Trong cuộc sống, không phải lúc nào thành công đều sẽ đến với chúng ta ngay lập tức. Có những lúc bạn sẽ phải đối mặt với thất bại, trì trệ hay những trở ngại không lường trước dù bạn đã không ngừng nỗ lực và cố gắng. Những lúc này, sự kiên định sẽ là chìa khóa giúp bạn vượt qua những giai đoạn khó khăn đó. Khi bạn giữ vững quyết tâm và không dễ dàng từ bỏ, bạn sẽ có khả năng học hỏi từ mỗi thất bại, cải thiện bản thân và dần tiến về phía trước. Dưới đây là 6 mẹo giúp bạn giữ được sự kiên định để đạt được những mục tiêu mình đã ấp ủ từ lâu.
1. Đặt mục tiêu
Khi bạn đặt quá nhiều mục tiêu cùng lúc, bạn sẽ dễ cảm thấy choáng ngợp và khó có thể hoàn thành tất cả. Từ đó, bạn khó nhận thấy sự tiến bộ hay các kết quả tích cực, dễ dẫn đến cảm giác thất bại hoặc không đủ động lực để tiếp tục. Nếu bạn muốn đạt được ước mơ của mình, điều quan trọng bạn cần làm là xác định một mục tiêu rõ ràng và cụ thể. Khi bạn biết chính xác bản thân muốn gì, bạn sẽ dễ dàng lập kế hoạch và hành động hiệu quả hơn. Ví dụ, thay vì chỉ đặt mục tiêu chung chung như “cải thiện sức khỏe”, bạn có thể đặt mục tiêu cụ thể như “tập thể dục 3 lần mỗi tuần trong 2 tháng”. Những mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn tập trung vào những việc cần làm và loại bỏ những yếu tố không cần thiết, gây xao nhãng.
Ngược lại, nếu mục tiêu quá mơ hồ, bạn dễ trở nên mất phương hướng và khó duy trì động lực. Khi không có một kế hoạch cụ thể, bạn sẽ không biết phải bắt đầu từ đâu hoặc làm thế nào để tiến về phía trước. Một gợi ý bạn có thể áp dụng vào công việc và cuộc sống của mình là mô hình SMART (Specific – Measurable – Achievable – Relevant – Time-bound): Cụ thể – Đo lường được – Có thể đạt được – Liên quan – Thời hạn rõ ràng. Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là học một ngoại ngữ, bạn có thể đặt ra mục tiêu SMART như: “Học 30 phút mỗi ngày trong 6 tháng để đạt trình độ A2 tiếng Anh”. Sau đó, bạn nên bắt tay vào thực hiện ngay mà không nên chờ một khoảng thời gian vì càng lâu bạn sẽ không còn cảm thấy hứng thú hay động lực để hoàn thành.
BÀI LIÊN QUAN
2. Sắp xếp thứ tự công việc
Khi bạn cần giải quyết nhiều công việc cùng lúc, bạn dễ bị phân tán, dẫn đến việc khó hoàn thành công việc một cách hiệu quả. Bởi điều này đòi hỏi bạn phải chia nhỏ năng lượng và thời gian cho nhiều yếu tố cùng lúc, làm giảm chất lượng công việc và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng.
Để quản lý công việc hiệu quả, bạn nên chia kế hoạch thành các phần nhỏ và hoàn thành từng phần một. Một gợi ý hữu ích bạn có thể áp dụng là ma trận Eisenhower, được phát triển bởi cựu Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower, giúp bạn phân loại công việc theo mức độ “khẩn cấp” và “quan trọng”.
Cụ thể, bạn cần ưu tiên thực hiện ngay những công việc có mức độ khẩn cấp và ưu tiên hàng đầu ngay, còn những việc không quá quan trọng hay chưa quá gần hạn deadline có thể lên lịch làm sau. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng phương pháp ABCDE của Brian Tracy để phân cấp công việc. Phương pháp này yêu cầu bạn xếp loại các nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên từ A đến E, với A là công việc quan trọng nhất và E là công việc ít quan trọng nhất. Sau khi hoàn thành tất cả các nhiệm vụ nhóm A, bạn mới chuyển sang các nhiệm vụ nhóm B (quan trọng nhưng không khẩn cấp), tiếp đến nhóm C (có thể làm sau) và dần dần đến nhóm D và E.
Việc kiên định với nguyên tắc này giúp sẽ giúp bạn tránh bị xao nhãng bởi những công việc không quan trọng, đồng thời bảo đảm rằng các công việc ưu tiên cao được hoàn thành đúng hạn. Hơn nữa, hoàn thành từng nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên sẽ giúp bạn cảm thấy có tiến bộ rõ rệt, tạo động lực để bạn tiếp tục làm việc hiệu quả hơn trong tương lai.
3. Ghi chép quá trình làm việc
Trên hành trình theo đuổi ước mơ, nhiều người thường dễ dàng cảm thấy chán nản và mất động lực, từ bỏ mục tiêu đã đặt ra vì họ không cảm nhận được sự phát triển của bản thân và không thấy được đích đến cuối cùng của mục tiêu. Tuy nhiên, bạn có thể thay đổi tình trạng này bằng cách ghi lại tiến trình công việc sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ. Việc ghi chép sẽ giúp bạn nhìn lại những gì đã làm, đồng thời bạn có thể tự đánh giá bản thân đang ở vị trí nào trên con đường chinh phục mục tiêu và điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với thực tế.
Bên cạnh đó, thói quen ghi chép còn giúp bạn nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, nhìn thấy sự tiến bộ qua những thành công nhỏ bạn đạt được theo thời gian. Điều này củng cố tinh thần và giúp bạn không còn mông lung trên từng chặng đường học hỏi và trưởng thành. Nhờ vậy, bạn sẽ tự tin và kiên trì hơn, đồng thời tâm trí bạn sẽ giảm bớt áp lực và căng thẳng khi đối diện với những thách thức trong cuộc sống.
Xem thêm
•6 cảm giác bạn phải trải qua để đạt được thành công
•7 thói quen buổi sáng khiến bạn khó thành công
•6 cách giúp bạn nâng cao chỉ số EQ để thành công ở nơi làm việc
4. Hạn chế sự xao nhãng
Xao nhãng là trạng thái bị gián đoạn do các yếu tố bên ngoài như tiếng ồn, thông báo liên tục từ điện thoại… khiến bạn khó duy trì sự tập trung vào công việc. Khi gặp tình trạng này thường xuyên, bạn khó có thể hoàn thành công việc một cách nhanh chóng và chỉn chu vì không thể duy trì sự chú ý trong thời gian dài. Về lâu dài, bạn dễ dàng bỏ qua các công việc còn dang dở do không còn duy trì được hứng thú và năng lượng để làm điều đó.
Bên cạnh đó, xao nhãng không chỉ làm giảm năng suất làm việc mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển trí tuệ và tinh thần của bạn trong thời gian dài. Khi bị gián đoạn liên tục, não bộ phải làm việc nhiều hơn để xử lý thông tin, điều này làm tăng mức cortisol – hormone gây căng thẳng, từ đó ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận, xử lý và ghi nhớ thông tin.
Để khắc phục điều này, việc đầu tiên bạn nên làm là xây dựng một không gian làm việc đảm bảo yên tĩnh và đầy đủ các vật dụng cần thiết nhằm tránh bị phân tâm và hoàn thành công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả. Ngoài ra, bạn nên cố gắng tắt điện thoại hoặc tắt thông báo, hạn chế thời gian lướt mạng xã hội khi bắt đầu tập trung làm việc. Bạn có thể thử áp dụng kỹ thuật Pomodoro, một phương pháp giúp duy trì trạng thái tỉnh táo và tập trung trong công việc. Cụ thể, bạn sẽ làm việc liên tục trong 25 phút, sau đó nghỉ 5 phút để thư giãn và lặp lại chu trình này từ 3 đến 4 lần. Sau mỗi chu kỳ, bạn có thể nghỉ ngơi dài hơn từ 10 đến 30 phút để tái tạo năng lượng và chuẩn bị cho các phiên làm việc tiếp theo.
Mặt khác, để cải thiện khả năng tập trung và kích thích tư duy, bạn có thể duy trì thói quen rèn luyện thể chất, tập yoga, ngồi thiền, hoặc tham gia các hoạt động trí tuệ như học ngoại ngữ, học kỹ năng mới hoặc tham gia các buổi thảo luận và workshop. Những hoạt động này sẽ giúp tăng cường tính linh hoạt của não bộ, từ đó giúp bạn làm việc hiệu quả hơn và phát triển toàn diện hơn.
5. Quản lý thời gian
Để duy trì sự kiên định trong công việc và gặt hái thành công, bạn cần học cách quản lý thời gian hiệu quả để có thể xác định rõ thời lượng cần thiết cho từng nhiệm vụ và lập kế hoạch làm việc một cách logic, tránh lãng phí công sức vào những việc không quan trọng. Điều này không chỉ giúp bạn duy trì động lực bền bỉ mà còn giảm thiểu sự phân tâm và hạn chế tình trạng trì hoãn.
Quản lý thời gian tốt còn giúp bạn tránh cảm giác bị dồn ép hoặc quá tải. Khi các nhiệm vụ được phân chia rõ ràng, bạn sẽ không phải làm quá nhiều việc cùng lúc. Điều này mang lại sự thoải mái, giúp bạn giảm căng thẳng và áp lực, từ đó có thêm thời gian để làm những điều thực sự ý nghĩa với bản thân.
Mặt khác, để tối ưu hóa quy trình làm việc, bạn có thể ghi lại thời gian bắt đầu và kết thúc mỗi nhiệm vụ bằng cách sử dụng giấy, bảng tính, bảng chấm công hoặc các phần mềm hỗ trợ. Sau đó, bạn bắt đầu quá trình tự đánh giá để tìm ra nguyên nhân cản trở sự tập trung trong công việc và tìm cách khắc phục chúng. Áp dụng phương pháp này, bạn không chỉ có thể cải thiện hiệu suất công việc một cách hiệu quả, mà còn có thể tận hưởng khoảng nghỉ cần thiết để tái tạo năng lượng và duy trì sự tập trung lâu dài.
BÀI LIÊN QUAN
6. Kiên nhẫn và tha thứ cho những thất bại
Khi bạn bắt đầu hành trình rèn luyện tính kiên trì, có lẽ đối diện với khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Có những lúc bạn sẽ không đạt được mục tiêu đúng hạn hoặc gặp phải kết quả không như mong đợi. Tuy nhiên, bạn nên tự cho mình thời gian để thích nghi với thói quen mới và từng bước tìm ra phương pháp phù hợp nhất với bản thân.
Trong suốt quá trình này, bạn cần giữ vững ý chí và duy trì sự bình tĩnh để vượt qua thử thách. Những thất bại, dù lớn hay nhỏ, đều có thể trở thành cơ hội để bạn học hỏi, phát triển và định hình lại chính mình. Thay vì để những suy nghĩ tiêu cực lấn át, bạn nên học cách yêu thương và tha thứ cho bản thân. Điều này sẽ giúp bạn vượt qua cảm giác thất vọng và tái tạo năng lượng, lấy lại sự cân bằng trong tâm trí để tiếp tục dũng cảm đi về phía trước.
Khi bạn cho bản thân những khoảng thời gian để hồi phục, sự tự tin vào năng lực cá nhân sẽ dần được củng cố. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng tìm ra những giải pháp hiệu quả và mỗi bước tiến nhỏ sẽ đưa bạn đến gần hơn với thành công bạn hằng mong muốn.
Nhóm thực hiện
Bài: Thanh Ngân
Tham khảo: Spica