Thời gian gần đây, nền tảng TikTok đang có trào lưu dưỡng da bằng mỡ bò (beef tallow). Mặc dù mỡ động vật trước đây thường được dùng trong mỹ phẩm để tăng độ dưỡng ẩm cho da. Tuy nhiên, liệu làn da của bạn có phù hợp với xu hướng làm đẹp này?
Người “lăng xê” xu hướng dưỡng da bằng mỡ bò nói gì?
Cơn sốt chăm sóc da bằng mỡ bò được khởi xướng bởi những người có tầm ảnh hưởng trong giới làm đẹp như: Nhà đầu tư thiên thần Hannah Bronfman, Siêu mẫu Naomi Campbell, Diễn viên Jennifer Aniston, Người mẫu Bella Hadid và Người mẫu Miranda Kerr.
Trong một video đăng tải trên trang Instagram cá nhân, Hannah Bronfman chia sẻ: “Tôi không thể giữ bí mật này cho riêng mình nữa. Tôi thực sự thoa beef tallow khắp mặt mỗi đêm. Loại mỡ này có cùng cấu trúc sinh học với dầu trong da con người, đó là lý do tại sao da chúng ta thực sự hấp thụ chất dưỡng ẩm giàu lipid”.
“Beef tallow có hàm lượng vitamin phong phú gồm A, D, K và E. Tôi phải nói rằng, nhờ có vitamin A trong đó, tức là hoạt chất retinol nổi tiếng nên beef tallow không gây bít tắc lỗ chân lông” – Hannah Bronfman chia sẻ.
Bên cạnh Hannah Bronfman, nhiều người dùng mạng xã hội – đặc biệt là nền tảng TikTok dạo gần đây còn chia sẻ, kem dưỡng ẩm bằng mỡ bò được dùng ở bước cuối cùng của chu trình chăm sóc da với công dụng dưỡng ẩm, cung cấp dưỡng chất và mang lại làn da rạng rỡ.
Thế giới làm đẹp trên nền tảng TikTok còn cho rằng, mỡ bò là thành phần đa nhiệm vì có thể dưỡng ẩm da đến giảm sẹo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về việc mỡ bò có hay không làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây nên mụn.
BÀI LIÊN QUAN
Giới chuyên gia nói gì về trào lưu dưỡng da bằng mỡ bò?
Hannah Kopelman – Bác sĩ Da liễu tại Kopelman Aesthetic Surgery (New York, Hoa Kỳ) chia sẻ: Mỡ bò hay bất kỳ loại mỡ từ động vật nào sau khi nấu chảy để loại bỏ nước và chỉ giữ lại phần lipid. Sau khi nấu chảy mỡ đó có thể được dùng để nấu ăn; hoặc một số thương hiệu đã cho mỡ động vật vào xà phòng, các mỹ phẩm chăm sóc da để sử dụng.
Theo Desiree Stordahl, Giám đốc Nghiên cứu Ứng dụng và Giáo dục của Paula’s Choice cho rằng: Chăm sóc da bằng beef tallow mang tính thời thượng hơn là sự thật.
“Mặc dù đúng là mỡ bò chứa một số chất chống oxy hóa và acid béo omega có thể mang lại lợi ích cho da, nhưng có những thành phần tốt hơn thông qua quá trình phát triển và thử nghiệm lâm sàng trên da” – Desiree Stordahl.
Desiree Stordahl nhận định mỡ bò không gây bít tắc lỗ chân lông là hoàn toàn sai lầm. Thành phần chất béo bão hòa trong mỡ bò, mặc dù có tác dụng làm mềm da, nhưng lại có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mụn và khiến làn da dễ bị tắc nghẽn trở nên tồi tệ hơn.
Về sự so sánh giữa mỡ bò và retinol, vị chuyên gia này cũng bày tỏ sự hoài nghi. Mặc dù retinol đúng là một dạng của vitamin A, nhưng không thể kỳ vọng nhận được những lợi ích tương tự từ việc sử dụng mỡ bò. Cô chỉ ra hai vấn đề chính:
Thứ nhất là cách đóng gói sản phẩm. Hầu hết các sản phẩm mỡ bò được quảng cáo trên mạng xã hội đều đựng trong lọ và bao bì trong suốt. Trong khi đó, các chất chống oxy hóa, đặc biệt là vitamin A, rất nhạy cảm với không khí và ánh sáng. Đây là lý do các sản phẩm retinol luôn được đóng gói trong bao bì dạng bơm không trong suốt để hạn chế tiếp xúc với không khí.
Thứ hai là vấn đề về nồng độ vitamin A. Nồng độ đóng vai trò quyết định trong hiệu quả của retinol. Lượng vitamin A còn lại trong một lọ mỡ bò để trên kệ sẽ không thể so sánh được với một sản phẩm retinol được bào chế và đóng gói theo đúng tiêu chuẩn.
Vì vậy, dùng mỡ động vật được xem là cách làm đẹp đã có từ lâu. Tuy nhiên, vì xu hướng làm đẹp ngày càng thân thiện với môi trường và hạn chế những chế phẩm từ động vật nên mỡ bò hay bất kỳ loại mỡ động vật nào dần càng ít được sử dụng.
BÀI LIÊN QUAN
Liệu mỹ phẩm chứa động vật có mùi hôi không?
Một trong những câu hỏi lớn nhất mà mọi người đặt ra xung quanh việc chăm sóc da bằng mỡ động vật có mùi hay không. Tin tốt là cho tín đồ mê làm đẹp là: Không!
Các nhà sản xuất sẽ dùng các nhóm chất hóa học để khử đi mùi hôi của mỡ bò. Hoặc, nhiều nhà sản xuất đánh bông mỡ bò với các loại tinh dầu, chất tạo mùi để át đi mùi hôi. Vì vậy, mặc dù nó sẽ không để lại mùi hôi, nhưng một số làn da nhạy cảm với thành phần – đặc biệt là hương liệu – có thể bị kích ứng.
BÀI LIÊN QUAN
Nếu cảm thấy thích thú với trào lưu dưỡng da bằng mỡ động vật, bạn có thể thử dùng các loại mỹ phẩm có mỡ bò. Tuy nhiên, không nên tự ý nấu chảy và bôi mỡ động vật trực tiếp lên da. Điều này có thể gây nhiễm trùng, kích ứng. Ngoài ra, nếu da đang có bệnh lý hoặc đang có nhiều vấn đề thì bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia trước khi dùng mỡ động vật lên da.
Nhóm thực hiện
Thực hiện: Aaron Nguyen.
Ảnh: Tổng hợp.