Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review phim] “Nhà Gia Tiên”: Hành trình đối thoại với ký ức và hóa giải vòng lặp định kiến

“Nhà Gia Tiên” đánh dấu màn tái xuất ấn tượng của Huỳnh Lập trên màn ảnh rộng sau 5 năm vắng bóng, mang đến câu chuyện về giá trị gia đình và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong bối cảnh đương đại.

Trở lại sau thành công của Pháp Sư Mù: Ai Chết Giơ Tay (2019), Huỳnh Lập thể hiện sự trưởng thành rõ rệt trong cách kể chuyện và xử lý các đề tài văn hóa. Dù tác phẩm còn những hạn chế về mặt kỹ thuật do điều kiện sản xuất, đạo diễn đã khéo léo lồng ghép yếu tố kỳ ảo để làm nổi bật thông điệp về tầm quan trọng của mối liên kết gia đình và những giá trị truyền thống trong xã hội hiện đại.

Nhà Gia tiên poster
Nhà Gia Tiên đánh dấu sự trở lại của Huỳnh Lập trên màn ảnh rộng sau hơn 5 năm.

Gánh nặng truyền thống và vòng lặp định kiến

Nhà Gia Tiên xoay quanh gia đình họ Huỳnh với nghề làm bánh xèo truyền thống. Cô con gái Mỹ Tiên (Phương Mỹ Chi) là một nhà sáng tạo nội dung trẻ – trở về quê để tìm kiếm chất liệu mới cho công việc. Trong hành trình đó, cô vô tình phát hiện bản thân có thể nhìn thấy linh hồn người anh trai đã khuất – Gia Minh (Huỳnh Lập), người vẫn còn vương vấn căn nhà gia tiên và tìm cách bảo vệ nó khỏi những toan tính tranh đoạt trong dòng họ. Ở trung tâm câu chuyện là người ông nội gia trưởng (Đào Anh Tuấn), kiên quyết giữ gìn ngôi nhà dù điều đó từng đẩy gia đình vào bi kịch.

Bằng lối kể chuyện đậm chất huyền bí và mang hơi thở của đời sống, Nhà Gia Tiên là lời đối thoại trực diện với những tư tưởng truyền thống đã ăn sâu vào nếp nhà Việt Nam. Phim mở đầu bằng bi kịch của Mỹ Tiên – cô bé chào đời ngay khi cha cô rời khỏi trần thế. Lớn lên trong bầu không khí u uất của một ngôi nhà nặng gánh quá khứ, Mỹ Tiên tiếp tục đối diện với nỗi đau khi anh trai Gia Minh – niềm hy vọng của dòng họ, cũng bất ngờ ra đi trong một vụ tai nạn. Tuy nhiên, linh hồn Gia Minh bị mắc kẹt giữa hai thế giới vì những tâm nguyện chưa thành.

Nhà Gia tiên hình ảnh nhân vật
Phim xoay quanh gia đình họ Huỳnh với nghề làm bánh xèo truyền thống.

Trở về quê nhà, Mỹ Tiên khám phá một bí ẩn: cô có thể nhìn thấy và trò chuyện với người anh trai quá cố. Từ đây, những góc khuất chìm sâu trong quá khứ dần được hé lộ, kéo theo chuỗi xung đột giữa truyền thống và hiện đại, giữa những giá trị cũ và tư duy mới.

Ở tầng sâu hơn, Nhà Gia Tiên không đơn thuần là câu chuyện về tình thân mà còn là bức tranh phản chiếu tư tưởng gia trưởng ăn sâu trong văn hóa Việt Nam. Bộ phim vẽ nên một bức tranh chân thực về cách những gánh nặng truyền thống, định kiến trọng nam khinh nữ đã tạo ra những vết thương vô hình mà mỗi thành viên trong gia đình: một đứa con trai phải sống theo kỳ vọng dù bản thân có thực sự mong muốn hay không và một đứa con gái bị phủ nhận giá trị chỉ vì giới tính của mình. Vòng lặp ấy cứ thế tiếp diễn qua từng thế hệ, trở thành một xiềng xích vô hình mà không ai dám phá bỏ. Nhờ đó, phim không chỉ kể về một linh hồn chưa thể siêu thoát, mà còn là câu chuyện về những người còn sống, bị mắc kẹt trong những định kiến cũ kỹ của gia đình.

phương mỹ chi trong nhà gia tiên
Bộ phim vẽ nên bức tranh về gánh nặng truyền thống, định kiến trọng nam khinh nữ.

Yếu tố tâm linh trong Nhà Gia Tiên ngoài tạo nhịp phim kịch tính còn là lời nhắc nhở về những mất mát và tổn thương mà gia đình đã trải qua. Phim khai thác sự giao thoa giữa thế giới người sống và người chết và phản ánh cách con người đối diện với quá khứ.

Phim mang màu sắc hài hước nhưng cũng không thiếu những khoảnh khắc cảm động, khéo léo cân bằng giữa yếu tố giải trí và thông điệp văn hóa. Mặc dù còn một số điểm chưa trọn vẹn về mặt kỹ thuật, đây vẫn là một nỗ lực đáng ghi nhận của Huỳnh Lập trên hành trình khẳng định bản sắc riêng trong điện ảnh Việt.

Huỳnh Lập và Phương Mỹ Chi trong nhà gia tiên
Phim cân bằng khéo léo giữa yếu tố giải trí và thông điệp văn hóa.

Hồn cốt văn hóa trong từng khung hình

Điểm sáng của Nhà Gia Tiên nằm ở cách bộ phim tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam. Không đơn thuần là câu chuyện siêu nhiên, phim còn là một lát cắt văn hóa với những hình ảnh quen thuộc như lễ cúng tổ tiên, nghệ thuật tranh kiếng và ẩm thực truyền thống.

Những khung cảnh bếp lửa bập bùng, mâm cúng nghi ngút khói, hình ảnh bàn thờ tổ tiên, những nén nhang hay chiếc bánh xèo vàng giòn dân dã nhưng thấm đẫm hồn quê… tất cả đều là những ký ức quen thuộc của mỗi gia đình Việt, lời nhắc nhở về cội nguồn. Phim đem tới những thước phim chậm rãi, đầy tính hoài niệm gợi lên cảm giác gần gũi, như một chuyến trở về quê hương trong tâm tưởng mỗi người con xa xứ.

Một trong những điểm nhấn thú vị của phim là nghệ thuật tranh kiếng – một nét đẹp văn hóa đặc trưng của miền Tây nhưng đang dần mai một. Không phô trương hay gượng ép, những bức tranh kiếng trong phim trở thành biểu tượng cho sự lưu giữ ký ức, như một cách để nhắc nhở về giá trị của những di sản văn hóa mà thế hệ sau cần trân trọng.

chát liệu văn hóa được huỳnh lập thể hiện xuất sắc trong phim
Điểm sáng của phim nằm ở cách bộ phim tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam.

Dù mang nặng yếu tố tâm linh và gia đình, Nhà Gia Tiên vẫn giữ được sự duyên dáng qua những mảng miếng hài đặc trưng của Huỳnh Lập. Tiếng cười trong phim được tiết chế hợp lý, không quá lố nhưng đủ để giữ chân khán giả. Đây là điểm mạnh của bộ phim, giúp cân bằng cảm xúc và tránh việc câu chuyện trở nên quá nặng nề.

Bên cạnh đó, phần kỹ xảo và thiết kế bối cảnh cũng được đầu tư chỉn chu. Tạo hình nhân vật, đặc biệt là các phân đoạn tâm linh, được xử lý khá tốt, mang đến hiệu ứng thị giác ấn tượng. Âm nhạc cũng là một điểm cộng khi góp phần nâng cao cảm xúc, với những giai điệu hoài niệm giúp kết nối câu chuyện với những giá trị truyền thống. 

hình ảnh ông bà tổ tiên trong phim của huỳnh lập
Phim có phần kỹ xảo và thiết kế bối cảnh được đầu tư chỉn chu.

Xem thêm

[Review phim] “Melo Movie”: Tình yêu và những thước phim

[Review phim] “Ngũ Phúc Lâm Môn”: Vượt trăm ải khó để đổi lấy một tấm chân tình

[Review phim] “Đèn Âm Hồn”: Khi chất liệu văn học hòa quyện với kinh dị dân gian


Kịch bản tham vọng nhưng thiếu sự tinh gọn

Mặc dù mang nhiều ý tưởng hay, Nhà Gia Tiên vẫn mắc phải điểm yếu khi ôm đồm quá nhiều yếu tố. Bộ phim vừa muốn khai thác yếu tố kinh dị, vừa muốn tạo nên một câu chuyện tâm lý gia đình sâu sắc, lại không quên cài cắm các cú twist mang hơi hướm trinh thám. Chính sự tham lam này khiến nhịp phim trở nên cồng kềnh, đôi lúc lan man và thiếu sự cô đọng cần thiết.

Thời lượng phim kéo dài 117 phút, nhưng cách triển khai lại chưa thực sự chặt chẽ. Một số tình tiết lặp đi lặp lại, đặc biệt là chuyện tranh chấp nhà cửa và tư tưởng trọng nam khinh nữ, khiến mạch phim đôi lúc kéo dài lê thê. Việc cố gắng đan cài quá nhiều thông điệp cũng vô tình khiến câu chuyện mất đi trọng tâm, làm giảm sức nặng của từng chi tiết quan trọng.

Dù mang đến nhiều thông điệp sâu sắc, Nhà Gia Tiên vẫn chưa thể hoàn toàn thoát khỏi phong cách của một web-drama. Cách kể chuyện còn phụ thuộc vào lời thoại nhiều hơn hình ảnh, khiến một số tình tiết trở nên thiếu tự nhiên. Những cú twist liên tục xuất hiện để giữ chân khán giả, nhưng đôi lúc lại làm mất đi sự mượt mà của nhịp phim, khiến cảm xúc chưa kịp lắng đọng đã vội bị cuốn đi.

phân cảnh xúc động trong phim của phương mỹ chi
Phim mắc phải điểm yếu khi ôm đồm quá nhiều yếu tố.

Về mặt diễn xuất, Phương Mỹ Chi trong lần đầu thử sức với điện ảnh đã mang đến một màn thể hiện đầy bất ngờ. Dù không có nhiều kinh nghiệm, cô vẫn tạo được sự đồng cảm với nhân vật Mỹ Tiên – một cô gái trẻ bị áp đặt nhưng dần tìm thấy tiếng nói riêng của mình. Lối diễn của cô không cầu kỳ, nhưng lại vừa đủ để chạm vào cảm xúc người xem.

Huỳnh Lập đảm nhận hai vai trò đạo diễn và nhân vật Gia Minh – một nhân vật có cả nét hài hước lẫn bi thương. Anh duy trì được sự duyên dáng quen thuộc, nhưng đồng thời cũng cho thấy chiều sâu cảm xúc, đặc biệt trong những phân đoạn nội tâm. Các diễn viên phụ như Hạnh Thúy, Huỳnh Đông hay Đào Anh Tuấn góp phần tạo nên sự cân bằng trong diễn xuất, giúp bộ phim duy trì mạch cảm xúc xuyên suốt. Tuy nhiên, một số nhân vật phụ lại chưa có đủ đất diễn để thực sự tỏa sáng, khiến mối liên kết giữa các nhân vật chưa được khai thác hết tiềm năng.

Phương Mỹ Chi thể hiện tốt vai mỹ tiên trong nhà gia tiên
Phương Mỹ Chi có màn chào sân đầy bất ngờ trong lần đầu thử sức với điện ảnh.

Tựu trung, Nhà Gia Tiên là một bộ phim đáng xem, đặc biệt với những ai yêu thích thể loại tâm linh và văn hóa truyền thống. Phim mang đến một câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình, phản ánh những mâu thuẫn thế hệ một cách tinh tế và tôn vinh những giá trị văn hóa Việt. Dù không tránh được những hạn chế nhất định về kịch bản nhưng với sự đầu tư kỹ lưỡng về mặt hình ảnh, âm nhạc và một câu chuyện chứa đựng nhiều thông điệp, Nhà Gia Tiên vẫn là một dấu ấn đáng nhớ trong hành trình sáng tạo của Huỳnh Lập.

Nhóm thực hiện

Bài: Hoàng Thúy Vân

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)