hội bay vào vũ trụ vào năm tới, và tôi cũng vô cùng tự hào về điều đó.
Ước mơ đã thành hiện thực, có lẽ không phải chỉ với cô mà còn với rất nhiều cô gái trẻ khắp thế giới. Thế nhưng, phụ nữ còn rất ngần ngại khi dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu và khám phá vũ trụ. Là người trong nghề, cô nghĩ gì về cơ hội cho phụ nữ ở lĩnh vực này?
Tương lai cho phụ nữ trong ngành vũ trụ, khoa học và công nghệ rất tươi sáng đấy! Tôi thực sự rất biết ơn khi có cộng đồng các nữ phi hành gia đã nâng đỡ tôi, đã hỗ trợ nhau tới thời điểm này. Tôi tin rằng việc củng cố những cộng đồng như vậy là rất quan trọng để xây dựng tương lai cho giới nữ trong lĩnh vực này. Rào cản với phụ nữ trong khối ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) vẫn còn rất lớn. Chúng ta cần có nỗ lực, và cần dành nguồn lực để biến khoa học và công nghệ trở thành một lĩnh vực thực sự an toàn, trao quyền và dễ tiếp cận để phụ nữ và các cô gái có thể phát triển.
Tôi cũng tin rằng sự hiện diện của những phụ nữ như Amanda chính là một trong những sự cổ vũ lớn lao cho các cô gái trẻ để bước vào lĩnh vực STEM. Ngay cả hình ảnh cô mặc áo dài xuất hiện trong các sự kiện công nghệ cũng mang lại nhiều cảm hứng cho các cô gái trẻ người Việt. Vậy lý do cá nhân của cô khi chọn mặc áo dài thường xuyên là gì?
Tôi yêu thời trang và rất trân trọng sức mạnh xã hội mà trang phục có thể mang lại. Tôi chọn mặc áo dài là để thể hiện sự kính trọng đối với di sản văn hóa của mình. Tôi – dù ở đâu – cũng mang theo di sản và gốc gác của người Việt Nam.
Trong quá trình viết hồi ký, đầu năm nay tôi đã du hành khắp Việt Nam. Tôi ghé thăm quê nhà của gia đình tôi ở Bạc Liêu, rồi lại tới thăm những ngọn núi của Sa Pa. Tôi gặp những người bà con họ hàng mà tôi chưa từng gặp trước đây, kết nối lại và hiểu biết sâu sắc hơn về di sản của mình. Tôi muốn tìm hiểu về con người thật sự của mình, cội nguồn của tôi là gì và gia đình tôi lớn lên ra sao.
Nhà của tôi ở Mỹ, nhưng tôi nghĩ rất nhiều về di sản mà tôi đang xây dựng với cội nguồn Việt Nam. Tôi không bao giờ muốn đánh mất sợi dây gắn kết thiêng liêng ấy – điều được truyền lại cho tôi qua những vất vả và yêu thương. Việc mặc áo dài ở những nơi đặc biệt, nhất là nơi các quyết định quan trọng được đưa ra, giúp tôi tôn vinh di sản đó.
Sau tất cả những hành trình đầy trắc trở và yêu thương của cuộc đời mình, cô cảm thấy tự hào về điều gì nhất ở bản thân? Và điều cô muốn nhắn nhủ cho những người phụ nữ cũng đang phải vượt qua muôn vàn trắc trở để đến được nơi họ muốn là gì?
Tôi tự hào rằng mình chưa bao giờ mất hy vọng. Tôi tự hào về bản thân và cộng đồng của mình vì đã giúp thông qua 90 điều luật và một Nghị quyết của Liên Hợp Quốc bảo vệ những người sống sót sau bạo lực tình dục trên toàn thế giới. Tôi tự hào về tôi khi 5 tuổi, 15 tuổi và 22 tuổi – dù đau đớn, nhưng chưa bao giờ ngừng mơ ước.
Vậy nên, tôi muốn gửi một lời nhắn tới những người phụ nữ phi thường là đừng bao giờ mất hy vọng. Hy vọng là nguồn tài nguyên không bao giờ khô cạn và sẽ luôn có thể tái tạo. Ngay cả khi cuộc sống như đang chắn lối con đường đi tới ước mơ của bạn, bạn có sức mạnh và quyền để theo đuổi, đạt được, tạo ra sự thay đổi trong vũ trụ này và hơn thế nữa.
Cảm ơn những chia sẻ đầy ý nghĩa của Amanda.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Huyên
Minh họa: Thanh Ngân