Lifestyle / Trải nghiệm

Tết Sài Gòn – Mùa xuân của kỷ niệm

Từ lúc nhỏ cho đến khi vào đại học và đi học xa nhà, Tết với tôi là tất cả những gì diễn ra bên trong căn nhà quen thuộc ở con hẻm đường An Dương Vương. Cả nhà vẫn gọi tên căn nhà đó theo tên đường cũ là căn nhà Thành Thái.

ellevn-talk-tet-1

Từ lúc nhỏ cho đến khi vào đại học và đi học xa nhà, Tết với tôi là tất cả những gì diễn ra bên trong căn nhà quen thuộc ở con hẻm đường An Dương Vương. Cả nhà vẫn gọi tên căn nhà đó theo tên đường cũ là căn nhà Thành Thái. Không khí, âm thanh và mùi vị của Tết bắt đầu ùa về tràn ngập trong căn nhà của chúng tôi từ những ngày 27, 28 Tết khi bà, mẹ và các bác, dì cập rập chuẩn bị kho thịt, làm gà. Sáng 30 Tết là ngày cuối để dọn sạch và trang hoàng nhà cửa. Chú tôi vốn rất khéo tay và cắm hoa rất đẹp sẽ mua rất nhiều hoa hướng dương và mào gà về để cắm hoa cho phòng khách và bếp. Có năm sẽ có thêm một cành đào lớn được họ hàng ở Hà Nội tặng đặt ở một góc phòng khách. Nhà hàng xóm sát bên cũng mở toang cửa và bật nhạc Xuân vang khắp cả con hẻm. Đối với tôi như thế là đã rất Tết rồi. Những lúc đó tôi chỉ thích quanh quẩn ở nhà để tận hưởng không khí ấy.

“Đại tiệc Tết” sẽ bắt đầu vào đúng khoảnh khắc giao thừa của đêm 30. Đó là một truyền thống từ rất lâu của gia đình, có lẽ đã bắt đầu từ trước khi tôi được sinh ra đời. Lúc đó ai cũng sẽ diện đồ đẹp, phụ nữ và đám con nít bọn tôi sẽ mặc áo dài, mọi người cùng quây quần ở phòng khách đèn sáng lung linh và ấm cúng. Bọn con nít sẽ bắt đầu chúc Tết và nhận lì xì từ Ông bà và các cô chú bác dì. Đến khoảng 1 giờ đêm, những bạn bè thân quen nhất của gia đinh đều đã tề tụ đông đủ. Mọi người bắt đầu hát, thường luôn bắt đầu với bài hát “Ly rượu mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Đêm giao thừa và 3 ngày Tết luôn tràn ngập tiếng đàn hát và tiếng cười là thế. Các chú thường thức chơi sập xám đến khuya, đám con nít cũng có tụ riêng và râm ran đếm tiền lì xì. Tất cả những kỉ niệm đó đã trở thành định nghĩa của riêng tôi về những ngày Tết. Đó cũng là những khoảnh khắc mà sau này tôi chẳng bao giờ tìm thấy được.

Bây giờ, mọi thứ đã có quá nhiều biến động. Ông bà, các cô chú, bố mẹ, các em của tôi đã lần lượt định cư ở nước ngoài. Căn nhà Thành Thái cũng không còn nữa. Tôi cũng đã có một gia đình nhỏ của riêng mình, Tết của tôi ngày hôm nay cũng đã thay đổi từ đó. Đêm giao thừa của bây giờ hoàn toàn im ắng và vắng lặng. Chẳng có ai để hát hò, chúc tụng, chỉ có tiếng còi hụ của những chiếc tàu đậu ở bến cảng báo hiệu thời khắc năm mới đã đến. Tôi cũng chẳng còn hứng thú may áo dài mới mỗi khi Tết đến nữa.

Với tôi ngày hôm nay và có lẽ với rất nhiều người khác cùng thế hệ, Tết không chỉ còn là của riêng gia đình, hay những gì diễn ra bên trong ngôi nhà của mình nữa. Chúng tôi tìm không khí Tết trên đường phố Sài Gòn ngày một đông đúc và đang thay đổi nhanh đến chóng mặt. Đêm giao thừa, người ta kéo ra đường thay vì ở nhà. Rất nhiều bạn bè của tôi dành những ngày nghỉ Tết cho những chuyến đi xa. Trong năm họ đã quá bận rộn, Tết trở thành dịp nghỉ dài hiếm hoi để họ thỏa mãn nhu cầu du lịch của mình. Hay phải chăng Tết Sài Gòn không còn đủ quyến rũ và lôi cuốn để giữ chân chúng tôi ở lại? Và có lẽ cũng vì chính chúng tôi cũng đã thay đổi, đã quá lớn để thấy vui với những câu chúc và bao lì xì.

Tuy nhiên, dù chúng tôi đón nhận thế nào, Tết sẽ vẫn còn đó. Dù chúng tôi đang ở đâu, đêm giao thừa sẽ vẫn là thời khắc quan trọng để nhớ đến ông bà, cha mẹ, tất cả người thân. Để niệm nhớ đến những kỷ niệm đầy yêu thương, và biết rằng mình đã thật may mắn và hạnh phúc khi được nuôi dưỡng và lớn lên trong vòng tay nối dài của cả gia đình. Để những gì tôi làm hôm nay hy vọng sẽ là sự tiếp nối cho những kỷ niệm mới về ngày Tết của gia đình.

Tháng Giêng xanh đỏ tím hường

Chồn chân lữ thứ nửa đường nôn nao.

Chiều qua đổ trận mưa rào

Tầm xuân dăm nụ ngọt ngào nở hoa.

Thôi đành quay lại chốn xa,

Tháng giêng,

Ôi nắng quê nhà… sau lưng.

(Thơ Doãn Quốc Vinh)

 

Nhóm thực hiện

Bài: Liên Chi
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)