Tôi xin mượn một câu nói trong bài phỏng vấn dưới đây với họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ để làm chủ đề khi nói về hội họa hiện đại Việt Nam. Nó quyến rũ, nó riêng biệt ở điểm nào? Có thể nói, khuynh hướng hiện đại đã đi vào môi trường hội họa của Việt Nam kể từ ngày triển lãm đầu tiên vào năm 1929 tại Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Cách đây 90 năm, ngày 7/10/1924, tại Hà Nội, toàn quyền Đông Dương Martial Merlin ký sắc lệnh cho thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương. Trường hoạt động trong thời gian 20 năm (1925-1945), đã trao bằng tốt nghiệp cho 128 sinh viên họa sĩ, trong đó có các ngôi sao sáng của nền mỹ thuật Việt Nam như: Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái… Và cuộc triển lãm đầu tiên mang tính lịch sử ở Việt Nam thời bấy giờ, được khai mạc tại trường Mỹ thuật Đông Dương, số 102 phố Reinach, Hà Nội, vào ngày thứ Sáu 15/11/1929 (cách đây 86 năm), đã có tác động đáng kể đến đời sống và công chúng đương thời. Lúc ấy, tranh lụa và tranh sơn mài chưa ra đời.
Các họa sĩ Việt Nam đã tiếp nhận các kỹ thuật hội họa phương Tây, nhất là kỹ thuật sơn dầu trực tiếp qua các họa sĩ Pháp (Victor Tardieu và Joseph Inguimberty) như một phương tiện có tính phổ quát để xây dựng một nền hội họa đầu tiên mang tính chất quốc gia, chuyên nghiệp, có tác giả, một nền hội họa bác học theo tinh thần của thời đại mới mà vẫn đảm bảo bám rễ sâu vào nguồn mạch văn hóa mỹ thuật truyền thống.
Bắt đầu từ cuộc trao đổi văn hóa Việt Mỹ, các họa sĩ Mỹ và họa sĩ các nước vào Việt Nam triển lãm. Ngược lại, các họa sĩ Việt Nam sang Mỹ và các nước tiên tiến trên thế giới triển lãm giao lưu. Đây là thời kỳ kinh tế thị trường mở cửa, Việt Nam gia nhập WTO, giới họa sĩ tiếp cận nhiều thông tin, nhất là giới họa sĩ trẻ được dịp khẳng định mình, qua các trường phái hậu hiện đại như Pop Art, Body Art, trình diễn, sắp đặt… Chính điều đó đã tạo ra sự quyến rũ và riêng biệt cho nền hội họa hiện đại Việt Nam.
Và trong số này, Elle Việt Nam mời bạn cùng trò chuyện với họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ để hiểu hơn về chuyện nghề của một nghệ sĩ tài năng theo trường phái hội họa hiện đại.
Hoàng Phượng Vỹ – Người họa sĩ đi bên lề cuộc sống
Hoàng Phượng Vỹ là một họa sĩ đam mê tranh sơn dầu, tranh bột màu. Anh tự nhận mình là một người nghệ sĩ luôn đi bên lề cuộc sống, họ chưa đau thì anh đã đau, họ chưa vui thì anh đã hoan lạc… Bởi cần lắm, phải có những khoảng lùi và tâm hồn nhạy cảm thì một người nghệ sĩ mới có thể tiến xa.
Như nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Hào Hải đã nói rằng: “Những tác phẩm của Hoàng Phượng Vỹ độc đáo bởi chính sự sáng tạo của anh: mạnh mẽ, thô ráp nhưng vẫn thể hiện được chất thi thơ của tự nhiên, những suy tư sâu thẳm trong con người anh. Màu sắc trong tranh của Hoàng Phượng Vỹ ấn tượng nhờ vào sự tinh tế và những kết hợp khéo léo của các sắc thái, kể cả đó là những màu sắc đối lập”, tranh của Hoàng Phượng Vỹ đáng để thưởng thức và để cảm.
Tại căn nhà nhỏ ấy, cuộc trò chuyện cứ thế diễn ra, lúc trải lòng, lúc tranh luận gay gắt và lúc lại lắng dịu khi nói về nghề, về đời, về con người nghệ sĩ của người họa sĩ tài năng này.
Anh đến với môn nghệ thuật tranh sơn dầu trên chất liệu toan, vải này từ khi nào?
Tôi tốt nghiệp đại học Kiến trúc, ra trường chưa có việc tôi đi làm công nhân, nhưng trong chính khoảng thời gian đó thì tình yêu nghệ thuật trong tôi bùng cháy. Tôi còn nhớ đó là những năm cuối thập kỷ 80. Tôi bắt đầu vẽ tranh sơn dầu trên vải và bột màu trên giấy. Tôi cũng rất may mắn vì những tác phẩm đầu tiên đã được mọi người yêu thích và nhận ra phong cách độc đáo. Rồi chính họ đã đặt tôi vẽ để minh họa trên báo Văn Nghệ, Người Hà Nội lúc bấy giờ, và tôi là họa sĩ trẻ nhất có tác phẩm được các báo danh tiếng ấy đăng, tên mình được đặt cạnh tên với cha, anh, với những họa sĩ nổi tiếng nhất của nền hội họa Việt Nam. Đó là một sự tự hào vì tôi bằng thực lực và cá tính nghệ thuật của chính mình để đến với giới hội họa và công chúng mà không bằng “chủ nghĩa quan hệ”.
Phong cách độc đáo đã khiến anh thành công ngay từ bước đầu đến với hội họa, có đúng như vậy?
Các tác phẩm của tôi đi theo một nhánh riêng biệt mà các nhà phê bình hội họa gọi tôi là một họa sĩ tiêu biểu cho “chủ nghĩa ngây thơ”. Nhưng lúc đó tôi vẽ theo bản năng, theo con tim và khối óc của một người trẻ đến với hội họa mà không biết rằng đó là dòng tranh theo chủ nghĩa ngây thơ. Tôi không học hội họa bài bản mà tôi vừa vẽ vừa tự học. Nhưng đó là điều hay bởi như vậy thì mình không cho mình cái quyền hợm hĩnh mà lúc nào cũng phán xét mình kỹ hơn.
Vừa rồi tham gia triển lãm tranh Giá trị sống, tôi thấy những tác phẩm trưng bày của anh gắn liền với những hình tượng dân gian trên chất liệu giấy được làm từ những nan quạt vô cùng độc đáo.
Tôi vẽ rất nhiều chủ đề chứ không chỉ gắn với những hình tượng dân gian. Thế nhưng, những chiếc quạt giấy khơi gợi trong tôi rất nhiều cảm xúc. Nó chạm vào tuổi thơ của tôi với hình ảnh của bà, của mẹ đã từng quạt cho mình và tôi đưa ngôn ngữ hiện đại trong đồ họa mang bóng dáng đa nghĩa và phi lý để thổi vào đó một vẻ đẹp mới cho chiếc quạt giấy. Bằng chất liệu truyền thống, dân gian nhưng mang hơi thở hiện đại.
Vậy anh thường vẽ những gì?
Thực ra tôi không quan tâm mấy đến chủ đề, với tôi nghệ thuật phủ lên cả chủ đề và hai cái đó giao thoa vào nhau. Tôi vẽ con người với đồ vật, con người với cảnh vật. Tất cả tôi đẩy vào trong tranh với một độ phi lý vô cùng, chẳng hạn như đang là mặt người mà lại xuất hiện một con cá, đó là kiểu tranh của tôi.
Người vẽ luôn luôn phải học nhưng người xem cũng phải đồng hành, họ cũng phải học. Nghề của tôi là nghề sáng tạo ra chính tôi, chứ không phải tôi đi phục vụ các ý tưởng của công chúng. Tôi giãi bày những tâm tư, tâm sự, hoan lạc hay thống khổ trong tôi, còn nếu bạn không hiểu thì bạn cần phải học, làm thế nào để bạn có thể hiểu được các tác phẩm hội họa. Nghệ thuật giá trị đồng nghĩa với nâng cao thẩm mỹ cho người xem.
Xin cảm ơn và chúc anh đón năm mới với nhiều thành công trong sự nghiệp.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngọc Anh (trong bài có sử dụng một số tư liệu nghiên cứu của họa sĩ Lê Hiếu) Ảnh: Chu Lân