Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review phim] “Anora”: Phiên bản “phản cổ tích” của câu chuyện nàng Lọ Lem

“Anora” mang đến một phiên bản “phản cổ tích” độc đáo, xoay quanh hành trình của Ani - nàng Lọ Lem với giấc mộng đổi đời tan vỡ. Cùng cái kết thực tế và đau đớn, bộ phim không chỉ mang đến câu chuyện tình yêu đầy châm biếm mà còn khéo léo khai thác sự phù phiếm của giấc mơ Mỹ, cuộc sống và sự đấu tranh của cá nhân lẫn giai cấp trong xã hội hiện đại.

Review phim anora
Anora xoay quanh hành trình của Ani – một vũ nữ thoát y.

Điểm giao giữa rom-com, road-movie và chick-flick

Giống như nhiều tác phẩm trước đây của Sean Baker, Anora tiếp tục khai thác cuộc sống của những mảnh đời éo le, những con người yếu thế đấu tranh không ngừng để thay đổi số phận, nhưng vẫn bị số phận trêu đùa và phải tiếp tục vật lộn mà không thể thoát ra.

Ani hay Anora, do Mikey Madison thủ vai, là cô gái người Mỹ gốc Nga, làm vũ nữ thoát y tại quán rượu Headquarters. Tại đây hằng đêm, Ani dạo quanh từng bàn, mời gọi khách hàng thưởng thức dịch vụ VIP của quán – những màn nhảy múa gợi cảm và đầy khiêu khích trong phòng VIP, đổi lại là những khoản tiền tip.

Cuộc sống của Ani bắt đầu rẽ vào bước ngoặt khi gặp Ivan hay Vanya (Mark Eydelshteyn), con trai của một tỷ phú Nga, tôn sùng văn hóa Mỹ, thuê Ani làm bạn gái. Dấn thân vào những buổi tiệc thâu đêm và các hoạt động xa xỉ tại dinh thự bên bờ biển ở Brooklyn, một chương mới trong đời Ani dần mở ra. Ivan trở thành người bạn đồng hành hào phóng, đưa cô bước vào thế giới xa hoa của mình. Và rồi, cả hai bất ngờ kết hôn trong một chuyến đi đến Las Vegas.

Nửa đầu của Anora mang đậm nét thể loại rom-com, với những tình huống hài hước và diễn biến dễ đoán, không có nhiều bất ngờ. Mối quan hệ giữa các nhân vật, đặc biệt là giữa Ani và Ivan, được xây dựng khá rõ ràng, tạo ra một bầu không khí nhẹ nhàng và dễ chịu. 

review phim anora elle
Nửa đầu của Anora mang đậm nét thể loại rom-com, với nhiều tình huống hài hước.

Tuy nhiên, giấc mộng mà cô sống trong suốt 45 phút đầu của bộ phim nhanh chóng tan vỡ khi cha mẹ của Ivan phát hiện con trai họ đã kết hôn với một “gái điếm”. Họ thuê Toros, một linh mục địa phương, cùng sự hỗ trợ Garnick và Igor, hai gã côn đồ vô dụng, lên đường thực hiện nhiệm vụ thuyết phục đôi vợ chồng trẻ ly hôn. 

Lúc này tất cả mới vỡ lẽ, cậu quý tử nhà giàu hóa ra chỉ là một thằng nhóc lười biếng, vô trách nhiệm, sống trong vòng tay của mẹ mà chẳng biết phải làm gì với cuộc đời mình. Từ đây, mọi chuyện dần rối ren và biến thành một chuỗi những tình huống dở khóc dở cười. Phim chuyển từ một câu chuyện tình cảm lãng mạn đơn thuần sang thể phim road-movie (phim hành trình) khi theo dấu cuộc tìm kiếm tuyệt vọng của cô gái trẻ đi tìm chồng.  

Cuộc truy lùng Ivan xuyên qua thành phố chính là nơi bộ phim tìm thấy nhịp điệu của mình. Đặc biệt trong những cảnh rượt đuổi căng thẳng trên các con phố lạnh lẽo của Brooklyn và Manhattan về đêm, qua góc quay sắc sảo của Drew Daniels, thành phố trở nên sống động và đầy sức hút. Từng góc phố, từng ánh đèn lấp lánh như mang đậm hơi thở của New York, gợi nhắc về những bộ phim điện ảnh của thập niên 70.

Mặt khác, khai thác cuộc sống của những cô gái mại dâm trong thành phố lớn, Anora không thiếu những cảnh quay “thiếu vải”, nhưng những hình ảnh này không nhằm mục đích kích thích hay gây cảm giác gợi dục mà được xây dựng như một phần tự nhiên trong bối cảnh phim. Sean Baker đã khéo léo mang đến những cảm xúc sâu sắc và đa chiều qua bộ phim của mình nhờ vào sự đồng cảm chân thành với những người hành nghề lao động tình dục (sex worker). 

Các nhân vật nữ trong phim không phải là những cô gái xinh đẹp, hoàn hảo nhưng họ là những phụ nữ vui vẻ, đôi khi thích hóng hớt và coi nhau như chị em. Họ có cả kẻ thù trong ngành nhưng âm thầm đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau. Cũng chính sự gắn kết trong im lặng đó là một trong những yếu tố cảm động của bộ phim. Những phân cảnh này mang lại sự dễ thương và ấm áp, một đặc trưng quen thuộc của thể loại chick-flick, thể phim tôn vinh và dành cho phái nữ.

Giấc mơ mỹ trong phim anora
Anora khai thác sâu cuộc sống của những cô gái mại dâm trong thành phố lớn.

Mặt trái của Giấc mơ Mỹ

Trong Anora, sự xung đột giữa Ivan và gia đình anh, với sự hiện diện của Ani, là hình ảnh đại diện cho sự xung đột của hai nền văn hóa: nền văn hóa Nga cổ kính, bảo thủ và nền văn hóa Mỹ tự do, thoáng đãng. 

Tại đây, hai nhân vật Anora và Vanya có khá nhiều điểm tương đồng. Hai người cùng gốc Nga nhưng cùng chọn cách chối bỏ căn tính của mình, mà dễ thấy nhất là từ bỏ cái tên. Vanya khao khát trở thành công dân Mỹ, trở thành “Ivan” còn Anora khao khát trở thành “Ani”. Cô không thích nói tiếng Nga và tỏ ra khó chịu khi Toros gọi cô bằng tên thật. Chọn cưới Ivan, không phải là quyết định được thúc đẩy âm mưu “đào mỏ” mà là cách Ani sẽ thực sự trở thành “Ani” – một người phụ nữ bình dị, sống cuộc sống đầy đủ mà không còn phải tiếp tục công việc mà cô chưa bao giờ mong muốn.

Về phía Ivan, mặc dù xuất thân từ một gia đình giàu có và quyền lực, cậu lại không thực sự thuộc về thế giới của gia đình – một thế giới có quá nhiều quy tắc, áp lực và sự kiểm soát. Giấc mơ trở thành người Mỹ trong Vanya không phải chỉ là việc muốn sở hữu một tài sản hay một cuộc sống xa hoa, mà còn là mong ước có được một sự tự do cá nhân, thoát khỏi những trói buộc của gia đình và xã hội. 

Vừa hay, Ani – cô gái vui vẻ, tự tin, phóng khoáng là hình ảnh hữu hình cho giấc mơ Mỹ của Ivan. Việc anh tìm đến Ani làm nổi bật sự khao khát của anh trong việc hòa nhập vào một thế giới mới, nơi anh có thể tự quyết định cuộc sống của mình mà không phải chịu sự áp đặt của cha mẹ hay những khuôn mẫu xã hội sẵn có. 

Ivan - con trai của tài phiệt, khao khát trở thành người Mỹ
Ivan – con trai của tài phiệt, khao khát trở thành người Mỹ.

Tuy nhiên, giấc mơ Mỹ có mặt trái của nó. Anora mang đến cái nhìn thực tế về cuộc sống đầy khắc nghiệt của Ani hay những cô gái làm việc trong câu lạc bộ ở Brooklyn. Theo đuổi một công việc đẫm tính vật chất và thiếu sự bảo vệ xã hội nhưng Ani không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tận dụng tuổi trẻ và vẻ ngoài của mình để sống sót trong một thành phố như New York. Thế giới mà đạo diễn Baker xây dựng không phải là một phiên bản mượt mà, hào nhoáng của thực tế, mà là một sự phơi bày rõ rệt những tầng lớp tối tăm và đầy bản năng của nó. 

Anora là bộ phim thứ tư của Sean Baker và có lẽ cũng là bộ phim dễ tiếp cận nhất của anh. Nhà cầm trịch người Mỹ luôn chọn những nhân vật yếu thế làm trung tâm, họ là những con người có những cuộc đời đầy thử thách nhưng vẫn không ngừng đấu tranh để sống đúng với chính mình. Tuy vậy, trong mỗi tác phẩm của mình, Baker vẫn luôn gieo rắc một tia hy vọng nhỏ nhoi – hy vọng rằng dù cuộc sống có khắc nghiệt đến đâu, vẫn sẽ có một chút gì đó tốt đẹp để níu giữ, để tiếp tục. 

Anora không là ngoại lệ, vẫn một câu chuyện bi kịch nhưng không lê thê hay u ám thay vào đó, nó đầy ắp năng lượng, những tình huống ngớ ngẩn và những pha hài hước khiến người xem không thể nhịn cười. Cũng chính sự nhẹ nhàng, hóm hỉnh ấy lại khiến cho khoảnh khắc cuối phim càng thêm bất ngờ. Sean Baker khéo léo giữ lại nỗi buồn ở cuối cùng, chỉ đến khi bộ phim khép lại, người xem mới thực sự thấm thía được số phận đầy đau đớn và trớ trêu của Anora.


Xem thêm

[Review phim] “Trăm Năm Cô Đơn”: Hành trình siêu thực xuyên qua thế kỷ

[Review phim] “The Trunk”: Câu chuyện về tình yêu, tự do và sự giải phóng

[Review phim] “Light Shop”: Ranh giới mơ hồ giữa cõi người và cõi âm


Phá vỡ khuôn mẫu nhân vật vũ nữ thoát y

Anora gây ấn tượng với cách xây dựng nhân vật nữ vũ nữ hoàn toàn mới mẻ, khác biệt so với những hình ảnh thường thấy trong điện ảnh. Cô không phải là một nạn nhân của những bi kịch gia đình, cũng không phải là hình mẫu “kẻ đào mỏ” xấu xa như nhiều bộ phim khác thường khắc họa. Thay vào đó, nữ chính được xây dựng có chiều sâu và đầy cá tính. 

Nhân vật này không hề ngây thơ hay yếu đuối, thậm chí khá khôn ngoan, nhưng cũng không thể tránh khỏi những ảo tưởng về một cơ hội thay đổi cuộc đời. Ani thực tế nhưng cũng rất mơ mộng. Cô gìn giữ ước mơ từ tấm bé là tổ chức tuần trăng mật ở Disney World. Cô đòi quyền lợi lao động và thẳng thắn từ chối tiếp khách dù có trả cao bao nhiêu khi thấy tay khách đó thiếu tôn trọng. 

Ani mạnh mẽ, tươi sáng và đầy màu sắc, nhưng cũng rất dễ tổn thương, một con người đầy khiếm khuyết nhưng vẫn xứng đáng được yêu thương như bất kỳ ai khác. Đây là một cách thể hiện thú vị, phá vỡ những khuôn mẫu cũ, mang đến một cái nhìn đa chiều và tươi mới về một hình ảnh vốn dễ bị gắn mác một chiều.

Nhân vật nữ khác biệt trong phim
Anora xây dựng nhân vật nữ vũ nữ mới mẻ và khác biệt.

AnoraPretty Woman (1990) có cốt truyện khá tương tự, với hình ảnh một “cô gái bán hoa” được một người đàn ông giàu có từng bước dẫn đến thế giới thượng lưu. Nhưng nếu Pretty Woman là một câu chuyện cổ tích hiện đại, thì Anora lại là một phiên bản phản cổ tích. Sự khác biệt lớn nhất thể hiện rõ qua cái kết của hai tác phẩm: một bộ phim mang đến niềm vui và hy vọng, trong khi bộ phim kia lại là một cú tát phũ phàng nhắc nhở về hiện thực cuộc sống. So với kết thúc ngọt ngào, hào nhoáng của Pretty Woman, Anora mang đến một cái kết thực tế và khắc nghiệt hơn.

Trong vai Anora, Mikey Madison thể hiện một cách xuất sắc sự pha trộn của các cảm xúc đối lập, từ sự bất lực đến can đảm chống lại số phận của mình. Vai diễn trong phim đã giúp Madison một bước thành sao với hàng loạt giải thưởng danh giá và chắc chắn sẽ là một trong những cái tên được đưa lên bàn cược nhiều nhất cho cuộc đua Oscar sắp tới của Viện Hàn Lâm.

Nhóm thực hiện

Bài: Hoàng Thúy Vân

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)