Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

Tắm nước lạnh: Liệu pháp thủy liệu giải quyết vấn đề căng cơ, cải thiện tâm trạng

Tắm nước lạnh mang lại nhiều lợi ích như tăng endorphin giúp cải thiện tâm trạng, đánh thức cơ thể mệt mỏi, tăng cường lưu thông máu, tăng tuần hoàn…

Vốn nằm trong khu vực xích đạo nên khí hậu Việt Nam thường nóng quanh năm, đặc biệt ở khu vực miền Trung và Nam Bộ. Chính vì thế, người Việt thường có sở thích tắm nước lạnh để làm mát cơ thể và đem lại cảm giác dễ chịu. Đặc biệt, nhiều người có thói quen tắm nước lạnh vào buổi sáng để đánh thức cơ thể và nước ấm vào buổi chiều tối để đem lại cảm giác thư giãn. Tắm nước lạnh – chính xác hơn là liệu pháp lạnh – được các nhà khoa học dùng trong trị liệu cho nhiều vấn đề.

“Tắm nước lạnh là cách thuận tiện cho những người chỉ luyện tập vào cuối tuần, vận động viên nghiệp dư hoặc bất kỳ ai thích tập luyện dục có thể tận hưởng một số lợi ích của liệu pháp lạnh sau buổi tập luyện” – Tiến sĩ Sharon Hame, bác sĩ chỉnh hình của bệnh viện UCLA Health.

Liệu pháp lạnh là gì?

Liệu pháp lạnh – hay còn gọi là liệu pháp đông lạnh (Cryotherapy) – sử dụng phương pháp tiếp xúc với nhiệt độ lạnh để làm mát các mô của cơ thể nhằm điều trị các vấn đề về cơ. Một số cách thường thấy khi ứng dụng liệu pháp lạnh là: tắm nước lạnh, xịt lạnh, ngâm nước lạnh, tắm nước đá, đắp đá cục bộ lên nhóm cơ cần điều trị và đơn giản nhất là tắm nước lạnh.

Tắm nước lạnh dưới vòi sen
Ảnh: Laura Marques.

Những lợi ích của việc tắm nước lạnh

Trong khái niệm thường thấy của người Việt Nam, tắm nước lạnh ám chỉ nước có nhiệt độ mát – khoảng từ 30 đến 33 độ C. Tuy nhiên, theo đúng định nghĩa chuyên khoa thì tắm nước lạnh sẽ có nhiệt độ khoảng 15 độ C. Và khi tắm ở nhiệt độ 15 độ C, bạn sẽ có những lợi ích như:

Tắm nước lạnh giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể

Tắm trong nước có nhiệt độ thấp thường xuyên giúp rèn luyện để cơ thể phòng chống được các cơn cảm lạnh thông thường. Bác sĩ Nội khoa Majdoline Jayoushe tại Bệnh viện The Mount Sinai (New York, Mỹ) cho biết: Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người đi bơi nước lạnh được phát hiện có lượng bạch cầu tăng đáng kể. Điều này đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch thích nghi với các căng thẳng môi trường. Đồng thời, tắm nước lạnh giảm 40% tình trạng nhiễm trùng đường hô hô hấp.

Tắm nước lạnh dưới vòi sen
Ảnh: skynesher/E+/Getty Images.

Ngoài việc tắm nước lạnh xuyên suốt, bạn cũng có thể thử áp dụng phương pháp tắm nước ấm nóng ban đầu và kết thúc bằng nước lạnh. Việc thay đổi nhiệt độ nước đột ngột sẽ tạo ra cú sốc kích thích các tế bào chống lại nhiễm trùng (bạch cầu) và bảo vệ bạn khỏi một số loại virus. Trong một nghiên cứu tại Hà Lan, phát hiện rằng người áp dụng phương pháp chuyển từ nước ấm nóng sang nước lạnh trong 30, 60 hoặc 90 giây trong 90 ngày đã có số lượng ngày xin nghỉ ốm ít hơn 29% so với nhóm đối tượng không thực hiện.

Tăng lượng endorphin, cải thiện tâm trạng và giảm triệu chứng trầm cảm

Tắm mình trong nước có nhiệt độ thấp được xem như liệu pháp sốc điện nhẹ nhàng. Cụ thể là, cơ thể phản ứng với nước lạnh và tạo ra nhiều xung điện đến não. Những xung điện này giúp bạn tỉnh táo, minh mẫn, cảm thấy năng lượng hơn và tăng lượng Endorphin. Endorphin được ví như hormone hạnh phúc. Khi Endorphin tăng bạn sẽ cảm thấy lạc quan, yêu đời và nhờ thế mà khỏe mạnh hơn.

Chính nhờ cơ chế như thế, các bác sĩ và các nhà tâm thần học đã cho bệnh nhân bị trầm cảm thực hiện liệu pháp thủy trị liệu. Các bệnh nhân sẽ được tắm trong nước lạnh tối đa 5 phút, từ 2 đến 3 lần mỗi tuần. Kết quả quan sát cũng như những thử nghiệm lâm sàng cho thấy, các triệu chứng trầm cảm giảm hẳn.

Tăng cường quá trình trao đổi chất để giảm cân

Theo cơ chế tự nhiên, cơ thể sẽ tiêu hao năng lượng nhiều hơn để giữ ấm. Nhờ vậy, tắm bằng nước lạnh sẽ giúp tiêu hao lượng nhỏ calo để giúp bạn giảm cân và tăng cường trao đổi chất. Bên cạnh đó, tắm nước lạnh sẽ kích hoạt cơ thể sản sinh nhiều mỡ nâu. Mỡ nâu giúp đóng góp nhiều đối với sức khỏe, đồng thời cản trở sự hình thành và phát triển của mỡ trắng. Mỡ trắng quá nhiều là nguyên nhân dẫn đến các bệnh béo phì, tim mạch.

ngâm bồn đọc sách
Ảnh: Up Circle Beauty.

Hiển nhiên, người đã mắc bệnh béo phì sẽ không nhận thấy sự cải thiện đáng kể nếu chỉ làm sạch cơ thể bằng nước lạnh mà không thực hiện nghiêm ngặt chế độ ăn uống, tập luyện. Tuy nhiên, tắm lạnh từ 2 đến 3 lần/ tuần giúp tăng cường trao đổi chất và nhờ thế chống lại bệnh béo phì. Một vài nghiên cứu cho thấy, ngâm mình trong nước lạnh giúp cân bằng nồng độ hormone nhất định và chữa lành hệ tiêu hóa. Điều này cũng đóng góp trong quá trình giảm cân và giữ dáng.

Ngâm mình trong nước đá lạnh để giảm đau do viêm cơ

Các vận động viên thể thao tập luyện ở cường độ cao thường ngâm mình trong nước đá lạnh. Mục đích của việc này là dùng sức lạnh của đá viên để giảm đau, giảm các chứng viêm cơ. Tuy nhiên, việc thực hiện này cần có sự giám sát và chỉ định của chuyên gia. Bởi lẽ, thời gian trong ngâm trong đá lạnh cũng như nhiệt độ của nước cần được cân chỉnh phù hợp với thể trạng và mục đích. Nếu không, hiện tượng sốc nhiệt hoặc cảm lạnh do tắm nước quá lạnh có thể xảy ra.

Ngâm người trong nước đá lạnh
Ảnh: Michele Ursi/Adobe Stock.

Nếu có dấu hiệu viêm cơ do các bài tập thể thao cường độ mạnh, bạn có thể áp dụng phương pháp chườm lạnh thay vì ngâm mình trong nước đá lạnh. Chườm lạnh sẽ an toàn hơn và tác động cụ thể – trực tiếp vào vùng cần trị liệu.

Mặc dù tắm trong nước có nhiệt độ thấp mang lại nhiều lợi ích, nhưng nguồn nước máy của chúng ta chỉ nhiệt độ ở khoảng 30 đến 33 độ. Thế nên, bạn có thể sử dụng vài viên đá lạnh để hạ nhiệt độ nước để trải nghiệm việc tắm nước lạnh. Tuy nhiên, hãy làm ướt bằng nước mát để cơ thể dần làm quen với nhiệt độ sau đó hẳn hạ dần nhiệt độ nước. Điều này giúp bạn và cơ thể tránh tình trạng sốc nhiệt và một số tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Nếu có vấn đề về bệnh lý hoặc có bệnh nền, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ và chuyên gia cũng như cần có sự theo dõi khi phải tắm nước quá lạnh.

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Aaron Nguyen. 

Ảnh: Tổng hợp. 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)