Từng trải qua những năm dài tìm hiểu chính mình với nhiều băn khoăn, ThS. Tâm lý lâm sàng Nguyễn Vân Anh dành mối quan tâm lớn cho sự phát triển của thế hệ trẻ. Tinh thần ham học hỏi và can đảm thúc đẩy chị làm việc trong đa nhóm ngành, qua đó tích lũy được khối trải nghiệm nghề phong phú. Chị hiện đang là Chuyên viên Tâm lý học đường tại Đại học Anh quốc Việt Nam (British University Vietnam) và là chủ bút của website chia sẻ các kiến thức chuyên ngành tâm lý học vananh-psy.com. Nhận lời trò chuyện với ELLE Việt Nam về lựa chọn độc thân của người trẻ hiện đại, chị Vân Anh đưa ra những góc nhìn đáng suy ngẫm từ lăng kính của một chuyên gia tâm lý.
Chị nghĩ rằng lựa chọn sống độc thân phản ánh điều gì về những thay đổi trong giá trị sống và quan niệm về tự do cá nhân của người trẻ hiện đại?
Tôi thấy rằng, thế hệ này lớn lên trong môi trường đủ đầy về vật chất nhưng lại thiếu sự bao dung, tinh thần tương trợ và sự gắn kết cộng đồng trong các mối quan hệ. Họ cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội như: áp lực thành tích, sự biến động về giá trị đạo đức và văn hóa, tình trạng khan hiếm nhà ở, ô nhiễm môi sinh và thiên nhiên bị tàn phá… Lựa chọn lối sống độc thân là cách họ kiểm soát bản thân – điều duy nhất họ vẫn có thể làm chủ. Quan niệm về tự do của thế hệ này là tự do quyết định cách sống cuộc đời mình.
Không ít bạn trẻ hiện nay theo đuổi lối sống độc thân tạm thời hoặc xem đó là một giai đoạn cần có trong cuộc đời. Chị có suy ngẫm gì về điều này?
Có nhiều lý do khiến một người trẻ chọn sống độc thân tạm thời, bao gồm cả những trải nghiệm tiêu cực và tổn thương trong các mối quan hệ cá nhân (gia đình, tình yêu) trước đây. Sau một giai đoạn sống theo sự áp đặt của người khác, họ quyết định dành thời gian lắng nghe nhu cầu của bản thân, sống độc lập và tự chủ. Tôi cho rằng điều này rất đáng khích lệ. Khi mở rộng tầm nhìn và trải nghiệm cuộc sống một cách độc lập, họ sẽ dần hiểu được ý nghĩa của việc sống và trân trọng bản thân, từ đó sẵn sàng hơn cho những mối quan hệ lành mạnh. Tình yêu không chỉ giới hạn ở tình yêu đôi lứa, mà còn có tình yêu dành cho con người, thiên nhiên, vũ trụ hay các đấng thiêng liêng. Giai đoạn độc thân, với tôi, là thời gian quý giá để khám phá bản thân, giúp mỗi người thêm trân trọng cuộc sống và các kết nối tinh thần khác.
Qua kinh nghiệm nghiên cứu và quan sát, chị thấy những tổn thương nặng về cảm xúc có thể ảnh hưởng đến lựa chọn sống độc thân lâu dài của một người như thế nào?
Trong số một vài thân chủ đến gặp tôi và những người tôi đã tiếp xúc qua các dự án cộng đồng, có không ít trường hợp chọn sống độc thân hoặc làm cha mẹ đơn thân vì từng trải qua các trải nghiệm gây sang chấn nặng (lừa đảo, lạm dụng, cướp bóc…). Những chấn thương này khiến họ mất niềm tin vào người khác giới, thậm chí cả xã hội. Vì vậy, tôi đồng ý rằng trong số những người chọn sống độc thân, không ít người đã trải qua tổn thương sâu sắc – từng tin tưởng và yêu thương nhưng phải chịu sự phản bội. Với những trường hợp này, việc thúc ép họ mở lòng và yêu lại là không phù hợp. Họ cần sự thông cảm, đồng hành và nâng đỡ để dần tìm lại niềm tin vào con người và cuộc sống.
Nhìn chung, chị thấy lựa chọn sống độc thân có thể tác động như thế nào đến sự phát triển cá nhân của người trẻ, cả về mặt tích cực lẫn hạn chế?
Lựa chọn sống độc thân chủ động, với mục tiêu phát triển và chữa lành bản thân, giúp cá nhân khám phá các chiều kích mới, khai phá tiềm năng và hoàn thiện hành trình riêng. Dù điểm yếu là sự cô đơn, nhưng theo tôi, để sáng tạo và theo đuổi con đường riêng theo niềm tin cá nhân, sự cô đơn là cần thiết.
Còn lựa chọn sống độc thân chỉ vì trái tim đã nguội lạnh, không muốn phát triển bản thân hay trải nghiệm sự chuyển hóa trong mối quan hệ với người khác; chỉ muốn an yên với tuổi trẻ vô tư, vô tâm và thiếu trách nhiệm thì chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều sự phát triển cá nhân. Điều này sẽ thật đáng tiếc.
BÀI LIÊN QUAN
Sống độc thân – Tự do hay cô đơn?
Từ trải nghiệm sống và công việc, chị thấy có những xu hướng khác biệt nào trong cách người độc thân xây dựng mạng lưới bạn bè và quan hệ xã hội?
Có nhiều nhóm người độc thân xây dựng mạng lưới tự hỗ trợ, như Hội phụ nữ độc thân người Hoa tại TP.HCM, hay trong các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng mà tôi đã cộng tác. Ở đó, có nhiều anh chị, bạn bè độc thân đóng vai trò “huynh trưởng”, “phụ mẫu” cho thanh thiếu niên cơ nhỡ, trẻ em đường phố và hỗ trợ cha mẹ đơn thân. Ngoài ra, những nhóm bạn bè độc thân cũng thường tụ họp vì sở thích chung và cùng thực hiện các dự án ý nghĩa cho xã hội. Với tôi, đây là những khác biệt tích cực trong cách người độc thân xây dựng mối quan hệ cộng đồng. Bên cạnh đó, cũng có một số nhóm người độc thân do chưa chuyển hóa được tổn thương, đã tập hợp thành những “echo chamber” (buồng vang thông tin) củng cố các tư tưởng chia rẽ và những hành vi méo mó, cực đoan, vô tình tạo thành vòng luẩn quẩn đi xuống.
Đã có thời gian dài sinh sống, học tập tại châu Âu và châu Mỹ, chị thấy lựa chọn sống độc thân ở người trẻ Việt Nam có gì khác biệt so với các nước phương Tây?
Qua thời gian sinh sống, học tập tại phương Tây và quan sát các diễn đàn về chủ đề này, tôi nhận thấy xu hướng sống độc thân đã xuất hiện ở phương Tây và các nước châu Á công nghiệp hóa sớm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông từ 20 – 30 năm trước. Chúng ta dường như đang đi theo con đường đó, với độ trễ khoảng một thế hệ.
Người trẻ Việt, ít nhất là ở thế hệ của tôi, vẫn hướng về gia đình và chịu chi phối khá nhiều từ tư tưởng truyền thống. Những người chọn sống độc thân bị cho là tâm tính không ổn, bị phân biệt đối xử trong gia đình và tại chỗ làm. Vì vậy, họ có phần e dè trong lựa chọn sống độc thân và ít dám chia sẻ công khai, cũng như đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho bản thân. Thế hệ sau, như Gen Z, đã dần cởi mở hơn. Dù vậy, quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình Việt vẫn có thể khiến họ phải băn khoăn và tự vấn nhiều khi cân nhắc sống độc thân.
Với các bạn nữ, họ thường bị nhắc rằng việc kết hôn và có con là điều đương nhiên, “đến tuổi phải lấy”, hay phải chú ý “độ tuổi sinh sản”; còn các bạn nam thường bị áp lực kiếm tiền để lo cho gia đình riêng của mình về sau. Do đó, với người trẻ ở cả hai giới, lựa chọn độc thân đều không dễ dàng. Trong một xã hội vẫn xem trọng hôn nhân và gia đình như Việt Nam, người độc thân không chỉ phải đối mặt với nỗi cô đơn, lo âu cho giai đoạn cuối đời mà còn phải chịu đựng nhiều định kiến xã hội.
Theo chị, người chọn sống độc thân chủ động có thể làm gì để vượt qua những thách thức tinh thần và định kiến xã hội áp lên họ?
Tôi nghĩ, định kiến là điều khó tránh khỏi vì con người có xu hướng tìm kiếm sự an toàn và muốn tránh né những gì mới lạ, bất trắc. Tuy nhiên, những người thực sự tự tại và viên mãn với cuộc đời mình sẽ ít bị ảnh hưởng bởi những đánh giá đó.
Cách để người độc thân vượt qua các thách thức kể trên là mở lòng chia sẻ những suy nghĩ, cảm nhận thực sự của mình. Bên cạnh đó, các bạn cũng nên giữ vững kết nối tinh thần, xây dựng cộng đồng với những người đồng cảm và cùng đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội. Tôi tin rằng giá trị của một cá nhân không nằm ở xuất thân, tình trạng hôn nhân hay vị thế kinh tế – xã hội mà ở di sản họ để lại cho cộng đồng. Có lẽ bạn từng nghe về việc gia đình sẽ được hưởng phước đức khi có người đi tu, hoặc việc thờ “bà cô tổ” vì tổ tiên luôn hỗ trợ con cháu khi cần. Điều này cho thấy truyền thống Việt Nam luôn xem trọng vai trò của những người độc thân sống thanh cao và có đạo đức, dù dư luận xã hội có thể thay đổi theo thời gian.
Cảm ơn chị đã chia sẻ cùng ELLE Việt Nam.
Nhóm thực hiện
Bài: Hải Âu
Hình ảnh: NVCC