Lifestyle / Bí quyết sống

8 đặc điểm tính cách thú vị của những người thích ở một mình

Những người thích dành thời gian ở một mình và sống trong thế giới riêng của bản thân thường khiến những người xung quanh cho rằng họ rất cô đơn, buồn bã và luôn cảm thấy tiêu cực. Tuy nhiên, những người lại cảm thấy thoải mái khi được ở một mình lại cho rằng việc dành thời gian cho bản thân và tận hưởng không gian yên tĩnh là cách lý tưởng để họ hồi phục lại năng lượng sau một ngày dài. Đối với họ, khoảng thời gian một mình không phải là điều đáng sợ, đó là một cơ hội để khám phá, tìm hiểu bản thân một cách sâu sắc.

Trong tiềm thức của một số người, những cá nhân thích ở một mình thường có đặc điểm nổi bật là sự cô đơn, không có bạn bè hay tình yêu bên cạnh, thậm chí còn mặc định họ mắc chứng rối loạn chống đối xã hội (anti social). Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng, bởi có vẫn có người vô cùng quảng giao, sở hữu nhiều  mối quan hệ xã hội, nhưng cũng có lúc họ biến mất một khoảng thời gian chỉ để ở một mình và tận hưởng sự đơn độc. Những người này thường sở hữu những đặc điểm tính cách độc đáo, như sự độc lập, sáng tạo, và khả năng tự nhận thức cao. Hãy cùng ELLE điểm qua 8 đặc điểm tính cách nổi bật của những người thích ở một mình nhé! 

1. Khả năng tự nhận thức cao

Như đã đề cập, thời gian ở một mình không chỉ đồng nghĩa với việc ai đó trốn tránh thế giới, mà nó còn thể hiện một khía cạnh khác – cơ hội để một người xây dựng kết nối sâu sắc hơn với chính bản thân. Thông qua những trải nghiệm này, họ thường sở hữu khả năng tự nhận thức vượt trội, bởi trong không gian riêng tư và thoải mái, những cảm xúc khó chịu, sâu kín như lo âu, buồn bã hay tức giận sẽ được bộc lộ và nhìn nhận một cách rõ ràng, từ đó bạn có thể đánh giá khách quan và xử lý chúng một cách lành mạnh thay vì tránh né. 

Đồng thời, khi không có sự hiện diện của người khác, chúng ta không cần phải liên tục duy trì hình ảnh hay thái độ theo chuẩn mực nào đó để phù hợp với môi trường xung quanh. Từ đó, chúng ta sẽ có cơ hội đối mặt với bản ngã và những nỗi sợ của mình. Nhờ đó, bạn có thể đưa ra quyết định đúng đắn, mạnh mẽ và tự tin hơn trong việc xây dựng cuộc sống và sự nghiệp theo đúng mục tiêu đã đề ra.

khả năng tự nhận thức cao
Ảnh: Pexels/Becca Correiaph

Hơn thế, khi bạn hiểu rõ bản thân, bạn sẽ tạo dựng được những mối quan hệ lành mạnh, vì chỉ khi hiểu được chính mình, bạn mới có thể thấu hiểu và đồng cảm với người khác một cách lành mạnh. Điều này giúp các mối quan hệ xung quanh bạn trở nên tích cực, hài hòa, và đầy chân thành.

2. Sự sáng tạo 

Đã bao giờ bạn chợt nảy ra một ý tưởng mới khi đi tắm, hoặc sau khoảng thời gian ở nhà hay đi bộ một mình? Khoa học gọi đây là trạng thái “sáng tạo ngẫu nhiên”, khi não bộ chuyển từ chế độ tập trung cao độ sang chế độ mặc định (default mode). Trong trạng thái này, não bộ của chúng ta vừa được nghỉ ngơi, vừa âm thầm liên kết, xử lý các ý tưởng bạn vô thức quan sát, tiếp thu được và khiến nó trở thành một “phát kiến”.  

Chính vì vậy, người thường ở một mình thường ít rơi vào trạng thái xao nhãng và dễ dàng chuyển sang chế độ mặc định của não bộ, cho phép họ có không gian để thư giãn và suy ngẫm, từ đó nảy sinh ra những ý tưởng sáng tạo mới mẻ và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, sự cô đơn là một yếu tố có thể nuôi dưỡng sáng tạo. Hệt như các văn nghệ sĩ nổi tiếng, thi thoảng nỗi cô đơn sẽ giúp bạn trở về bên trong chính mình, lắng nghe bản thân nhiều hơn, nhận ra những khát khao, cảm xúc và các suy nghĩ bên trong một cách sâu sắc, từ đó bạn sẽ tìm ra những giải pháp hữu hiệu và sáng tạo cho các vấn đề của mình. 

3. Độc lập 

Một đặc điểm chung thường thấy ở những người hướng nội chính là sự độc lập đáng kinh ngạc. Họ tận hưởng không gian riêng của bản thân và không cần phụ thuộc vào người khác để cảm thấy vui vẻ hay được công nhận. Từ đó, họ có  khả năng phán đoán mạnh mẽ, có thể tự đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề một cách chủ động. Họ còn tin tưởng vào trực giác của mình, ít khi xin lời khuyên hay tìm kiếm sự chấp thuận từ người khác.

người ở một mình độc lập
Ảnh: Pexels/Alina Chernii

Nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Anh Quốc chỉ ra rằng, những người thích ở một mình thường có khả năng tự quyết định cao và ít chịu áp lực phải hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, sự độc lập này không đồng nghĩa với cô đơn hay chống đối xã hội. Trái lại, nó thể hiện sự tự chủ và tự tin, đôi khi còn là yếu tố giúp họ tỏa sáng và thu hút sự chú ý giữa đám đông.

4. Trí tuệ xúc cảm cao 

Không phải ai cũng sở hữu trí tuệ cảm xúc (EI – Emotional Intelligence) cao. Trí tuệ cảm xúc là khả năng nhận biết, hiểu và quản lý cảm xúc của bản thân lẫn người khác. Những người thường xuyên dành thời gian cho bản thân thường có chỉ số EI ấn tượng, nhờ vào việc “tự phản chiếu” (self-reflection) khi ở một mình. Thời gian tự phản chiếu sẽ giúp họ quan sát sâu sắc thế giới nội tâm, nhận diện các cảm xúc phức tạp như niềm vui, nỗi buồn, tức giận hay lo lắng, từ đó điều chỉnh cảm xúc hiệu quả, giảm căng thẳng và nâng cao sự hài lòng trong cuộc sống.

trí tuệ cảm xúc cao
Ảnh: Pexels/Maria Loznevaya

Ngoài ra, việc dành thời gian một mình còn giúp họ phát triển khả năng đồng cảm. Khi không bị phân tâm bởi các mối quan hệ xã hội, họ có thể lắng nghe sâu sắc và thấu hiểu suy nghĩ, cảm xúc của người khác. Điều này sẽ góp phần giúp họ xây dựng mối quan hệ xã hội vững chắc và lành mạnh hơn.

5. Trân trọng những điều đơn giản

Bạn có biết, khi chúng ta dành thời gian chất lượng nhiều hơn cho bản thân, hệ thần kinh giao cảm – nơi chịu trách nhiệm cho các phản ứng “chạy trốn” hay “chiến đấu” với các tình huống ngoài xã hội, sẽ hoạt động ít hơn, nhường chỗ cho hệ thần kinh phó giao cảm hỗ trợ đưa cơ thể vào trạng thái thư giãn. Điều này giúp chúng ta giảm áp lực từ các tác nhân bên ngoài, cảm thấy trân trọng và nâng niu những điều giản dị, yên bình trong cuộc sống.

người ở một mình trân trọng những điều
Ảnh: Unsplash/Delfina Iacub

Đôi lúc, chúng ta có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, nặng nề và chán nản khi cuộc sống diễn ra không như mong muốn. Tuy nhiên, những người thích ở một mình thường không để những cảm xúc tiêu cực đó “đánh chiếm” họ, ngược lại họ có khả năng kết nối sâu sắc với cảm xúc và suy nghĩ cá nhân, đó là tiền đề để nuôi dưỡng sự hài lòng và lòng biết ơn.

Mặt khác, dành nhiều thời gian cho bản thân còn giúp họ học được cách tự tạo niềm vui từ những điều đơn giản nhất. Đối với họ, niềm vui đôi khi chỉ đơn giản là một buổi sáng bình yên bên hiên cửa sổ, nhâm nhi tách trà nóng và được đọc cuốn sách còn dang dở, hoặc có thể là một cuộc chạy bộ dạo quanh khu phố để ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên. 

6. Sự chân thực 

Là một trong những nền tảng quan trọng trong các mối quan hệ, sự chân thực chính là kết quả của quá trình tự khám phá và thấu hiểu bản thân sâu sắc của những người thích ở một mình. Đặc điểm tính cách này giúp họ ít bị ảnh hưởng bởi những kỳ vọng, mong muốn và thiên kiến xã hội. Vì vậy, họ không ngần ngại thể hiện bản thân một cách chân thật nhất trong mọi hoàn cảnh. Qua đó, họ hiểu rõ hơn về những mong muốn và nhu cầu thầm kín, từ đó xây dựng một cuộc sống chân thật, phù hợp với bản thân.

sự chân thực
Ảnh: Pexels/Hai Nguyen

Mặt khác, nhóm người này có xu hướng duy trì sự ổn định về mặt cảm xúc nhờ lối sống ít bị xao nhãng bởi những tác động từ bên ngoài. Họ có thể duy trì một bản sắc ổn định và ít chịu ảnh hưởng từ các thay đổi từ hoàn cảnh xã hội, vì vậy họ luôn tự tin là chính mình và dễ dàng xây dựng được lòng tin từ người khác.

7. Khả năng tập trung cao độ 

Các yếu tố ngoại cảnh như tiếng ồn, thông báo điện thoại hay những cuộc trò chuyện xung quanh thường gây mất tập trung và ảnh hưởng đến quá trình làm việc của một người. Vì vậy, khi ở một mình, khả năng tập trung của chúng ta được cải thiện rõ rệt, từ đó hoàn thành công việc một cách nhanh chóng, thuận lợi. Mặt khác, sự tập trung cao độ còn giúp não bộ hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao khả năng tập trung và sáng tạo.

Những người thích ở một mình còn biết cách lập kế hoạch, sắp xếp công việc một cách hiệu quả và giải quyết các nhiệm vụ có hệ thống. Điều này có thể được giải thích rằng, ở một mình sẽ giúp bộ não được giảm tải, tiết kiệm phần năng lượng vốn dành cho việc xử lý các tín hiệu xã hội như đọc cảm xúc, lắng nghe hoặc trả lời cuộc trò chuyện cùng người khác, thông qua đó họ hoàn toàn có thể tập trung toàn lực vào một nhiệm vụ cụ thể.


Xem thêm:

7 đặc điểm nổi bật của một người chân thật và đáng tin cậy

5 bí quyết luôn giúp bạn đánh bại nỗi cô đơn hiệu quả

6 mẹo giúp bạn kiên định với mục tiêu để thành công trong cuộc sống


8. Kiên cường 

Một trong những đặc điểm tuyệt vời của những người thích ở tận hưởng thời một mình chính là sự kiên cường đáng kinh ngạc. Điều này xuất phát từ việc họ đã tự học cách âm thầm vượt qua những thăng trầm trong cuộc sống, thay vì phụ thuộc và tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác ngay lập tức. Ví dụ, một sinh viên có khả năng tự học và tự giải quyết vấn đề một mình thay vì ngay lập tức tìm sự hỗ trợ từ giáo viên sẽ có kỹ năng đối diện với các khó khăn, thách thức lớn tốt hơn trong tương lai. Tương tự, khi ở một mình, người ta buộc phải đối mặt với các cảm giác cá nhân một cách chân thật, từ đó rèn luyện và phát triển khả năng giải quyết vấn đề và quản lý cảm xúc.

sự kiên cường
Ảnh: Unsplash/Anhelina Osaulenko

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc những người này không trân trọng hay không cần đến những lời khuyên, sự giúp đỡ hay hỗ trợ đến từ người khác. Trái lại, họ thường rất ý thức được giá trị của sự đồng hành và chia sẻ từ các mối quan hệ xung quanh. Vì vậy, nếu họ có nhu cầu được giúp đỡ, đó là sự lựa chọn có chủ đích, cho thấy họ thật sự tin tưởng và thật lòng tôn trọng người họ tìm đến. 

Nhóm thực hiện

Bài: Anh Huy 

Tham khảo: HackSpirit

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)