Việc duy trì năng suất hiệu quả sẽ giúp bạn hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra, mang lại cảm giác thỏa mãn, hài lòng và giúp bạn tận dụng quỹ thời gian cá nhân một cách hiệu quả. Cùng ELLE điểm qua 8 thói quen phổ biến của những người phụ nữ thành công giúp họ duy trì sự năng suất một cách tích cực dưới đây nhé!
1. Hiểu rõ đồng hồ sinh học
Đồng hồ sinh học, hay còn gọi là nhịp sinh học, là chu kỳ tự nhiên của cơ thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống, từ giấc ngủ, năng lượng đến sự tập trung và hiệu suất làm việc. Hiểu rõ đồng hồ sinh học của chính mình là chìa khóa giúp bạn đạt được mục tiêu đã đề ra và cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.
Mỗi người đều sở hữu một đồng hồ sinh học riêng, được định hình bởi nhiều yếu tố như ánh sáng, môi trường sống, chế độ dinh dưỡng, tuổi tác và thói quen ngủ nghỉ. Để khai thác tối đa lợi ích từ đồng hồ sinh học, bạn nên quan sát và ghi lại các dấu hiệu cơ thể: Khi nào bạn cảm thấy tỉnh táo nhất? Lúc nào bạn thường uể oải hoặc mệt mỏi? Từ đó, bạn có thể sắp xếp thời gian biểu hợp lý, vừa đảm bảo công việc hiệu quả, vừa có thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe.
Một cơ thể khỏe mạnh là nền tảng để bạn duy trì phong độ bền bỉ, chinh phục những mục tiêu lớn. Việc tận dụng đồng hồ sinh học khoa học và hợp lý không chỉ giúp bạn hình thành thói quen lành mạnh mà còn mang đến cuộc sống cân bằng và hạnh phúc. Ví dụ, đa phần những người có thời gian dành cho bản thân sau giờ làm thường sử dụng hiệu quả khoảng thời gian ban ngày để giải quyết các công việc nhẹ nhàng như trả lời email hoặc gọi điện. Họ sẽ dành buổi chiều – thời điểm năng lượng đạt đỉnh – cho những nhiệm vụ quan trọng nhất, từ đó đạt được hiệu suất cao trong công việc nhưng không gặp phải tình trạng burn out (hội chứng cháy sạch do căng thẳng). Vì vậy, một khi đã nắm vững nhịp sinh học của mình, bạn sẽ có thể dễ dàng tận hưởng cuộc sống thoải mái và trọn vẹn hơn.
2. Lập danh sách những việc cần làm
Một thói quen đơn giản bạn nên thực hành mỗi ngày để tăng cường hiệu suất làm việc đó chính là lập to-do list (danh sách những việc cần làm). Thói quen này giúp bạn sắp xếp những công việc cần hoàn thành trong ngày một cách hiệu quả, từ đó bạn không phải lo sợ bản thân bỏ quên bất kỳ nhiệm vụ nào. Tuy nhiên để áp dụng to-do list hiệu quả, bạn nên phân biệt rõ giữa danh sách những mục tiêu cá nhân và đầu mục công việc. Mục tiêu cá nhân là điều mang tính dài hạn, liên quan đến sự phát triển bản thân, giá trị sống, sức khỏe, gia đình… trong khi đầu mục công việc thường là những nhiệm vụ cụ thể, có tính chất hằng ngày trong thời gian ngắn như trả lời email, dọn dẹp nhà cửa, tham gia một buổi hội thảo. Nhận thức sự khác biệt giữa hai khái niệm này có thể giúp bạn dễ dàng lập to-do list hợp lý, tổ chức công việc và cuộc sống hiệu quả hơn.
Để tối ưu hoá to-do list của mình, bạn có thể chia danh sách này thành hai cột khác nhau, cột đầu tiên dành cho những mục tiêu lớn và bao quát hơn, cột còn lại dùng để ghi chép những công việc chi tiết, yêu cầu cụ thể để hoàn thành những mục tiêu lớn ấy. Khi áp dụng phương pháp này, bạn có thể theo dõi tiến độ hoàn thiện công việc và dễ dàng chỉnh sửa khi có bất kỳ sai sót nào.
Bên cạnh đó, để tránh tình trạng nộp trễ thời hạn, bạn nên ưu tiên sắp xếp công việc, mục tiêu quan trọng cần hoàn thành sớm lên đầu danh sách to-do list. Khi đặt chúng vào vị trí hàng đầu và tô đậm bằng những màu highlight nổi bật, bạn sẽ nhanh chóng chú ý và nhắc nhở bản thân thực hiện ngay lập tức để không phải bỏ sót chậm trễ deadline.
BÀI LIÊN QUAN
3. Tập trung vào những công việc quan trọng
Đôi khi, bạn sẽ cảm thấy choáng ngợp khi nhìn vào danh sách những việc cần làm dài đằng đẵng. Thế nhưng, một khi đã xác định được những mục tiêu và công việc quan trọng cần hoàn thành trước, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy dễ thở và ưu tiên giải quyết chúng.
Thay vì mặc cho bản thân bị cuốn vào sự gấp rút, vội vã, bạn nên học cách sắp xếp những công việc theo thứ tự quan trọng từ cao đến thấp và phân hóa chúng một cách thông minh để dễ dàng theo dõi. Bạn nên nhớ rằng, chỉ khi chúng ta dành sự tận tâm, nhiệt huyết và chỉn chu để đầu tư vào từng nhiệm vụ cụ thể, bạn mới có thể tạo nền tảng vững chắc, gặt hái thành công lâu dài và bền vững trong tương lai. Mặt khác, bạn nên đặt ra các mục tiêu và nhiệm vụ thực tế, phù hợp với khả năng, thời gian và nguồn lực sẵn có để tránh tình trạng quá tải và ảnh hưởng đến tiến độ kế hoạch.
4. Làm việc vào những khung giờ cố định
Thời gian là tài sản có hạn, vì vậy chúng ta cần học cách sử dụng nó một cách thông minh. Khi bạn học được cách quản lý và kiểm soát thời gian hiệu quả, bạn sẽ làm việc năng suất và xây dựng những thói quen lành mạnh giúp phát triển sự nghiệp và cuộc sống. Điều này có thể được giải thích rằng, duy trì và tận dụng thời gian một cách tối đa sẽ giúp bạn tránh lãng phí nó vào những điều vô bổ, từ đó bạn sẽ hoàn thành công việc một cách nhanh chóng, đồng thời có cơ hội chăm sóc sức khỏe, học hỏi điều mới và phát triển bản thân theo hướng tích cực.
Một phương pháp phổ biến nhiều người thành công thường áp dụng để tối ưu hóa thời gian làm việc và tăng năng suất là Pomodoro. Phương pháp này chia thời gian làm việc thành các chu kỳ ngắn (thường là 25 phút), xen kẽ với những khoảng nghỉ (thường là 5 phút). Pomodoro hoạt động dựa trên nguyên lý “ngắn nhưng hiệu quả”. Bằng cách làm việc trong những khoảng thời gian ngắn và có nghỉ ngơi đều đặn, bạn có thể giảm tải cho cơ thể và trí óc. Điều này không chỉ giữ cho bạn luôn tập trung mà còn giúp bạn duy trì năng lượng trong suốt cả ngày, từ đó hoàn thành công việc một cách hiệu quả và ít căng thẳng hơn.
5. Lên kế hoạch trước
Khi mọi bước đi đã được định hướng rõ ràng, bạn sẽ có lộ trình cụ thể để đạt được những gì mình mong muốn. Đôi khi, việc lập kế hoạch trước không thể đảm bảo mọi thứ sẽ luôn diễn ra suôn sẻ, nhưng chắc chắn nó sẽ giúp bạn chủ động hơn trong mọi tình huống. Hành động này đóng vai trò như một kim chỉ nam, giúp bạn tránh được cảm giác mất phương hướng, mơ hồ hoặc bị cuốn vào những nhiệm vụ vụn vặt không mang lại giá trị.
Bên cạnh đó, lập kế hoạch còn giúp bạn nắm quyền chủ động trong cuộc sống, đặc biệt ở những giai đoạn bạn phải đối mặt với thay đổi lớn. Thay vì rơi vào thế bị động khi có những sự kiện bất ngờ xảy ra, bạn sẽ dễ dàng thích nghi và vượt qua nghịch cảnh.
Một kế hoạch chi tiết còn cho phép bạn sắp xếp thời gian hợp lý cho từng công việc, giúp tránh tình trạng phải xử lý nhiều việc cùng lúc. Từ đó, bạn sẽ nhận diện trước những rủi ro tiềm ẩn, tránh những sai lầm đáng tiếc. Nhờ vậy, bạn không chỉ tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền bạc và công sức mà còn có thể dành trọn tâm trí cho những điều quan trọng trong cuộc sống.
6. Học cách cân bằng trong cuộc sống
Bạn đã bao giờ nghe đến nguyên tắc 4 bếp lửa? Đây là một phép ẩn dụ thú vị để hình dung về cuộc sống của chúng ta. Theo đó, cuộc sống của mỗi người đều sẽ có 4 lò lửa tượng trưng cho 4 khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, bao gồm theo thứ tự: gia đình, bạn bè và các mối quan hệ xã hội, sức khỏe, công việc. Để có một cuộc sống hạnh phúc và trọn vẹn, chúng ta cần duy trì sự cháy sáng của cả 4 lò lửa này.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc cân bằng hoàn hảo cả 4 lò lửa cùng lúc là điều vô cùng khó khăn vì mỗi giai đoạn trong đời thường buộc chúng ta phải đặt trọng tâm vào một hoặc một vài lò lửa nhất định.
Chẳng hạn, trong những năm tháng tuổi trẻ, phần lớn chúng ta thường ưu tiên lò lửa thứ 2 (bạn bè và các mối quan hệ xã hội) và lò lửa thứ 4 (công việc). Đây là giai đoạn để khám phá, kết nối và đặt nền móng cho sự nghiệp. Các bạn trẻ thường dành nhiều thời gian cho bạn bè, mở rộng mạng lưới quan hệ xã hội, và tập trung xây dựng sự nghiệp của mình.
Ngược lại, khi bước vào độ tuổi 30 và trưởng thành hơn, con người thường hướng tới sự ổn định và bền vững. Đây là thời điểm mà lò lửa thứ 1 (gia đình) và lò lửa thứ 3 (sức khỏe) bắt đầu được ưu tiên. Nhiều người chọn tập trung củng cố các mối quan hệ gia đình, chăm lo cho người thân, đồng thời chăm sóc sức khỏe để tạo nền tảng vững chắc cho một cuộc sống lâu dài và an nhiên.
Điều quan trọng là bạn cần ý thức được không có công thức chung về “lò lửa” cho tất cả mọi người. Mỗi cá nhân sẽ có những giá trị, mục tiêu và ưu tiên khác nhau tùy vào hoàn cảnh và giai đoạn cuộc sống. Vì vậy, thay vì cố gắng đạt sự cân bằng tuyệt đối, bạn nên dành thời gian để suy nghĩ thật kỹ về điều gì thực sự quan trọng với bản thân. Từ đó, bạn có thể đưa ra những lựa chọn phù hợp, giữ cho ngọn lửa của mình cháy sáng và sống trọn vẹn và ý nghĩa hơn.
Xem thêm:
• Học hỏi quy tắc 5/25 của Warren Buffett giúp nâng cao năng suất cực kỳ hiệu quả
• 10 kỹ năng mềm cần thiết giúp bạn thành công trong 2025
• 6 thói quen nhỏ giúp ngày của bạn trở nên năng suất hơn
7. Rèn luyện sự tập trung
Sự bùng nổ thông tin trong thời đại công nghệ số và các yếu tố khách quan gây xao nhãng đã và đang liên tục tạo ra gián đoạn trong tâm trí của nhiều người, từ đó làm suy giảm khả năng tập trung của họ. Khi tâm trí chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác thay vì tập trung vào một công việc cụ thể, hiệu quả công việc sẽ giảm đi rõ rệt. Những gián đoạn này về lâu dài sẽ khiến chúng ta kiệt sức và gặp khó khăn khi bắt đầu làm điều gì đó do thiếu tập trung, liên tục bị phân tâm. Để cải thiện khả năng tập trung và hạn chế tình trạng gián đoạn, bạn có thể thử tìm hiểu và áp dụng phương pháp Get Things Done (hay còn gọi là phương pháp GTD) – một phương pháp phổ biến giúp quản lý công việc và cải thiện khả năng tập trung, được phát triển và giới thiệu bởi David Allen vào năm 2001. Với 5 bước thực hiện bao gồm: Capture (Thu thập), Clarify (Xử lý), Organize (Sắp xếp), Engage (Thực hiện) và Review (Ôn lại), bạn sẽ có cái nhìn tổng quát về những việc cần làm, giúp bạn ưu tiên những công việc quan trọng và nhanh chóng hoàn thành chúng.
Không những thế, bạn nên thực hành những phương pháp rèn luyện tâm trí đơn giản như thiền và yoga. Bên cạnh việc mang đến những lợi ích to lớn về mặt tinh thần và sức khỏe như giảm thiểu căng thẳng, lo âu, tăng cường sự dẻo dai và sức đề kháng, hai bộ môn này còn giúp bạn tập trung vào hơi thở, mang đến cảm giác thư giãn, tĩnh tại và tập trung vào phiên bản của chính mình ở thực tại. Ngoài ra, đừng quên một giấc ngủ ngon và những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng sẽ góp phần quan trọng giúp bạn luôn tỉnh táo và tập trung vào những ngày bận rộn cao độ.
8. Tiết kiệm năng lượng
Trong nhịp sống hiện đại, đôi khi chúng ta khó lòng tránh khỏi cảm giác FOMO (cảm giác sợ bị bỏ lỡ), vì vậy chúng ta luôn cố gắng tham gia mọi sự kiện, chớp lấy mọi cơ hội hoặc làm thật nhiều việc để bản thân không bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, điều này sẽ là nguyên nhân chính khiến bạn tiêu tốn quá nhiều thời gian và năng lượng vào những yếu tố không thực sự cần thiết, dẫn đến tình trạng căng thẳng, mệt mỏi và kiệt sức kéo dài. Nếu tiêu hao năng lượng không có kế hoạch và không dành thời gian để phục hồi nguồn năng lượng ấy, bạn không chỉ gặp vấn đề liên quan đến hiệu suất công việc, mà còn đối diện với một số tác động tiêu cực đến các khía cạnh khác như mối quan hệ xung quanh, sức khỏe thể chất và một số vấn đề về tâm lý.
Một cơ thể khỏe mạnh đóng vai trò cốt lõi giúp bạn duy trì sự bền bỉ và ổn định trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Chính vì thế, bạn nên đặt ra những ranh giới rõ ràng giữa công việc và các yếu tố bên ngoài, đồng thời tạo ra những khoảng nghỉ cần thiết để tái tạo năng lượng. Bên cạnh đó, tiết kiệm năng lượng không đồng nghĩa với làm ít đi hay chối bỏ công việc. Đó là khi bạn biết sử dụng năng lượng của mình một cách khôn ngoan để vừa có thể đạt được năng suất cao, vừa duy trì được động lực bền bỉ, lâu dài. Đây chính là chìa khóa để bạn luôn khỏe mạnh và hạnh phúc trong cả công việc lẫn đời sống cá nhân.
Nhóm thực hiện
Bài: Anh Huy
Tham khảo: The Every Girl