Trên bảng xếp hạng doanh thu phòng vé, Đèn Âm Hồn cũng tạo nên bất ngờ lớn. Phim vượt mặt Bộ Tứ Báo Thủ, Nụ Hôn Bạc Tỷ để vươn lên vị trí dẫn đầu ngay trong ngày đầu ra mắt đồng thời duy trì sức nóng trong ngày chiếu tiếp theo với doanh thu chạm mốc 19 tỷ đồng. Thành tích này đặc biệt ấn tượng khi đây là sản phẩm của một đạo diễn tay ngang cùng dàn diễn viên chưa có nhiều kinh nghiệm trên màn ảnh rộng.
Cảm hứng từ tác phẩm văn học kinh điển
Đèn Âm Hồn lấy cảm hứng từ Chuyện người con gái Nam Xương – một trong những tác phẩm nổi bật trong Truyền kỳ mạn lục do Nguyễn Dữ chấp bút vào thế kỷ XVI. Tác phẩm khai thác bi kịch của Vũ Nương – một người phụ nữ hiền thục, nết na nhưng bị chồng nghi oan dẫn đến cái chết oan uổng. Điều đặc biệt ở Chuyện người con gái Nam Xương không chỉ nằm ở tính bi kịch mà còn ở cách Nguyễn Dữ khéo léo kết hợp yếu tố kỳ ảo với đời thực, tạo nên một thế giới ma mị, đầy ám ảnh. Hình ảnh Vũ Nương xuất hiện trên dòng Hoàng Giang, dù không thể trở về dương thế nhưng vẫn khao khát giãi bày nỗi oan khuất, thể hiện ước mơ công lý của con người thời bấy giờ. Chính sự hòa quyện giữa yếu tố hiện thực và huyền bí, cùng thông điệp nhân văn sâu sắc đã biến tác phẩm này trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của văn học trung đại Việt Nam.
Đèn Âm Hồn tái hiện tác phẩm dưới một lớp áo mới đậm chất kinh dị huyền bí. Lấy bối cảnh một ngôi làng Bắc Bộ thời chiến, phim kể về cuộc sống của Thương, một thiếu phụ trẻ phải gánh vác trọng trách chăm sóc gia đình khi chồng tòng quân ra trận. Một mình nuôi mẹ chồng và dạy dỗ con trai nhỏ – bé Lĩnh, Thương không một lời than thở mà thủy chung đợi chồng. Mọi thứ dần thay đổi khi Lĩnh vô tình nhặt được một chiếc đèn cổ trong lễ viếng bà. Cậu bé ngây thơ tin rằng bóng phản chiếu từ chiếc đèn chính là cha mình. Nhưng rồi, những hiện tượng kỳ lạ liên tiếp xảy ra, báo hiệu sự xuất hiện của một thế lực ma quái.
Theo lời cô đồng Liễu – người chuyên hành nghề trừ tà trong làng, chiếc đèn bí ẩn này không đơn thuần là một món đồ cổ. Nó được gọi là đèn âm hồn, có khả năng kết nối hai thế giới và triệu hồi những linh hồn đã khuất. Không ai hay biết rằng, Lĩnh đã vô tình mở cánh cửa đưa một vong hồn oán hận trở về, mang đến tai họa cho cả ngôi làng. Trong khi Thương dần cảm nhận được những biến cố kỳ lạ vây quanh con trai, thì cô Liễu cùng em trai – thầy cúng Hường – cũng bắt đầu nhận ra sự trỗi dậy của một thế lực siêu nhiên đáng sợ, đẩy họ vào một cuộc đối đầu đầy căng thẳng giữa cõi âm và dương.
Với bối cảnh hoài cổ, đậm màu sắc dân gian cùng những chi tiết bí ẩn, Đèn Âm Hồn đan xen tái hiện số phận nghiệt ngã của người phụ nữ xưa. Bộ phim mang đến một trải nghiệm mới mẻ cho khán giả yêu thích dòng phim kinh dị pha trộn yếu tố văn học và tâm linh. Tuy nhiên, dù sở hữu ý tưởng độc đáo, tác phẩm vẫn cần nhiều yếu tố phá cách hơn để tạo nên dấu ấn thực sự trong dòng phim kinh dị Việt.
BÀI LIÊN QUAN
Tham vọng lớn nhưng chưa trọn vẹn
Sở hữu chất liệu phong phú từ nguyên tác, Đèn Âm Hồn giàu tiềm năng để trở thành một bộ phim kinh dị mang đậm màu sắc liêu trai, vừa ám ảnh vừa xúc động. Câu chuyện về Thương và Đinh – hai nhân vật được phóng tác từ Vũ Nương và Trương Sinh – đáng lẽ có thể khai thác sâu hơn về bi kịch thân phận, nỗi đau chia ly thế nhưng, phim chưa tận dụng được hết tiềm năng vốn có.
Đèn Âm Hồn có cấu trúc giống như một chuỗi các đoạn phim ngắn ghép lại. Điều này khiến khán giả khó cảm nhận được sự gắn kết giữa các tình tiết, cũng như chưa thực sự bị cuốn vào hành trình khám phá những bí ẩn mà phim đặt ra. Nhịp phim cũng thiếu ổn định: có lúc quá nhanh khiến cảm xúc chưa kịp lắng đọng, có lúc lại lê thê với những đoạn thoại giải thích dài dòng. Phim phụ thuộc quá mức vào việc giải thích bằng lời, khiến các chi tiết mất đi tính gợi mở và sức ám ảnh cần có.
Dù lấy bối cảnh văn hóa dân gian Việt Nam với tục thờ cúng tổ tiên, Đèn Âm Hồn lại mang hơi hướm vay mượn từ nhiều tác phẩm kinh dị quốc tế. Hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất sau khi khán giả rời rạp là Exhuma và Insidious. Thêm vào đó, sự pha trộn giữa yếu tố kinh dị, tâm linh và bi kịch cá nhân chưa thực sự nhuần nhuyễn, dẫn đến một thế giới siêu nhiên mờ nhạt, dù phim có vận dụng cả nghi thức hầu đồng – một nét văn hóa đặc trưng của người Việt.
Về diễn xuất, dàn diễn viên chính đều là những gương mặt mới, nên chưa hoàn toàn chinh phục được khán giả. Điểm sáng hiếm hoi về diễn xuất thuộc về Tuấn Mỏ với màn thể hiện duyên dáng, trong khi nam chính Phú Thịnh lại hứng chịu nhiều chỉ trích vì diễn xuất bị đánh giá là cứng nhắc, thiếu cảm xúc. Hoàng Kim Ngọc cũng nhận được nhiều lời khen khi thể hiện tròn trịa vai cô đồng với thần thái bí ẩn, cuốn hút cùng những nghi thức tâm linh được tái hiện chỉn chu. Tuy nhiên, vai nữ chính lại là thử thách quá sức đối với Diễm Trang. Cô chưa thể hiện được đủ chiều sâu tâm lý của một người mẹ đơn thân, gánh trên vai nỗi cô đơn và mỏi mòn chờ chồng trở về. Những phân đoạn đòi hỏi cảm xúc cao trào cũng chưa đủ sức nặng, khiến hành trình nội tâm của nhân vật Thương thiếu điểm nhấn và chưa thực sự chạm đến khán giả.
Xem thêm
•[Review phim] “Motel California”: Ta đến với cuộc đời để hạnh phúc
•[Review phim] “Study Group”: Phim hành động học đường hài hước và nhân văn
Hơi thở văn hóa dân gian Bắc bộ
Là dị bản của tác phẩm văn học kinh điển, Đèn Âm Hồn tái hiện một câu chuyện u linh giữa ranh giới âm – dương. Ở đó, cái chết oan ức của Thương khi chồng trở về mở ra cánh cửa dẫn lối những thực thể từ thế giới bên kia. Bộ phim, từ đây, đan cài sâu sắc các yếu tố tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và niềm tin tâm linh trong văn hóa dân gian Việt Nam. Phim thành công vẽ lại bức tranh làng quê Bắc Bộ chân thực và sống động qua từng chi tiết – từ nếp nhà tranh, khu chợ, con đường làng, cánh đồng lúa, chiếc áo tứ thân đến ánh đèn dầu leo lét… Không gian này góp phần khắc họa đời sống văn hóa tinh thần và tín ngưỡng của người dân.
Bên cạnh khai thác cốt truyện mang màu sắc liêu trai, Đèn Âm Hồn còn ghi dấu ấn mạnh mẽ nhờ bối cảnh hoành tráng. Những danh thắng thiên nhiên hùng vĩ như thác Bản Giốc, Mắt Thần Núi, rừng trúc Cao Bằng… trở thành phông nền lý tưởng, tạo nên không khí vừa thơ mộng vừa huyền bí. Sự kết hợp giữa cảnh sắc thiên nhiên tráng lệ và kỹ thuật quay phim hiện đại mang đến trải nghiệm thị giác đầy cuốn hút, giúp khán giả chìm đắm vào thế giới cổ xưa mà bộ phim khắc họa.
Sở hữu bối cảnh chỉn chu, Đèn Âm Hồn còn quy tụ dàn diễn viên kỳ cựu như NSƯT Quang Tèo, NSƯT Chiều Xuân, Kiều Trinh… Ngoài ra, phim cũng ghi điểm với âm thanh và âm nhạc được đầu tư kỹ lưỡng. Hiệu ứng âm thanh tạo cảm giác căng thẳng, hồi hộp, góp phần khuếch đại sự rùng rợn trong các cảnh kinh dị. Nhạc phim được sử dụng đúng lúc, tạo cao trào cảm xúc cho bộ phim. Dù vẫn còn một số hạn chế về kỹ xảo, nhưng nhìn chung, phần hình ảnh và âm thanh đã hỗ trợ đắc lực trong việc tạo dựng thế giới tâm linh huyền bí mà bộ phim hướng đến.
Tựu trung, là sản phẩm đầu tay của một nhà làm phim tay ngang, Đèn Âm Hồn không tránh khỏi những hạn chế về kỹ thuật và cách kể chuyện. Hoàng Nam rõ ràng đã đặt nhiều tâm huyết và sáng tạo vào dự án này, song việc chuyển tải một câu chuyện đậm hơi thở văn hóa dân gian lên màn ảnh vẫn là thử thách không nhỏ. Ý tưởng kết hợp văn học với yếu tố kinh dị tâm linh có nhiều tiềm năng, nhưng cách triển khai lại chưa đủ sức thuyết phục những khán giả khó tính. Tuy nhiên, với những ai không quá khắt khe, đây vẫn là một tác phẩm giải trí đáng xem.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Thúy Vân
Ảnh: Tổng hợp