Ra đời từ một hãng sản xuất nhỏ, Flow đã vượt mặt hai tác phẩm đình đám là Inside Out 2 và The Wild Robot để mang về giải thưởng Quả Cầu Vàng 2025. Phim được giới phê bình đón nhận tích cực với 97% điểm cà chua tươi trên Rotten Tomatoes và 7.9 điểm IMDb.
Thế giới qua lăng kính của một chú mèo
Flow xoay quanh hành trình phiêu lưu của một chú mèo vô danh cùng nhóm bạn của mình. Phim mở đầu bằng một phân cảnh đơn giản nhưng đầy sức gợi, khi chú mèo nhỏ vô tình gây chiến với một bầy chó hoang trong khu rừng nở đầy hoa. Ngay sau đó, nó tìm thấy nơi trú ẩn trong một cabin bỏ hoang, nơi những bức chạm khắc khổng lồ, mang đậm dấu ấn của một nền văn hóa đã biến mất, phủ đầy khắp các bức tường.
Ngày nọ, một trận lũ ập đến, nước dâng lên cao, chỉ còn lại đỉnh núi trơ trọi là nơi trú ẩn duy nhất và chú mèo đen may mắn sống sót. Trên một chiếc thuyền cũ kỹ, hư hỏng, nó tình cờ gặp một con chuột lang nước và dần dần, một nhóm động vật sống sót hỗn tạp tập hợp lại: một con vượn cáo đuôi vòng, một con chim thư ký và một chú chó Labrador vàng. Cùng nhau, cả bọn bắt đầu hành trình “theo dòng”, băng qua những tàn tích của thế giới cũ. Trên chuyến đi đó, những sinh vật xa lạ này phải học cách chung sống, vượt qua nỗi sợ hãi và mâu thuẫn để sinh tồn.
Trong Flow, sự hình thành của một nhóm động vật không lời thoại diễn ra một cách tự nhiên và chân thực, không có sự nhân cách hóa thường thấy trong những bộ phim hoạt hình về động vật. Được dẫn dắt bởi một chú mèo, nhóm này bao gồm các loài động vật có tính cách khác nhau, nhưng tất cả đều thể hiện những đặc điểm và hành vi tự nhiên của chúng.
Con chuột lang nước thông minh nhưng có phần chậm chạp là một hình mẫu của sự khôn ngoan thận trọng. Nó là người đồng hành đầu tiên của con mèo trên chiếc thuyền và mặc dù nó không phải là con vật nhanh nhẹn nhất, nó đóng một vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt nhóm qua những thử thách. Con chó Labrador, với sự tươi vui, đem lại một sự lạc quan, mặc dù đôi khi vụng về và không kiểm soát được cảm xúc của mình. Con vượn cáo, với sở thích sưu tầm những đồ vật bỏ đi, lại gắn kết nhóm bằng sự tò mò và khả năng tìm kiếm những vật dụng hữu ích. Cuối cùng, con chim thư ký cao quý, luôn thể hiện sự trầm tĩnh và uy nghiêm, đóng vai trò như người hướng dẫn tinh thần, khẳng định tầm quan trọng của sự gắn kết và hòa bình giữa các loài. Không có tiếng nói, chỉ có âm thanh tự nhiên và những bản nhạc nhẹ nhàng, Flow trở thành một tác phẩm không lời đầy chiêm nghiệm về sự sống, sự thích nghi và tình bạn.
Tạo ra một thế giới hậu nhân loại, Zilbalodis cho khán giả thấy những dấu vết mờ nhạt của một nền văn minh đã qua, nơi những công trình đổ nát, những tác phẩm điêu khắc dành riêng cho mèo và những món đồ bỏ đi của con người tạo nên một không gian kỳ quái và hoang tàn. Khi cơn đại hồng thủy dâng lên, nhấn chìm mọi dấu tích của nền văn minh, chú mèo đứng trên một hòn đảo giữa đại dương vắng lặng. Một bức tượng mèo khổng lồ – như một kỷ niệm quá khứ – gần như bị nhấn chìm hoàn toàn, chỉ còn lại những mảnh vỡ của những công trình nhân tạo đã bị biển cả nuốt chửng. Những hình ảnh này một phần phản ánh sự tàn lụi của loài người, phần khác là lời nhắc nhở về bản chất phù du, vô thường và tính tạm thời của cuộc sống.
BÀI LIÊN QUAN
Sức mạnh của cộng tác
Flow bắt đầu với một chú mèo con đen, đơn độc trong một thế giới mênh mông không người và nó phải học cách vượt qua những nỗi sợ hãi sâu thẳm để có thể tin tưởng vào những loài động vật khác. Trong phim, hai phân đoạn đặc biệt đánh dấu những khoảnh khắc then chốt trong hành trình của chú mèo là khi nó soi mình trong sự phản chiếu của một vũng nước. Cảnh quay đầu tiên của chú mèo nhìn vào mặt nước là khi chú mèo vẫn chỉ là một cá thể riêng biệt, chưa tìm được sự kết nối với những sinh vật khác. Lần thứ hai, là khi nhóm động vật của nó thành công vượt qua đại dương trở về. Sự phản chiếu của chú mèo đen trên mặt nước không đơn giản là một khoảnh khắc thị giác, mà là một biểu tượng mạnh mẽ của quá trình tự nhận thức, một hình thức tự vấn về bản ngã trong hành trình sinh tồn.
Phim không hề đặt thiên nhiên vào vai trò của một kẻ thù; thay vào đó, nó cho thấy rằng những sự tàn phá này là một phần không thể tránh khỏi của “dòng chảy” của tự nhiên. Nước, trong bộ phim, không phải là một sức mạnh tiêu cực, mà là biểu tượng của sự tái sinh, của việc bao phủ và làm mới mọi thứ. Hai hình ảnh đối nghịch, biển cả bao la và chiếc thuyền nhỏ bé, đơn độc trong phim thể hiện rõ sự đối lập giữa chủ nghĩa cá nhân và cộng đồng. Đối mặt với cơn bão tự nhiên lẫn cơn bão cảm xúc, các nhân vật không chỉ vật lộn để sinh tồn mà còn phải tìm cách hòa hợp, vượt qua những rào cản ngầm trong chính mình.
Mặt khác, phim mở ra một không gian ngụ ngôn đầy thâm thúy về thân phận con người. Cuộc hành trình của chú mèo trong Flow không đơn thuần là một cuộc phiêu lưu hoạt hình mà là một tấm gương phản chiếu những ngóc ngách sâu thẳm trong bản chất con người. Qua các nhân vật động vật, bộ phim khám phá những sự thật về nỗi sợ hãi, sự tin tưởng, tình bạn và những động lực phức tạp mà chúng ta, những sinh vật mang lý trí, phải đối diện trong mối quan hệ với nhau. Mỗi khoảnh khắc trong cuộc hành trình của chú mèo do đó, vừa là thử thách sinh tồn vừa là một cuộc đối đầu với những khiếm khuyết trong bản thân con người – sự ích kỷ, lòng tham và sự tự vấn không ngừng về mục đích sống.
Flow là một câu chuyện về sự sống còn, nhưng nó cũng là cuộc tìm kiếm sự hòa hợp, sự tha thứ và một hy vọng mong manh rằng trong cuộc sống này, chúng ta có thể gạt bỏ những khác biệt để cùng nhau hướng tới một mục đích chung.
Xem thêm
•[Review phim] “XO, Kitty 2”: Ngoại truyện ngọt ngào từ vũ trụ “To All the Boys”
Một trải nghiệm điện ảnh mãn nhãn và mãn nhĩ
Flow là một minh chứng sống động cho sức mạnh của nguyên tắc show don’t tell trong điện ảnh. Phim cho thấy ngay cả những hình thức tưởng chừng khiêm tốn nhất cũng có thể truyền tải những thông điệp sâu sắc, vượt lên trên lời nói.
Bối cảnh trong Flow được dựng lên một cách tuyệt đẹp, với những vùng nước dập dờn, những đại ngàn xanh thẳm, những đàn cá đầy màu sắc hay tàn tích của một thành phố đã bị quên lãng… Các cảnh quay dưới nước với các đợt sóng lấp lánh khiến người xem không thể rời mắt. Mỗi khung hình trong bộ phim này đều chứa đựng một vẻ đẹp nguyên sơ, khắc họa một khung cảnh vừa hoành tráng vừa gợn buồn.
Bộ phim khai thác sức mạnh của hình ảnh và âm thanh để kể một câu chuyện hoàn toàn không lời, nhưng lại sâu sắc và đầy cảm xúc. Các loài động vật, trong đó có một con mèo đen đầy biểu cảm, giao tiếp thông qua những cử chỉ tinh tế và những âm thanh đơn giản như tiếng meo meo, tiếng sủa hay tiếng vỗ cánh, nhưng lại đủ để truyền tải một thông điệp rộng lớn về sự sống, sự kết nối và sự sinh tồn.
Âm nhạc trong Flow, được sáng tác bởi Zilbalodis cùng với nhà soạn nhạc Rihards Zaļupe. Cả hai tạo ra một bản giao hưởng của sự sống, mọi thứ – từ cả âm thanh, hình ảnh và hành động, đều đồng điệu trong một không gian tuyệt đẹp đầy tính triết lý. Âm nhạc, với sự tối giản đầy cuốn hút, được xây dựng một cách tinh tế, giúp kết nối những sinh vật trong câu chuyện bằng một sự đồng cảm sâu sắc và đầy sống động.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Thúy Vân
Ảnh: Tổng hợp