Tokyo luôn là một “siêu đô thị” đặc biệt đối với tôi, nơi ôm trọn trong mình cái cũ và mới, quy củ và phá cách, nhưng không hề tự mâu thuẫn. Tokyo không ngừng thay đổi, luôn khiến người ta bất ngờ bởi nhịp sống sôi động, sự đa dạng văn hóa và công nghệ. Có rất nhiều khu vực mời gọi tôi quay lại ở Tokyo, nhưng đứng đầu danh sách đó chắc chắn là Odaiba. Tại sao ư? Đơn giản thôi, vì không ai có thể khám phá hết Odaiba chỉ trong một chuyến viếng thăm ngắn ngủi. Mỗi điểm đến ở Odaiba đều đáng trải nghiệm theo một cách riêng, phù hợp với nhiều nhu cầu du lịch khác nhau.
Khi lập lịch trình chuyến đi, tôi không có nhiều thông tin về Odaiba. Dựa vào các bài chia sẻ trải nghiệm trên internet, tôi biết rằng nơi đây được ngầm hiểu như “thành phố đổi mới sáng tạo” của Tokyo, và chỉ thế là đủ để một gia đình yêu công nghệ xếp lịch. Chúng tôi đến với Odaiba khá ngẫu hứng, không có kế hoạch chi tiết nào ngoài việc ghé thăm vài địa điểm nổi tiếng. Trong đó có Miraikan, viện bảo tàng đã khiến tôi chú ý ngay từ cái tên – Miraikan (Vị Lai Quán), nghĩa là “Bảo Tàng Tương Lai”.
Nghĩ lại, tôi thấy cái ngẫu hứng ấy vừa thú vị vừa đáng tiếc. Có những khoảnh khắc tôi đắm chìm trong các khám phá bất ngờ, nhưng cũng có những lúc tôi phải tặc lưỡi vì đã không tìm hiểu kĩ hơn trước khi đi. Còn nhiều điều ở Odaiba tôi chưa kịp tham quan đầy đủ. Vì vậy, bài viết này không chỉ là trải nghiệm thực tế mà cũng là “tài liệu nghiên cứu” của tôi về Odaiba nói chung, Miraikan nói riêng để dành cho lần ghé thăm sau. Qua đây, tôi cũng mong giúp các bạn độc giả có thêm thông tin cho chuyến đi của mình.
Odaiba – Nhân cách sáng tạo của Nhật Bản
Đảo nhân tạo Odaiba có vị trí chiến lược, nằm trong vịnh Tokyo, gần các khu trung tâm chính trị và văn hóa như Chūō, Shibuya hay Minota. Chỉ mất trung bình 20-30 phút để di chuyển bằng đa dạng các loại phương tiện tới Odaiba từ những địa điểm vừa nêu. Hai cách thức di chuyển được du khách ưa chuộng nhất là đi tàu Yurikamome tự động không người lái, băng ngang qua cầu Rainbow với tầm nhìn bao quát ra vịnh Tokyo; hoặc đi tàu ngầm tuyến Rinkai, thuận tiện cho những người xuất phát từ các ga lớn như Shinjuku hoặc Shibuya. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn phương án tiết kiệm là đi xe bus đường bộ hoặc độc đáo hơn là đi Tokyo Water Bus, tuyến tàu bus đường thủy kết nối từ Asakusa hay Hinode Pier đến công viên ven biển Odaiba.
Tên gọi “Odaiba” có nguồn gốc từ “daiba” (台場), nghĩa là “pháo đài”. Cụm công trình được xây dựng trên biển vào giữa thế kỷ 19 để bảo vệ Tokyo khỏi các cuộc tấn công từ tàu chiến phương Tây. Điều thú vị là dù có lịch sử như vậy, ngày nay, Odaiba lại là một khu vực có tính “mở” rất cao. Từ cuối thế kỷ 20, chính phủ Nhật Bản quyết định khởi động quá trình cải tạo đất, mở rộng quy mô đô thị để biến nơi đây thành một trung tâm thương mại và giải trí. Khác với các thành phố vệ tinh hay khu dân cư ngoại ô lâu đời của Tokyo, Odaiba là đại diện tiêu biểu cho quá trình hiện đại hóa quốc gia. Một vùng đất được quy hoạch thông minh, có cảnh quan kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và đô thị. Nhiều công trình kiến trúc quy mô lớn của Nhật Bản đang tọa lạc tại Odaiba như cầu treo Rainbow, trung tâm hội nghị – triển lãm Tokyo Big Sight, trụ sở Fuji Television… và các khu mua sắm khổng lồ như DiverCity Tokyo Plaza hay Aqua City. Odaiba là thiên đường cho những thể nghiệm độc đáo, như picnic trên bãi biển nhân tạo (Odaiba Seaside Park) và ngắm nhìn tượng Nữ thần Tự do phiên bản Nhật.
Vì Nhật Bản đã có nhiều khu vực khác tập trung vào lịch sử và văn hóa truyền thống, tôi nghĩ về Odaiba như một “nhân cách sáng tạo”. Từ thời kỳ phát triển ban đầu, Odaiba đã được định hình để trở thành một trung tâm ứng dụng công nghệ tiên tiến, được gọi là “thành phố tương lai” của Tokyo. Trong số những điểm đến thể hiện tính chất “vị lai” ấy, bảo tàng Miraikan là nơi đã để lại cho tôi nhiều suy ngẫm nhất. Tôi sẽ dành toàn bộ phần sau đây để chia sẻ về những trải nghiệm khó quên tại viện bảo tàng này.
Miraikan – Cửa sổ nhìn vào tương lai
Miraikan, tên đầy đủ là Bảo tàng Khoa học và Đổi mới Quốc gia Nhật Bản (The National Museum of Emerging Science and Innovation) được xây dựng tại Odaiba vào năm 2001, khi nơi này vẫn còn là một bãi đất hoang sơ, mênh mông. Yếu tố tiên phong khiến Miraikan trở thành một trong những biểu tượng đầu tiên và nổi bật nhất của Odaiba. Bảo tàng ra đời với mục tiêu thúc đẩy sự hiểu biết và thảo luận về những tiến bộ khoa học – công nghệ đang diễn ra trên toàn cầu. Các chủ đề chính của bảo tàng bao gồm khoa học vũ trụ, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và biến đổi khí hậu. Đúng như cái tên, Miraikan không gợi nhắc nhiều đến quá khứ như các bảo tàng truyền thống mà tập trung hơn vào hành trình từ hiện tại tiến tới tương lai. Ngay cả ở đất nước vốn nổi tiếng với các viện bảo tàng lớn như Nhật Bản, Miraikan vẫn là một trường hợp đặc biệt.
Hơn 20 năm hoạt động, Miraikan không ngừng mở rộng các triển lãm và sự kiện tương tác; mang đến cho khách tham quan những cơ hội trải nghiệm, suy ngẫm về tương lai của khoa học – công nghệ, cũng như hiểu được vai trò của khoa học trong cuộc sống hằng ngày. Điều này thấy được qua “phát ngôn viên khoa học” (science communicator) chính thức, cũng là đại diện của Miraikan trong suốt hai thập kỷ – robot Asimo. Từ 2002 – 2022, Asimo đã thực hiện hơn 15.000 buổi trình diễn phức tạp tại Miraikan, minh họa cho khả năng robot tương tác với con người và tiến bộ của lĩnh vực robot học Nhật Bản. Thật tiếc là vào thời điểm tôi ghé thăm, robot Asimo đã “tốt nghiệp” khỏi Miraikan và nhường chỗ cho các thế hệ robot tiên tiến hơn sau này.
Những điều trên tôi chỉ được biết trong và sau chuyến tham quan. Như đã chia sẻ, tôi không tìm hiểu sâu về viện bảo tàng này trước khi đến. Có lẽ vì vậy mà trong suốt 3 giờ đồng hồ khám phá, tôi đi từ hết bất ngờ này sang bất ngờ khác.
BÀI LIÊN QUAN
Nhật Bản trong những ngày Đông giá
Chúng ta là những người tạo ra hiện thực
Tòa nhà Miraikan nằm bên một vườn cây xanh mát và thoáng đãng, cách DiverCity Tokyo Plaza khoảng 10 phút đi bộ. Chúng tôi mua vé tại chỗ, giá cho người lớn vào ngày trong tuần là 630 JPY/người (khoảng 100.000 VND). Đây chính là bất ngờ đầu tiên với tôi, vì thật khó tin một bảo tàng có hoạt động tương tác công nghệ lại bán vé phải chăng đến vậy. Nếu bạn đi nhóm trên 8 người, vé thậm chí còn rẻ hơn (chỉ 500 JPY/người).
Bên trong viện bảo tàng, không gian mở được thiết kế thông tầng và đón sáng rất tốt, tạo cho khách tham quan cảm giác hứng khởi ngay lập tức. Và tâm trạng hứng khởi đó sẽ tăng cấp nhanh chóng khi bạn nhìn thấy mô hình Geo-Cosmos – quả cầu OLED khổng lồ treo lơ lửng, hiển thị hình ảnh thời gian thực của Trái đất từ vệ tinh. Được tạo thành từ 10.362 tấm OLED có độ phân giải cực cao, Geo-Cosmos mở ra một bức tranh sống động về ngôi nhà chung của chúng ta. Tôi có thể nhìn thấy những chuyển động của mây, dòng chảy đại dương, và các hiện tượng tự nhiên khác như thể đang quan sát từ vũ trụ. Không chỉ vậy, tôi còn có thể tương tác trực tiếp với Geo-Cosmos qua hệ thống Geo-Scope để khám phá các vấn đề môi trường, hệ sinh thái và khí hậu cụ thể. Cùng nhiều khách tham quan từ đa quốc gia đang lặng lẽ ngước nhìn, tôi nhận ra mình thật nhỏ bé; và nếu xem xét từ bình diện vũ trụ, chúng ta là “người một nhà” theo đúng nghĩa đen. Đây là một trong những điểm nhấn ấn tượng nhất của khu vực Discover Your Earth (Khám phá Trái đất của bạn), thuộc nhóm bốn triển lãm thường trực tại Miraikan.
Ba nhóm triển lãm thường trực còn lại gồm: Explore the Frontiers (Khám phá những biên giới mới), Create Your Future (Tạo dựng tương lai của bạn) và Dome Theater (Rạp chiếu phim hình vòm). Mỗi khu vực trong số này đều có tổ hợp hoạt động thưởng lãm và tương tác công nghệ thú vị, khó lòng chia sẻ hết trong khuôn khổ một bài viết. Ngoài ra, bảo tàng còn có các triển lãm ngắn hạn đặc biệt khác, chủ đề rất đa dạng và gần gũi với đời sống.
Chúng tôi đã dừng chân khá lâu ở khu vực Create Your Future, chủ yếu là vì bị chấn động bởi những vấn đề triển lãm khơi gợi. Tôi bất ngờ khi thấy những cánh bướm máy trong vườn cây tự nhiên, ở khu trưng bày The New Nature – Digitally Natural, nơi đặt giả định rằng ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo sẽ dần mờ nhạt. Tôi còn choáng váng hơn nữa ở khu trưng bày Even the Dust is Computing, khi biết tương lai công nghệ có thể tạo ra những máy tính siêu nhỏ, thậm chí chỉ mang kích cỡ hạt cát. Chứng kiến sự phát triển của công nghệ thực tế ảo (VR) và AI, khách tham quan khó mà không băn khoăn: “Liệu tương lai sẽ ra sao khi máy móc và tự nhiên nhập vào làm một để tạo ra một tự nhiên mới?”.
Ngay sau đó, chúng tôi hòa mình cùng nhóm các bạn nhỏ, kinh ngạc không khác gì đám trẻ trước khu vực trưng bày robot. Tôi được trải nghiệm về một thành phố tương lai nơi robot tham gia vào cuộc sống hằng ngày của con người. Thời điểm tôi ghé thăm, Miraikan đang trưng bày robot HANAMOFLOR, một robot điều dưỡng được nghiên cứu phát triển để hỗ trợ trong các nhà dưỡng lão tương lai. Kế bên là khu vực Park of Aging, nơi chúng tôi được tìm hiểu các kiến thức về quá trình lão hóa và những ứng dụng công nghệ hữu ích cho người cao tuổi. Nhớ lại khoảnh khắc này, tôi liên tưởng tới các siêu robot trong thế giới viễn tưởng Pluto của tác giả truyện tranh Naoki Urasawa. Có lẽ ngày mà robot và AI thật sự hòa nhập vào cuộc sống của chúng ta cũng không còn quá xa nữa. Làm thế nào để công nghệ là bạn đồng hành của con người thay vì kiểm soát con người?
Và chắc chắn không thể bỏ qua trải nghiệm Backward from the Future – Trở lại từ tương lai. Đây là một trò chơi tương tác, yêu cầu người tham gia tưởng tượng về Trái đất trong 50 năm tới. Câu chuyện bắt đầu từ một bức thư gửi về hiện tại của thế hệ tương lai, khi Trái đất đã không còn là nơi nương náu an toàn cho loài người. Chúng ta – tổ tiên của họ có trách nhiệm cùng nhau hành động khác đi để cứu lấy Trái đất từ hôm nay. Trò chơi dành cho mọi lứa tuổi, kêu gọi người tham gia suy ngẫm về việc mỗi lựa chọn cá nhân có thể tác động tới tương lai chung như thế nào.
Tựu trung, ghé thăm Miraikan cho tôi cảm giác hệt như khi xem phim Interstella hay The Martian. Một ngày nào đó trong tương lai viễn tưởng, nếu con người khiến Trái đất trở thành nơi không thể dung chứa mình nữa và chúng ta phải tìm đường bay vào vũ trụ? Khi nhìn về Trái đất, chúng ta sẽ nghĩ gì và cảm thấy gì? Con người thường cho rằng tương lai thuộc về thế hệ sau, nơi chốn ấy không liên quan mấy đến mình. Nhưng sự thật là mỗi chúng ta đều đang góp phần tạo ra hiện thực của tương lai đó.
Bài học cho người kể chuyện
Từ góc độ cá nhân, Miraikan đã truyền cảm hứng cho tôi không chỉ về khoa học mà cả nghệ thuật kể chuyện. Là một người sáng tạo nội dung, có lẽ vì thói quen nghề nghiệp, đi đến đâu tôi cũng để ý cách thiết kế không gian trải nghiệm và xây dựng nội dung truyền thông của nơi ấy. Riêng ở khía cạnh này, đội ngũ quản lý Miraikan đã khiến tôi thán phục.
Kể chuyện hay đã khó, kể chuyện khoa học hay lại càng khó. Những kiến thức khoa học cứng thường bị dán cho chiếc nhãn khó nhằn, kém hấp dẫn. Vậy nhưng Miraikan đã tháo gỡ bài toán này một cách xuất sắc. Nghệ thuật kể chuyện tại đây được triển khai ở biên độ rộng nhất và tinh xảo nhất, qua cả câu chữ, hình ảnh lẫn âm thanh. Từ quả địa cầu Geo-Cosmos không ngừng biến đổi, mô hình trạm ISS mô tả chân thực cuộc sống của các phi hành gia ngoài không gian, đến phòng chiếu phim hình vòm kể về sự kết nối giữa con người và vũ trụ. Miraikan cho khách tham quan thấy được khoa học không phải những lý thuyết phức tạp xa rời thực tế, mà chính là bản đồ cuộc sống đời thường của chúng ta.
Từ những năm 2000, vị giám đốc đầu tiên của Miraikan – Mohri Mamoru, một cựu phi hành gia Nhật Bản đã cam kết sẽ giúp khoa học và công nghệ trở nên dễ hiểu và thú vị với công chúng. Ông tin vào triết lý rằng khoa học là một phần của văn hóa xã hội và mọi người cần có không gian để thảo luận về tương lai của công nghệ.
Trên bảng thông tin triển lãm không phải các chú giải khô khan, mà là những gợi ý suy tư giàu chất văn chương. Tôi xin trích dẫn lời chào đã khiến tôi phải sững người ở ngay lối dẫn vào của bảo tàng:
“Thay vì đưa ra câu trả lời, các triển lãm tại Miraikan tập trung vào việc đặt câu hỏi. Bởi tương lai chính là một câu hỏi mà đáp án vẫn đang thay đổi.
Tại đây, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều câu hỏi. Trước hết, hãy chọn một câu hỏi khiến bạn hứng thú và muốn suy ngẫm. Sau đó, hãy tìm kiếm câu hỏi của riêng bạn, thử trả lời và biến câu trả lời đó thành hành động. Khi hiệp lại, những hành động cá nhân sẽ trở thành một sức mạnh có thể thay đổi cả tương lai.
Miraikan là nơi bạn có thể khám phá mối liên hệ giữa khoa học và tương lai, đồng thời chia sẻ ý tưởng của mình với những người khác.
Hãy đặt ra một câu hỏi và bắt đầu cuộc hành trình đến tương lai ngay từ hôm nay.
Nếu bạn cũng yêu thích khoa học – công nghệ và thường suy ngẫm về ngày mai”.
Bằng cách đặt câu hỏi, các triển lãm ở Miraikan không chỉ cung cấp thông tin đơn thuần, mà còn khơi dậy sự phản tư về tương lai của khoa học và xã hội. Các chủ đề như “con người sẽ sống thế nào khi trí tuệ nhân tạo phát triển vượt bậc?” hay “Làm sao chúng ta có thể tồn tại trên Trái đất khi đối mặt với khủng hoảng môi trường?” đều là những vấn đề lớn lao đòi hỏi khả năng suy luận và phán đoán từ người tham quan. Vậy nên, đây có thể là không gian vui chơi lành mạnh cho trẻ nhỏ, cũng là nơi suy ngẫm và thảo luận tuyệt vời cho người trưởng thành.
Gợi ý những điểm đến tương tự Miraikan tại Odaiba, dành cho người yêu khoa học – công nghệ và các trải nghiệm hiện đại độc đáo:
– Tokyo Joypolis: Công viên giải trí trong nhà với các trò chơi và trải nghiệm thực tế ảo
– Immersive Fort Tokyo: Không gian nghệ thuật số với các yếu tố khoa học viễn tưởng
– TeamLab Borderless: Bảo tàng nghệ thuật số nơi các tác phẩm nghệ thuật tương tác với người xem trong không gian 3D.
– Sony Explora: Bảo tàng khoa học và công nghệ thông qua các triển lãm trực quan và trải nghiệm thực tế do Tập đoàn Sony điều hành.
Nhóm thực hiện
Bài: Hải Âu
Hình ảnh: Hải Âu, Tư liệu