Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

5 dấu hiệu cho thấy bạn đang tiêu thụ nhiều đường hơn cần thiết

Việc tiêu thụ quá nhiều đường sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. May mắn thay, cơ thể luôn có cách đưa ra dấu hiệu để chúng ta điều chỉnh kịp thời.

Bạn có đang dùng quá nhiều đường? Câu trả lời có lẽ là “có”. Cho dù bạn rất nghiêm ngặt trong việc kiểm soát liều lượng của loại gia vị này trong chế độ ăn, nhưng trên thực tế, khả năng cao rằng bạn đang tiêu thụ lượng nhiều hơn cần thiết. Nhiều thực phẩm chế biến sẵn trông có vẻ vô hại như bánh mì lát, gia vị, nước sốt, hay các loại đồ ăn và thức uống đóng gói khác lại chứa lượng chất tạo ngọt vượt mức cho phép. Khi bạn nạp nhiều loại đồ ngọt hơn ngưỡng khuyến nghị, cơ thể sẽ gửi một vài tín hiệu cho biết đã đến lúc cần kiêng khem trong chế độ ăn. Qua bài viết này, cùng ELLE tìm hiểu 5 dấu hiệu của cơ thể cho thấy bạn đang tiêu thụ quá nhiều đường.

Bao nhiêu đường là đủ?

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng đường nạp vào cơ thể không nên vượt quá 10% tổng calories từ các bữa ăn hằng ngày. Bên cạnh đó, bác sĩ Serena Missori – chuyên gia phẫu thuật y khoa, nội tiết và tiểu đường, đồng thời là tác giả của cuốn The Blood Sugar and Insulin Diet With the Missori-Gelli Method (tạm dịch: Chế độ ăn kiểm soát đường huyết theo phương pháp Missori-Gelli)  – cho biết: “Việc tiêu thụ quá nhiều loại carb này, cả đường tinh luyện hay các chất làm ngọt khác, đều sẽ làm tăng khả năng mắc các bệnh nghiêm trọng”. Nếu thêm gia vị này vào thức ăn hoặc đồ uống, bạn không nên sử dụng quá hai muỗng cà phê mỗi ngày. 

Những dấu hiệu của việc dung nạp quá nhiều đường

Cơn thèm đồ ngọt dữ dội 

Khi bạn tiêu thụ quá nhiều chất đường, sẽ dẫn đến một tình trạng mang tên “thèm tinh bột”. Khi ấy, bạn sẽ càng muốn ăn thêm những đồ ăn ngọt và nhiều tinh bột. Bác sĩ Missori giải thích, điều này xảy ra khi loại carb được hấp thụ qua insulin, và mức đường huyết giảm đột ngột, gây hạ đường huyết. Kết quả là cơ thể lại tìm kiếm lượng đường khác để bù đắp cho sự sụt giảm này.

Hình ảnh các loại bánh ngọt nhiều đường.
Thèm ngọt là một dấu hiệu của việc ăn đường quá độ. Ảnh: Unsplash.

Tăng cân

Insulin có thể làm tăng cân. Vì vậy, nếu quá nhiều insulin được sản sinh do tiêu thụ đường, tình trạng kháng insulin sẽ xảy ra. Điều này có thể tạo điều kiện, và thậm chí, đẩy nhanh quá trình tăng cân. Bác sĩ Missori chia sẻ: “Sự mất cân bằng này sẽ dẫn đến tụt năng lượng bất chợt. Lượng đường trong máu cao có thể làm tổn thương các protein trong cơ thể thông qua một quá trình gọi là glycosylation (đường hóa), làm giảm chức năng của các cơ quan và ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của chúng”.

Hình ảnh tăng cân do thừa đường.
Tiêu thụ nhiều đồ ngọt hơn mức khuyến nghị sẽ gây tăng cân. Ảnh: Unsplash.

Làn da bị lão hóa nhanh chóng do thừa đường

Tiêu thụ quá nhiều loại gia vị ngọt này cũng gây hại cho làn da của bạn. Bác sĩ Missori cho rằng lượng glucose vượt ngưỡng sẽ dẫn đến quá trình đường hóa, từ đó tạo ra các hợp chất gọi là AGEs (advanced glycation end products – sản phẩm đường hóa bậc cao). Những hợp chất này gây viêm tế bào và phá hoại hai loại protein thiết yếu giúp làn da săn chắc là elastin và collagen. Bác sĩ giải thích thêm: “Không dừng lại ở đó, ăn nhiều thức ăn ngọt làm da lão hóa, thúc đẩy quá trình oxy hóa và làm giảm độ độ đàn hồi của da. Lượng insulin cao có thể tạo ra các vết thâm sạm và nếp nhăn”

Mệt mỏi và tâm trạng thất thường do thừa đường trong cơ thể

Nếu lượng đường nạp vào cơ thể ít hơn mức khuyến nghị, bạn sẽ không đủ năng lượng cho các hoạt động hằng ngày. Ngược lại, loại carb này khi dư thừa sẽ khiến insulin hoạt động bất ổn, kết quả là, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và thay đổi tâm trạng thất thường, kèm theo trạng thái uể oải và kiệt sức.

“Đường là nguồn nhiên liệu chính của tế bào, vậy nên một lượng vừa đủ sẽ giúp duy trì mức năng lượng tốt” – bác sĩ Missori.

Hình ảnh mệt mỏi do ăn nhiều đường.
Tâm trạng thất thường có thể bắt nguồn từ việc thừa đường. Ảnh: Unsplash.

Hệ tiêu hóa khó chịu

Tiêu thụ quá nhiều đường dẫn đến sự mất cân bằng của hệ tiêu hóa. Điều này theo thời gian sẽ làm thay đổi hệ vi sinh của ruột, dẫn đến chứng loạn khuẩn, chính là tình trạng vi khuẩn có hại lấn át vi khuẩn có lợi. Một số triệu chứng phổ biến của loạn khuẩn bao gồm đầy hơi, tiêu chảy, táo bón, chướng bụng và cảm giác nặng nề sau mỗi bữa ăn. Bác sĩ Missori cho biết: “Ngoài việc làm giảm khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu của ruột, ăn đường nhiều hơn mức cho phép còn làm suy yếu hệ miễn dịch, từ đó khiến sức khỏe tổng quát suy giảm”.

Nhóm thực hiện

Bài: Bảo Uyên

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)