Những người bạn động vật luôn cần được chăm sóc chu đáo để phát triển toàn diện và sống lâu, sống khỏe. Nếu vừa bắt đầu nuôi thú cưng hoặc đang tìm cách nâng cao sức khỏe cho vật yêu của mình, bạn nhất định không nên bỏ qua 9 mẹo hữu ích sau đây.
1. Thể hiện tình yêu và sự quan tâm
Tình yêu và sự quan tâm sẽ góp phần hình thành mối gắn kết đặc biệt giữa bạn và vật yêu, khiến những người bạn nhỏ cảm thấy an toàn và tạo nền tảng vững chắc để chúng phát triển khỏe mạnh. Vì vậy, bạn đừng ngần ngại thể hiện tình cảm với bé qua những ánh mắt trìu mến, những cái vuốt ve nhẹ nhàng hay cái ôm ấm áp. Những cử chỉ nhỏ này sẽ khiến thú cưng hiểu rằng chúng không chỉ là bạn đồng hành mà còn là một phần quan trọng trong cuộc sống của bạn.
BÀI LIÊN QUAN
2. Cho ăn đúng cách
Một chế độ ăn lành mạnh và cân bằng là chìa khóa để thú cưng phát triển toàn diện, đặc biệt trong giai đoạn đầu đời. Vì thế, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ thú y để xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với giống loài, độ tuổi và tình trạng cụ thể của vật yêu. Đừng quên điều chỉnh khẩu phần ăn dựa trên thể trạng và cân nặng của bé để hạn chế tình trạng tăng cân nhanh và các vấn đề sức khỏe khác.
Khi cho ăn, bạn cần tránh sử dụng thức ăn thừa từ bữa ăn của gia đình, vì chúng có thể không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của các bé, thậm chí chứa các thành phần độc hại. Ví dụ, ca cao, sữa, thịt tươi sống, bơ và các loại hạt đều là những thực phẩm cần tránh. Thay vào đó, hãy ưu tiên các nguồn thực phẩm như lúa mì, ngũ cốc, cà rốt, trứng, cá ngừ, cá hồi và thịt nạc, hoặc chọn sữa chuyên dụng hay thức ăn dành riêng cho thú cưng để cung cấp cho vật yêu những bữa ăn đa dạng và giàu dinh dưỡng.
Mặt khác, trên thị trường hiện có nhiều thương hiệu thức ăn với mức giá đa dạng, có thể khiến những người chủ mới gặp khó khăn khi lựa chọn. Để đảm bảo chất lượng và sự an toàn, bạn chỉ nên chọn mua những sản phẩm đạt tiêu chuẩn và tránh các loại có hàm lượng muối cao hoặc chứa nhiều phẩm màu nhân tạo.
3. Cung cấp đủ nước
Cung cấp đủ nước giúp các cơ quan của thú cưng hoạt động hiệu quả và duy trì mức năng lượng cần thiết cho các hoạt động hằng ngày. Do đó, bạn hãy tập cho các bé thói quen uống đủ nước bằng cách giữ bát nước luôn đầy và sạch, đồng thời đặt bát ở vị trí thuận tiện và dễ tiếp cận.
4. Thúc đẩy thú cưng vận động
Giống như con người, thú cưng cũng cần vận động để nâng cao sức khỏe, giảm cảm giác nhàm chán, căng thẳng và hạn chế các vấn đề về hành vi. Nếu người bạn bốn chân của bạn là một chú chó, hãy thường xuyên dẫn bé đi dạo, chạy bộ hoặc cho bé chơi đồ chơi để giải tỏa năng lượng. Với mèo và các loài vật nuôi khác, đồ chơi cũng là một công cụ hữu ích để kích thích não bộ. Ngoài ra, bạn đừng quên dành thời gian tương tác với vật yêu thông qua các hoạt động như huấn luyện và dạy lệnh mới, hoặc tạo điều kiện để chúng giao lưu với đồng loại.
5. Vệ sinh thường xuyên
Ngoài góp phần duy trì sức khỏe cho thú cưng, thực hiện chăm sóc vệ sinh định kỳ còn có thể thắt chặt mối gắn kết giữa bạn và chúng. Cụ thể, bạn nên thường xuyên chải lông để vừa loại bỏ lông rụng và bụi bẩn, vừa giữ cho lớp lông luôn bóng mượt và khỏe mạnh. Bên cạnh đó, hãy tắm cho các bé bằng các sản phẩm chuyên dụng an toàn, kết hợp với cắt móng, làm sạch tai và kiểm tra ký sinh trùng hoặc các vấn đề về da.
Xem thêm
• Dự đoán cuộc sống của 12 cung hoàng đạo trong 2025
• Những hoạt động thể chất giúp bạn cải thiện tâm trạng trong những ngày buồn bã
• Trắc nghiệm: Thú cưng yêu thích tiết lộ gì về tính cách của bạn?
6. Chăm sóc sức khỏe răng miệng
Sức khỏe răng miệng tốt là nền tảng quan trọng giúp thú cưng sống vui khỏe và đồng hành lâu dài cùng bạn. Trái lại, chăm sóc răng miệng không đúng cách có thể dẫn đến nhiều bệnh lý, từ nha chu đến những biến chứng nghiêm trọng gây ảnh hưởng tim, thận, đường ruột và khớp.
Để chủ động bảo vệ sức khỏe răng miệng cho thú cưng, bạn nên bắt đầu thói quen đánh răng từ sớm, lý tưởng nhất là khi bé ở giai đoạn 6-9 tháng tuổi – thời điểm răng vĩnh viễn đã mọc đầy đủ. Khi đánh răng, hãy sử dụng bàn chải dành riêng cho vật nuôi và tuyệt đối không dùng các sản phẩm chứa xylitol hay kem đánh răng dành cho người.
7. Khám thú y định kỳ
Thay vì chỉ đưa người bạn nhỏ đến phòng khám khi chúng bị ốm hoặc gặp chấn thương, bạn nên hình thành thói quen khám thú y định kỳ để chủ động bảo vệ sức khỏe cho bé. Những lần thăm khám này sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, cũng như tạo cơ hội để bạn nhận được những lời khuyên hữu ích từ bác sĩ về cách chăm sóc thú cưng khoa học và hiệu quả.
8. Tiêm phòng vaccine
Tiêm phòng vaccine đầy đủ và đúng quy trình là một bước chăm sóc y tế thiết yếu, giúp phòng tránh các bệnh nguy hiểm và duy trì sức khỏe cho thú cưng. Do đó, bạn nên chủ động đưa bé đến cơ sở thú y đáng tin cậy để được tư vấn loại vaccine phù hợp dựa trên môi trường sống và tình hình dịch tễ khu vực.
9. Tạo môi trường sống an toàn
Một môi trường sống an toàn không chỉ góp phần bảo vệ thú cưng khỏi những nguy hiểm tiềm tàng mà còn tạo không gian lý tưởng để các bé thoải mái vui chơi và hoạt động. Hãy giữ các vật dụng sắc nhọn và hóa chất độc hại ngoài tầm với của bé, đồng thời cố định dây điện và ưu tiên sử dụng các sản phẩm có chất liệu thân thiện với vật nuôi. Ngoài ra, bạn cũng có thể lắp đặt rào chắn để đảm bảo người bạn nhỏ của mình có thể thỏa sức khám phá thế giới xung quanh mà không vô tình chạy ra ngoài.
Nhóm thực hiện
Bài: Khiết Minh
Tham khảo: Whitworth Animal Clinic